Giá cà phê bất ngờ lao dốc mạnh do yếu tố tiền tệ trở nên bất lợi
Giá cà phê ngày 6/1/2023: hai sàn sụt giảm trở lại, cà phê nội mất 700 đồng/kg
Kết thúc phiên giao dịch, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London đảo chiều giảm. Kỳ hạn giao ngay tháng 3 giảm 41 USD, xuống 1.832 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 5 giảm 35 USD, còn 1.804 USD/tấn, các mức giảm khá mạnh. Khối lượng giao dịch khá thấp dưới mức trung bình.
Tương tự, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York sụt giảm liên tiếp phiên thứ năm. Kỳ hạn giao ngay tháng 3 giảm thêm 0,75 cent, xuống 160,55 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 5 cũng giảm thêm 0,75 cent, còn 160,60 cent/lb, các mức giảm nhẹ. Khối lượng giao dịch trên mức trung bình.
Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên giảm 700 đồng, xuống dao động trong khung 39.000 - 39.700 đồng/kg. Trong đó, mức giá thấp nhất là 39.000 đồng/kg được ghi nhận tại tỉnh Lâm Đồng sau khi giảm 700 đồng/kg. Kế đó là tỉnh Đắk Lắk với cùng mức giảm 700 đồng/kg, hiện đạt 39.600 đồng/kg. Tương tự, giá thu mua tại hai tỉnh Gia Lai và Đắk Nông giảm 700 đồng/kg xuống cùng mức 39.700 đồng/kg.
Giá cà phê kỳ hạn hai sàn đồng loạt sụt giảm sau khi USDX đảo chiều hồi phục. Nhà đầu tư nhận thấy lợi nhuận trái phiếu dài hạn và tiền tệ vẫn hấp dẫn hơn đã khiến các thị trường hàng hóa phái sinh tiếp tục sụt giảm, bất chấp châu Âu nói chung vẫn còn khủng hoảng năng lượng và khí đốt.
Báo cáo thương mại tháng 12/2022 của Tổ chức cà phê quốc tế (ICO) tiếp tục khẳng định kinh tế khó khăn có thể làm sức tiêu thụ cà phê toàn cầu sụt giảm, tuy nhiên xuất khẩu cà phê thế giới trong hai tháng đầu tiên của niên vụ cà phê hiện tại 2022/2023 đã đạt tổng cộng 19,56 triệu bao, tăng 1,6% so với cùng kỳ niên vụ trước.
Liên đoàn cà phê quốc gia (FNC) ở Colombia báo cáo xuất khẩu cà phê cả năm 2022 có thể chỉ đạt 11,1 triệu bao, giảm 8% so với năm trước, chủ yếu là do thời tiết bất lợi đã làm sản lượng giảm.
Trong khi đó, Ngân hàng đầu tư Rabobank dự báo niên vụ cà phê 2023/2024 Brazil sẽ bội thu và thế giới sẽ dư cung khoảng 4 triệu bao.
Theo các thương nhân kinh doanh cà phê khu vực Đông Nam Á, hàng cà phê Robusta vụ mới tại thị trường nội địa Việt Nam đã bắt đầu khó mua, do nhà nông không muốn bán ra với mức giá trừ lùi hiện hành khoảng 80 – 95 USD/tấn theo kỳ hạn tháng 5 tại London.
Các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tại cuộc họp chính sách ngày 13-14/12/2022 đã nhất trí rằng ngân hàng trung ương này nên giảm tốc độ tăng lãi suất, cho phép họ tiếp tục tăng chi phí đi vay để kiểm soát lạm phát nhưng theo cách từ từ nhằm hạn chế rủi ro đối với tăng trưởng kinh tế.
Các quan chức Fed thừa nhận họ đã đạt được "tiến bộ đáng kể" trong việc giảm lạm phát thông qua tăng mạnh lãi suất. Do đó, Fed hiện cần cân bằng cuộc chiến chống giá cả tăng cao với rủi ro kéo chậm đà tăng trưởng kinh tế quá nhiều, tránh việc đặt gánh nặng lớn nhất lên các nhóm dễ bị tổn thương nhất thể hiện qua tỷ lệ thất nghiệp cao hơn mức cần thiết.
Theo biên bản, các quan chức Fed sẵn sàng giảm quy mô điều chỉnh lãi suất trở lại mức tăng 0,25 điểm phần trăm tại cuộc họp ngày 31/1- 1/2. Nhưng Fed vẫn để ngỏ khả năng mức lãi suất cuối cùng thậm chí còn cao hơn dự báo nếu lạm phát tiếp tục phi mã.
Biên bản nhấn mạnh, nhà đầu tư hoặc công chúng không nên hiểu lầm rằng quyết định chuyển sang các mức tăng lãi suất nhỏ hơn là dấu hiệu Fed giảm bớt cam kết với việc đưa lạm phát trở lại mục tiêu 2%.
Theo biên bản, không quan chức nào cho rằng việc bắt đầu giảm mục tiêu lãi suất vào năm 2023 là phù hợp.
Thị trường và một số nhà kinh tế vẫn chưa từ bỏ ý tưởng rằng Fed sẽ giảm lãi suất trước khi kết thúc năm 2023. Các nhà đầu tư Phố Wall cho rằng, các thành viên của Fed đã có giọng điệu cứng rắn hơn so với trước đó. Có lẽ điều này đã khiến chứng khoán Mỹ bật tăng trở lại và trái phiếu kho bạc dài hạn trở nên hấp dẫn hơn, lãi suất khó có thể giảm sớm vì lạm phát vẫn còn cao hơn mức mục tiêu và các thị trường hàng hóa nói chung rơi vào thế bất lợi.
Như vậy, đúng như dự đoán, Fed sẽ giảm tốc độ tăng lãi suất trong tháng 2 tới. Động thái trên khiến tỷ giá USD giảm nhẹ, nhưng vẫn ở mức cao. Giới kinh doanh vẫn hoài nghi trước động thái giảm lãi suất của cơ quan này, cùng như bi quan về tình hình kinh tế năm 2023 không mấy sáng sủa.
Theo ước tính của Cục Xuất nhập khẩu, xuất khẩu cà phê của Việt Nam năm 2022 đạt 1,72 triệu tấn, trị giá cao kỷ lục 3,94 tỷ USD, tăng 10,1% về lượng và tăng 28,3% về trị giá so với năm 2021. Giá xuất khẩu bình quân cà phê năm 2022 ở mức 2.293 USD/tấn, tăng 16,6% so với năm 2021.
Theo Cục Xuất nhập khẩu, năm 2022 thị trường cà phê toàn cầu đối mặt với nhiều khó khăn khi lạm phát toàn cầu tăng phi mã, người tiêu dùng có xu hướng “thắt lưng buộc bụng” khiến nhu cầu tiêu thụ cà phê giảm. Mặc dù vậy, ngành cà phê Việt Nam vẫn đạt được kết quả đáng ghi nhận khi xuất khẩu tăng trưởng ở mức 2 con số so với năm 2021.
Theo ước tính, xuất khẩu cà phê của Việt Nam năm 2022 đạt 1,72 triệu tấn, trị giá cao kỷ lục 3,94 tỷ USD, tăng 10,1% về lượng và tăng 28,3% về trị giá so với năm 2021. Giá xuất khẩu bình quân cà phê năm 2022 ở mức 2.293 USD/tấn, tăng 16,6% so với năm 2021.
Tuy nhiên, cơ quan này cho rằng giá cà phê thế giới vẫn sẽ chịu nhiều áp lực do nhu cầu tiêu thụ chưa được cải thiện.
Báo cáo của USDA cho biết, sản lượng cà phê toàn cầu dự báo tăng 6,6 triệu bao so với niên vụ trước lên 172,8 triệu bao trong niên vụ 2022-2023. Chủ yếu là do cây cà phê Arabica của Brazil bước vào năm được mùa theo chu kỳ sản xuất hai năm một lần.
Trong khi đó, tiêu thụ cà phê toàn cầu dự kiến tăng hơn 800.000 bao lên 167,9 triệu bao, với mức tăng chủ yếu ở Liên minh châu Âu, Mỹ và Brazil. Như vậy, nguồn cung cà phê thế giới sẽ vượt nhu cầu khoảng 4,8 triệu bao trong niên vụ 2022-2023.
USDA cũng dự báo xuất khẩu cà phê thế giới sẽ giảm 3 triệu bao trong niên vụ 2022-2023, xuống còn 116,1 triệu bao. Sự sụt giảm được ghi nhận tại Brazil, Việt Nam và Ấn Độ nhưng tăng ở Honduras và Colombia. Tồn kho cuối vụ dự kiến tăng hơn 1,5 triệu bao lên 34,1 triệu bao.
Trong bối cảnh nguồn cung cải thiện, giá cà phê toàn cầu được theo dõi bởi Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) đã giảm hơn 25% so với thời điểm tháng 2/2022.
Sản lượng của Việt Nam, nước xuất khẩu cà phê lớn thứ hai thế giới được dự báo đạt 30,2 triệu bao trong niên vụ 2022-2023, giảm 1,4 triệu bao so với vụ thu hoạch kỷ lục trước đó. Diện tích sản xuất của Việt Nam nhìn chung không thay đổi với hơn 95% sản lượng vẫn là cà phê Robusta.
Mùa mưa bắt đầu sớm hơn so với các năm trước giúp cây cà phê ra hoa và phát triển tốt. Điều kiện thời tiết ẩm ướt hơn bình thường giúp giảm chi phí tưới tiêu. Tuy nhiên, giá phân bón đã tăng tới 70% trong năm ngoái. Điều này khiến cho người trồng cà phê giảm sử dụng phân bón, dẫn đến năng suất và sản lượng dự kiến sẽ thấp hơn so với niên vụ trước.
Xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong niên vụ 2022-2023 cũng được dự báo sẽ giảm 1,5 triệu bao, xuống còn 24,5 triệu bao do nguồn cung thấp hơn và tồn kho cuối vụ dự kiến giảm 200.000 bao xuống còn 3,1 triệu bao.
Nhập khẩu của châu Âu và Mỹ dự báo giảm
Báo cáo của USDA cho biết, nhập khẩu cà phê của Liên minh châu Âu trong niên vụ 2022-2023 được dự báo giảm 2,1 triệu bao, xuống còn 44,5 triệu bao và chiếm 40% lượng cà phê nhập khẩu toàn cầu. Các nhà cung cấp hàng đầu bao gồm Brazil (40%), Việt Nam (20%), Uganda (8%) và Honduras (7%).
Tồn kho cà phê cuối kỳ của EU dự báo giảm 1 triệu bao xuống còn 13 triệu bao để đáp ứng mức tăng trưởng nhẹ trong tiêu dùng.
Mỹ tiếp tục là nước nhập khẩu cà phê nhân lớn thứ hai thế giới trong niên vụ 2022-2023 với khối lượng 24,8 triệu bao, giảm 500.000 bao so với niên vụ 2021-2022. Các nhà cung cấp hàng đầu bao gồm Brazil (30%), Colombia (19%), Việt Nam (10%) và Honduras (7%). Tồn kho của Mỹ được dự báo giảm nhẹ xuống 6,1 triệu bao trong niên vụ 2022-2023.