Giá cao su sẽ tăng mạnh trong nửa cuối quý I?
Giá cao su ngày 7 và 8/2 đều tăng mạnh tại các sàn châu Á. Cao su thế giới có thể sẽ bước vào chu kỳ tăng giá khá mạnh.
Tại Sở giao dịch hàng hóa Osaka (OSE), giá cao su ngày 8/2/2022, lúc 10h00, kỳ hạn tháng 6/2022, tăng mạnh lên mức 245,1 JPY/kg, tăng mạnh 1,3 yên, tương đương 0,53%.
Giá cao su kỳ hạn tháng 3/2022 trên sàn Thượng Hải cũng tăng mạnh 140 CNY, lên mức 14.440 CNY/tấn, tương đương 0,98%.
Giá cao su trên thị trường Nhật Bản tăng do thị trường chứng khoán Tokyo hồi phục và giá dầu tăng cao. Giá cao su tăng còn do tâm lý lạc quan trên thị trường trong nước, mặc dù lo ngại về doanh số bán ôtô của Nhật hạn chế đà tăng. Doanh số bán ôtô mới của Nhật sụt giảm trong tháng Giêng, làm tăng thêm các dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Nhật Bản có thể thu hẹp trong quý hiện tại do sự gián đoạn chuỗi cung ứng liên tục và sự gia tăng các trường hợp nhiễm biến thể Omicron.
Tính chung cả tuần, giá cao su đã tăng 0,9% trong tuần, là tuần tăng đầu tiên trong vòng 3 tuần. Hoạt động giao dịch vẫn thưa thớt vì thị trường Trung Quốc chưa hoạt động mạnh trở lại.
Năm 2021, thị trường cao su thế giới gặp khó khăn do thị trường ô tô toàn cầu gặp khủng hoảng chip bán dẫn, nhập khẩu cao su từ Trung Quốc chậm lại bởi chính sách “Zero Covid” của nước này, sự mạnh lên của đồng USD trong thời gian qua… Vì vậy, phần lớn thời gian giá cao su trong năm 2021 đi ngang hoặc giảm, mặc dù cũng có vài đợt tăng, nhưng không kéo dài quá 1 tháng.
Năm 2022, thị trường kỳ vọng vào sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu, sau khi các ngân hàng trung ương lớn tung ra các gói cứu trợ, giá cao su thế giới có thể sẽ tăng mạnh trong nửa cuối quý I/2022 do nguồn cung cao su tự nhiên toàn cầu dự kiến thiếu hụt bởi nguồn cung cao su Đông Nam Á đang bị thời tiết xấu ảnh hưởng đến sản lượng mủ tự nhiên.
Trong khi đó, hoạt động xuất nhập khẩu đang gặp khó khăn do dịch bệnh, các cảng biển hoạt động khó khăn khi tình trạng thiếu container khá trầm trọng.
Dự báo, trong ngắn hạn, giá cao su có thể sẽ tiếp tục tăng do cây cao su bước vào thời kỳ nghỉ khai thác, nguồn cung hạn chế và nhu cầu tăng trở lại sau kỳ nghỉ Đông. Tuy nhiên đà tăng vẫn bị hạn chế bởi sự lan rộng của biến thể Covid-19 mới trên toàn cầu, cùng với sự chậm lại trong sản xuất ô tô đã làm tăng lên mối lo ngại về nhu cầu tiêu thụ trên thị trường yếu đi.
Năm 2021, mặc dù gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19, nhưng xuất khẩu cao su của Việt Nam vẫn tăng trưởng khả quan so với năm 2020, vượt mốc 3 tỷ USD sau 10 năm. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, năm 2021, xuất khẩu cao su của Việt Nam đạt 1,95 triệu tấn, trị giá 3,27 tỷ USD, tăng 11,7% về lượng và tăng 37,5% về trị giá so với năm 2020. Giá bình quân xuất khẩu cao su của Việt Nam trong năm 2021 ở mức 1.677 USD/tấn, tăng 23% so với năm 2020.
Năm 2021, Trung Quốc tiếp tục là thị trường xuât khẩu cao su lớn nhất của Việt Nam, chiếm 71,4% tổng lượng xuất khẩu của cả nước, đạt 1,39 triệu tấn, trị giá 2,28 tỷ USD, tăng 2,5% về lượng và tăng 24,9% về trị giá so với năm 2020; giá xuất khẩu cao su bình quân đạt 1.637 USD/tấn, tăng 21,9% so với năm 2020. Theo thống kê của Cơ quan Hải quan Trung Quốc, năm 2021, nhập khẩu cao su tự nhiên và tổng hợp của Trung Quốc đạt 6,77 triệu tấn, trị giá 12,13 tỷ USD, giảm 9,4% về lượng, nhưng tăng 14,5% về trị giá so với năm 2020. Ngoài việc xuất khẩu ổn định sang thị trường số 1 là Trung Quốc, trong năm 2021, xuất khẩu cao su sang các thị trường lớn khác cũng đều tăng mạnh so với năm 2020, trong đó đáng chú ý như: Nga, Xrilanca, Ấn Độ, Đức, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, châu Âu...
Dự báo, năm 2022, xuất khẩu cao su sẽ tiếp tục tăng khi nhu cầu nhập khẩu cao su của các thị trường lớn như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Ấn Độ, châu Âu được dự báo tiếp tục tăng khi kinh tế các nước này hồi phục sau thời gian dài bị ảnh hưởng của dịch bệnh. Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA) dự báo, trong giai đoạn 2022 - 2024, cao su thế giới có thể sẽ bước vào chu kỳ tăng giá khá mạnh do nguồn cung đang giảm dần.
Trong năm 2022, tình hình sản xuất, chế biến và xuất khẩu cao su sẽ tiếp tục có những thuận lợi. Nhu cầu về cao su tự nhiên của thế giới sẽ tiếp tục tăng. Việc mở lại biên giới quốc tế của một số quốc gia và nối lại các hoạt động kinh tế sẽ góp phần thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng cao su phục hồi.
Nguồn cung cao su toàn cầu vẫn bị thắt chặt phần lớn do các trận mưa lũ bất thường, không theo mùa đã ảnh hưởng đến các vùng trồng cao su chính ở Ấn Độ, Thái Lan và Malaysia.
Trong đó, Thái Lan và các vùng trồng cao su chính của Malaysia đã trải qua mùa mưa kéo dài do ảnh hưởng của hiện tượng La Nina.
Mặt khác, việc nới lỏng các hạn chế liên quan đến đại dịch Covid-19 như việc mở lại biên giới quốc tế của một số quốc gia và nối lại các hoạt động kinh tế hơn góp phần đáng kể vào sự phục hồi của ngành cao su.
Theo Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương), với nhu cầu nguyên liệu trên toàn cầu tăng cao và sản lượng cao su trên thế giới đang giảm bởi nhiều yếu tố như đã phân tích ở trên, trong đó tác động nhiều nhất là tình hình biến đổi khí hậu khiến diện tích cao su trên thế giới sụt giảm, đi ngược lại với nhu cầu tăng của các nước sản xuất công nghiệp; vì thế xuất khẩu cao su của Việt Nam có thể tiếp tục được hưởng lợi về giá, tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu cao su năm 2022 có thể vượt mốc 3,5 tỷ USD.