Giá cà phê bất ngờ giảm đến 1.000 đồng/kg, "chu kỳ buồn" bao giờ kết thúc?
Giá cà phê hôm nay 15/7: Đảo chiều trở lại xu hướng giảm giá
Giá cà phê hôm nay (15/7) bất ngờ giảm đến 1.000 đồng/kg sau phiên tăng hôm qua tại các tỉnh trọng điểm. Hiện tại, thị trường trong nước đang ghi nhận mức giá cà phê khoảng giá 40.800 - 41.300 đồng/kg. Trong đó, mức giá thấp nhất có mặt tại tỉnh Lâm Đồng và cao nhất tại tỉnh Đắk Lắk. Tương tự, hai tỉnh Gia Lai và Đắk Nông cũng điều chỉnh giao dịch về mức 41.200 đồng/kg. Như vậy, giá thu mua tại các địa phương hiện đều đã rời mức 42.000 đồng/kg.
Tính không bền của thị trường cà phê những ngày này đã thể hiển rõ, khi giá cà phê kỳ hạn nhanh chóng đảo chiều chỉ sau một phiên giao dịch tăng mạnh. Tuy nhiên, mức giảm của thị trường hôm nay mạnh hơn nhiều so với mức bật tăng của ngày hôm trước.
Trước đó, phải đợi đến khi vào vùng bán quá mức, giá Robusta London mới bật dậy khi chạm đáy 1.937, là mức thấp nhất tính từ cuối tháng 8/2021. Dù đã rất cố gắng nhưng giá Robusta London vẫn chưa thể đảo hướng vì phải qua 2.020 mới kích thích được người mua.
Trong khi đó, giá cả hàng hóa đồng loạt lao dốc khi lo ngại về suy thoái toàn cầu trong bối cảnh lạm phát cao và khả năng Cục dự trữ liên bang Mỹ (fed) sẽ tăng lãi suất USD cao hơn dự kiến, môi trường này đã gây ra sự bi quan cho các nhà đầu tư trên khắp các thị trường tài chính. Đặc biệt, kịch bản lạm phát và suy thoái toàn cầu đã tác động tiêu cực đến lĩnh vực ngân hàng và dẫn đến tâm lý bi quan chung.
Giá cà phê chốt phiên giao dịch ngày 14/7 quay đầu giảm mạnh, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Futures Europe - London, kỳ hạn giao tháng 9/2022 giảm 51 USD (2,57%), giao dịch tại 1.930 USD/tấn. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 11/2022 giảm 44 USD (2,22%) giao dịch tạ 1.935 USD/tấn. Khối lượng giao dịch trung bình cao.
Giá cà phê Arabica trên sàn ICE Futures US - New York kỳ hạn giao tháng 9/2022 giảm 12,05 Cent (5,81%), giao dịch tại 195,3 Cent/lb. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 12/2022 giảm 11,95 Cent/lb (5,84%), giao dịch tại 192,75 Cent/lb. Khối lượng giao dịch tăng mạnh.
Đầu tháng 7/2022, giá cà phê thế giới tiếp tục giảm xuống mức thấp nhất từ đầu năm nay, do lo ngại rủi ro tăng cao khi Ngân hàng Trung ương các nước đồng loạt nâng cao lãi suất cơ bản tiền tệ để ngăn chặn lạm phát. Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) công bố biên bản cuộc họp tháng 6 cho thấy nước này sẽ bước vào giai đoạn thắt chặt chính sách tiền tệ. Điều này có thể tác động làm cản trở sự hồi phục nền kinh tế sau đại dịch Covid-19.
Trên sàn giao dịch London, ngày 8/7/2022, giá cà phê Robusta kỳ hạn giao tháng 7/2022, tháng 9/2022, tháng 11/2022 và tháng 1/2023 giảm lần lượt 5,4%, 4,7%, 4,1% và 3,7% so với ngày 28/6/2022, xuống mức 1.933 USD/ tấn, 1.944 USD/tấn, 1.947 USD/tấn và 1.943 USD/tấn.
Trên sàn giao dịch New York, ngày 8/7/2022 giá cà phê Arabica giao kỳ hạn tháng 7/2022, tháng 9/2022, tháng 12/2022 và tháng 3/2023 giảm lần lượt 1,7%, 1,4%, 1,9% và 2,2% so với ngày 28/6/2022, xuống mức 222,2 Uscent/lb, 218,9 Uscent/lb, 216,05 Uscent/lb và 213,3 Uscent/lb.
Trên sàn giao dịch BMF của Brazil, ngày 8/7/2022 giá cà phê Arabica giao kỳ hạn tháng 7/2022 và tháng 9/2022 cùng giảm 2,5% so với ngày 28/6/2022, xuống còn 271 Uscent/lb và 269,3 Uscent/lb; kỳ hạn giao tháng 12/2022 giảm 2,7% so với ngày 28/6/2022, xuống còn 267,4 Uscent/lb.
Tại cảng khu vực thành phố Hồ Chí Minh, cà phê Robusta xuất khẩu loại 2, tỷ lệ đen vỡ 5% giao dịch ở mức giá 1.999 USD/tấn, chênh lệch +55 USD/tấn, giảm 96 USD/tấn (tương đương mức giảm 4,6%) so với ngày 28/6/2022.
Dự báo giá cà phê thế giới tiếp tục xu hướng giảm do nguồn cung dồi dào, nhu cầu thấp. Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), toàn cầu có khả năng dư thừa 8 triệu bao trong niên vụ cà phê mới 2022/2023 do nhà sản xuất và xuất khẩu hàng đầu thế giới Brazil vào năm cho sản lượng cao theo chu kỳ “hai năm một”. Tuy nhiên, tốc độ giảm giá sẽ chậm lại khi Quỹ Phòng vệ Kinh tế Cà phê của Brazil đã điều tiết nguồn vốn tín dụng để mua cà phê dự trữ và hỗ trợ cho người trồng hạn chế bán ra thị trường.
Đầu tháng 7/2022, giá cà phê Robusta nội địa giảm theo xu hướng thế giới. Ngày 8/7/2022, giá cà phê Robusta tại thị trường nội địa giảm 1.500 đồng/kg so với ngày 28/6/2022, xuống mức 40.900 - 41.400 đồng/kg; trong đó giá cao nhất là 41.400 đồng/kg tại tỉnh Đắk Lắk, mức thấp nhất là 40.900 đồng/kg tỉnh Lâm Đồng, mức giá phổ biến là 41.300 đồng/kg tại các tỉnh Gia Lai và Đắk Nông.
Chu kỳ giảm bao giờ kết thúc?
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, tháng 6/2022, Việt Nam xuất khẩu cà phê đạt 137,4 nghìn tấn, trị giá 315,34 triệu USD, giảm 3,5% về lượng và giảm 2,8% về trị giá so với tháng 5/2022, so với tháng 6/2021 tăng 7,3% về lượng và tăng 26,9% về trị giá. Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt xấp xỉ 1,02 triệu tấn, trị giá 2,3 tỷ USD, tăng 20,7% về lượng và tăng 48,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Diễn biến giá: Tháng 6/2022, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam đạt 2.295 USD/tấn, tăng 0,7% so với tháng 5/2022 và tăng 18,2% so với tháng 6/2021. Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam đạt 2.257 USD/ tấn, tăng 23,0% so với cùng kỳ năm 2021.
Về thị trường: Tháng 6/2022 so với tháng 6/2021, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang nhiều thị trường chủ lực tăng, như: Đức, Bỉ, Mỹ, Tây Ban Nha và Nga. Ngược lại, xuất khẩu cà phê sang một số thị trường giảm như: Ý, Nhật Bản, Anh, Philipines và Trung Quốc. 6 tháng đầu năm 2022 so với cùng kỳ năm 2021, xuất khẩu cà phê sang hầu hết các thị trường tăng, ngoại trừ xuất khẩu sang Philipines và Trung Quốc giảm. Trong đó, xuất khẩu cà phê sang Bỉ và Anh tăng trưởng 3 con số; sang Đức, Ý, Tây Ban Nha và Nga tăng trưởng 2 con số.
Niên vụ 2021-2022, tổng sản lượng cà phê thế giới ước 167,10 triệu bao (1 bao=60 kg) so với nhu cầu tiêu thụ toàn cầu 165,24 triệu bao. Như vậy, theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cà phê niên vụ này có thặng dư đôi chút (1,86 triệu bao).
Tồn kho cuối vụ này ước 32,70 triệu bao. Niên vụ 2022-2023, tổng sản lượng ước 175 triệu bao (+4,73%) do Brazil được mùa, USDA ước Brazil sẽ đạt 64,3 triệu bao (+10,67%). Tổng lượng tiêu thụ ước 167 triệu bao. Như vậy, thế giới sẽ thừa 8 triệu bao cà phê.
Hiện tại, thị trường cà phê xuất khẩu Việt Nam lắng đọng do giá đầu vào cao hơn đầu ra. Giá mua vào tương đương với 1.850 USD/tấn chưa cộng phí nhưng bên mua chỉ trả 1.830 USD/tấn FOB. Giá xuất khẩu loại 2, tối đa 5% đen vỡ đang được chào mua trừ 150 USD/tấn (1.980-150) nên giá bán phải 1.950 USD/tấn mới cân bằng.
Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (Vicofa) cũng cho biết, ngành cà phê Việt Nam đang có cơ hội vượt qua con số kỷ lục 3,7 tỷ USD của năm 2012, để lần đầu tiên cán mốc 4 tỷ USD trong năm nay. Tuy nhiên, xuất khẩu cà phê của Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức. Chu kỳ giảm giá cà phê khó có thể kết thúc sớm.
Theo đó, đồng tình với dự báo của USDA, Vicofa cho rằng, trong nước, nông dân trồng cà phê đang phải chịu áp lực trước chi phí phân bón và xăng dầu tăng cao, ảnh hưởng đến lợi nhuận. Một số hộ phải cắt giảm chi phí đầu vào, hạn chế bán ra để chờ giá tăng. Vì vậy, việc mua bán cà phê tại các đại lý vì thế cũng hạn chế.
Vicofa đưa ra cảnh báo cho rằng, giá cả vật tư phân bón tăng cao sẽ khiến nông dân cắt giảm đầu tư chăm bón. Điều này có thể khiến sản lượng cà phê Robusta sụt giảm 10% trong vụ sắp tới, giá cà phê khó có thể tăng mạnh trước áp lực cung cầu của thế giới dù sản lượng trong nước sụt giảm...