Giá lợn hơi hôm nay rớt sâu toàn diện
Giá lợn hơi hôm nay 17/11: Giá lợn hơi cả 3 miền Bắc- Trung- Nam giảm từ 1.000-3.000 đồng/kg
Giá lợn hơi hôm nay 17/11/2022, rớt giá sâu toàn diện. Giá lợn hơi cả 3 miền Bắc- Trung- Nam giảm từ 1.000-3.000 đồng/kg, mức giá toàn quốc chỉ còn dao động trong khoảng 51.000-54.000 đồng/kg.
Mức giá lợn hơi cao nhất chỉ đạt 54.000 đồng/kg, người chăn nuôi lại một phen thấp thỏm lo âu.
Tại Trung Quốc mức giá lợn hơi hôm nay cũng rớt 2 giá. Giá lợn tại Trung Quốc ngày 17/11 đứng ở mức 87.400 đồng/kg, giảm so với mức 89.500 đồng/kg ngày 16/11, giảm so với mức 88.300 đồng/kg của ngày 14/11...
Số liệu chính thức của Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc, giá thịt lợn tại nước này tiếp tục giảm trong tuần từ ngày 7-11/11.
Trong giai đoạn này, giá thịt lợn trung bình do Bộ trên theo dõi ở mức 31,91 NDT/kg (4,54 USD/kg), giảm 6,4% so với tuần trước đó.
Giá thịt lợn cao hơn 37% so với năm trước, song mức tăng đã giảm khoảng 19,4 điểm phần trăm so với tuần trước đó.
Theo Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc (NDRC), để duy trì nguồn cung và ổn định giá, các quan chức Trung Quốc đã tiến hành 7 lần “mở kho" dự trữ thịt lợn để cung cấp cho thị trường, đồng thời kêu gọi các chính quyền địa phương tăng cường "mở kho" dự trữ thịt lợn của địa phương.
Trong tương lai, nguồn cung thịt lợn sẽ tiếp tục tăng trên thị trường và giá thịt lợn dự kiến sẽ tương đối ổn định.
Ngày 17/11 giá lợn hơi tại Công ty CP chăn nuôi C.P Việt Nam vẫn giữ ổn định sau khi giảm liên tiếp nhiều ngày qua. Giá lợn hơi CP tại miền Bắc đứng ở mức 60.000 đồng/kg. Tại miền Trung, miền Đông, miền Tây, giá lợn hơi CP vẫn đứng ở mức 58.000 đồng/kg.
Theo các công ty chăn nuôi, hiện nay sản lượng lợn của nhiều doanh nghiệp, tập đoàn tăng mạnh, có công ty tăng 100% sản lượng so với năm trước, trong khi đó sức mua trên thị trường giảm sút nghiêm trọng. Do đó, biện pháp kích cầu hiện nay là buộc phải giảm giá.
Trước đó, đầu giờ sáng nay, tại khu vực miền Bắc, giá lợn hơi ghi nhận giảm 1.000 đồng/kg tại nhiều địa phương trên cả nước và dao động trong khoảng 53.000 - 55.000 đồng/kg.
Cụ thể, cùng giảm 1.000 đồng/kg, giá lợn hơi tại Nam Định, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Tuyên Quang cùng về mức 54.000 đồng/kg. Riêng Thái Bình về mức 55.000 đồng/kg sau khi cùng giảm 1.000 đồng/kg so với ngày trước đó. Mức giá này cũng được ghi nhận tại Thái Nguyên. Các địa phương khác không ghi nhận sự biến động về giá, trong đó, mức giá thấp nhất khu vực 53.000 đồng/kg được ghi nhận tại Phú Thọ và Hà Nội. Các tỉnh, thành còn lại cùng ghi nhận mức giá 54.000 đồng/kg.
Trái ngược với xu hướng thị trường khu vực miền Bắc, tại khu vực miền Trung – Tây Nguyên, giá lợn hơi đầu giờ sáng nay tăng rải rác 1.000 đồng/kg ở một số địa phương và dao động trong khoảng 53.000 - 55.000 đồng/kg.
Trong đó, cùng tăng 1.000 đồng/kg, giá lợn hơi tại hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đứng ở mức 53.000 đồng/kg - ngang với các tỉnh Thanh Hóa, Lâm Đồng, Đắk Lắk. Trong khi đó, sau khi tăng 1.000 đồng/kg, giá lợn hơi tại tỉnh Bình Định được điều chỉnh lên mức 55.000 đồng/kg. Các tỉnh thành còn lại không ghi nhận sự biến động về giá và duy trì quanh mức 54.000 – 55.000 đồng/kg.
Còn tại khu vực miền Nam, giá lợn hơi sáng nay giảm 1.000 - 3.000 đồng/kg và dao động trong khoảng 51.000 - 55.000 đồng/kg. Trong đó, mức giảm sâu nhất 3.000 đồng/kg được ghi nhận tại Long An và đưa giá lợn hơi khu vực này về mức 52.000 đồng/kg. Các tỉnh Đồng Tháp, Vĩnh Long, Tiền Giang và Bạc Liêu cũng giảm nhẹ 1.000 đồng/kg về cùng mức 53.000 đồng/kg. Sau khi giảm 1.000 đồng/kg, thương lái tại An Giang thu mua lợn hơi với giá 54.000 đồng/kg. Tại các tỉnh, thành còn lại giá thu mua không đổi, trong đó, tỉnh Cà Mau đang có mức giao dịch cao nhất khu vực với 55.000 đồng/kg.
Giá lợn hơi tương lai sẽ chỉ ở mức trên dưới 50.000 đồng/kg?
Với mức giá lợn hơi như hiện nay, nhiều người chăn nuôi, nhất là hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đang thua lỗ. Trong khi đó, sản lượng thịt lợn ở Việt Nam đang tăng mạnh khi các công ty đang bắt đầu tái đàn trở lại khi dịch tả lợn châu Phi đang được kiểm soát, đồng thời có thêm nhiều doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực chăn nuôi.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, ước tính tổng đàn lợn của cả nước tính đến thời điểm cuối tháng 10/2022 tăng mạnh khoảng 13,6% so với cùng thời điểm năm 2021.
Tình hình chăn nuôi lợn trong tháng 10 phát triển ổn định, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát. Giá thịt lợn hơi trong tháng biến động giảm so với tháng trước. Giá thành chăn nuôi hiện vẫn ở mức cao do giá nguyên vật liệu, chi phí sản xuất đều tăng so với năm trước trong khi giá bán sản phẩm lại giảm, điều này khiến người chăn nuôi lợn càng thêm áp lực.
Nhu cầu giảm trong khi sản lượng tăng, đang khiến cho giá lợn hơi giảm mạnh. Các cơ quan chức năng nhận định, giá lợn hơi vẫn sẽ tiếp tục xu hướng giảm trong thời gian tới và chỉ nhích lên vào dịp Tết Nguyên đán vài giá.
Cũng theo các chuyên gia, năm 2023 vẫn đầy khó khăn với chăn nuôi lợn trong nước khi mà giá nguyên liệu, thức ăn tiếp tục ở mức cao, nhất là trong bối cảnh đồng đô la Mỹ đang tăng giá mạnh và Nga vừa đình chỉ thỏa thuận ngũ cốc với Ukraine.
Một số thương nhân ngành chăn nuôi cho rằng với nhu cầu yếu trong khi sản lượng đang cao, cộng với những nguyên nhân khác, giá lợn hơi đầu năm 2023 có thể sẽ chỉ ở mức trên dưới 50.000 đồng/kg. Người chăn nuôi đang hy vọng dự báo này sẽ không xảy ra và giá lợn sẽ tốt hơn dịp cuối năm và năm mới, song dựa vào đâu thì họ chưa rõ và chỉ còn biết chờ đợi xem thực sự điều gì sẽ xảy ra tiếp theo với giá lợn hơi.
Một số chuyên gia trong ngành chăn nuôi cho rằng, Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương cần có đánh giá về nhu cầu thị trường, về nguồn cung, qua đó có khuyến cáo kịp thời với người chăn nuôi là với tình hình cung - cầu như hiện tại, thì chỉ nên nuôi lợn ở mức độ nào?!…
Đồng thời, để giảm bớt lượng lợn đang dư thừa hiện nay, cần có sự linh động nào đó về mậu dịch biên giới để góp phần gỡ khó cho người nuôi lợn. Tạo điều kiện cho xuất khẩu biên mậu đối với lợn hơi vào thời điểm này là giải pháp cần được cân nhắc, xem xét khi nguồn cung đang cao hơn so với nhu cầu trong nước.
Được biết, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) mới đây đã đưa ra dự báo, sản lượng thịt lợn toàn cầu sẽ tăng trong năm 2023, trong khi xuất khẩu giảm.
Theo ước tính của USDA công bố trong báo cáo "Gia súc và gia cầm: Thị trường và Thương mại toàn cầu", dự báo sản lượng lợn toàn cầu tăng và xuất khẩu giảm, cả hai đều có liên quan tới Trung Quốc.
Về sản lượng: Sản lượng toàn cầu được dự đoán sẽ tăng 1% vào năm 2023 lên 111,0 triệu tấn khi sản lượng ở Trung Quốc tăng lên. Sản lượng thịt lợn của Trung Quốc dự kiến sẽ tăng 2% do ngành tiếp tục phục hồi sau tác động của dịch tả lợn châu Phi (ASF). Chi phí thức ăn cao ở Trung Quốc dự kiến sẽ làm giảm việc vỗ béo lợn quá mức. Mỹ, Brazil và Mexico cũng được dự đoán sẽ mở rộng sản xuất để bù đắp cho sự sụt giảm ở các nước chăn nuôi lớn khác như châu Âu và Vương quốc Anh (UK).
Chi phí thức ăn và năng lượng tăng cùng những hạn chế về môi trường sẽ làm giảm sản lượng tại châu Âu.
Sản lượng của Mỹ được dự đoán sẽ tăng 1% vào năm 2023 lên 12,4 triệu tấn do tăng các loại cây trồng cho lợn và trọng lượng lợn nặng hơn.
Các nhà chăn nuôi ở Anh phải đối mặt với tình trạng chi phí thức ăn cao và nhu cầu thịt lợn nội địa yếu hơn.
Brazil và Mexico tiếp tục mở rộng ngành nuôi lợn để đáp ứng nhu cầu nội địa ngày càng tăng, một phần do người tiêu dùng tìm kiếm các lựa chọn thay thế cho thịt bò giá cao hơn và nhu cầu xuất khẩu mạnh hơn ở một số quốc gia chính.
Sản xuất lợn ở Việt Nam tiếp tục phục hồi do công tác quản lý dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã bảo vệ ngành khỏi các đợt bùng phát quy mô lớn.
Về xuất nhập khẩu: USDA dự báo xuất khẩu toàn cầu được dự báo sẽ giảm 2% xuống còn 10,5 triệu tấn vào năm 2023 do lượng nhập khẩu của Trung Quốc suy yếu hai năm liên tiếp.
Mặc dù vấn đề ASF vẫn còn dai dẳng tại Philippines, nhưng lượng thịt lợn nhập khẩu của nước này được dự đoán sẽ giảm do chính sách ưu đãi nhập khẩu kết thúc vào năm 2022; sự gia tăng tạm thời về hạn ngạnh đã kết thúc vào tháng 5/2022 và chính sách giảm thuế quan được gia hạn đến cuối năm 2022.
Anh sẽ tăng nhập khẩu thịt lợn do xu hướng tiêu dùng dự kiến sẽ trở lại như trước đại dịch, và chuyển dịch từ kênh bán lẻ sang dịch vụ ăn uống, chuyển từ nhu cầu thịt lợn nội địa sang thịt lợn nhập khẩu.
Xuất khẩu thịt lợn của Mỹ sẽ giảm vào năm 2023 do nhu cầu từ các thị trường nhập khẩu chính như Mexico và Trung Quốc giảm.
Dự đoán các thị trường chính toàn cầu: Trung quốc, quốc gia chiếm 47% sản lượng lợn thế giới, dự kiến sẽ sản xuất 52 triệu tấn thịt lợn, tăng 2,0% so với năm 2022 (51 triệu tấn). Nhập khẩu ước tính giảm 5,6%, từ 1,8 triệu xuống 1,7 triệu tấn. Sản lượng lợn tại Liên minh châu Âu dự kiến sẽ giản 0.4% xuống còn 22,6 triệu tấn, trong khi xuất khẩu của khối này dự kiến là 3,8 triệu tấn, giảm 3,6% so với năm 2022. Mỹ được dự đoán sẽ tăng 0,7% sản lượng lợn đạt 12,4 triệu tấn, mặc dù xuất khẩu của nước này sẽ giảm 1,7%, chỉ đạt 2,8 triệu tấn. Nhật Bản sẽ là nước nhập khẩu thịt lợn lớn thứ hai thế giới với 1,5 triệu tấn, mặc dù nhập khẩu của nước này dự kiến sẽ giảm 1,6%. Brazil sẽ tăng 1,6% sản lượng đạt 4,4 triệu tấn, xuất khẩu cũng dự kiến tăng 2,7% lên 1,3 triệu tấn. Sản lượng của Mexico sẽ tăng trưởng 4,6%, với khoảng 1,6 triệu tấn, và duy trì vị trí là nhà nhập khẩu lớn thứ ba thế giới, mặc dù lượng nhập khẩu ước tính giảm 0,8% đạt 1,24 triệu tấn.