Gạo Việt "đánh bại" gạo Thái, tạo vị thế vững chắc tại thị trường Philippines

06/10/2022 15:14 GMT+7
Trước đây, Việt Nam cạnh tranh cùng với Thái Lan trở thành hai đối tác xuất khẩu gạo lớn cho Philippines. Nhưng kể từ năm 2019, sau khi Philippines thực hiện chính sách mở cửa, tự do hóa xuất nhập khẩu và thương mại gạo thì Việt Nam trở thành nhà cung ứng quan trọng, chiếm vị thế số 1 xuất khẩu gạo vào Philippines.

Gạo là mặt hàng xuất khẩu chủ lực tạo vị thế vững chắc của Việt Nam tại thị trường Philippines

Philippines là một trong số các quốc gia Asean có quy mô dân số lớn, tính đến tháng 8/2022 đạt khoảng trên 112 triệu người, đứng thứ 13 trên thế giới, thứ 7 châu Á và thứ hai trong Asean. Năm 2021, theo số liệu của WorldBank, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Philippines đạt 394 tỷ USD. Năm 2020, GDP bình quân đầu người của Philippines đạt trên 3.500 USD. Mức tăng trưởng GDP của Philippines tính đến quý II/2022 đạt mức 7,4% và mức tăng trưởng GNI đạt 9,3%. Chỉ trong tháng 7/2022, xuất khẩu của Philippines đạt 6,21 tỷ peso, nhập khẩu là 12,14 tỷ peso, mức thâm hụt thương mại là 5,93 tỷ peso. Điều này cho thấy Philippines là nước phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu.

Xã hội có sự phân hóa nên Philippines là thị trường mà người tiêu dùng có sự phân hóa với nhu cầu tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ rất đa dạng (về các loại sản phẩm, mẫu mã, chất lượng…) không đòi hỏi quá cao hay quá khắt khe trong tiêu thụ các loại sản phẩm hàng hóa, dịch vụ. Dòng tiền do người dân Philippines đi lao động ở nước ngoài gửi về hàng năm lớn, người dân có xu hướng chi tiêu hơn là tiết kiệm. Mặc dù người theo Đạo thiên chúa giáo chiếm số đông nhưng tập quán, thị hiếu tiêu dùng tại Philippines có nhiều nét tương đồng với Việt Nam (đặc biệt sử dụng gạo, các loại thực phẩm, hoa quả tươi sống trong đời sống sinh hoạt hàng ngày). 

Sản xuất các sản phẩm hàng hóa, kể từ các sản phẩm trong nông nghiệp cho đến các sản phẩm công cụ, máy móc, điện máy, vật liệu xây dựng, sản phẩm công nghệ cao…còn hạn chế. Đặc biệt, trong điều kiện nhu cầu tiêu thụ trong nước lớn nên tạo nên áp lực mở cửa thị trường cho các loại hàng hóa nhập khẩu, đặc biệt là thị trường các sản phẩm lương thực (bảo đảm an ninh lương thực trong nước). Từ những đặc điểm trên, cùng với nhiều yếu tố khác như khoảng cách địa lý, nét tương đồng về văn hóa tiêu dùng… làm cho Philippines trở thành một thị trường có nhiều tiềm năng cho các sản phẩm hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, cả ở hiện tại và trong tương lai.

Gạo Việt "đánh bại" gạo Thái, tạo vị thế vững chắc tại thị trường Philippines - Ảnh 1.

Hình ảnh cửa hàng gạo tại chợ truyền thống Cartimar, Manila, Philippines. Nguồn: THƯƠNG VỤ VIỆT NAM TẠI PHILIPPINES (VTOPH)

Đối với doanh nghiệp Việt Nam, tham gia vào thị trường Philippines sẽ có nhiều thuận lợi. Trước hết, Philippines là thị trường “dễ tính”, có thể "tiêu hóa" được nhiều loại sản phẩm hàng hóa khác nhau (từ thấp cấp đến cao cấp, chất lượng, mẫu mã). Hai là, tập quán, thị hiếu tiêu dùng tại Philippines có nhiều nét tương đồng với Việt Nam (như sử dụng gạo, các loại thực phẩm, hoa quả tươi sống trong đời sống sinh hoạt hàng ngày) nên các sản phẩm của Việt Nam dễ được chấp nhận. Ngoài ra, thông tin thị trường minh bạch, tiếng Anh được sử dụng rộng rãi, dân số nói tiếng Anh lớn nên thuận tiện cho giao thương.

Mặc dù trong thời gian qua hoạt động giao thương giữa Việt Nam và Philippines gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh covid-19 nhưng kim ngạch xuất nhập khẩu vẫn luôn tăng trưởng tốt. Trong 08 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Philippine đạt gần 5,4 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt gần 3,6 tỷ USD, tăng 24,3% so với cùng kỳ năm 2021, kim ngạch nhập khẩu đạt trên 1,8 tỷ USD, tăng 31,2% so với cùng kỳ năm 2021. 

Danh mục các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Philippines khá đa dạng, khoảng 35 mặt hàng/ngành hàng như thủy sản, nông nghiệp, may mặc, thức ăn chăn nuôi, phân bón, sản phẩm công nghiệp chế tạo, xây dựng, xi măng, sắt thép, máy móc, dụng cụ, đồ điện tử… Tuy nhiên, các mặt hàng nông sản, trong đó có gạo mới là thế mạnh của Việt Nam tại thị trường Philippines, luôn chiếm tỉ trọng lớn trong cơ cấu xuất khẩu.

Gạo là mặt hàng xuất khẩu chủ lực tạo vị thế vững chắc của Việt Nam tại thị trường Philippines. Trước đây, Việt Nam cạnh tranh cùng với Thái Lan trở thành hai đối tác xuất khẩu gạo lớn cho Philippines. Nhưng kể từ năm 2019, sau khi Philippines thực hiện chính sách mở cửa, tự do hóa xuất nhập khẩu và thương mại gạo thì Việt Nam trở thành nhà cung ứng quan trọng, chiếm vị thế số 1 xuất khẩu gạo vào Philippines. 

Năm 2020, sản lượng gạo của Việt Nam xuất khẩu sang Philippines đạt trên 2,2 triệu tấn, tăng 19% và kim ngạch xuất khẩu lần đầu tiên vượt mốc 1 tỷ USD. Kết quả xuất khẩu gạo là thành công lớn của Việt Nam nhưng dư địa vẫn còn để Việt Nam tiếp tục khai thác gia tăng kim ngạch xuất khẩu gạo vào Philippines. 

Philippines dự báo nhập khẩu gạo đạt mức kỷ lục, gạo Việt tiếp tục có lợi thế?

Do gạo của Việt Nam phù hợp thị hiếu, có lợi thế cạnh tranh nên trong các năm tiếp theo, Việt Nam được dự báo vẫn sẽ giữ vị trí số 1, là nhà xuất khẩu gạo chủ lực vào thị trường Philippines. Tuy nhiên, với Chính phủ của Tổng thống mới, dự báo sẽ có những điều chỉnh trong chính sách nhập khẩu gạo của Philippines có thể ảnh hưởng tới doanh nghiệp của các nước xuất khẩu gạo vào Philippines trong đó có Việt Nam. 

Theo tin từ Chương trình lúa gạo quốc gia (National Rice Program) thuộc Bộ Nông nghiệp Philippines thì năm nay sản xuất lúa nội địa của Philippines ước đạt 19,5 triệu tấn tương đương khoảng 12.754 tấn gạo cho dù phải đối mặt với nhiều biến động trên thế giới, bao gồm cả việc tăng giá của nhiên liệu và phân bón, bên cạnh tăng giá của nhiều mặt hàng đầu vào khác. Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Philippines về cung ứng và nhu cầu gạo cho năm 2022 cho thấy mức cung hàng năm vào khoảng 17.364 triệu tấn, trong khi mức tiêu thụ hàng năm vào khoảng 15.137 triệu tấn. Khối lượng nhập khẩu ước đạt khoảng 2,75 triệu tấn tính đến quý III/2022.

Gạo Việt "đánh bại" gạo Thái, tạo vị thế vững chắc tại thị trường Philippines - Ảnh 2.

Philippines được dự báo nhập khẩu gạo đạt con số kỷ lục 3,4 triệu tấn trong năm nay. Hiện Philippines đứng đầu về tiêu thụ gạo của Việt Nam, chiếm 47,7% trong tổng lượng và chiếm 45,6% trong tổng kim ngạch gạo xuất khẩu của cả nước.

Thực tiễn hàng năm lượng gạo nhập khẩu của Philippines trong quý IV sẽ giảm do thời gian này trùng vào vụ thu hoạch chính của nông dân Philippines, từ tháng 10 đến tháng 11 hàng năm. Bộ Nông nghiệp Philippines tin tưởng sẽ có đủ lương thực cho các kỳ nghỉ giáng sinh và năm mới sắp tới. 

Đối với giá bán lẻ các loại gạo thương phẩm tại khu vực thành phố Manila, Philippines, Cục Trợ giúp kinh doanh và hỗ trợ sản phẩm nông nghiệp thông báo không có biến động bất thường trong thời gian từ tháng 6 đến tháng 9/2022. Năm 2023, Bộ Nông nghiệp Philippines ước đặt mục tiêu sản lượng sản xuất lúa đạt khoảng 20,24 triệu tấn do vốn ngân sách được cấp cao hơn cho Chương trình thúc đẩy sản xuất lúa gạo cùng với thực hiện Qũy thúc đẩy năng lực cạnh tranh lúa gạo của Philippines. 

Bộ Nông nghiệp Philippines cam kết tiếp tục thực hiện nhiều dự án và dịch vụ hỗ trợ nhằm thúc đẩy sản xuất lúa gạo nội địa đảm bảo an ninh lương thực trong nước. Cơ quan này sẽ đảm bảo cung cấp cho nông dân giống lúa có chất lượng cao, chương trình chiết khấu giá phân bón cho người nông dân, cung cấp phân bón hữu cơ, các loại công cụ máy móc. 

Mới đây, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đã dự báo nhà nhập khẩu gạo lớn thứ 2 thế giới là Philippines có thể nhập thêm 200.000 tấn gạo so với ước tính trước đó. Cụ thể USDA dự báo năm nay Philippines nhập khẩu 3,2 triệu tấn gạo, nhưng dự báo mới nâng lên 3,4 triệu tấn, con số nhập khẩu gạo kỷ lục của nước này. Dự báo năm 2023, nước này cũng nhập khẩu tới 3,3 triệu tấn gạo thay vì 3,1 triệu tấn như dự báo cũ. Năm 2021, Philippines chỉ nhập 2,95 triệu tấn gạo.

8 tháng đầu năm nay, Philippines vẫn đứng đầu về tiêu thụ gạo của Việt Nam, chiếm 47,7% trong tổng lượng và chiếm 45,6% trong tổng kim ngạch gạo xuất khẩu của cả nước, đạt 2,89 triệu tấn, tương đương 1,06 tỷ USD, giá trung bình 464,6 USD/tấn, tăng mạnh 49% về lượng, tăng 33,9% về kim ngạch nhưng giảm 10,2% về giá so với 8 tháng đầu năm 2021.

Với diễn biến mới của thị trường Philippines, các doanh nghiệp cho rằng gạo Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội để tăng cả lượng và giá xuất khẩu trong thời gian tới.

Được biết, Việt Nam đã lập Đoàn Xúc tiến thương mại và thực hiện khảo sát thực tế việc phân phối gạo tại các cửa hàng, chợ đầu mối truyền thống của Philippines.

Qua tìm hiểu và khảo sát cho thấy gạo vẫn được giao dịch theo hình thức bán lẻ tại chợ và có giá dao động từ 40 - 80 peso/kg tuỳ vào từng loại gạo (tương đương 18.000 - 36.000 Việt Nam đồng/kg). Đối với một số loại gạo cao cấp, giá có thể lên tới 110 peso/kg (tương đương 45.000 đồng/kg). Các loại gạo thường là các giống gạo 5451, ĐT8, Jasmine. Tuy nhiên, việc trưng bày các mẫu hàng đều được ghi biển gạo địa phương (rice local) và các bao bì mẫu mã không rõ nguồn gốc của sản phẩm gạo.

Thực tế khảo sát cũng cho thấy hầu hết các sản phẩm gạo là nhập khẩu (không phải sản phẩm gạo nội địa) tuy nhiên đã được đấu trộn nên khó phân biệt được sản phẩm gạo của Việt Nam. Tại các siêu thị và hệ thống phân phối, sản phẩm gạo được đóng bao bì theo nhiều khối lượng khác nhau từ 2kg, 5kg, 10kg, 25 và 50kg. Giá bán tại các siêu thị chênh lệch so với bên ngoài từ 10 - 50 peso/kg (tương đương chênh cao nhất khoảng 23.000 đồng/kg). Tại các bao đóng gói ghi rõ nguồn gốc nhập khẩu tuy nhiên chỉ thể hiện tên nhà nhập khẩu và phân phối tại Philippines. Một số sản phẩm gạo bán trong siêu thị do doanh nghiệp Việt Nam cung ứng và bao bì đóng gói theo yêu cầu đặt hàng từ phía đối tác.

Thực tiễn, việc phân phối, mua bán gạo tại Philippines khá giống Việt Nam, chủ yếu theo 3 kênh/hình thức: Một là, gạo được bày bán không có bao gói, bán theo cân tại các cửa hàng nhỏ lẻ, cửa hàng tạp hóa trên các con phố, góc phố (là hình thức khá phổ biến, với các kiểu cửa hàng đa dạng nằm rải rác trên nhiều con phố). Hai là, gạo được bày bán không có bao gói, bán theo cân tại các khu chợ tập trung lớn (kiểu như các khu chợ tập trung tại Việt Nam). Ba là, bán tại hệ thống các siêu thị lớn.




Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục