Giá cà phê duy trì hai xu hướng khác biệt, nhiều tin hỗ trợ
Giá cà phê hôm nay 8/1: Tăng 200 - 300 đồng/kg trong tuần qua
Tính chung cả tuần đầu năm 2023, thị trường London có 2 phiên tăng và 2 phiên giảm liên tiếp. Giá cà phê Robusta kỳ hạn giao ngay tháng 3 tăng tất cả 26 USD, tức tăng 1,45 %, lên 1.825 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 5 tăng tất cả 23 USD, tức tăng 1,30 %, lên 1.797 USD/tấn, các mức tăng đáng kể. Khối lượng giao dịch dưới mức trung bình.
Trái lại, thị trường New York có 4 phiên giảm liên tiếp. Giá cà phê Arabica kỳ hạn giao ngay tháng 3 giảm tất cả 9,00 cent, tức giảm 5,38 %, xuống 158,30 cent/lb, và kỳ hạn giao tháng 5 giảm tất cả 7,45 cent, tức giảm 4,46 %, còn 159,50 cent/lb, các mức giảm mạnh. Khối lượng giao dịch trên mức trung bình.
Giá cà phê nhân xô tại thị trường Tây Nguyên tăng 200 – 300 đồng. Giá cà phê hôm nay (8/1) dao động trong khoảng 38.900 - 39.600 đồng/kg. Trong 6 ngày qua, thị trường cà phê có xu hướng đi lên. Vào cuối tuần, các địa phương ghi nhận mức tăng 200 - 300 đồng/kg so với đầu tuần.
Trong đó, tỉnh Lâm Đồng điều chỉnh tăng 300 đồng/kg lên mức 38.900 đồng/kg. Đây cũng là mức giá thấp nhất ở thời điểm hiện tại. Hai tỉnh Đắk Lắk và Kon Tum lần lượt ghi nhận mức giá là 39.400 đồng/kg và 39.500 đồng/kg, tương ứng với mức tăng 200 đồng/kg và 300 đồng/kg. Sau khi cùng tăng 300 đồng/kg, giá thu mua tại hai tỉnh Gia Lai và Đắk Nông hiện đang ở mức 39.600 đồng/kg.
Nổi bật trong tuần là những báo cáo tồn kho ICE – New York gia tăng trở lại, trong khi thời biết ở các vùng trồng cà phê chính của Brazil có nhiều mưa thuận lợi sẽ hỗ trợ cho vụ mùa mới phát triển thuận lợi, dự kiến sẽ đạt mức kỷ lục trong niên vụ 2023/2024, đã làm giá cà phê Arabica sụt giảm suốt cả tuần.
Trong khi đó, giá cà phê Robusta có sự hỗ trợ từ báo cáo tồn kho ICE – London tiếp tục giảm sâu xuống ở mức thấp 4,5 năm và thời tiết có nhiều mưa bất lợi cho việc thu hoạch và phơi sấy cà phê cuối vụ ở vùng cà phê Tây nguyên Việt Nam.
Bên cạnh còn là USDX mạnh lên trong rổ tiền tệ đã đẩy các đồng tiền mới nổi suy yếu trở lại làm giảm sức mua hàng hóa nói chung, do các nhà đầu tư dịch chuyển dòng vốn đầu cơ sang các thị trường chứng khoán và trái phiếu kho bạc dài hạn vì có lợi nhuận cao hơn.
Tính đến ngày 4/1, tồn kho cà phê Robusta được sàn London chứng nhận và theo dõi cấp phát đã giảm thêm 250 tấn, tức giảm 0,39 % so với tuần trước đó, xuống đăng ký ở mức 64.010 tấn (tương đương 1.066.833 bao, bao 60 kg), kéo dài chuỗi giảm 10 tuần liên tiếp.
Bộ Lao Động Mỹ báo cáo việc làm tháng 12 tăng khá, đạt 223.000 việc làm mới trong khi thị trường dự đoán ở mức 180.000 việc làm mới và mức lương trung bình tăng không như kỳ vọng, sẽ là động lực để Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) mạnh tay tăng mức lãi suất tiền tệ nhằm ngăn chặn lạm phát Mỹ còn ở mức cao. Lãi suất cao sẽ tác động tới giá của các loại hàng hóa trên sàn giao dịch.
Nhập khẩu cà phê của Liên minh châu Âu trong niên vụ 2022-2023 được dự báo giảm 2,1 triệu bao, xuống còn 44,5 triệu bao và chiếm 40% lượng cà phê nhập khẩu toàn cầu. Các nhà cung cấp hàng đầu bao gồm Brazil (40%), Việt Nam (20%), Uganda (8%) và Honduras (7%).
Tồn kho cà phê cuối kỳ của EU dự báo giảm 1 triệu bao xuống còn 13 triệu bao để đáp ứng mức tăng trưởng nhẹ trong tiêu dùng.
Mỹ tiếp tục là nước nhập khẩu cà phê nhân lớn thứ hai thế giới trong niên vụ 2022-2023 với khối lượng 24,8 triệu bao, giảm 500.000 bao so với niên vụ 2021-2022.
Các nhà cung cấp hàng đầu bao gồm Brazil (30%), Colombia (19%), Việt Nam (10%) và Honduras (7%). Tồn kho của Mỹ được dự báo giảm nhẹ xuống 6,1 triệu bao trong niên vụ 2022-2023.
Xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong niên vụ 2022-2023 cũng được dự báo sẽ giảm 1,5 triệu bao, xuống còn 24,5 triệu bao, do nguồn cung thấp hơn và tồn kho cuối vụ dự kiến giảm 200.000 bao xuống còn 3,1 triệu bao.
Năm 2022 thị trường cà phê toàn cầu đối mặt với nhiều khó khăn, người tiêu dùng có xu hướng “thắt lưng buộc bụng” khiến nhu cầu tiêu thụ cà phê giảm. Mặc dù vậy, ngành cà phê Việt Nam vẫn đạt được kết quả đáng ghi nhận khi xuất khẩu tăng trưởng ở mức 2 con số so với năm 2021.
Theo Cục Xuất nhập khẩu, ước tính xuất khẩu cà phê của Việt Nam năm 2022 đạt 1,72 triệu tấn, trị giá 3,94 tỷ USD, tăng 10,1% về lượng và tăng 28,3% về trị giá so với năm 2021. Giá xuất khẩu bình quân cà phê năm 2022 ở mức 2.293 USD/tấn, tăng 16,6% so với năm 2021.
Dự báo năm 2023, ngành cà phê Việt Nam sẽ vẫn được hưởng lợi nhờ nhu cầu thế giới có khả năng phục hồi và nguồn cung trong nước được đảm bảo cả về sản lượng và chất lượng, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.
Về thị trường nội địa, theo thống kê, nông dân Việt Nam đã thu hoạch được khoảng 85% diện tích niên vụ hiện tại, kết hợp với nhu cầu đẩy hàng tăng mạnh trước dịp Tết Nguyên Đán đã thúc đẩy lực bán gia tăng trên thị trường và gây sức ép lên giá.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), sản lượng cà phê toàn cầu ước tính tăng 6,6 triệu bao lên 172.8 triệu bao vào niên vụ 2022/2023.
Trong khi đó, mức tiêu thụ tăng hơn 800 nghìn bao so với mức 167,9 triệu bao của niên vụ 2021/2022.
Ngoài ra, USDA dự báo vụ thu hoạch cà phê robusta của Brazil sẽ tiếp tục mở rộng để đạt kỷ lục 22,8 triệu bao, tăng 1,1 triệu bao.