Đường sắt lép vế trước sự cạnh tranh của hàng không giá rẻ

07/01/2020 06:00 GMT+7
2019 tiếp tục là một năm đầy chông gai với Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) khi những số liệu không mấy khả quan được công bố cho thấy ngành đang không thể đạt được những kì vọng đặt ra và chạy đua trong thị trường giao thông vận tải.

Đường sắt chưa đạt như kỳ vọng

Nhìn lại 1 năm qua, Chủ tịch Hội đồng thành viên VNR Vũ Anh Minh cho biết, năm 2019 là 1 trong 3 giai đoạn khó khăn nhất lịch sử ngành đường sắt (trước đó là năm 1979 và 1984). Khi đường sắt chưa đạt kế hoạch và không như kỳ vọng.

Lý giải cho sự yếu kém và lạc hậu, theo Bộ GTVT, những năm gần đây do nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước cho lĩnh vực đường sắt còn nhiều hạn chế, chủ yếu tập trung thực hiện một số dự án để đảm bảo an toàn giao thông.

Trong khi đó khả năng thu hút đầu tư thông qua hình thức xã hội hóa để phát triển đường sắt chưa được các nhà đầu tư quan tâm do lợi thế thương mại thấp.

Đường sắt thua kém hàng không giá rẻ, “khó vì thiếu vốn”? - Ảnh 1.

Doanh thu từ ngành đường sắt sụt giảm liên tục

Đồng thời, nguồn vốn duy tu, bảo dưỡng hàng năm để thực hiện công tác bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt hiện có cũng không đáp ứng được so với nhu cầu thực tế (chỉ đáp ứng được khoảng 50% so với nhu cầu) nên kết cấu hạ tầng đường sắt Việt Nam đang trong tình trạng yếu kém, lạc hậu.

Về kết quả sản xuất kinh doanh, năm 2019, sản lượng vận tải đạt hơn 8.400 tỷ đồng. Tổng doanh thu hơn 8.190 tỷ đồng, bằng năm trước, nhưng thấp gần 3% so với kế hoạch năm. Thu nhập bình quân của người lao động đạt hơn 9,1 triệu đồng/người.

Trong đó doanh thu công ty mẹ đạt hơn 2.388 tỷ đồng, giảm 7% so với cùng kỳ và thấp hơn 3% so với kế hoạch. Lợi nhuận sau thuế chỉ đạt gần 14 tỷ đồng (bằng 14% so với năm trước).

Khối vận tải đạt tổng doanh thu hơn 4.200 tỷ đồng, giảm 2% so với cùng kỳ và thấp hơn 8% so với kế hoạch năm.

Không chạy theo kịp hàng không giá rẻ

So sánh với các loại hình vận tải khác, ông Minh cho hay: "Khó khăn của đường sắt nằm ở thay đổi tư duy, con người, vì con người làm ra cơ chế. Theo luật, đường sắt được xác định là phương thức vận tải chủ đạo, nhưng chưa nhận được sự quan tâm, đầu tư đúng mức như vậy", ông Minh nói, và hy vọng được nhìn nhận đúng vai trò để tiến tới thay đổi tư duy, cách nhìn của các bộ ngành, địa phương và toàn xã hội.

Đường sắt thua kém hàng không giá rẻ, “khó vì thiếu vốn”? - Ảnh 2.

Đường sắt dường như hoàn toàn lép vế trước hàng không giá rẻ

Theo VNR, năm 2019, đường sắt chịu áp lực cạnh tranh ngày càng tăng từ hàng không giá rẻ và đường bộ cao tốc về vận tải hành khách, khi các hãng hàng không liên tục ra đời và mở các đường bay ngắn và trung bình, vốn là lợi thế của đường sắt. Về vận tải hàng hoá, đường sắt chịu áp lực cạnh tranh với đường biển và đường bộ. Dẫn tới thị phần vận tải đường sắt liên tục giảm.

Thêm vào đó, kết cấu hạ tầng đường sắt Việt Nam đang trong tình trạng yếu kém, lạc hậu, chất lượng dịch vụ thấp, không đáp ứng được những nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Nhiều khách hàng cho rằng, cách quản lý của ngành còn nhiều bất cập. 

Ví dụ như chuyến tàu tối Hà Nội đi Lào Cai, vé còn nhiều nhưng nhân viên không bán, khách hỏi toàn nói hết vé. Khách ra mua vé ngoài thì bao nhiêu cũng có. Tình trạng này có ở tất cả các tuyến đường sắt. Họ chấp nhận đi ô tô giường nằm chất lượng cao cho những chuyến đi đường dài để hưởng sự thoải mái, hay thêm ít chi phí để đi máy bay giá rẻ còn hơn là chịu tiếng ồn, thái độ nhân viên đường sắt. Bản thân ngành phải tự nhìn lại mình chứ không thể đổ lỗi cho ngành khác được, đó là quy luật của thị trường. 


Mai Trang
Cùng chuyên mục