Giá gạo cao nhất trong 2 tháng qua
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT): Khối lượng gạo xuất khẩu 10 tháng đầu năm ước đạt 5,56 triệu tấn và 2,43 tỷ USD, tăng 6,1% về khối lượng nhưng giảm 9,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018.
Trên thị trường thế giới, nhu cầu đối với gạo Ấn Độ sụt giảm do khách hàng trì hoãn mua vào mặc dù giá gạo đang ở mức thấp nhất trong 4 tháng, trong khi nguồn cung bị thắt chặt khiến giá gạo Việt Nam đứng ở mức cao nhất trong 2 tháng qua. Nhu cầu mới đối với gạo Thái Lan dường như chưa có trong ngắn hạn.
Về mặt giá cả, gạo Việt Nam đã có chút khởi sắc
Đây được coi là những tín hiệu khá tích cực với gạo Việt, bởi lẽ ngay trong tháng 9 vừa qua, chính Cục Chế biến và Thị trường nông sản đã đưa ra nhận định: Trên thị trường thế giới đã ghi nhận giá gạo xuất khẩu Ấn Độ tăng nhờ đồng Rupee hồi phục. Đồng Baht tăng trở lại giúp giá gạo Thái Lan ổn định ở mức cao trong gần 1 năm qua và đắt hơn so với các đối thủ cạnh tranh khác ở châu Á. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ ảm đạm giữ giá gạo Việt Nam ở mức thấp gần 12 năm.
Xét về mặt thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam, trong 9 tháng đầu năm nay, Philippines đang đứng vị trí thứ nhất với hơn 35% thị phần. Xuất khẩu gạo sang thị trường này trong 9 tháng đạt 1,89 triệu tấn và 773,8 triệu USD, gấp 2,9 lần về khối lượng và gấp 2,6 lần về giá trị so với cùng kỳ năm 2018.
Tiếp tục tìm giải pháp giảm giá thánh sản xuất cây lúa
Đầu tư công nghệ cao để hạ giá thành sản xuất đang là một hướng đi chiến lược của ngành nông nghiệp.
Tại tỉnh Long An, nhiều cánh đồng lúa đã áp dụng các thiết bị điện tử để thay thế sức người. Mô hình thiết bị máy bay không người lái phun thuốc bảo vệ thực vật là một ví dụ cho việc ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất nông nghiệp. Theo tính toán của nông dân, khi sử dụng thiết bị máy bay không người lái phun thuốc bảo vệ thực vật, với 1ha lúa bà con tiết kiệm được hơn 800.000 đồng. Cụ thể, nông dân sẽ tiết kiệm được 30% thuốc bảo vệ thực vật, rút ngắn thời gian. Đặc biệt, với những thửa ruộng mới cấy, lúa sẽ không bị thiệt hại do dẫm dạp nếu phun thủ công. Tại tỉnh Long An, đã có 1.000ha được nông dân sử dụng phương pháp này.
Thiết bị phun thuốc tự động có khả năng kiểm soát dịch bệnh qua việc cài đặt chế độ kiểm soát, đánh giá, phân loại vị trí cây lúa bị dịch bệnh nặng, vị trí không bị bệnh để điều tiết lượng thuốc bảo vệ thực vật hợp lý. Để tăng hiệu quả mô hình, lực lượng kỹ sư "ba cùng" (cùng ăn, cùng ở, cùng làm) sẽ là cánh tay đắc lực của mô hình.
Theo nông dân, việc dùng máy bay không người lái phun thuốc bảo vệ thực vật còn có giá cao so với mặt bằng chung. Trong thời gian đầu, nhiều đơn vị đã cử cán bộ kỹ thuật hỗ trợ nông dân để làm quen với thiết bị cũng như cách quản lý, xử lý thuốc, góp phần cắt giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm.