FiinGroup: Thị trường chứng khoán chưa ở mức định giá quá phi lý như cách đây 15 năm

11/06/2021 09:18 GMT+7
FiinGroup cho rằng mức định giá P/E chưa ở mức quá cao trong bối cảnh tiền rẻ và dư thừa cung tiền, nhu cầu đầu tư tăng cao của người dân như cứu cánh làm giàu.

Ngày 10/6, FiinGroup đã công bố FiinPro Digest #8 tập trung vào phân tích dữ liệu tài chính để đưa ra các nhận định và phát hiện với bằng chứng dữ liệu cụ thể về các vấn đề liên quan đến tài chính và chứng khoán.

Thị trường chứng khoán đã thực sự sôi động trong hai tháng gần đây. VN-Index đã lần lượt vượt các ngưỡng cả về kỹ thuật và tâm lý ở mức 1.100 và gần đây nhất là 1.350 sau khi chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ của dòng tiền mới nhất là từ nhà đầu tư cá nhân trong nước trước bối cảnh khối ngoại vẫn bán ròng mạnh mẽ và lãnh đạo doanh nghiệp cũng đẩy mạnh bán ròng cổ phiếu của họ cũng như thông qua việc dự kiến phát hành cổ phiếu nhằm huy động vốn trong bối cảnh sôi động của thị trường chứng khoán hiện nay.

Chứng khoán Việt Nam đắt hay rẻ?

Theo FiinGroup, P/E hiện ở mức 18,6x và P/E tương lai (forward) ở mức 17,8x dựa trên dự báo tăng trưởng lợi nhuận sau thuế 20,7% của khối Doanh nghiệp phi tài chính và 23,8% của các ngân hàng cho năm 2021 và mức 33,4% nói chung cho cả năm 2022.

Mặc dù đã tăng mạnh gần đây, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn có mức định giá rất hấp dẫn về trung hạn trong mối tương quan với triển vọng lợi nhuận 2021 và 2022. Nhìn rộng hơn, FiinGroup cho rằng mức định giá P/E chưa ở mức quá cao trong bối cảnh tiền rẻ và dư thừa cung tiền, nhu cầu đầu tư tăng cao của người dân như cứu cánh làm giàu.

Chứng khoán Việt Nam hiện đắt hay rẻ? - Ảnh 1.

Nhiều ý kiến cho rằng thị trường đang ở giai đoạn bùng nổ giai đoạn đầu 2007 và sau đó bước vào giai đoạn khủng hoảng và thoái trào sau đó đến tận 2015. Tuy nhiên, theo rà soát và các chỉ số định giá cũng như bối cảnh thị trường thì chưa cho thấy điều đó ngoại trừ các yếu tố “bùng nổ” về sự tham gia của nhà đầu tư cá nhân và dòng tiền mới.

FiinGroup cho biết, mức định giá hiện nay của VN-Index không chỉ được hỗ trợ bởi mức định giá trên cơ sở tương quan triển vọng tăng trưởng cao về lợi nhuận mà còn về quy mô và độ sâu của thị trường mà còn thấp hơn rất nhiều so với giai đoạn 2007 khi mà ở thời điểm đó P/E ở mức 31,4x và P/B lên tới 8,9x tại thời điểm cuối Q1- 2007. 

Chứng khoán Việt Nam hiện đắt hay rẻ? - Ảnh 2.

Riêng cổ phiếu ngân hàng lúc đó với 2 ngân hàng niêm yết, có định giá P/E chỉ ở mức 21x nhưng P/B lên tới 9,6x trong khi hiện nay 27 ngân hàng niêm yết tại thời điểm hiện tại có P/E chỉ 15,5x và P/B ở mức 2,6x.

"So sánh này có phần khập khiễng nhưng chúng tôi muốn chỉ ra rằng thị trường chưa ở mức định giá quá phi lý như cách đây 15 năm", bản phân tích FiinPro Digest nêu rõ.

Ngành nào còn dư địa về tiềm năng định giá?

Bên cạnh đó, FiinGroup cũng nhận đinh, mặc dù VN-Index đã tăng mạnh trong một tháng qua, tuy nhiên có một số ngành còn dư địa tăng giá nếu dựa trên tiềm năng định giá bao gồm Bảo hiểm, Bất động sản và Bán lẻ.

Trong đó, Cổ phiếu ngành Bảo hiểm đã giảm 3,0% kể từ đầu năm nay và chỉ tăng 27,2% trong vòng 1 năm qua cho dù đây là ngành có lợi nhuận năm 2020 tăng trưởng tốt (+25%) bất chấp ảnh hưởng của dịch Covid-19. Định giá P/B của ngành đang ở mức 1,5x, tương đương với P/B forward 2021 nhưng thấp hơn so với mức trung bình 3 năm (2,2x).

Chứng khoán Việt Nam hiện đắt hay rẻ? - Ảnh 3.

Tương tự, Bất động sản dân cư được dự báo tiếp tục tăng trưởng ấn tượng năm 2021 và 2022. Cổ phiếu BĐS đã tăng 26,6% kể từ đầu năm, nhưng định giá chung của ngành BĐS vẫn khá hấp dẫn. Hệ số định giá P/E của ngành năm 2021 được dự báo ở mức 20,4x, thấp hơn so với mức trung bình 3 năm (24,8x) và mức định giá hiện tại (22,2x). Hiện P/B ngành đang ở mức 3,2x, thấp hơn so với mức trung bình 3 năm (5,7x).

Giá cổ phiếu Bán lẻ đã tăng 22,8% từ đầu năm 2021. Năm 2021, dự kiến doanh thu tăng trưởng 16,1% và LNST tăng 32,2%. Cổ phiếu ngành Bán lẻ hiện có định giá P/E ở mức 17,9x, vẫn hấp dẫn nếu so với triển vọng tăng trưởng lợi nhuận 2021 dù đã cao hơn so với mức trung bình 3 năm.

Trong khi đó, một số ngành đã được định giá quá cao so với triển vọng lợi nhuận tương lai và cả bình quân mặt bằng định giá ba năm qua như Công nghệ Thông tin, Dầu khí, Hóa chất, Hàng & Dịch vụ Công nghiệp và Du lịch & Giải trí.



Q.D
Cùng chuyên mục