Dược Cửu Long (DCL) nói gì về việc Cựu Thứ trưởng Bộ Y tế bị bắt vì liên quan đến công ty?
Trước đó Etime đã thông tin, ngày 11/3, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã khởi tố ông Cao Minh Quang (66 tuổi) cùng ông Dương Huy Liệu (74 tuổi, cựu Vụ trưởng Kế hoạch tài chính, Bộ Y tế) để điều tra về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, theo điều 360 Bộ luật Hình sự.
Căn cứ vào tài liệu điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định một số người liên quan tại Bộ Y tế đã có hành vi không thực hiện đầy đủ trách nhiệm được giao trong việc ký kết, thực hiện hợp đồng đặt hàng sản xuất thuốc Oseltamivir với Công ty CP Dược phẩm Cửu Long (Dược Cửu Long, HoSE: DCL) không kiểm tra làm rõ việc Công ty này chưa trả nhà cung cấp nguyên liệu số tiền 3,848 triệu USD được giảm giá mua nguyên liệu để thu hồi về Bộ Y tế, gây thiệt hại tài sản Nhà nước.
Đây là diễn biến mới nhất trong quá trình Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an điều tra mở rộng làm rõ sai phạm, trách nhiệm của những người liên quan trong vụ án vi phạm quy định của Nhà nước về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại Công ty CP Dược phẩm Cửu Long và các đơn vị có liên quan.
Liên quan đến vấn đề này, đại diện Dược Cửu Long khẳng định, vụ án được xác định xảy ra vào năm 2005 – 2007, trước khi Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) chào bán cổ phiếu DCL trên sàn giao dịch chứng khoán. Tại thời điểm diễn ra sự việc này thì CTCP Tập đoàn F.I.T (FIT) vẫn chưa là công ty mẹ của DCL và không sở hữu bất kỳ cổ phần nào tại Dược Cửu Long.
Liên quan đến các vấn đề về khoản tiền 3,848 triệu USD, hiện tại cơ quan chức năng vẫn đang thực hiện điều tra. Tuy nhiên, dữ liệu tài chính của Dược Cửu Long đã thể hiện rõ, khoản tiền này không liên quan đến hiện trạng tài chính của Dược Cửu Long các giai đoạn sau này.
Cuối năm 2008, khi cổ phiếu DCL niêm yết chinh thức trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM, quỹ lợi nhuận sau thuế của Công ty nhỏ hơn mức lợi nhuận sau thuế phát sinh năm 2008 (giai đoạn sau khi xảy ra sự kiện pháp lý nêu trên), các khoản này đã được phân phối từ trước khi cổ đông Nhà nước SCIC hoàn tất thoái vốn tại Công ty.
Hiện tại, hoạt động kinh doanh của Công ty vẫn đang diễn ra đúng kế hoạch kinh doanh mà Đại hội cổ đông, Hội đồng quản trị và Ban Tổng giám đốc đã đề ra. Năm 2021, Dược Cửu Long đạt doanh thu là 715 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế gần 88 tỷ đồng.
Hiện tại, ngoài mảng dược phẩm, Công ty còn đang sở hữu 4 nhà máy sản xuất viên nang rỗ với công suất lên tới 8 tỷ nang/năm. Thời gian tới, doanh thu, lợi nhuận của Dược Cửu Long sẽ cải thiện hơn khi đưa ra thị trường một số dòng sản phẩm mới; Nhà máy vật tư y tế mà Công ty đang đầu tư sẽ đi vào hoạt động.