Giá lợn hơi cả 3 miền đồng loạt tăng, tạo đỉnh mới

18/04/2023 15:39 GMT+7
Giá lợn hơi vẫn tiếp tục nhích lên trên diện rộng, nơi tăng cao nhất lên đến 2.000 đồng/kg. Toàn quốc đã không còn mức giá lợn hơi ở đầu số 4, thay vào đó tăng liên tục, nâng mức giá trung bình cả nước lên 52.000 đồng/kg...

Giá lợn hơi ngày 18/4 tiếp đà tăng đồng loạt 

Giá lợn hơi hôm nay 18/04/2023, tạo đỉnh mới. Toàn quốc đã không còn mức giá lợn hơi ở đầu số 4, thay vào đó tăng liên tục, nâng mức giá trung bình cả nước lên 52.000 đồng/kg. Người chăn nuôi vui mừng vì đã lâu mới đợi được tin tăng giá lợn liên tiếp trong suốt 1 tuần qua. Điển hình tỉnh Cà Mau ghi nhận có mức giá cao nhất nước đạt 55.000 đồng/kg.

Ngày 18/4, giá lợn của Công ty Chăn nuôi C.P Việt Nam giữ mức 56.500 đồng/kg. Giá lợn Trung Quốc nhích lên mức 46.800 đồng/kg nhưng vẫn ở mức thấp so với đầu tháng 4.

Giá lợn hơi cả 3 miền đồng loạt tăng, tạo đỉnh mới - Ảnh 1.

Giá lợn hơi hôm nay 18/4/2023: Tăng trên diện rộng, trần vượt lên 53.000 đồng/kg.

Giá lợn hơi cả 3 miền đồng loạt tăng, tạo đỉnh mới - Ảnh 2.

Giá lợn hơi vẫn tiếp tục nhích lên trên diện rộng, nơi tăng cao nhất lên đến 2.000 đồng/kg.

Trước đó, tại khu vực miền Bắc, giá lợn hơi tăng nhẹ từ 1.000 – 2.000 đồng/kg và dao động trong khoảng 50.000 - 53.000 đồng/kg. Cụ thể, cùng tăng 1.000 đồng/kg, giá lợn hơi tại Tuyên Quang, Phú Thọ, Hưng Yên lần lượt đứng ở mức giá 51.000 đồng/kg, 52.000 đồng/kg và 53.000 đồng/kg. Trong khi đó, cùng tăng 2.000 đồng/kg, giá lợn hơi tại Bắc Giang, Thái Nguyên, Hà Nội cùng đứng ở mức 52.000 đồng/kg. Các địa phương khác không ghi nhận sự biến động về giá, trong đó, mức giá thấp nhất khu vực 50.000 đồng/kg được ghi nhận tại Yên Bái, Lào Cai, Nam Định và Hà Nam. Ngoại trừ Thái Bình đang giữ giá lợn hơi ở mức 52.000 đồng/kg, các địa phương còn lại trong khu vực hiện đang giữ mức giá 51.000 đồng/kg.

Tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên, giá lợn hơi tăng tại nhiều địa phương và dao động trong khoảng 50.000 - 52.000 đồng/kg. Cụ thể, sau khi tăng 1.000 đồng/kg, giá lợn hơi tại Quảng Trị và Khánh Hòa đang thu mua ở mức 51.000 đồng/kg. Tương tự sau khi tăng 2.000 đồng/kg, giá lợn hơi tại Thừa Thiên Huế và Đắk Lắk cũng được thu mua mức 51.000 đồng/kg. Cùng ghi nhận mức 52.000 đồng/kg, giá lợn hơi tại Bình Thuận, Quảng Bình lần lượt tăng 1.000 đồng/kg và 2.000 đồng/kg. Các địa phương còn lại không ghi nhận biến động mới.

Tại khu vực miền Nam, giá lợn hơi tăng 1.000 - 2.000 đồng/kg và dao động trong khoảng 50.000 - 53.000 đồng/kg. Theo đó, sau khi tăng 1.000 đồng/kg, các địa phương bao gồm Bình Phước, TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương, Tây Ninh, Kiên Giang và Tiền Giang đang thu mua lợn hơi cùng mức 51.000 đồng/kg.

Ba tỉnh Vĩnh Long, Hậu Giang và Bến Tre đang giao dịch cùng mức 52.000 đồng/kg sau khi tăng 1.000 đồng/kg. Mức giá này cũng được ghi nhận tại Đồng Nai sau khi thương lái tại địa phương này tăng giá thu mua so với ngày trước đó 2.000 đồng/kg. Cà Mau và Vũng Tàu cùng thu mua lợn hơi với giá 53.000 đồng/kg, tương ứng tăng 1.000 đồng/kg và 2.000 đồng/kg. Các địa phương khác không ghi nhận sự biến động về giá.

Trong tháng 3/2023, giá lợn hơi tại các tỉnh, thành phố trên cả nước vẫn khá trầm lắng, giá dao động trong khoảng 48.000-52.000 đồng/ kg, giảm 1.000-2.000 đồng/ kg so với cuối tháng 2/2023. Tại khu vực miền Bắc, hiện giá lợn hơi ở hầu hết các tỉnh, thành phố dao động trong khoảng 48.000-50.000 đồng/kg. Tại khu vực miền TrungTây Nguyên và miền Nam, giá lợn hơi dao động trong khoảng 48.000-52.000 đồng/ kg, giảm 1.000-2.000 đồng/ kg so với cuối tháng 2/2023. Nguồn cung thực phẩm dồi dào, trong khi sức mua thấp do ảnh hưởng bởi lạm phát, cộng với xu hướng giảm ăn thịt lợn, tăng ăn thịt gà, thuỷ sản... khiến giá lợn hơi liên tục ở mức thấp trong thời gian qua. 

Dự báo nhu cầu tiêu thụ thịt lợn sẽ hồi phục trở lại, nhưng vẫn chưa phục hồi như trước khi có dịch Covid-19. Thịt lợn đang mất dần vị trí là lựa chọn số một của người nội trợ đối với nhóm đạm động vật. Ngoài ra, tình trạng già hóa dân số tại Việt Nam khiến người dân cũng bắt đầu phải ý thức hơn về loại thực phẩm được lựa chọn để tiêu thụ, khi tuổi càng cao thì tỉ lệ mắc các bệnh như tiểu đường, cao huyết áp sẽ ngày càng tăng lên. Điều này khiến cho thịt lợn sẽ dần dần không còn là sản phẩm tiêu dùng hàng đầu của người dân nữa. 

Năm 2023, dự báo chăn nuôi lợn sẽ tiếp tục gặp khó khăn dù giá có tăng lên hiện nay. Giá con giống và thức ăn chăn nuôi vẫn đứng ở mức cao, ngày càng nhiều hộ bỏ chuồng, khi chăn nuôi công nghiệp phát triển, nông dân rất khó cạnh tranh về giá thành sản xuất. 

Về xuất khẩu: Theo thống kê sơ bộ từ số liệu của Tổng cục Hải quan, 2 tháng đầu năm 2023, Việt Nam xuất khẩu được 3,68 nghìn tấn thịt và các sản phẩm thịt, trị giá 15,98 triệu USD, tăng 58,7% về lượng và tăng 49,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Xuất khẩu thịt và sản phẩm thịt tăng là do xuất khẩu sang một số thị trường chủ chốt như thị trường Hồng Kông, Pa-pu-a Niu Ghi-nê, Bỉ, Malaysia, Hàn Quốc, Lào... tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2022. 

Trong 2 tháng đầu năm 2023, thịt và các sản phẩm thịt của Việt Nam được xuất khẩu sang 18 thị trường. Trong đó, xuất khẩu nhiều nhất sang thị trường Hồng Kông, chiếm 43,79% về lượng và 64,63% về kim ngạch trong tổng xuất khẩu thịt và các sản phẩm thịt của cả nước. Trong 2 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu thịt và các sản phẩm thịt sang thị trường Hồng Kông đạt 1,61 nghìn tấn, trị giá 10,33 triệu USD, tăng 47,3% về lượng và tăng 53,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Thịt và các sản phẩm thịt của Việt Nam được xuất khẩu sang thị trường Hồng Kông chủ yếu là thịt lợn sữa đông lạnh nguyên con và thịt lợn nguyên con đông lạnh.

Trong 2 tháng đầu năm 2023, Việt Nam xuất khẩu chủ yếu các chủng loại như: Thịt lợn tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh; Thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của gia cầm thuộc nhóm 01.05, tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh; Thịt khác và phụ phẩm dạng thịt ăn được sau giết mổ của động vật khác tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh... Trong đó, thịt lợn tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh được xuất khẩu nhiều nhất với 2,01 nghìn tấn, trị giá 11,29 triệu USD, tăng 48,4% về lượng và tăng 50,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022 với các thị trường chủ yếu gồm: Hồng Kông, Papu-a Niu Ghi-nê, Malaysia và Lào. 

Về nhập khẩu: Theo thống kê sơ bộ từ số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 2 tháng đầu năm 2023, Việt Nam nhập khẩu 75,78 nghìn tấn thịt và các sản phẩm từ thịt, trị giá 158,01 triệu USD, giảm 13,7% về lượng và giảm 19,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Thịt và các sản phẩm từ thịt được nhập khẩu từ 37 thị trường trên thế giới. Trong đó, Ấn Độ là thị trường cung cấp thịt và các sản phẩm từ thịt lớn nhất cho Việt Nam, chiếm 27,15% tổng lượng thịt và các sản phẩm từ thịt nhập khẩu của cả nước, với 20,57 nghìn tấn, trị giá 57,55 triệu USD, giảm 19,9% về lượng và giảm 26,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. 

Nhìn chung trong 2 tháng đầu năm 2023, nhập khẩu thịt và các sản phẩm thịt của Việt Nam từ đa số các thị trường đều giảm so với cùng kỳ năm 2022, trong đó đáng chú ý như: Ấn Độ, Brazil, Đức, Nga, Canada, Tây Ban Nha… Tuy nhiên, Việt Nam vẫn tăng nhập khẩu thịt và các sản phẩm thịt từ một số thị trường lớn như: Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Úc…

Trong 2 tháng đầu năm 2023, Việt Nam nhập khẩu chủ yếu các chủng loại như: Thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ, của gia cầm thuộc nhóm 01.05 tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh; thịt trâu tươi đông lạnh; Phụ phẩm ăn được sau giết mổ của lợn, trâu, bò sống ướp lạnh hoặc đông lạnh; Thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh; Thịt bò tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh… Trong đó, nhập khẩu thịt gia cầm, thịt lợn và thịt trâu có xu hướng giảm so với cùng kỳ năm 2022; trong khi nhập khẩu thịt bò tăng so với cùng kỳ năm 2022.

Trong 2 tháng đầu năm 2023, Việt Nam nhập khẩu 8,17 nghìn tấn thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh, với trị giá 19,03 triệu USD, giảm 46,9% về lượng và giảm 42,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Giá nhập khẩu trung bình về Việt Nam đạt 2.291 USD/tấn, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2022. Nhập khẩu thịt lợn liên tục giảm do tiêu thụ thịt lợn trong nước chậm, trong khi sản lượng lợn liên tục phục hồi. Thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh được nhập khẩu từ 17 thị trường, trong đó chủ yếu được nhập khẩu từ Brazil chiếm 33,41%; Nga chiếm 25,93% và Đức chiếm 17,16%...

Giá lợn hơi cả 3 miền đồng loạt tăng, tạo đỉnh mới - Ảnh 3.

Năm 2023, dự báo chăn nuôi lợn sẽ tiếp tục gặp khó khăn dù giá có tăng lên hiện nay.

Theo báo cáo mới nhất về thị trường thịt lợn của Rabobank, thương mại thịt lợn toàn cầu dự báo tăng nhẹ trong năm 2023 và việc Trung Quốc mở cửa nền kinh tế trở lại vừa mở ra nhiều cơ hội, vừa mang tới nhiều biến động. Trong đó, thịt lợn vẫn đối mặt với một số áp lực tiêu thụ do thu nhập hộ gia đình giảm, tiết kiệm tăng và khả năng suy yếu tiêu thụ trong một số kênh bán hàng. Thương mại dự báo tăng nhẹ trong quý I/2023, nhưng có thể gặp khó khăn trong duy trì tăng trưởng trong suốt năm, xét tới sản xuất chậm tại một số khu vực xuất khẩu lớn như EU và Hoa Kỳ.

Theo Rabobank, Brazil có tăng trưởng xuất khẩu thịt lợn tích cực trong năm 2022 và dự báo sẽ tăng cả sản xuất và xuất khẩu thịt lợn trong năm 2023. Đồng thời, Rabobank dự báo sản xuất nội địa tăng trưởng và phục hồi mạnh hơn tại các nước Đông Nam Á và Trung Quốc, nghĩa là nhu cầu nhập khẩu của khu vực này sẽ yếu đi, đặc biệt trong nửa cuối năm 2023. Việc mở cửa trở lại thị trường thịt lợn lớn nhất thế giới - Trung Quốc sẽ tác động lên cân đối cung cầu thịt thế giới.

Trước đó, USDA cũng vừa dự báo thị trường thịt thế giới năm 2023. Với thịt lợn, USDA dự báo sản lượng thịt lợn toàn cầu năm 2023 được dự báo sẽ tăng 1%, lên 111 triệu tấn, chủ yếu sản lượng tăng ở Trung Quốc (+2%). Mỹ, Brazil và Mexico cũng được dự báo tăng sản lượng lần lượt là 0,7%, 1,6% và 4,6%. Giá năng lượng và thức ăn gia súc tăng, các hạn chế về môi trường và nhu cầu giảm đồng nghĩa với việc sản lượng thịt lợn ở EU và Vương quốc Anh dự kiến sẽ giảm.

Mặc dù sản lượng thịt lợn toàn cầu năm 2023 được dự báo sẽ tăng, nhưng xuất khẩu toàn cầu dự báo sẽ giảm 1,6% xuống 10,5 triệu tấn, chủ yếu do nhu cầu nhập khẩu giảm từ Trung Quốc, nơi nguồn cung trong nước tăng lên sẽ thay thế nhu cầu nhập khẩu. Xuất khẩu thịt lợn của EU năm 2023 được dự báo sẽ giảm 3,6% do giảm cơ hội xuất khẩu thịt lợn sang Trung Quốc cũng như sản lượng giảm. Nhu cầu nhập khẩu ở Philippines dự kiến cũng sẽ giảm (-18,2%) do các chính sách ưu đãi nhập khẩu sẽ kết thúc vào cuối năm 2022 mặc dù dịch tả lợn châu Phi ASF bùng phát.

 

Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục