Giá cà phê lặng sóng, cà phê nội giảm nhẹ tiếp 100 đồng/kg

07/01/2023 13:13 GMT+7
Giá cà phê giao dịch trên thị trường khá ổn định phiên cuối tuần, khi không xuất hiện những phiên giao dịch tăng giá mạnh. Nhưng giá cà phê Arabica và Robusta đồng loạt giảm, các mức điều chỉnh giảm nhẹ. USDX đảo chiều hồi phục.

Giá cà phê hôm nay 7/1: Tiếp tục giảm nhẹ 100 đồng/kg 

Kết thúc phiên giao dịch ngày 6/1, giá cà phê robusta trên sàn ICE Futures Europe London kỳ hạn giao hàng tháng 3/2023 giảm thêm 7 USD (0,38%), giao dịch tại 1.825 USD/tấn. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 5/2023 giảm 7 USD (0,39%), giao dịch tại 1.797 USD/tấn. Khối lượng giao dịch thấp.

Giá cà phê arabica trên sàn ICE Futures US New York tiếp tục giảm. Kỳ hạn giao tháng 3/2023 giảm 2,25 Cent/lb (1,4%), giao dịch tại 158,3 Cent/lb. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 5/2023 giảm 2,1 Cent/lb (1,31%), giao dịch tại 158,5 Cent/lb. Khối lượng giao dịch trên trung bình.

Giá cà phê lặng sóng, cà phê nội giảm nhẹ tiếp 100 đồng/kg - Ảnh 1.

GIÁ CÀ PHÊ TRỰC TUYẾN SÀN LONDON, NEW YORK, BMF Cập nhật: 07/01/2023 lúc 12:12:01

Giá cà phê lặng sóng, cà phê nội giảm nhẹ tiếp 100 đồng/kg - Ảnh 2.

Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên giảm nhẹ tiếp 100 đồng, xuống dao động trong khung 38.900 - 39.600 đồng/kg.

Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên giảm nhẹ tiếp 100 đồng, xuống dao động trong khung 38.900 - 39.600 đồng/kg. Trong đó, tỉnh Lâm Đồng giảm 100 đồng/kg xuống mức 38.900 đồng/kg. Đây cũng là mức giá thấp nhất ở thời điểm hiện tại. Tiếp đó là tỉnh Đắk Lắk với mức giá 39.400 đồng/kg sau khi giảm 100 đồng/kg. Tương tự, hai tỉnh Gia Lai và Đắk Nông cũng điều chỉnh giá giảm 100 đồng/kg về mức 39.600 đồng/kg.

Năm 2022, giá cà phê Robusta tại thị trường trong nước biến động mạnh: Trong khoảng 8 tháng đầu năm 2022, giá duy trì quanh mức 40.000 đồng/kg, sang các tháng 9 và 10 giá tăng mạnh lên mức 47.000 – 48.000 đồng/kg, sau đó biến động theo xu hướng giảm trong các tháng 11 và 12/2022. Ngày 24/12/2022, giá cà phê Robusta tại các tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông ổn định so với ngày 30/11/2022, ở mức 40.700 – 40.800 đồng/kg; tại tỉnh Lâm Đồng, giá giảm 100 đồng/kg so với ngày 30/11/2022, xuống còn 40.100 đồng/kg. Ngược lại, giá cà phê tại tỉnh Gia Lai tăng 200 đồng/kg, lên mức 40.800 đồng/kg.

Trở lại sàn giao dịch, giá cà phê Robusta đảo chiều giảm sau các phiên phục hồi trước đó do ảnh hưởng từ đồng USD tăng giá. Tồn kho đạt chuẩn của sàn ICE London ghi nhận giảm 0,39% xuống mức 64.010 tấn tính đến ngày 3/1/2022. Theo chỉ số kỹ thuật vẫn đang cho tín hiệu trung tính, giá cà phê Robusta chưa xác lập xu hướng nên dự kiến trong ngắn hạn giá còn giằng co tích lũy trong biên độ 1800 – 1900.

Giới kinh doanh cà phê khu vực Đông Nam Á cho biết, hàng cà phê Robusta vụ mới tại thị trường nội địa Việt Nam đã bắt đầu khó mua, do nhà nông không muốn bán ra với mức giá trừ lùi hiện hành khoảng 80 – 95 USD/tấn theo kỳ hạn tháng 5 tại London.

Dự kiến trong ngắn hạn, giá cà phê Arabica có thể tiếp tục giảm dò hỗ trợ về vùng hỗ trợ cũ 155. Giá cà phê Arabica vẫn bị mắc kẹt và còn cả 1 chặng đường dài để quay lại vùng giá 172-173.

Giá trị đồng nội tệ của Brazil giảm cũng là yếu tố kiềm hãm giá cà phê Arabica. Theo dữ liệu được công bố bởi Liên đoàn Cà phê quốc gia (FNC) thì Colombia nhà sản xuất cà phê lớn thứ hai trên thế giới đã kết thúc năm 2022 với sản lượng cà phê Arabica giảm 12%, bên cạnh đó xuất khẩu cà phê năm 2022 chỉ đạt 11,4 triệu bao, giảm 8% so với năm 2021. Những yếu tố trên đã góp phần kiềm hãm đà giảm giá của cà phê Arabica.

Trong khi đó, Ngân hàng đầu tư Rabobank dự báo niên vụ cà phê 2023/2024 Brazil sẽ bội thu và thế giới sẽ dư cung khoảng 4 triệu bao.

Tâm điểm theo dõi của thị trường trong tuần này về nền kinh tế Mỹ sẽ là Báo cáo việc làm tháng 12, sẽ giúp thị trường "bắt mạch" được các đợt tăng lãi suất tiếp theo của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiến vào tháng 2, sẽ lên cao đến mức nào và trong thời gian bao lâu.

Báo cáo của Viện nghiên cứu ADP (Mỹ) cho thấy số việc làm trong lĩnh vực tư nhân tháng 12 ở Mỹ đã tăng 235.000 việc, giúp cho thị trường Mỹ vẫn duy trì được sức mạnh và củng cố thêm triển vọng của Fed có thể tiếp tục lộ trình tăng lãi suất mạnh mẽ trong năm nay.

Nhà đầu tư nhận thấy lợi nhuận trái phiếu dài hạn và tiền tệ vẫn hấp dẫn hơn đã khiến các thị trường hàng hóa phái sinh tiếp tục sụt giảm, bất chấp châu Âu nói chung vẫn còn khủng hoảng năng lượng và khí đốt.

Trong khi đó, theo báo cáo mới đây của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), sản lượng cà phê toàn cầu trong niên vụ 2022-2023 dự báo tăng 6,6 triệu bao trong khi tiêu thụ chỉ tăng hơn 800.000 bao. Thế giới dự kiến sẽ dư cung khoảng 4,8 triệu bao cà phê trong niên vụ 2022-2023. Chủ yếu là do cây cà phê Arabica của Brazil bước vào năm được mùa theo chu kỳ sản xuất hai năm một lần.

Trong khi đó, tiêu thụ cà phê toàn cầu dự kiến tăng hơn 800.000 bao lên 167,9 triệu bao, với mức tăng chủ yếu ở Liên minh châu Âu, Mỹ và Brazil. Như vậy, nguồn cung cà phê thế giới sẽ vượt nhu cầu khoảng 4,8 triệu bao trong niên vụ 2022-2023.

USDA cũng dự báo xuất khẩu cà phê thế giới sẽ giảm 3 triệu bao trong niên vụ 2022-2023, xuống còn 116,1 triệu bao. Sự sụt giảm được ghi nhận tại Brazil, Việt Nam và Ấn Độ nhưng tăng ở Honduras và Colombia. Tồn kho cuối vụ dự kiến tăng hơn 1,5 triệu bao lên 34,1 triệu bao.

Báo cáo tháng 12 của Tổ chức Cà phê quốc tế (ICO) tiếp tục khẳng định kinh tế khó khăn có thể làm sức tiêu thụ cà phê toàn cầu sụt giảm, tuy nhiên xuất khẩu cà phê thế giới trong hai tháng đầu tiên của niên vụ cà phê hiện tại 2022/2023 đã đạt tổng cộng 19,56 triệu bao, tăng 1,6% so với cùng kỳ niên vụ trước.

Cuối năm 2022, thị trường cà phê toàn cầu giao dịch trầm lắng trước kỳ nghỉ lễ Giáng sinh và năm mới 2023. Tuy nhiên, thị trường được hỗ trợ từ thông tin về dữ liệu kinh tế của Hoa Kỳ được công bố cho thấy số lượng người nộp đơn trợ cấp thất nghiệp mới tăng ít hơn so với dự kiến và nền kinh tế trong quý 3/2022 đã phục hồi nhanh hơn ước tính, qua đó có khả năng Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (Fed) sẽ tự tin hơn trong cuộc chiến chống lạm phát.

Trên sàn giao dịch London, ngày 24/12/2022, giá cà phê Robusta kỳ hạn giao tháng 1/2023 và tháng 5/2023 tăng lần lượt 1,0% và 1,2% so với ngày 30/11/2022, lên mức 1.875 USD/tấn và 1.830 USD/tấn; kỳ hạn giao tháng 3/2023 và tháng 7/2023 cùng tăng 1,3% so với ngày 30/11/2022, lên mức 1.845 USD/tấn và 1.820 USD/tấn.

Trên sàn giao dịch New York, ngày 24/12/2022, giá cà phê Arabica giao kỳ hạn tháng 3/2023, tháng 5/2023 và 7/2023 tăng lần lượt 4,1%, 4,2% và 4,4% so với ngày 30/11/2022, lên mức 172 Uscent/lb, 171,6 Uscent/lb và 171,4 Uscent/lb.

Trên sàn giao dịch BMF của Brazil, ngày 24/12/2022, giá cà phê Arabica giao kỳ hạn tháng 3/2023, tháng 5/2023 và tháng 7/2023 tăng lần lượt 7,9%, 6,2% và 4,3% so với ngày 30/11/2022, lên mức 219,5 Uscent/ lb, 217 Uscent/lb và 211,35 Uscent/lb.

Tại cảng khu vực thành phố Hồ Chí Minh, cà phê Robusta xuất khẩu loại 2, tỷ lệ đen vỡ 5% giao dịch ở mức giá 1.905 USD/tấn, chênh lệch +30 USD/tấn, giảm 78 USD/tấn (tương đương mức giảm 3,9%) so với ngày 30/11/2022. 

Giá cà phê lặng sóng, cà phê nội giảm nhẹ tiếp 100 đồng/kg - Ảnh 3.

Dự báo giá cà phê thế giới vẫn chịu nhiều áp lực do nhu cầu tiêu thụ chưa được cải thiện.

Dự báo giá cà phê thế giới vẫn chịu nhiều áp lực do nhu cầu tiêu thụ chưa được cải thiện. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) cho biết, sản lượng cà phê toàn cầu ước tính tăng 6,6 triệu bao lên 172.8 triệu bao vào niên vụ 2022/2023, trong khi mức tiêu thụ tăng hơn 800 nghìn bao so với mức 167,9 triệu bao của niên vụ 2021/2022. Ngoài ra, USDA dự báo vụ thu hoạch cà phê Robusta của Brazil sẽ tiếp tục mở rộng để đạt kỷ lục 22,8 triệu bao, tăng 1,1 triệu bao.

Năm 2022 thị trường cà phê toàn cầu đối mặt với nhiều khó khăn khi lạm phát toàn cầu tăng phi mã, người tiêu dùng có xu hướng "thắt lưng buộc bụng” khiến nhu cầu tiêu thụ cà phê giảm. Mặc dù vậy, ngành cà phê Việt Nam vẫn đạt được kết quả đáng ghi nhận khi xuất khẩu tăng trưởng ở mức 2 con số so với năm 2021. 

Theo ước tính, xuất khẩu cà phê của Việt Nam năm 2022 đạt 1,72 triệu tấn, trị giá 3,94 tỷ USD, tăng 10,1% về lượng và tăng 28,3% về trị giá so với năm 2021. Giá xuất khẩu bình quân cà phê năm 2022 ở mức 2.293 USD/tấn, tăng 16,6% so với năm 2021. 

Dự báo năm 2023, ngành cà phê Việt Nam sẽ vẫn được hưởng lợi nhờ nhu cầu thế giới có khả năng phục hồi và nguồn cung trong nước được đảm bảo cả về sản lượng và chất lượng, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.

Trong 11 tháng năm 2022, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang tất cả các khu vực tăng so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, xuất khẩu sang khu vực châu Đại Dương tăng cao nhất, tăng 73,2% so với cùng kỳ năm 2021; mức tăng thấp nhất 7,9% xuất khẩu tới khu vực châu Phi.

Trong 11 tháng năm 2022, trị giá xuất khẩu cà phê của Việt Nam tới tất cả các thị trường truyền thống đều tăng so với cùng kỳ năm 2021. Đáng chú ý, xuất khẩu cà phê sang Bỉ tăng 144,1%; Ý tăng 35,3%; Nhật Bản tăng 29%; Tây Ban Nha tăng 65,2%; Anh tăng 80,6%.

Trong 11 tháng năm 2022, xuất khẩu tất cả các chủng loại cà phê đều tăng so với cùng kỳ năm 2021. Mức tăng cao nhất 56,3% đối với cà phê Arabica; mức tăng thấp nhất 19,6% đối với cà phê Excelsa.

Thị phần cà phê của Việt Nam đều tăng trong 5 thị trường nhập cà phê lớn nhất thế giới. Cụ thể: Trong 10 tháng năm 2022, mặc dù kinh tế thế giới đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng nhập khẩu cà phê của các thị trường lớn đều tăng so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, thị phần cà phê Việt Nam trên tổng nhập khẩu của 3/5 thị trường lớn tăng so với cùng kỳ năm 2021 gồm: Đức, Pháp, Canada; trong khi thị phần trong tổng nhập khẩu của Hoa Kỳ và Trung Quốc giảm. 

Hoa Kỳ là thị trường nhập khẩu cà phê lớn nhất thế giới. Theo Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ, trong 10 tháng năm 2022, nhập khẩu cà phê của Hoa Kỳ đạt 8,07 tỷ USD, tăng 44,8% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, nhập khẩu từ Việt Nam đạt 285 triệu USD, tăng 32,2% so với cùng kỳ năm 2021. Thị phần cà phê của Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Hoa Kỳ giảm từ 3,87% trong 10 tháng năm 2021 xuống 3,53% trong 10 tháng năm 2022. 

Đức là thị trường nhập khẩu cà phê lớn nhất châu Âu. Ngoài phục vụ nhu cầu tiêu thụ nội địa, ngành cà phê Đức xuất khẩu sang các thị trường châu Âu. Theo dự báo, thị trường cà phê Đức sẽ đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 3,09% trong giai đoạn 2022 – 2027. Do đó, Đức là thị trường nhập khẩu cà phê tiềm năng lớn mà các quốc gia sản xuất đều muốn khai thác. 

Theo Trung tâm Thương mại Quốc tế, trong 10 tháng năm 2022, nhập khẩu cà phê của Đức đạt 4,72 tỷ USD, tăng 41,3% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, Đức nhập khẩu cà phê từ Việt Nam đạt 494,9 triệu USD, tăng 58,2%. Thị phần cà phê của Việt Nam trong tổng trị giá nhập khẩu của Đức tăng từ 9,35% trong 10 tháng năm 2021 lên 10,47% trong 10 tháng năm 2022. 

Để khai thác tốt thị trường cà phê Đức, ngành cà phê Việt Nam cần nắm rõ nhu cầu thị trường. Hiện nhu cầu của người tiêu dùng của người Đức đối với cà phê đặc sản đang tăng lên do nhận thức và kiến thức về sản phẩm ngày càng tăng. 

Bên cạnh đó, người tiêu dùng đã bắt đầu một xu hướng mới đối với cà phê rang xay tại nhà. 

Ngoài ra, người tiêu dùng cà phê Đức có nhu cầu đối với các sản phẩm có nguồn gốc bền vững trong nước. Do đó, các chương trình chứng nhận đóng vai trò quan trọng khi xây dựng lòng tin của người tiêu dùng đối với các sản phẩm bằng cách cung cấp tính minh bạch và khả năng truy xuất nguồn gốc.



Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục