Giá gạo thế giới đang cao và khả năng sẽ còn tăng

15/06/2022 06:47 GMT+7
Tác động từ lạm phát và tăng giá hàng hóa toàn cầu có thể sẽ đẩy giá gạo vốn đang cao sẽ tiếp tục tăng hơn nữa trong thời gian tới.

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang có nhiều biến động tiêu cực cùng tình trạng lạm phát lan rộng, giá cả thực phẩm nói chung đang ở mức cao. Giới chuyên gia cảnh báo đang xuất hiện nhiều chỉ dấu cho thấy giá một số mặt hàng trong nhóm này, cụ thể là gạo, sẽ còn tăng hơn nữa trong ngắn hạn, theo đài CNBC.

Đằng sau đà tăng của giá gạo

Theo chỉ số giá lương thực của Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO), giá cả thực phẩm đã tăng hơn 75% so với mức trước đại dịch COVID-19. Trong khi đó, giá gạo thế giới đã tăng năm tháng liên tiếp và đến tháng 5 lên mức cao nhất trong 12 tháng gần đây.

Theo dữ liệu từ Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), Trung Quốc và Ấn Độ hiện là hai nước sản xuất nhiều lúa gạo nhất thế giới, chiếm hơn một nửa tổng sản lượng toàn cầu. Việt Nam xếp thứ năm, theo sau là Thái Lan.

Giới chuyên gia đánh giá sản lượng gạo của thế giới hiện vẫn dồi dào. Tuy nhiên, chi phí sản xuất nông nghiệp nói chung bị đội lên, cộng thêm giá lúa mì tăng cao khiến diễn biến giá gạo trở thành một vấn đề đáng lưu tâm. “Chúng ta cần theo dõi giá gạo trong thời gian tới vì giá lúa mì tăng có thể dẫn tới việc dùng gạo để thay thế một phần, làm gia tăng nhu cầu tiêu thụ gạo và gây giảm lượng dự trữ hiện có” - chuyên gia kinh tế trưởng Sonal Varma thuộc Ngân hàng Nomura (Nhật) lưu ý.

Theo chuyên gia Frederique Carrier thuộc công ty quản lý tài sản RBC Wealth Management (Canada), khoảng 1/3 chi phí sản xuất lương thực là chi phí liên quan đến năng lượng. Sản xuất phân bón nông nghiệp là một quy trình đòi hỏi nhiều năng lượng, và giá phân bón trên toàn cầu đã tăng vọt trong một năm trở lại đây.

Cũng theo bà Carrier, tình trạng khan hiếm nhân công do ảnh hưởng của đại dịch và cuộc xung đột Nga - Ukraine cũng làm cho tình hình lương thực trở nên trầm trọng bởi các tác nhân này vừa gây gián đoạn nguồn cung lương thực, vừa đẩy giá năng lượng lên cao hơn nữa.

Giá gạo thế giới đang cao và khả năng sẽ còn tăng - Ảnh 1.

Một chủ đại lý gạo ở thủ đô Bangkok (Thái Lan) hồi tháng 4. Ảnh: THE BANGKOK POST

Nhiều nước ra biện pháp chống đỡ

Trước tác động của giá cả thực phẩm leo thang hiện nay, nhiều nước đã phải tiến hành hạn chế xuất khẩu nhóm mặt hàng này để đảm bảo lượng dự trữ cho nhu cầu trong nước. Ấn Độ hồi tháng 5 đã tuyên bố cấm xuất khẩu lúa mì và đường, trở thành quốc gia mới nhất hạn chế xuất khẩu lương thực.

Trước Ấn Độ, nhiều quốc gia khác đã áp hạn chế xuất khẩu lương thực. Ngoài Nga và Ukraine, những nước như Ai Cập, Kazakhstan, Kosovo và Serbia đều đã cấm xuất khẩu lúa mì. Không chỉ lúa mì bị hạn chế xuất khẩu, nhiều nước còn áp lệnh cấm những mặt hàng lương thực và thực phẩm khác, khiến áp lực lạm phát toàn cầu càng tăng thêm. Trong số đó có những sản phẩm như dầu hạt hướng dương, dầu cọ và cả phân bón - mặt hàng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.

Trước diễn biến liên quan đến thị trường gạo, ngày 6-6, hãng tin Reuters dẫn nguồn tin nội bộ cho biết các thương lái gạo đã tăng mua gạo Ấn Độ trong hai tuần liên tiếp. Động thái này nhiều khả năng sẽ đẩy giá mặt hàng gạo ở Ấn Độ tăng cao thêm và có thể thúc đẩy New Delhi ban hành lệnh cấm xuất khẩu. Nhiều chuyên gia lo ngại rằng các biện pháp cấm đoán như trên sẽ mở đầu cho làn sóng chủ nghĩa bảo hộ lan ra toàn cầu, tăng thêm áp lực lên giá cả hiện tại.

Theo chuyên gia cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chính sách Lương thực Quốc tế (IFPRI) - ông David Laborde, việc nên làm lúc này là nên để giá tăng tự nhiên theo thị trường, thay vì tìm cách can thiệp, cấm đoán xuất khẩu.

“Việc tăng giá lúc này sẽ là biện pháp tốt hơn so với cấm xuất khẩu. Một bên là tăng giá giúp bù đắp chi phí tăng cao, thúc đẩy sản xuất và có lợi cho nông dân. Bên còn lại là cấm xuất khẩu, đẩy giá trên thị trường thế giới lên cao, trong khi giá tại thị trường nội địa lao dốc” - ông Laborde giải thích.

Tuy nhiên, ông Nafees Meah, đại diện khu vực Nam Á tại Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế (IRRI), lại có quan điểm ngược lại. Chuyên gia này cho rằng việc để giá gạo tiếp tục tăng sẽ tác động xấu đến người dân châu Á. “Ở khu vực Đông Nam Á - Thái Bình Dương, các quốc gia như Lào, Timor-Leste, Campuchia và ngay cả những nước như Indonesia - nước đông dân nhất khu vực, nhiều người đang phải đối mặt với nguy cơ mất an ninh lương thực” - ông cảnh báo.

Một ý kiến nữa là các chính phủ cần có chính sách hỗ trợ chi phí sản xuất cho nông dân có thêm nguồn lực và yên tâm canh tác để giữ nguồn cung gạo ổn định.•

Việt Nam vẫn đảm bảo được an ninh lương thực, dinh dưỡng

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), cho biết Việt Nam có diện tích xấp xỉ 7,3 triệu ha trồng lúa, 1 triệu ha trồng rau, cộng với sản lượng thịt, trứng, sữa… nên về cơ bản Việt Nam không có nguy cơ mất an ninh lương thực, an ninh dinh dưỡng.

“Với khả năng sản xuất như hiện nay và không có tác động bất ngờ nào như thiên tai… thì Việt Nam luôn bảo đảm an ninh lương thực, an ninh dinh dưỡng” - ông Cường nhấn mạnh.

Ngoài ra, sau khi đáp ứng nhu cầu trong nước, Việt Nam có thể dành cho xuất khẩu 6-7 triệu tấn gạo. Theo báo cáo của Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu gạo trong tháng 5 đạt 386 triệu USD, tăng 39,9% so với tháng trước và tăng 14% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm trước giảm 17,2%).

Ông Cường đề nghị các doanh nghiệp xuất khẩu lương thực, đặc biệt là xuất khẩu gạo kịp thời nắm bắt thị trường để có những điều chỉnh về xuất nhập khẩu, tận dụng lợi thế tối đa trong điều kiện hiện nay. AN HIỀN

Theo PLO
Cùng chuyên mục