Tăng vọt cả hai sàn, điều gì đang xảy ra với giá cà phê?
Thị trường cà phê hôm nay 19/7: Bật tăng mạnh cả ở trong nước và thế giới
Giá cà phê trong nước hôm nay 19/7, tăng mạnh 1.300 đồng/kg tại các địa phương thu mua trọng điểm. Theo đó, thị trường cà phê trong nước đang ghi nhận khoảng giá 42.300 - 42.800 đồng/kg. Hiện tại, Lâm Đồng đang là địa phương ghi nhận mức giá thấp nhất với 42.300 đồng/kg. Cùng giao dịch với chung mức 42.700 đồng/kg là hai tỉnh Gia Lai và Đắk Nông. Tương tự, giá thu mua tại tỉnh Đắk Lắk cũng được điều chỉnh lên mức 42.800 đồng/kg - cao nhất ở thời điểm hiện tại.
Trên thị trường thế giới, giá cà phê cũng đồng loạt tăng ở cả hai sàn. Giá cà phê chốt phiên giao dịch đầu tuần tăng vọt. Giá cà phê Robusta trên sàn ICE Futures Europe - London tăng mạnh, kỳ hạn giao tháng 9/2022 tăng 69 USD (3,59%), giao dịch tại 1.992 USD/tấn. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 11/2022 tăng 63 USD (3,27%) giao dịch tại 1.987 USD/tấn. Khối lượng giao dịch trên trung bình.
Giá cà phê Arabica trên sàn ICE Futures US - New York cũng tăng mạnh, kỳ hạn giao tháng 9/2022 tăng 15,40 Cent (7,71%), giao dịch tại 215,20 Cent/lb. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 12/2022 tăng 14,60 Cent/lb (7,43%), giao dịch tại 211,20 Cent/lb. Khối lượng giao dịch tăng mạnh.
Theo dữ liệu từ Hiệp hội cà phê hạt (GCA) của Mỹ, lượng cà phê hạt dự trữ tại các cảng ở nước tiêu thụ đồ uống lớn nhất thế giới này đạt 6,05 triệu bao (loại 60kg) vào cuối tháng 6/2022. Mặc dù lượng tăng nhỏ (46.353 bao) nhưng đây là lần tăng dự trữ tháng thứ 3 liên tiếp. Trước đó, lượng cà phê dự trữ đạt mức thấp nhất năm hồi cuối tháng 3 trong bối cảnh nguồn cung toàn cầu thắt chặt sau khi thời tiết khắc nghiệt đã ảnh hưởng đến vụ thu hoạch. Số liệu trên đã góp phần hỗ trợ thị trường tăng giá.
Trong báo cáo mới nhất về triển vọng cung – cầu cà phê thế giới của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), cơ quan này dự báo sản lượng cà phê toàn cầu trong niên vụ 2022-2023 sẽ phục hồi và tăng 7,8 triệu bao (4,7%) so với niên vụ trước lên mức 175 triệu bao, chủ yếu là do vụ mùa Arabica của Brazil bước vào năm cho sản lượng cao theo chu kỳ “hai năm một”.
Cơ quan này dự báo, tổng sản lượng thu hoạch Arabica và Robusta của Brazil trong vụ 2022-2023 là 64,3 triệu bao, tăng 6,2 triệu bao so với vụ trước.
Tại Việt Nam, sản lượng cà phê dự báo đạt 30,9 triệu bao, giảm 700.000 bao so với vụ thu hoạch kỷ lục của năm ngoái. Diện tích canh tác được dự báo không thay đổi so với năm trước, với hơn 95% tổng sản lượng vẫn là Robusta.
Mùa mưa bắt đầu sớm hơn những năm trước giúp cà phê Việt Nam ra hoa và phát triển tốt, đồng thời điều kiện thời tiết ẩm ướt hơn bình thường cũng giúp giảm chi phí tưới tiêu. Tuy nhiên, giá phân bón tăng vọt lên tới 70% trong 6 tháng qua trong khi giá cà phê trong nước vẫn đi ngang khiến nông dân giảm sử dụng phân bón, điều này có thể dẫn đến sự sụt giảm năng suất và sản lượng so với năm trước. Xuất khẩu cà phê của Việt Nam được dự báo sẽ giảm 1 triệu bao trong niên vụ 2022-2023, xuống 25 triệu bao và tồn kho cuối kỳ gần như không đổi ở mức 3,5 triệu bao.
Tổ chức Cà phê Quốc tế cho biết xuất khẩu cà phê toàn cầu (gồm cà phê nhân, cà phê đã rang xay và cà phê hòa tan) trong tháng 5 đạt 10,8 triệu bao, tăng 10% so với cùng kỳ. Qua đó đưa tổng xuất khẩu cà phê toàn cầu trong 8 tháng đầu niên vụ 2021-2022 lên gần 88 triệu bao, tăng khoảng 0,7% so với cùng kỳ niên vụ 2020-2021.
Mặc dù tăng hai con số trong tháng 5, nhưng tổng xuất khẩu cà phê nhân xanh toàn cầu trong 8 tháng đầu niên vụ 2021-2022 vẫn giảm nhẹ 0,2% so với cùng kỳ niên vụ trước, đạt 79,2 triệu bao. Trong đó, Việt Nam, nước xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 thế giới đã xuất hơn 2,4 triệu bao trong tháng 5, tăng 16,1% so với cùng kỳ; và sau 8 tháng tăng mạnh 20,9% lên 20,4 triệu bao.
Giá cà phê sẽ giữ được đà tăng bao lâu?
Trong tháng 6, giá cà phê toàn cầu tăng 4,5% so với tháng trước lên mức trung bình 202,5 US cent/pound, cao nhất kể từ tháng 2. Trong tháng, mức giá cao nhất ghi nhận được là 208,7 US cent/pound vào ngày 1/6, nhưng sau đó giảm dần xuống chỉ còn 193,3 US cent/pound ngày 28/6. Cuối tháng 6, giá cà phê thế giới giảm so với cuối tháng 5. Áp lực từ chính sách thắt chặt tiền tệ tác động tiêu cực lên tâm lý thị trường toàn cầu nói chung. Bên cạnh đó, nguồn cung dồi dào khiến giá cà phê tiếp tục giảm.
Với những số liệu về triển vọng sản lượng cà phê thời gian tới, USDA cho rằng giá cà phê sẽ tiếp tục chịu áp lực khi nguồn cung dồi dào. USDA dự báo sản lượng cà phê toàn cầu trong niên vụ 2022-2023 sẽ phục hồi và tăng 7,8 triệu bao (4,7%) so với niên vụ trước lên mức 175 triệu bao. Cùng lúc đó, tình hình lạm phát tăng cao và các đồng Yen Nhật, EUR mất giá cũng ảnh hưởng đến tình hình xuất khẩu của các nước.
Ngày 13/7, Bộ Lao động Mỹ công bố báo cáo cho thấy tỷ lệ lạm phát tại nước này trong tháng 6 đã tăng 9,1% so với cùng kỳ năm ngoái và là mức tăng nhanh nhất kể từ tháng 11/1981. Còn tại Châu Âu, theo cơ quan thống kê Eurostat, lạm phát ở khu vực đồng euro trong tháng 5 ước đạt 8,1% tính theo năm và đây sẽ là mức cao tuyệt đối kể từ khi ra đời đồng tiền chung châu Âu.
Việc lạm phát tăng cao sẽ ảnh hưởng nhiều đến hành vi chi tiêu của người dân các nước. Họ sẽ có xu hướng ưu tiên các mặt hàng thiết yếu, lương thực. Trong khi đó, với nhiều nơi cà phê không phải là mặt hàng thiết yếu cũng không phải là mối ưu tiên hàng đầu.
USDA dự báo sản cà phê của Việt Nam đạt 30,9 triệu bao, giảm 700.000 bao so với vụ thu hoạch kỷ lục của năm ngoái. Diện tích canh tác được dự báo không thay đổi so với năm trước, với hơn 95% tổng sản lượng vẫn là Robusta.
Theo ước tính, tháng 6, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 145 nghìn tấn, trị giá 335 triệu USD, tăng 1,9% về lượng và tăng 3,2% về trị giá so với tháng 5, so với tháng 6/2021 tăng 13,3% về lượng và tăng 34,7% về trị giá. Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cà phê của Việt Nam ước đạt xấp xỉ 1,03 triệu tấn, trị giá 2,32 tỷ USD, tăng 21,7% về lượng và tăng 49,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Đây là mức kim ngạch cao nhất từ trước đến nay (chỉ tính riêng trong giai đoạn 6 tháng đầu năm) nhờ giá cà phê xuất khẩu tăng cao.
Tháng 6, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam ước tính đạt mức 2.309 USD/tấn, tăng 1,3% so với tháng 5 và tăng 19% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam đạt 2.258 USD/ tấn, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2021.
Trái ngược với giá thế giới, giá cà phê Robusta nội địa cuối tháng 6 tăng mạnh so với cuối tháng 5. Ngày 28/6, giá cà phê Robusta tại thị trường nội địa tăng mạnh từ 900 – 1.000 đồng/kg (tùy khu vực) so với ngày 28/5, lên mức cao nhất 42.900 đồng/kg tại tỉnh Đắk Lắk; mức thấp nhất là 42.400 đồng/kg tỉnh Lâm Đồng; mức giá 42.800 đồng/kg tại các tỉnh Gia Lai và Đắk Nông. Tính chung trong quý II, giá cà phê trong nước tăng khoảng 8%.
Thị trường cà phê Việt Nam trong nửa đầu năm 2022 nói chung và quý II nói riêng khá thuận lợi khi giá xuất khẩu tăng mạnh và hoạt động bán hàng của các doanh nghiệp thuận lợi. Điều này thể hiện trong con số kim ngạch và lượng xuất khẩu đạt kỷ lục. Tuy nhiên, USDA cho rằng thị trường cà phê Việt Nam thời gian tới sẽ gặp nhiều khó khăn trước áp lực lạm phát ở các nước khu vực châu Âu, Mỹ đều tăng cao. Trong khi đó, đây đều là các thị trường quan trọng của ngành cà phê Việt Nam.
Ngoài ra, theo Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - Xã hội Quốc gia, việc nâng lãi suất điều hành tại các nước tiêu thụ có khả năng ngăn trở các nhà nhập khẩu do phải cân đối tình hình tài chính và chi phí ngân hàng. Nhưng cước tàu mới chính là “biến số” khó đoán nhất của thị trường hàng hóa sau này. Sự gián đoạn chuỗi cung ứng trên toàn thế giới do Covid-19 gây ra, cùng với sự thiếu hụt các tàu chở container mới, đã buộc các công ty phải tải các tàu cũ của họ lên mức kỷ lục để đáp ứng nhu cầu giao thương quốc tế.
Theo công ty phân tích vận tải Clarksons Research, tổng công suất của đội tàu container của thế giới đã tăng trong thời kỳ đại dịch, tăng 2,9% vào năm 2020 sau khi tăng 4% vào năm 2019 và 5,6% vào năm 2018. Mặc dù vậy Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - Xã hội Quốc gia cho rằng giá cà phê nội địa sẽ không theo giá phái sinh do các nhà kinh doanh tính lợi nhuận trên đồng ngoại tệ (USD) được giá khi thu về. Cơ hội cho giá cà phê nội địa lên 45 triệu đồng/tấn là có thể xảy ra nhưng không phải do giá trên sàn London tăng mà nhờ VND trượt giá so với USD. Muốn bán giá cao hơn, người kinh doanh cần phải theo dõi tỷ giá USD với VND. VND càng rẻ so với USD, giá cà phê nội địa càng tăng. Hiện tượng tăng này cũng không phải vì do nhu cầu tiêu thụ mà do yếu tố tiền tệ.
Các chuyên gia cũng cho rằng, giá cà phê sẽ còn chịu những áp lực về cước vận tải tăng cao, thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng tăng bất thường, lạm phát tăng mạnh, trong khi túi tiền của người tiêu dùng trên khắp thế giới chỉ có hạn, tiêu thụ cà phê có thể sụt giảm.
Thực tế, 2 tuần qua, hai sàn cà phê (sàn ICE Futures Europe - London và sàn ICE Futures US - New York) đều giảm giá, nhất là trên sàn New York. Lý do chính là các nhà đầu tư, kinh doanh tài chính tháo chạy, bán bớt lượng hợp đồng dư mua, thậm chí trên sàn London đã chuyển sang dư bán. Nếu các quỹ quản lý vốn chạy theo cách của sàn London, tức là nhảy qua dư bán thì cửa xuống giá của cà phê vẫn còn khá rộng.
Những lo ngại về tăng trưởng kinh tế toàn cầu gần đây đã đưa chỉ số USDX lên kỷ lục mới. Đồng USD đang ở mức cao nhất hàng thập kỷ so với các đồng tiền như Euro và Yen.
Tuy nhiên, đà đi lên của USD có thể trở thành "một sự việc tai hại" vì phần lớn giao dịch thương mại xuyên biên giới hiện nay vẫn thực hiện theo đồng tiền này và USD mạnh lên thường gây tác động lớn tới nền kinh tế thế giới và giá hàng hóa.
Theo các chuyên gia, đồng USD sẽ vẫn mạnh trong ít nhất 3 tháng tới trước quan điểm cứng rắn của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đối với vấn đề lãi suất và nhu cầu “tài sản an toàn”.
Các đợt bán tháo tài sản rủi ro và trái phiếu trên thị trường gần đây diễn ra theo xu hướng tăng của đồng USD so với hầu hết các đồng tiền khác, lên mức chưa từng thấy trong 20 năm. Các nhà phân tích cho rằng, không có lý do nào để dự đoán đà tăng của đồng USD sẽ chững lại.
Sau khi tăng mạnh 7% trong năm 2021, đồng USD đã tăng thêm 12% trong năm nay, vượt hầu hết dự báo của các nhà dự báo về việc chuỗi tăng này sẽ kéo dài trong bao lâu. Và điều này sẽ kìm hãm đà tăng của giá cà phê trong tương lai.
Nửa đầu năm 2022, xuất khẩu cà phê tăng trưởng tốt nhưng doanh nghiệp trong ngành cà phê đạt lợi nhuận không như mong đợi vì giá vận chuyển và nhiều chi phí khác tăng cao.