Giá lợn hơi bao giờ vượt mốc 60.000 đồng/kg?
Tuần giá lợn hơi giảm mức cao nhất 4.000 đồng/kg
Tại khu vực miền Bắc, giá lợn hơi hôm nay (18/6) đồng loạt đi ngang so với ngày hôm qua và dao động trong khoảng 56.000 - 57.000 đồng/kg. Đây cũng là khu vực không ghi nhận sự biến động về giá trong hơn một tuần trở lại đây. Hiện tại, mức giá thấp nhất khu vực được ghi nhận tại Yên Bái, Lào Cai, Nam Định, Phú Thọ và Hà Nam là 56.000 đồng/kg. Các địa phương còn lại cùng thu mua lợn hơi với giá 57.000 đồng/kg.
Trái ngược xu hướng thị trường khu vực miền Bắc, tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên sau những ngày tăng – giảm trái chiều, giá lợn hơi hôm nay tiếp tục giảm sâu và dao động trong khoảng 51.000 - 56.000 đồng/kg. Cụ thể, sau khi giảm 1.000 đồng/kg, các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Quảng Nam điều chỉnh giá thu mua xuống chung mức 54.000 đồng/kg. Sau khi giảm lần lượt 2.000 - 3.000 đồng/kg, thương lái tại Quảng Ngãi và Khánh Hòa đang cùng giao dịch chung giá 53.000 đồng/kg. Mức giảm cao nhất 4.000 đồng/kg được ghi nhận tại tỉnh Bình Định và hiện đang thương lái thu mua lợn hơi với giá thấp nhất là 51.000 đồng/kg.
Cùng chung xu hướng thị trường với khu vực miền Trung – Tây Nguyên, tại khu vực miền Nam, giá lợn hơi giảm nhẹ ở một vài nơi trong hôm nay và dao động trong khoảng 54.000 - 58.000 đồng/kg. Theo đó, sau khi hạ nhẹ một giá, các tỉnh Kiên Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Bạc Liêu và Cà Mau hiện đang thu mua lợn hơi trong khoảng 53.000 - 56.000 đồng/kg. Mức giá cao nhất khu vực là 58.000 đồng/kg, tiếp tục được ghi nhận tại An Giang.
Lợn hơi trong nước đang tiệm cận giá lợn tại thị trường Trung Quốc, quanh mốc 57.000 - 58.000 đồng/kg. Theo dự báo của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế, tổng sản lượng thịt lợn mà Việt Nam dự kiến tiêu thụ trong năm nay khoảng 3,4 triệu tấn, đứng thứ 2 khu vực châu Á, chỉ sau Trung Quốc. Tại châu Á, trong tháng 5, giá thịt lợn tại Trung Quốc tăng hơn 3% so đầu tháng, giá thịt lợn tại Hàn Quốc tăng 20% so với tháng 4, còn tại Malaysia giá lợn hơi đến nay tăng khoảng 40% so với giá đầu năm 2022.
Trước đó trong tháng 5/2022, giá lợn hơi tại các vùng trên cả nước tăng do nhu cầu tiêu thụ thịt và các sản phẩm từ thịt tăng trở lại nhờ các hoạt động du lịch, văn hóa và lễ hội, các nhà hàng, nhà ăn tại trường học và nhà máy mở cửa trở lại. Tại khu vực miền Bắc, hiện giá lợn hơi dao động từ 56.000-58.000 đồng/kg. Tại khu vực miền Trung và khu vực Tây Nguyên giá dao động từ 54.000-57.000 đồng/kg. Tại khu vực miền Nam giá lợn hơi dao động từ 54.000-60.000 đồng/kg. Giá tăng do nhu cầu được cải thiện, trong khi nguồn cung bị ảnh hưởng bởi giá thức ăn chăn nuôi tăng cao. Trong khi đó, tại một số tỉnh, thành phố ở miền Nam đang có dịch tả lợn châu Phi khiến việc chăn nuôi của người dân gặp khó khăn.
Khi đó, các cơ quan chức năng dự báo, giá lợn hơi sẽ tăng hơn mức 60.000 đồng/kg giai đoạn giữa đến cuối tháng 6. Yếu tố để dự đoán khi đó là nhận định cho rằng, các hoạt động ăn uống ngoài gia đình, mùa du lịch cao điểm, nên lượng tiêu thụ thịt sẽ "chạy" hơn.
Trong tháng 5/2022, đàn lợn và gia cầm cả nước phát triển ổn định, dịch bệnh lớn không xảy ra, nhưng tình hình chăn nuôi vẫn gặp khó khăn do giá thức ăn chăn nuôi tiếp tục tăng. Tổng đàn lợn của cả nước đến cuối tháng 5/2022 ước tính tăng 5,7% so với năm 2021; tổng số trâu của cả nước giảm 1,5%; tổng số bò tăng 1,6%; đàn gia cầm tăng khoảng 1,9% so với cùng kỳ năm 2021.
Về xuất khẩu: Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, 4 tháng đầu năm 2022, Việt Nam xuất khẩu được 4,45 nghìn tấn thịt và các sản phẩm thịt, trị giá 18,18 triệu USD, giảm 33,1% về lượng và giảm 24,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Xuất khẩu thịt và sản phẩm thịt giảm là do xuất khẩu sang một số thị trường chủ chốt như thị trường Hồng Kông, Trung Quốc, Hàn Quốc... giảm so với cùng kỳ năm 2021.
Trong 4 tháng đầu năm 2022, thịt và các sản phẩm thịt của Việt Nam được xuất khẩu sang 20 thị trường. Trong đó, xuất khẩu sang thị trường Hồng Kông là nhiều nhất, chiếm 53,6% tổng kim ngạch xuất khẩu thịt và các sản phẩm thịt của cả nước. Trong 4 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu thịt và các sản phẩm thịt sang thị trường Hồng Kông đạt 1,77 nghìn tấn, trị giá 9,74 triệu USD, giảm 62% về lượng và giảm 45,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Thịt và các sản phẩm thịt của Việt Nam được xuất khẩu sang thị trường Hồng Kông chủ yếu là thịt lợn nguyên con đông lạnh, thịt lợn sữa đông lạnh nguyên con.
Thịt và các sản phẩm từ thịt của Việt Nam xuất khẩu chủ yếu trong 4 tháng đầu năm 2022 gồm các chủng loại như: Thịt lợn tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh; Thịt khác và phụ phẩm dạng thịt ăn được sau giết mổ của động vật khác tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh; Thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của gia cầm thuộc nhóm 01.05, tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh... Trong đó, thịt lợn tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh được xuất khẩu nhiều nhất với 2,18 nghìn tấn, trị giá 11,05 triệu USD, tăng 42,7% về lượng, nhưng giảm 3,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh được xuất khẩu sang các thị trường Hồng Kông, Thái Lan và Lào.
Về nhập khẩu: Theo tính toán từ số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 4 tháng đầu năm 2022, Việt Nam nhập khẩu 182,7 nghìn tấn thịt và các sản phẩm từ thịt, trị giá 407,47 triệu USD, giảm 22,6% về lượng và giảm 12,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Trong 4 tháng đầu năm 2022, Việt Nam nhập khẩu thịt và các sản phẩm từ thịt từ 44 thị trường trên thế giới.
Trong đó, Ấn Độ là thị trường cung cấp thịt và các sản phẩm từ thịt lớn nhất cho Việt Nam, chiếm 28,5% tổng lượng thịt và các sản phẩm từ thịt nhập khẩu của cả nước, với 52,11 nghìn tấn, trị giá 159,7 triệu USD, tăng 14,3% về lượng và tăng 9,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Mặc dù nhập khẩu thịt và các sản phẩm từ thịt có xu hướng giảm so với cùng kỳ năm 2021, nhưng Việt Nam vẫn đẩy mạnh nhập khẩu thịt và các sản phẩm thịt từ một số thị trường như: Ấn Độ, Brazil, Hàn Quốc, Đức, Tây Ban Nha…; trong khi giảm nhập khẩu từ một số thị trường như: Hoa Kỳ, Nga, Canada, Úc…
Trong 4 tháng đầu năm 2022, Việt Nam nhập khẩu chủ yếu là các chủng loại như: Thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ, của gia cầm thuộc nhóm 01.05 tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh; thịt trâu tươi đông lạnh; thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh; Phụ phẩm ăn được sau giết mổ của lợn, trâu, bò sống ướp lạnh hoặc đông lạnh; Thịt bò tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh… Trong đó, nhập khẩu thịt gia cầm, thịt lợn và thịt bò giảm so với cùng kỳ năm 2021; trong khi nhập khẩu thịt trâu tăng so với cùng kỳ năm 2021.
Trong 4 tháng đầu năm 2022, Việt Nam nhập khẩu 29,6 nghìn tấn thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh, với trị giá 63,6 triệu USD, giảm 39,4% về lượng và giảm 43,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Giá nhập khẩu trung bình đạt 2,15 USD/kg, giảm 7% so với cùng kỳ năm 2021. Nhập khẩu thịt lợn liên tục giảm do tiêu thụ thịt lợn trong nước chậm, trong khi sản lượng lợn liên tục phục hồi. Thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh được nhập khẩu từ 24 thị trường, trong đó chủ yếu được nhập khẩu từ Brazil chiếm 36,9%; Nga chiếm 21,5% và Đức chiếm 16,5%...