Dự báo Trung Quốc trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2023

30/01/2022 07:05 GMT+7
Nhóm chuyên gia kinh tế nổi tiếng của Trung Quốc cho biết nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này có thời cơ thuận lợi để đạt tốc độ tăng trưởng trên 5% năm 2022 và đang trên con đường trở thành quốc gia có thu nhập cao chậm nhất là vào cuối năm 2023.
Dự báo Trung Quốc trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2023 - Ảnh 1.

Công nhân làm việc tại một xưởng sản xuất vật liệu nhựa ở Giang Tô, Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Những bình luận trên đã phát đi tín hiệu tích cực nhằm chào đón năm mới 2022, đồng thời xóa tan mọi hoài nghi về triển vọng của nền kinh tế Trung Quốc.

Theo báo Global Times, chủ nghĩa hoài nghi đã gia tăng trong những ngày gần đây sau khi Bắc Kinh công bố mức tăng trưởng GDP chỉ đạt 4% vào qúy 4/2021. Điều này đã khiến một số tổ chức quốc tế, trong đó có Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cắt giảm dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc năm 2022. Một số nhà kinh tế lấy dẫn chứng về sự hạn chế của Trung Quốc trong lĩnh vực bất động sản và tiêu dùng, trong khi một số chính trị gia phương Tây chỉ trích chiến lược “không COVID-19” của Trung Quốc.

Các chuyên gia kinh tế nổi tiếng của Trung Quốc đưa ra những nhận định trên sau khi nước này tiến hành các đợt cắt giảm lãi suất quan trọng trong những tuần gần đây để thúc đẩy nền kinh tế; đồng thời, nhằm xoa dịu thị trường trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sắp sửa tung ra các đợt tăng lãi suất cơ bản dẫn đến sự thắt chặt chính sách tiền tệ toàn cầu.

Giới phân tích cho rằng tình hình ở Trung Quốc trái ngược hoàn toàn với các nơi khác trên thế giới. Sự đa dạng về các công cụ chính sách và cam kết duy trì ổn định của Trung Quốc sẽ tiếp tục biến nước này thành thiên đường đầu tư cũng như đầu tàu cho tăng trưởng toàn cầu trong những năm tới.

Justin Lin Yifu, cựu chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới và là thành viên của Ủy ban Thường vụ Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (CPPCC), cho biết ông tin tưởng rằng nền kinh tế Trung Quốc sẽ có thể tăng trưởng khoảng 6% vào năm 2022 và nước này sẽ tiếp tục là động lực thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu trong những thập kỷ tới.

Ông Lin đã đưa ra nhận xét tại một sự kiện do Hiệp hội Ngoại giao Công chúng Trung Quốc tổ chức hôm 27/1 với chủ đề "Tình hình hiện tại và tương lai của nền kinh tế Trung Quốc”.

Ông Lin dự đoán rằng dân số 1,4 tỷ người của Trung Quốc sẽ bước sang ngưỡng trở thành quốc gia có thu nhập cao trong năm nay hoặc năm sau, đây là một thành tựu mang tính bước ngoặt trong lịch sử nhân loại. Ông nói: “Chỉ có hai nền kinh tế đã đạt được thành công trong các bước tiến từ thu nhập thấp đến thu nhập cao kể từ sau Thế chiến thứ hai là đảo Đài Loan và Hàn Quốc. Trung Quốc đại lục có thể là nền kinh tế thứ ba”. Ông lưu ý rằng điều này có nghĩa là vào thời điểm đó, khoảng 34% dân số thế giới sẽ sống ở các nước có thu nhập cao, cao hơn gấp đôi so với mức hiện tại là khoảng 16%.

Theo Cục Thống kê Quốc gia (NBS), vào năm 2021, GDP bình quân đầu người của Trung Quốc là khoảng 12.551 USD, gần bằng mức "quốc gia có thu nhập cao" theo định nghĩa của Ngân hàng Thế giới (WB) và vượt qua GDP bình quân đầu người toàn cầu là 12.100 USD.

"Điều này có ý nghĩa biểu tượng vì đối với một quốc gia đang phát triển, việc trở thành một quốc gia có thu nhập trung bình là điều tương đối dễ dàng. Nhưng việc xây dựng và chuyển đổi sang một nền kinh tế có thu nhập cao là khá khó khăn vì hầu hết họ đều sa lầy vào bẫy thu nhập trung bình”, Phó Giám đốc Ủy ban Vấn đề Kinh tế của Ủy ban Quốc gia CPPCC Liu Shijin phát biểu tại diễn đàn.

Ông Liu dự đoán rằng Trung Quốc "có khả năng cao" sẽ đạt được tốc độ tăng trưởng trên 5% trong năm nay và việc tăng trưởng nhanh có thể bắt đầu từ nửa cuối năm. Trung Quốc thường công bố mục tiêu GDP hàng năm của mình trong phiên họp được tổ chức vào tháng 3.

Dự báo Trung Quốc trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2023 - Ảnh 2.

Các nhà kinh tế hàng đầu chia sẻ quan điểm về triển vọng của Trung Quốc tại hội nghị ngày 21/1. Ảnh: Global Times

Dự báo của hai nhà kinh tế có tầm ảnh hưởng được đưa ra sau khi một số tổ chức quốc tế và ngân hàng đầu tư hạ mức tăng trưởng GDP của Trung Quốc.

IMF hôm 26/1 đã cắt giảm dự báo mức tăng trưởng của Trung Quốc 0,8% xuống còn 4,8% vào năm 2022, sau khi nước này đạt mức tăng trưởng xuất sắc 8,1% vào năm 2021, mức tăng nhanh nhất trong một thập kỷ. Vào ngày 11/1, WB cũng hạ ước tính tăng trưởng GDP của Trung Quốc xuống 5,1% vào năm 2022, từ 5,4% vào năm 2021.

Nhấn mạnh rủi ro gia tăng của việc lan truyền biến thể Omicron, các tổ chức quốc tế cũng như truyền thông phương Tây, đã trích dẫn một loạt các yếu tố tiêu cực đối với nền kinh tế Trung Quốc, điển hình như áp lực tài chính với ngành bất động sản, tiêu dùng cá nhân cắt giảm và sự gián đoạn do đại dịch gây ra liên quan đến chính sách "không COVID-19" của Trung Quốc.

Trong bối cảnh khó khăn tăng gấp ba lần do cú sốc đứt gãy chuỗi cung ứng, kỳ vọng suy yếu và nhu cầu tiêu dùng giảm, các nhà kinh tế nói với Thời báo Hoàn cầu rằng một số lo ngại là "chính đáng". Tuy nhiên, những lo ngại này không phản ánh bức tranh toàn cảnh về tiềm năng tăng trưởng cơ cấu của Trung Quốc và sự sẵn sàng của chính phủ Trung Quốc trong việc kích thích nền kinh tế.

"Mọi người đều lo ngại về bất động sản, điều này làm gia tăng áp lực lên tăng trưởng nửa cuối năm 2021 của Trung Quốc. Nhưng động lực từ đầu tư bất động sản đã đạt đỉnh và lĩnh vực này đã hoàn thành định mức. Vì vậy, một trong những ưu tiên của chính phủ trong nửa đầu năm 2022 là ổn định đầu tư cơ sở hạ tầng”, chuyên gia Liu nói với Thời báo Hoàn cầu hôm thứ 27/1, lưu ý rằng các nhà chức trách sẽ hướng tới một chính sách tài khóa chủ động hơn.

Ông cũng chỉ trích việc truyền thông phương Tây thổi phồng mặt tiêu cực chính sách “không COVID-19” của Trung Quốc.

"Chính sách của Trung Quốc là một quyết định được đưa ra phù hợp với thực tế của đất nước. Đây là quyết định hiệu quả nhất về chi phí, được chứng minh bằng tốc độ tăng trưởng GDP 8,1% năm ngoái bao gồm chi phí của các nỗ lực chống dịch. Nếu chúng ta từ bỏ chính sách chống dịch trên, tác động đến sản xuất và việc làm là không thể đo lường được và số ca nhiễm bệnh có thể làm quá tải các bệnh viện của Trung Quốc”, ông Liu nói.

Chuyên gia Lin ước tính rằng từ năm 2019 đến năm 2035, Trung Quốc vẫn có tiềm năng tăng trưởng 8% mỗi năm. Ông Lin cho biết: “Chúng tôi có mức tiết kiệm cao nhất trên thế giới và tỷ lệ thâm hụt ngân sách tính theo phần trăm GDP là thấp nhất… Chúng tôi có nguồn lực để đầu tư và Trung Quốc có thể duy trì mức tăng trưởng đầu tư cao”.

Việc nới lỏng tiền tệ và tài khóa của Trung Quốc đang được tiến hành. Tại cuộc họp với đại diện các chuyên gia nước ngoài vào chiều 26/1, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tuyên bố sẽ mở rộng quy mô điều chỉnh các chính sách vĩ mô xuyên chu kỳ, tăng cường điều phối có mục tiêu và thực hiện các biện pháp hiệu quả để đối phó với khó khăn và ổn định kỳ vọng thị trường, Tân Hoa xã đưa tin vào ngày 27/1.

Những cam kết của Thủ tướng Lý Khắc Cường được đưa ra sau khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) lần đầu tiên trong gần 2 năm hạ lãi suất cơ bản 0,1% vào ngày 20/1. Khi thực hiện động thái hiếm hoi trên, PBOC cũng cam kết mở rộng công cụ chính sách tiền tệ hơn để duy trì sự ổn định của tổng tín dụng.

"Trung Quốc không chịu bất kỳ đòn giáng nào và quốc gia này là một trong số ít nền kinh tế trên thế giới không bị ảnh hưởng bởi lạm phát cao và có nhiều cơ hội thực thi các chính sách để củng cố nền kinh tế của mình", Tian Yun, cựu Phó Giám đốc Hiệp hội Điều hành Kinh tế Bắc Kinh nói với Global Times hôm 27/1. Ông chia sẻ: "Chúng tôi kỳ vọng nhiều chính sách hỗ trợ tăng trưởng sẽ được thực hiện và thậm chí là sự điều chỉnh nhẹ đối với tỷ giá hối đoái của đồng Nhân dân tệ”.

Mặt khác, thế giới phương Tây do Mỹ dẫn đầu đang bị cản trở bởi áp lực kiềm chế lạm phát và đã cạn kiệt công cụ chính sách để duy trì tăng trưởng. FED hôm 26/1 cho biết một đợt tăng lãi suất sẽ sớm diễn ra, trong khi các nhà phân tích dự báo việc tăng lãi suất có thể được thông qua vào tháng 3/2022.

Theo Hoàng Trang
Cùng chuyên mục