"GDP năm 2020 tăng 2-3% đã là vô cùng tích cực"

01/09/2020 07:20 GMT+7
Đó là nhận định của TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2020 trước những ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19.
"GDP năm 2020 tăng 2-3% đã là vô cùng tích cực" - Ảnh 1.

TS. Võ Trí Thành

Làn sóng Covid-19 thứ 2 đang có tác động tiêu cực đến mọi mặt của nền kinh tế. Số liệu từ Tổng cục thống kê cho thấy, GDP quý II chỉ tăng 0,36%, thấp nhất trong 30 năm qua. Sáu tháng đầu năm, tăng trưởng kinh tế chỉ đạt 1,81%.

Bên cạnh đó, dịch bệnh cũng tác động tiêu cực tới thị trường lao động. Tỷ lệ thất nghiệp từ mức 2,2% trong quý I/2020 đã tăng lên mức 2,7% trong quý II, mức cao nhất trong một thập kỷ.

Nhiều chuyên gia đánh giá, từ giờ đến cuối năm, nền kinh tế sẽ tiếp tục "ngấm đòn" từ đại dịch. Số lượng người mất việc làm sẽ tiếp tục tăng mạnh trong những tháng tới.

Theo chuyên gia kinh tế, TS. Võ Trí Thành, tác động của đại dịch Covid-19 như một cơn bão, sức tàn phá mạnh với kinh tế thế giới và Việt Nam.

Cho đến cuối năm 2019, trước Covid-19, nhiều người tin rằng tăng trưởng kinh tế thế giới dù chững lại nhưng vẫn 3%. Tuy nhiên, con số này sau đó giảm dần còn từ 0-1% và đến giờ thực tế đã âm khoảng 5%, nhóm các nền kinh tế phát triển tăng trưởng âm 10%.

"Cách đây vài tháng, Chính phủ Việt Nam còn nói phấn đấu tăng trưởng trên dưới 5%. Cách đây 2 tháng, chúng ta kỳ vọng tăng trưởng khoảng 4%. Và mới nhất ngày 28/8, người ta nói về con số 2-3%. Trong bối cảnh hiện nay, con số này vẫn còn vô cùng tích cực khi so sánh với các nước khác trên thế giới", ông Thành nhận định.

Theo vị chuyên gia này, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam còn tùy thuộc vào diễn biến của dịch bệnh và khả năng khống chế dịch của Chính phủ. Song, khả năng tăng trưởng kinh tế sẽ từ 2-3% là cao nhất. Vừa qua, nền kinh tế dù đã có 2, 3 tháng phục hồi sau khi dịch bệnh được khống chế lần một nhưng tổng lại vẫn còn rất nhiều con số tăng trưởng âm.

Đồng quan điểm về tình hình khó khăn của kinh tế vĩ mô hiện nay, tại Hội thảo “Bất động sản Việt Nam 2020 - 2021: Sẵn sàng chu kỳ mới”, TS. Cấn Văn Lực thiên về tình huống xấu nhất, với dự báo tăng trưởng GDP năm 2020 sẽ chỉ đạt 1,5%-2%.

“Thủ tướng mới đây đã khẳng định Việt Nam phấn đấu năm nay tăng trưởng dương. Song, tôi cho rằng điều này chỉ khả thi trong bối cảnh chúng ta có thể kiểm soát lạm phát tương đối tốt, từ 3,5-3,8%”, ông Lực cho biết.

Tăng trưởng dương là có thể đạt được nếu kiểm soát được dịch

Trong bộn bề khó khăn của dịch bệnh, ông Thành cho rằng, rất may mắn là nền kinh tế Việt Nam vẫn còn những điểm sáng tích cực. Theo đó, hệ thống vĩ mô vẫn ổn định dù Việt Nam phải chấp nhận thâm hụt ngân sách cao hơn, trần nợ công phải tăng hơn.

Mặt khác, Chính phủ vẫn giữ được cân đối, ổn định vĩ mô. Khả năng chống đỡ của hệ thống ngân hàng đã tốt hơn nhiều so với cách đây 5-7 năm. Dự trữ ngoại tệ đã đạt khoảng 90 tỷ USD.

Một yếu tố thuận lợi nữa cho kinh tế hồi phục sau đại dịch theo ông Thành là Việt Nam có 3 nhân tố đặc trưng. Thứ nhất là khu vực dịch vụ Việt Nam chưa lớn như các nước phát triển. Thứ hai, khu vực nông nghiệp bệ đỡ tương đối tốt cho lao động tự do. Cuối cùng, là tầng lớp trung lưu lớn, chi tiêu ngày càng nhiều cho tiêu dùng, du lịch.

Mới đây, Thủ tướng cũng đã chỉ đạo xây dựng kế hoạch 2020-2025. Theo đó, trong giai đoạn 2020-2021, Việt Nam chủ yếu tập trung phục hồi kinh tế sau đại dịch. Giai đoạn 2022- 2025 sẽ là giai đoạn bứt phát để phát triển mạnh mẽ hơn.

Ở góc nhìn khác, nói về cơ hội của Việt Nam trong đại dịch, TS. Nguyễn Đức Hưởng, nguyên Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank cho rằng, Covid-19 chính là một cuộc cách mạng mang tính chất thay cũ đổi mới. Covid-19 làm "hộ chiếu Việt Nam trở nên rất có giá". Bên cạnh đó, căng thẳng Mỹ - Trung Quốc cũng giúp Việt Nam hưởng lợi, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang rục rịch vào Việt Nam.

Với việc kiểm soát được dịch Covid-19, vị chuyên gia này tin rằng GDP Việt Nam tăng trưởng dương là hoàn toàn có thể đạt được, thậm chí còn tăng trưởng vượt kế hoạch.

Trước đó, theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, triển vọng tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm của Việt Nam vẫn được đánh giá khả quan hơn nửa đầu năm. Điều này được thể hiện qua 3 góc độ.

Thứ nhất, dư địa giải ngân đầu tư công vẫn còn rất lớn. Nếu hoàn thành việc giải ngân 100% vốn đầu tư công năm nay thì GDP sẽ tăng thêm 0,42 điểm phần trăm. Đầu tư công tăng 1% thì đóng góp 0,06 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP và kéo theo ngành xây dựng tăng 1,34 điểm phần trăm. Vốn đầu tư công sẽ chủ yếu đi vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng, tạo vốn mồi cho những dòng vốn và giá trị sản xuất khác.

Thứ hai, tăng trưởng dư nợ tín dụng hiện mới chỉ đạt 2,45% so với mục tiêu cả năm 13-14%, cho thấy còn nhiều dư địa tăng trưởng từ nay tới cuối năm.

Thứ ba, khảo sát xu hướng kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp cho thấy có tới hơn 80% doanh nghiệp được hỏi đánh giá tình hình kinh doanh trong quý 3 sẽ ổn định hoặc tốt hơn so với trước đó. Chỉ có 19,4% doanh nghiệp dự báo tình hình kinh doanh sẽ khó khăn hơn.

An Chi
Cùng chuyên mục