Giá cà phê vẫn bấp bênh, dự báo sẽ không có tăng trưởng đáng kể

09/01/2023 16:06 GMT+7
Giá cà phê trong nước hôm nay 9/1/2023 giữ vững mức 38.900 – 39.600 đồng/kg sau khi mất 100 đồng trong phiên giao dịch cuối tuần. Tính chung tuần đầu tiên năm 2023, giá Robusta tăng 1,45% còn Arabica giảm 5,38%.

Giá cà phê hôm nay 9/1: Đồng loạt đi ngang, cao nhất 39.600 đồng/kg 

Tại thị trường nội địa, giá cà phê tại các vùng trọng điểm ở Tây Nguyên ở mức trên dưới 39.000 đồng/kg. Giá có xu hướng đi lên, với mức tăng nhẹ 200 – 300 đồng/kg trong tuần. 

Hiện, thị trường nội địa đang thu mua cà phê trong khoảng 38.900 - 39.600 đồng/kg. Trong đó, mức giá thấp nhất là 38.900 đồng/kg được ghi nhận tại tỉnh Lâm Đồng. Tiếp đó là tỉnh Đắk Lắk với mức giá 39.400 đồng/kg. Tương tự, hai tỉnh Gia Lai và Đắk Nông cũng duy trì thu mua tại mức 39.600 đồng/kg.

Tại cảng TP.HCM, Robusta xuất khẩu loại 2, tỷ lệ đen vỡ 5% chốt tại 1.855 USD/tấn (FOB), trừ lùi +30 USD/tấn.

Trên thị trường thế giới, giá Robusta kỳ hạn tháng 3/2023 trên sàn London mất 7 USD, tương đương 0,38% chốt mức 1.825 USD/tấn. Giá Arabica giao cùng kỳ hạn trên sàn New York trừ 2,25 cent, tương đương 1,4% xuống 158,3 US cent/lb, sau khi có lúc giảm xuống mức thấp nhất gần 4 tuần ở 157,15 US cent/lb. Tuần đầu tiên trong năm 2023, giá Arabica đã mất hơn 5% chủ yếu do triển vọng sản xuất tại các quốc gia trọng điểm được cải thiện.

Giá cà phê vẫn bấp bênh, dự báo sẽ không có tăng trưởng đáng kể - Ảnh 1.

GIÁ CÀ PHÊ TRỰC TUYẾN SÀN LONDON, NEW YORK, BMF Cập nhật: 09/01/2023 lúc 15:12:01

Giá cà phê vẫn bấp bênh, dự báo sẽ không có tăng trưởng đáng kể - Ảnh 2.

Giá cà phê trong nước hôm nay 9/1/2023 giữ vững mức 38.900 – 39.600 đồng/kg sau khi mất 100 đồng trong phiên giao dịch cuối tuần.

Trong một chú ý, Fitch Solutions cho biết, những ngày khô hạn ở Brazil chấm dứt làm giảm bớt lo ngại về vụ mùa của nước này. Ngoài ra, dữ liệu tồn kho cà phê Arabica mới nhất của ICE cho thấy tồn kho toàn cầu tăng thêm.

Thời tiết tại Brazil đã ẩm ướt suốt tuần vừa qua và được dự báo có nhiều mưa hơn, giúp cải thiện triển vọng vụ mùa.

Tính đến ngày 6/1/2023, dự trữ cà phê được ICE chứng nhận đã tăng lên mức cao nhất trong 6 tháng là 830.272 bao. Hiện có 206.704 bao đang chờ phân loại.

Nhập khẩu cà phê của Liên minh châu Âu trong niên vụ 2022/23 được dự báo giảm 2,1 triệu bao, xuống còn 44,5 triệu bao và chiếm 40% lượng cà phê nhập khẩu toàn cầu. Các nhà cung cấp hàng đầu bao gồm Brazil (40%), Việt Nam (20%), Uganda (8%) và Honduras (7%).

Theo dự báo của các chuyên gia kinh tế, giá cà phê trong nước trong tuần này sẽ vẫn quanh mốc 40.000 đồng/kg. Còn giá cà phê thế giới vẫn khó đoán định bởi hiện so với từ đầu niên vụ cà phê trên cả 2 sàn London và New York đều đã mất nhiều điểm %; nhưng cũng khó tăng do lo ngại lạm phát cao trong năm 2023 vẫn đang hiện hữu.

Ước tính xuất khẩu cà phê của Việt Nam năm 2022 đạt 1,72 triệu tấn, trị giá 3,94 tỷ USD, tăng 10,1% về lượng và tăng 28,3% về trị giá so với năm 2021. Giá xuất khẩu bình quân cà phê năm 2022 ở mức 2.293 USD/tấn, tăng 16,6% so với năm 2021, theo Cục Xuất nhập khẩu. Bên cạnh đó, Cơ quan Thương mại ở Sumatra báo cáo xuất khẩu cà phê Robusta trong 8 tháng đầu của niên vụ cà phê hiện tại (niên vụ của Indonesia tính từ tháng 4/2022 đến tháng 3/2023) đã đạt tổng cộng 3.374.284 bao, tăng 1.196.246 bao, tức tăng 54,93% so với cùng kỳ niên vụ trước. Yếu tố này đã tác động tiêu cực đến giá cà phê Robusta.

Tổng quan thị trường cà phê Robusta hôm nay, theo phân tích kỹ thuật, các chỉ số kỹ thuật vẫn đang cho tín hiệu trung tính chưa xác định xu hướng giá rõ nét nhưng xét về sự ảnh hưởng từ các thông tin cơ bản thì giá cà phê Robusta lại quay về hướng tiêu cực và ngắn hạn chịu áp lực bán nên dự kiến trong ngắn hạn giá còn giằng co tích lũy và giảm dò hỗ trợ trong biên độ 1800 – 1900. Chỉ khi nào giá tăng và duy trì trên mức cản tâm lý 1900 xu hướng tăng mới được thiết lập rõ nét. Ngược lại nếu để mất mốc 1800, giá cà phê Robusta có thể kiểm định lại vùng đáy cũ 1750-1760.

Cuối năm 2022, thị trường cà phê toàn cầu giao dịch trầm lắng trước kỳ nghỉ lễ Giáng sinh và năm mới 2023. Tuy nhiên, thị trường được hỗ trợ từ thông tin về dữ liệu kinh tế của Hoa Kỳ được công bố cho thấy số lượng người nộp đơn trợ cấp thất nghiệp mới tăng ít hơn so với dự kiến và nền kinh tế trong quý 3/2022 đã phục hồi nhanh hơn ước tính, qua đó có khả năng Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (Fed) sẽ tự tin hơn trong cuộc chiến chống lạm phát.

Trên sàn giao dịch London, ngày 24/12/2022, giá cà phê Robusta kỳ hạn giao tháng 1/2023 và tháng 5/2023 tăng lần lượt 1,0% và 1,2% so với ngày 30/11/2022, lên mức 1.875 USD/tấn và 1.830 USD/tấn; kỳ hạn giao tháng 3/2023 và tháng 7/2023 cùng tăng 1,3% so với ngày 30/11/2022, lên mức 1.845 USD/tấn và 1.820 USD/tấn.

Trên sàn giao dịch New York, ngày 24/12/2022, giá cà phê Arabica giao kỳ hạn tháng 3/2023, tháng 5/2023 và 7/2023 tăng lần lượt 4,1%, 4,2% và 4,4% so với ngày 30/11/2022, lên mức 172 Uscent/lb, 171,6 Uscent/lb và 171,4 Uscent/lb.

Trên sàn giao dịch BMF của Brazil, ngày 24/12/2022, giá cà phê Arabica giao kỳ hạn tháng 3/2023, tháng 5/2023 và tháng 7/2023 tăng lần lượt 7,9%, 6,2% và 4,3% so với ngày 30/11/2022, lên mức 219,5 Uscent/ lb, 217 Uscent/lb và 211,35 Uscent/lb.

Tại cảng khu vực thành phố Hồ Chí Minh, cà phê Robusta xuất khẩu loại 2, tỷ lệ đen vỡ 5% giao dịch ở mức giá 1.905 USD/tấn, chênh lệch +30 USD/tấn, giảm 78 USD/tấn (tương đương mức giảm 3,9%) so với ngày 30/11/2022. 

Giá cà phê hai sàn bất ngờ đồng loạt lao dốc, cà phê nội giảm ngày thứ 3 liên tiếp - Ảnh 3.

Theo ước tính, xuất khẩu cà phê của Việt Nam năm 2022 đạt 1,72 triệu tấn, trị giá 3,94 tỷ USD, tăng 10,1% về lượng và tăng 28,3% về trị giá so với năm 2021.

Dự báo giá cà phê thế giới vẫn chịu nhiều áp lực do nhu cầu tiêu thụ chưa được cải thiện. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) cho biết, sản lượng cà phê toàn cầu ước tính tăng 6,6 triệu bao lên 172.8 triệu bao vào niên vụ 2022/2023, trong khi mức tiêu thụ tăng hơn 800 nghìn bao so với mức 167,9 triệu bao của niên vụ 2021/2022. Ngoài ra, USDA dự báo vụ thu hoạch cà phê Robusta của Brazil sẽ tiếp tục mở rộng để đạt kỷ lục 22,8 triệu bao, tăng 1,1 triệu bao.

Dự báo năm 2023, ngành cà phê Việt Nam sẽ vẫn được hưởng lợi nhờ nhu cầu thế giới có khả năng phục hồi và nguồn cung trong nước được đảm bảo cả về sản lượng và chất lượng, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.

Năm 2022, thị phần cà phê của Việt Nam đều tăng trong 3/5 thị trường nhập cà phê lớn nhất thế giới. Cụ thể: Trong 10 tháng năm 2022, mặc dù kinh tế thế giới đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng nhập khẩu cà phê của các thị trường lớn đều tăng so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, thị phần cà phê Việt Nam trên tổng nhập khẩu của 3/5 thị trường lớn tăng so với cùng kỳ năm 2021 gồm: Đức, Pháp, Canada; trong khi thị phần trong tổng nhập khẩu của Hoa Kỳ và Trung Quốc giảm.

Hoa Kỳ là thị trường nhập khẩu cà phê lớn nhất thế giới. Theo Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ, trong 10 tháng năm 2022, nhập khẩu cà phê của Hoa Kỳ đạt 8,07 tỷ USD, tăng 44,8% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, nhập khẩu từ Việt Nam đạt 285 triệu USD, tăng 32,2% so với cùng kỳ năm 2021. Thị phần cà phê của Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Hoa Kỳ giảm từ 3,87% trong 10 tháng năm 2021 xuống 3,53% trong 10 tháng năm 2022.

Đức là thị trường nhập khẩu cà phê lớn nhất châu Âu. Ngoài phục vụ nhu cầu tiêu thụ nội địa, ngành cà phê Đức xuất khẩu sang các thị trường châu Âu. Theo dự báo, thị trường cà phê Đức sẽ đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 3,09% trong giai đoạn 2022 – 2027. Do đó, Đức là thị trường nhập khẩu cà phê tiềm năng lớn mà các quốc gia sản xuất đều muốn khai thác.

Theo Trung tâm Thương mại Quốc tế, trong 10 tháng năm 2022, nhập khẩu cà phê của Đức đạt 4,72 tỷ USD, tăng 41,3% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, Đức nhập khẩu cà phê từ Việt Nam đạt 494,9 triệu USD, tăng 58,2%. Thị phần cà phê của Việt Nam trong tổng trị giá nhập khẩu của Đức tăng từ 9,35% trong 10 tháng năm 2021 lên 10,47% trong 10 tháng năm 2022.

Để khai thác tốt thị trường cà phê Đức, ngành cà phê Việt Nam cần nắm rõ nhu cầu thị trường. Hiện nhu cầu của người tiêu dùng của người Đức đối với cà phê đặc sản đang tăng lên do nhận thức và kiến thức về sản phẩm ngày càng tăng.

Bên cạnh đó, người tiêu dùng đã bắt đầu một xu hướng mới đối với cà phê rang xay tại nhà.

Ngoài ra, người tiêu dùng cà phê Đức có nhu cầu đối với các sản phẩm có nguồn gốc bền vững trong nước. Do đó, các chương trình chứng nhận đóng vai trò quan trọng khi xây dựng lòng tin của người tiêu dùng đối với các sản phẩm bằng cách cung cấp tính minh bạch và khả năng truy xuất nguồn gốc.



Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục