Giá cà phê hai sàn trái chiều, cà phê nội quay đầu giảm trên diện rộng
Giá cà phê hôm nay 7/4: Cà phê nội quay đầu giảm trên diện rộng
Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London đảo chiều giảm. Kỳ hạn giao ngay tháng 5 giảm 15 USD, xuống 2.299 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 7 giảm 18 USD, còn 2.256 USD/tấn, các mức giảm đáng kể. Khối lượng giao dịch trên mức trung bình. Cấu trúc giá nghịch đảo ổn định khoảng cách.
Trái lại, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York tiếp nối đà tăng. Kỳ hạn giao ngay tháng 5 tăng thêm 3,45 cent, lên 183,60 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 7 tăng thêm 2,70 cent, lên 181,70 cent/lb, các mức tăng khá mạnh. Khối lượng giao dịch duy trì rất cao trên mức trung bình.
Trong nước, giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên giảm 400 đồng, xuống dao động trong khung 49.200 - 48.600 đồng/kg. Trong đó, tỉnh Lâm Đồng có mức giá thấp nhất là 49.200 đồng/kg. Kế đến là Đắk Nông với 49.400 đồng/kg. Cùng thời điểm khảo sát, giá cà phê tại tỉnh Gia Lai là 49.500 đồng/kg. Tỉnh Đắk Lắk giao dịch ở mức 49.600 đồng/kg - cao nhất trong các địa phương được ghi nhận.
Báo cáo thương mại tháng 3 của Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) cho biết, trong niên vụ cà phê 2022/2023, ước tính tiêu thụ cà phê toàn cầu khoảng 178,50 triệu bao, trong khi ước tính nguồn cung cà phê toàn cầu chỉ khoảng 171,30 triệu bao, do đó thị trường cà phê toàn cầu sẽ thâm hụt 7,27 triệu bao. Điều này sẽ được bù đắp từ sản lượng tăng của các quốc gia sản xuất trong vụ thu hoạch mới, nhất là nhà sản xuất lớn nhất thế giới Brazil sẽ có vụ thu hoạch được mùa theo chu kỳ “hai năm một”.
Thị trường cũng đang chờ dữ liệu báo cáo xuất khẩu cà phê tháng 3 của Brazil khi ước tính ban đầu giảm tới 20% so với cùng kỳ năm trước.
Ngoài ra, lo ngại lạm phát ở châu Âu và lãi suất ở Mỹ sẽ ảnh hưởng đến ngân sách của người tiêu dùng khiến mức tiêu thụ cà phê sẽ không còn chắc chắn.
Trong khi đó, áp lực từ nguồn cung Việt Nam tiếp tục đè nặng thị trường Robusta – London sau khi Tổng cục Thống kê Việt Nam ước báo xuất khẩu cà phê tháng 3 tăng tới 9,2%.
Nguồn cung cà phê đang thắt chặt tại Việt Nam, nhà sản xuất Robusta hàng đầu, trong khi nhu cầu được thúc đẩy bởi việc sử dụng ngày càng nhiều loại cà phê rẻ hơn, đặc biệt là ở các nước đang phát triển.
Theo ước tính, tháng 3/2023, Việt Nam xuất khẩu cà phê đạt 230 nghìn tấn, trị giá 522 triệu USD, tăng 15% về lượng và tăng 20,1% về trị giá so với tháng 2/2023, so với tháng 3/2022 tăng 9,2% về lượng và tăng 10,2% về trị giá. Tính chung quý I/2023, xuất khẩu cà phê của nước ta ước đạt 572 nghìn tấn, trị giá xấp xỉ 1,27 tỷ USD, giảm 1,6% về lượng và giảm 2,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Về giá: Tháng 3/2023, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam ước tính đạt mức 2.270 USD/tấn, tăng 4,4% so với tháng 2/2023 và tăng 0,9% so với tháng 3/2022. Tính chung quý I/2023, giá xuất khẩu bình quân cà phê của nước ta ước đạt mức 2.214 USD/tấn, giảm 0,7% so với cùng kỳ năm 2022.
Cơ cấu chủng loại: Tháng 2/2023, xuất khẩu cà phê Robusta và cà phê chế biến tăng mạnh so với tháng 2/2022, trong khi xuất khẩu cà phê Arabica giảm. Tính chung 2 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu cà phê Robusta giảm 7,8% về lượng và giảm 12% về trị giá, đạt xấp xỉ 312 nghìn tấn, trị giá 595,29 triệu USD; xuất khẩu cà phê Arabica đạt 12,2 nghìn tấn, trị giá 46,95 triệu USD, giảm 2,8% về lượng và giảm 16,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Đáng chú ý, xuất khẩu cà phê chế biến tăng 12,9% trong 2 tháng đầu năm 2023, đạt trên 103 triệu USD.
Theo báo cáo của Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam (Vicofa), cà phê là một trong những sản phẩm nông nghiệp chủ lực của Việt Nam, tạo việc làm và thu nhập cho trên 600.000 hộ nông dân, với 2 triệu lao động, góp phần phát triển kinh tế xã hội ở vùng Tây Nguyên, Tây Bắc.
Diện tích cà phê năm 2022 của Việt Nam đạt khoảng 710.000 ha, năng suất đạt 28,2 tạ/ha cho sản lượng hơn 1,84 triệu tấn. Trong đó, 5 tỉnh Tây Nguyên chiếm 91,2% về diện tích cà 93,2% về sản lượng cà phê cả nước.
Khẳng định Việt Nam vẫn giữ vững vị trí thứ hai thế giới về xuất khẩu cà phê và vị trí số một về xuất khẩu cà phê Robusta, Vicofa cho biết trong nhiều năm qua, cà phê Việt Nam đã xuất khẩu tới hơn 85 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, năm 2022 xuất khẩu đạt trên 4 tỷ USD chiếm hơn 15% thị phần xuất khẩu cà phê thế giới.
Tuy nhiên, cà phê Việt Nam chủ yếu xuất khẩu ở dạng thô chưa qua chế biến nên giá trị gia tăng chưa cao. Việc sản xuất tập trung vào khai thác tối đa tiềm năng năng suất của cây cà phê mà chưa chú trọng nhiều vào phát triển xanh và bền vững. Đây rõ ràng là thách thức lớn.
Để nâng cao chất lượng và giá trị của cà phê, Việt Nam cần phải xây dựng các cụm công nghiệp theo hướng liên kết, công nghiệp phụ trợ để kêu gọi các nhà đầu tư trong nước, các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư hệ thống chế biến sâu từ cà phê chất lượng cao, cà phê đặc sản. Chính sách ưu đãi thuế đất, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu thiết bị…
Về sản xuất, chế biến, cần đẩy mạnh công tác tái cơ cấu ngành cà phê một cách hiệu quả như đẩy mạnh tái canh, tiếp tục đầu tư vào vùng nguyên liệu, xây dựng vùng trồng tập trung, chuyên canh gắn với phát triển công nghiệp chế biến, đa dạng hóa sản phẩm, đẩy mạnh chế biến sâu. Đồng thời, xây dựng các tiêu chuẩn về cà phê bền vững, cà phê chứng nhận.
Bên cạnh tập trung duy trì các thị trường xuất khẩu truyền thống, cần nhanh chóng phát triển các thị trường tiềm năng nhất là EU và các nước tham gia Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương-CPTPP, các nước ASEAN...