Giá cà phê hai sàn tiếp tục tăng "nóng", cà phê nội tăng mạnh tiếp
Giá cà phê hôm nay 6/4: Tăng tiếp 600 đồng/kg, chạm mốc 50.000 đồng/kg
Kết thúc phiên giao dịch, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London kéo dài chuỗi tăng lên phiên thứ năm. Kỳ hạn giao ngay tháng 5 tăng thêm 60 USD, lên 2.314 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 7 tăng thêm 55 USD, lên 2.274 USD/tấn, các mức tăng mạnh. Khối lượng giao dịch duy trì rất cao trên mức trung bình. Cấu trúc giá nghịch đảo gia tăng khoảng cách.
Tương tự, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York cùng xu hướng tăng. Kỳ hạn giao ngay tháng 5 tăng 5,30 cent, lên 180,15 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 7 tăng 5,05 cent, lên 179,00 cent/lb, các mức tăng mạnh. Khối lượng giao dịch duy trì rất cao trên mức trung bình.
Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên tăng thêm 500 – 600 đồng, lên dao động trong khung 49.800 - 50.000 đồng/kg. Trong đó, tỉnh Lâm Đồng có mức giá thấp nhất là 49.600 đồng/kg. Kế đến là Đắk Nông với 49.800 đồng/kg. Cùng thời điểm khảo sát, giá cà phê tại hai tỉnh Gia Lai là 49.900 đồng/kg. Tỉnh Đắk Lắk giao dịch ở cùng mức 50.000 đồng/kg - cao nhất trong các địa phương được ghi nhận.
Theo Báo cáo thương mại tháng 3 của Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO), xuất khẩu cà phê toàn cầu trong tháng 2/2023 đã giảm tới 20,23 % so với cùng kỳ năm trước, xuống ở mức 7,4 triệu tấn. Điều này đã dẫn đến xuất khẩu cà phê toàn cầu trong 5 tháng đầu tiên của niên vụ cà phê hiện tại 2022/2023 chỉ đạt tổng cộng 43,77 triệu tấn, giảm 8,5 % so với cùng kỳ niên vụ trước.
Trong khi đó, ICO đã dự báo nguồn cung toàn cầu trong niên vụ 2022/2023 tăng 1,7% so với niên vụ trước, chủ yếu do Brasil, nhà sản xuất cà phê lớn nhất thế giới tăng sản lượng theo chu kỳ “hai năm một”.
Cũng theo ICO, xuất khẩu cà phê Robusta trong tháng 2/2023 chỉ đạt 2,89 triệu bao, giảm 13,7% so với cùng kỳ. Do đó, xuất khẩu Robusta trong 5 tháng đầu của niên vụ cà phê hiện tại 2022/2023 đã giảm xuống 16,91 triệu bao, giảm 13,58% so với cùng kỳ niên vụ cà phê 2021/2022 trước đó.
Đồng Reais – Brazil tiếp tục tăng lên ở mức 1USD = 5,0490 R$ do nền kinh tế Mỹ đã xuất hiện dấu hiệu suy thoái, khiến lo ngại rủi ro tăng cao.
Báo cáo mới nhất của ICO cho thấy, 5 tháng đầu niên vụ xuất khẩu cà phê toàn cầu đạt 48,66 triệu bao, giảm 8,6% so với cùng kỳ. Điều này khiến giá cà phê London bật tăng phiên thứ ba liên tiếp.
Indonesia là nhà sản xuất cà phê Robusta lớn thứ ba thế giới. Hiệp hội các nhà xuất khẩu và công nghiệp nước này dự kiến sản lượng trong niên vụ cà phê 2023/24 đã bắt đầu thu hoạch sẽ giảm tới 20% so với vụ trước, xuống ở mức 9,6 triệu bao do thời tiết mưa quá nhiều.
Người trồng cà phê ở Costa Rica đã công bố xuất khẩu giảm nhẹ trong tháng 3/2023 so với cùng tháng năm ngoái, đạt tổng cộng 134.033 bao (loại 60kg), ghi nhận mức giảm 1,5% (tương đương 2.047 bao). Theo báo cáo của ICAFE, xuất khẩu lũy kế cho vụ thu hoạch hiện tại đạt 367.389 bao, giảm 2,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hạt cà phê chủ yếu là Arabica của quốc gia Trung Mỹ này thường được bán với giá cao hơn so với tiêu chuẩn quốc tế, với niên vụ hiện tại trung bình là 255,88 USD/tạ (46kg), hay 333,76 USD/bao (60kg).
Tháng 3/2023, giá cà phê Robusta tăng do lo ngại nguồn cung thiếu hụt. Tính đến ngày 27/3/2023, tồn kho đạt chuẩn của sàn ICE London giảm thêm 800 tấn xuống mức 75.500 tấn, khiến mối lo thiếu hụt nguồn cung trong ngắn hạn tăng lên.
Trên sàn giao dịch London, ngày 28/3/2023, giá cà phê Robusta kỳ hạn giao tháng 5/2023, tháng 7/2023 và tháng 9/2023 tăng lần lượt 4,4%, 3,2% và 2,6% so với ngày 28/2/2023, lên mức 2.214 USD/ tấn; 2.166 USD/tấn và 2.120 USD/tấn.
Giá cà phê Arabica giảm do áp lực bán ra từ nhà sản xuất hàng đầu thế giới Brazil. Trên sàn giao dịch New York, ngày 28/3/2023, giá cà phê Arabica giao kỳ hạn tháng 5/2023, tháng 7/2023 và tháng 9/2023 giảm lần lượt 4,3%, 3,6% và 3,4% so với ngày 28/2/2023, xuống mức 176,9 Uscent/lb, 176,15 Uscent/lb và 174,55 Uscent/lb.
Trên sàn giao dịch BMF của Brazil, ngày 28/3/2023, giá cà phê Arabica giao kỳ hạn tháng 5/2023, tháng 7/2023 và tháng 9/2023 giảm lần lượt 3,2%, 5,1% và 4,6% so với ngày 28/2/2023, xuống còn 225,45 Uscent/lb; 217,55 Uscent/lb và 215,5 Uscent/lb.
Dự báo giá cà phê thế giới tăng trong thời gian tới do lo ngại nguồn cung thiếu hụt. Theo dự báo của Volcafe (Tập đoàn ED&Man Holdings – Thụy Sỹ), niên vụ 2023/24, thị trường cà phê Robusta toàn cầu sẽ thâm hụt kỷ lục 5,6 triệu bao. Nhu cầu tiêu thụ cà phê Robusta ngày càng tăng, trong khi sản lượng từ Indonesia, nước sản xuất cà phê Robusta lớn thứ 3 thế giới, giảm xuống còn 9,1 triệu bao trong niên vụ 2023/24.
Tháng 3/2023, giá cà phê Robusta tại thị trường nội địa tăng mạnh so với cuối tháng 2/2023. Ngày 28/3/2023, giá cà phê Robusta tăng 1.600 – 1.700 đồng/kg so với ngày 28/2/2023. Tại các tỉnh Đắk Nông và Đắk Lắk, giá cà phê Robusta cùng tăng 1.600 đồng/kg lên mức 48.700 – 48.800 đồng/kg; Tại các tỉnh Lâm Đồng và Gia Lai, giá cà phê Robusta tăng 1.700 đồng/ kg, lên mức 48.400 - 48.800 đồng/kg.
Theo ước tính, tháng 3/2023, Việt Nam xuất khẩu cà phê đạt 230 nghìn tấn, trị giá 522 triệu USD, tăng 15% về lượng và tăng 20,1% về trị giá so với tháng 2/2023, so với tháng 3/2022 tăng 9,2% về lượng và tăng 10,2% về trị giá. Tính chung quý I/2023, xuất khẩu cà phê của nước ta ước đạt 572 nghìn tấn, trị giá xấp xỉ 1,27 tỷ USD, giảm 1,6% về lượng và giảm 2,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Về giá: Tháng 3/2023, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam ước tính đạt mức 2.270 USD/tấn, tăng 4,4% so với tháng 2/2023 và tăng 0,9% so với tháng 3/2022. Tính chung quý I/2023, giá xuất khẩu bình quân cà phê của nước ta ước đạt mức 2.214 USD/tấn, giảm 0,7% so với cùng kỳ năm 2022.
Cơ cấu chủng loại: Tháng 2/2023, xuất khẩu cà phê Robusta và cà phê chế biến tăng mạnh so với tháng 2/2022, trong khi xuất khẩu cà phê Arabica giảm. Tính chung 2 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu cà phê Robusta giảm 7,8% về lượng và giảm 12% về trị giá, đạt xấp xỉ 312 nghìn tấn, trị giá 595,29 triệu USD; xuất khẩu cà phê Arabica đạt 12,2 nghìn tấn, trị giá 46,95 triệu USD, giảm 2,8% về lượng và giảm 16,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Đáng chú ý, xuất khẩu cà phê chế biến tăng 12,9% trong 2 tháng đầu năm 2023, đạt trên 103 triệu USD.
Được biết, trong nước, lượng cà phê nhân được sử dụng chế biến và tiêu thụ nội địa ước tính khoảng 250.000 tấn - chiếm 16% tổng sản lượng (so với mức dưới 10% của số liệu trung bình 10 năm gần nhất). Dự báo, lượng cà phê nhân được sử dụng tại thị trường trong nước dự kiến tiếp tục tăng.
Trong nhiều năm trở lại đây, Việt Nam được biết đến là quốc gia cung ứng cà phê lớn thứ 2 thế giới, đặc biệt với mặt hàng Robusta, chúng ta là nước thống trị nguồn cung với khoảng 40% thị phần trên toàn cầu. Tuy nhiên, rất nhiều tranh luận nổ ra về việc chúng ta chưa khai thác được hết lợi thế của vị trí hiện tại trên bản đồ cà phê thế giới để khẳng định tầm quan trọng của cà phê Việt Nam trong chuỗi cung ứng cà phê toàn cầu.
Cùng lật lại quá khứ, trong thời điểm 2 tháng đầu năm 2023, giá Robusta giao dịch trên Sở ICE London bắt đầu xu hướng tăng mới khi Việt Nam đang là nguồn cung lớn duy nhất có sẵn trên thị trường. Việc nông dân hạn chế bán hàng trước và trong dịp Tết Nguyên đán khiến xuất khẩu sụt giảm mạnh trong tháng 1 cũng như 2 tháng đầu năm. Theo thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cà phê trong tháng 1 tại Việt Nam đạt 160.000 tấn, giảm mạnh gần 40% so với cùng kỳ năm 2022 và lũy kế trong 2 tháng đầu năm cũng ghi nhận mức giảm gần 8% so với 2 tháng đầu năm ngoái. Đây cũng là lý do được giới phân tích trong nước và quốc tế nhận định là nguyên nhân chính cho sự đà tăng của giá Robusta đang giao dịch. Điều này như một tín hiệu cho thấy vai trò của Việt Nam đối với thị trường Robusta trên thế giới.
Tuy vậy, sự quan trọng trên chỉ đến từ khối lượng trong xuất khẩu thô của Việt Nam, dòng sản phẩm vốn mang lại giá trị gia tăng thấp trong chuỗi giá trị của ngành cà phê. Ở trên các khía cạnh khác như giá trị và sự phát triển bền vững của ngành cà phê, nước ta dường như vẫn chưa đặt đúng trọng tâm cũng như chưa thể hiện được đúng như vị thế. Mặc dù là quốc gia xuất khẩu lớn thứ 2 thế giới, hiện Việt Nam vẫn chưa có thương hiệu cà phê nào nằm trong nhóm 10 các thương hiệu cà phê lớn được ghi nhận. Sự cạnh tranh đến từ các cửa hàng cà phê lớn đã nhiêu lần làm điêu đứng các nhãn hàng cà phê Việt ngay trong thị trường nội địa, ví dụ như sự đổ bộ của Starbucks trong những năm gần đây.
Như đã đề cập ở trên, phần đa cà phê xuất khẩu của Việt Nam là ở dạng thô, chưa qua chế biến với giá trị gia tăng thấp. Do đó, cách giải quyết vấn đề chính là xuất phát từ gốc rễ của nó, từ việc nâng cao giá trị cho cà phê xuất khẩu bằng cách chuyển hướng từ xuất thô sang các sản phẩm mang lại giá trị gia tăng cao hơn như cà phê chế biến, cà phê đặc sản.
Việc chuyển hướng này không chỉ giúp ngành cà phê Việt Nam gia tăng giá trị mà còn vì tương lai phát triển bền vững của ngành khi việc mở rộng diện tích để tăng giá trị không còn là ưu tiên hàng đầu do các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là khu vực Châu Âu mới ban hành lệnh cấm nhập khẩu cà phê có liên quan đến nạn chặt phá rừng.