Giá lợn hơi tiếp tục tụt dốc

16/11/2022 18:59 GMT+7
Giá lợn hơi tiếp tục tụt dốc, đà giảm từ 1.000 – 3.000 đồng/kg tại nhiều địa phương trên cả nước. Người chăn nuôi đang hi vọng mức giá này chỉ tồn tại thời gian ngắn và bật tăng sau đó.

Giá lợn hơi tiếp đà giảm từ 1.000 - 3.000 đồng/kg

Giá lợn hơi tại các tỉnh phái Bắc như Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Thái Bình, Nam Định,... giảm 1.000 đồngkg. Miền Tây cũng có giá lợn hơi theo chiều giảm nhẹ tại các tỉnh Long An, An Giang, Tiền Giang, Đồng Tháp,... Miền Trung- Đông không có biến động, mức giá lợn hơi cao nhất toàn quốc chỉ còn đạt 55.000 đồng/kg. Người chăn nuôi đang hi vọng mức giá này chỉ tồn tại thời gian ngắn và bật tăng sau đó.

Cụ thể: Tại khu vực miền Bắc, giá lợn hơi ngày 16/11 điều chỉnh giảm tại nhiều tỉnh thành và dao động trong khoảng 53.000 - 56.000 đồng/kg. Theo đó, cùng giảm 1.000 đồng/kg, giá lợn hơi tại Yên Bái, Lào Cai, Hà Nam cùng đứng ngưỡng 54.000 đồng/kg. Trong khi đó, tại Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Tuyên Quang về ngưỡng 55.000 đồng/kg sau khi đồng loạt giảm 1.000 đồng/kg. Cùng chung xu hướng giảm giá, tại Thái Bình, giá lợn hơi về mức 56.000 đồng/kg, giảm 2.000 đồng/kg so với ngày 15/11. Ghi nhận mức giảm sâu nhất 3.000 đồng/kg, các địa phương Phú Thọ, Hà Nội thương lái thu mua lợn hơi ở mức 53.000 đồng/kg, thấp nhất khu vực. Các địa phương khác không ghi nhận sự biến động về giá.

Cùng chung xu hướng thị trường với khu vực miền Bắc, tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên, giá lợn  hơi cũng điều chỉnh giảm từ 1.000 - 3.000 đồng/kg và dao động trong khoảng 52.000 - 55.000 đồng/kg. Cụ thể, sau khi giảm 1.000 đồng.kg, giá lợn hơi tại các địa phương gồm Quảng Bình, Thừa Thiên Huế và Khánh Hòa đang neo tại mức 55.000 đồng/kg. Cùng mức giảm, tỉnh Đắk Lắk điều chỉnh giao dịch xuống còn 53.000 đồng/kg. Đây cũng là mức giá được ghi nhận tại tỉnh Thanh Hóa sau khi giảm 2.000 đồng/kg. Trong khi đó, cùng giảm 3.000 đồng/kg, giá lợn hơi tại hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh là 52.000 đồng/kg,

Tại khu vực miền Nam, giá lợn hơi ngày 16/11 giảm 1.000 đồng/kg rải rác ở một vài nơi và dao động trong khoảng 51.000 - 55.000 đồng/kg. Cụ thể, hai tỉnh Long An và An Giang cùng điều chỉnh giảm 1.000 đồng/kg, xuống mức 55.000 đồng/kg. Các tỉnh thành còn lại không ghi nhận biến động mới về giá so với ngày hôm qua, trong đó, Kiên Giang là địa phương ghi nhận giá lợn hơi thấp nhất khu vực 51.000 đồng/kg.

Giá lợn hơi tiếp tục tụt dốc - Ảnh 1.

Giá lợn hơi tiếp tục tụt dốc, đà giảm từ 1.000 – 3.000 đồng/kg tại nhiều địa phương trên cả nước. Người chăn nuôi đang hi vọng mức giá này chỉ tồn tại thời gian ngắn và bật tăng sau đó.

Giá lợn hơi tiếp tục tụt dốc - Ảnh 2.

Nguồn: ANOVA FEED

Theo các công ty chăn nuôi, hiện nay sản lượng lợn của nhiều doanh nghiệp, tập đoàn tăng mạnh, có công ty tăng 100% sản lượng so với năm trước, trong khi đó sức mua trên thị trường giảm sút nghiêm trọng. Do đó, biện pháp kích cầu hiện nay là buộc phải giảm giá.

Ngày 16/11 giá lợn hơi tại Công ty CP chăn nuôi C.P Việt Nam giữ ổn định sau khi giảm liên tiếp nhiều ngày qua. Giá lợn hơi CP tại miền Bắc đứng ở mức 60.000 đồng/kg. Tại miền Trung, miền Đông, miền Tây, giá lợn hơi CP vẫn đứng ở mức 58.000 đồng/kg.

Giá lợn tại Trung Quốc ngày 16/11 lại nhích lên, đứng ở mức 89.500 đồng/kg, so với mức 88.300 đồng/kg của ngày 14/11, tăng so với mức 87.100 đồng/kg ngày hôm 13/11, tăng so với mức 86.700 đồng/kg của ngày 10/11...

Giá lợn hơi tiếp tục tụt dốc - Ảnh 3.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, uớc tính tổng số lợn của cả nước đến cuối tháng 9/2022 tăng 8,8% so với cùng thời điểm năm 2021.

Chỉ còn khoảng 2 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, nhu cầu thực phẩm cho ngày Tết cũng sẽ tăng lên, trong đó có nhu cầu sử dụng thịt gia súc, gia cầm. Vì vậy, hiện nay người chăn nuôi cũng chuẩn bị nguồn thịt cung ứng cho người tiêu dùng đón Tết. Tuy nhiên, với những biến động kinh tế, thị trường hiện nay, người chăn nuôi muốn tái đàn, mở rộng đàn gia súc, gia cầm để tăng lượng thịt cung ứng cũng phải tính toán kỹ lưỡng.

Về xuất khẩu: Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong quý III/2022, Việt Nam xuất khẩu được 3,99 nghìn tấn thịt và sản phẩm thịt, trị giá 21,18 triệu USD, tăng 4,9% về lượng và tăng 22,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Thịt và sản phẩm thịt của Việt Nam được xuất khẩu chủ yếu sang các nước thuộc khu vực châu Á, trong đó xuất khẩu sang thị trường Hồng Kông là nhiều nhất, chiếm 45,6% tổng kim ngạch xuất khẩu thịt và các sản phẩm thịt của cả nước với 1,83 nghìn tấn, trị giá 9,66 triệu USD, tăng 2,5% về lượng, nhưng giảm 11,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Trong quý III/2022, các chủng loại thịt và các sản phẩm từ thịt xuất khẩu chủ yếu vẫn là đùi ếch đông lạnh (xuất khẩu chủ yếu sang Hoa Kỳ, Bỉ và Pháp); Thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh (chủ yếu là thịt lợn sữa đông lạnh và thịt lợn nguyên con đông lạnh được xuất khẩu sang thị trường Hồng Kông, Lào, Thái Lan…); Thịt và phụ phẩm ăn được của gia cầm (xuất khẩu chủ yếu sang Malaysia, thị trường Hồng Kông, Thái Lan…); Thịt trâu bò tươi đông lạnh (xuất khẩu chủ yếu sang Campuchia, Ấn Độ, Thái Lan).

Thời gian qua, xuất khẩu thịt và các sản phẩm từ thịt của Việt Nam còn chưa tương xứng với sản lượng sản xuất hàng năm. Hiện nay, lượng thịt lợn xuất khẩu vẫn còn đang quá nhỏ so với tổng sản lượng xuất chuồng. Nguyên nhân do những hạn chế ở khâu chế biến, công tác dự báo thị trường cung cầu để điều tiết sản xuất cũng như phòng chống dịch bệnh chưa tốt, trong khi giá thành sản xuất chăn nuôi lợn ở nước ta cao so với mức bình quân trên thế giới. Do đó, giá thịt lợn ở Việt Nam đang khó cạnh tranh với các nước khác. Sở dĩ, giá thành nuôi lợn ở Việt Nam cao do nước ta phụ thuộc tới 70% nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu, trong khi đó chi phí này chiếm tới 65 - 70% cơ cấu giá thành nuôi lợn.

Về nhập khẩu: Do nhu cầu được cải thiện nên nhập khẩu thịt và các sản phẩm từ thịt của Việt Nam tăng nhẹ trong quý III/2022. Theo tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, quý III/2022, Việt Nam nhập khẩu 191,58 nghìn tấn thịt và sản phẩm từ thịt, trị giá 417,75 triệu USD, tăng 4,4% về lượng và tăng 24,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Thời gian tới, nhu cầu tiêu thụ thịt và các sản phẩm từ thịt dự kiến sẽ tăng do nhu cầu thực phẩm tăng cao trong dịp cuối năm. Tuy nhiên do nguồn cung thịt của Việt Nam khá dồi dào, cơ bản đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ trong nước, nên dự báo nhập khẩu thịt và các sản phẩm thịt sẽ không tăng đột biến trong thời gian tới. Quý III/2022, Ấn Độ, Hoa Kỳ, Brazil, Hàn Quốc và Nga là 5 thị trường cung cấp thịt và sản phẩm từ thịt lớn nhất cho Việt Nam. Trong đó, Ấn Độ là thị trường cung cấp lớn nhất với 37,35 nghìn tấn, trị giá 125,84 triệu USD, tăng 164,9% về lượng và tăng 180,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Trong quý III/2022, thịt và các sản phẩm từ thịt nhập khẩu chủ yếu là các chủng loại như: Thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ, của gia cầm thuộc nhóm 01.05, tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh; Thịt trâu tươi đông lạnh; Thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh; Phụ phẩm ăn được sau giết mổ của lợn, trâu, bò sống ướp lạnh hoặc đông lạnh; Thịt bò tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh…

Trong đó, nhập khẩu thịt lợn tiếp tục xu hướng giảm, trong khi nhập khẩu thịt gia cầm, thịt bò, thịt trâu có xu hướng tăng so với cùng kỳ năm 2021. Trong quý III/2022, Việt Nam nhập khẩu 31,76 nghìn tấn thịt lợn (HS 0203), trị giá 67,07 triệu USD, giảm 24,4% về lượng và giảm 30,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Thời gian qua, nhập khẩu thịt lợn liên tục giảm so với cùng kỳ năm 2021 do nhu cầu phục hồi chậm. Trong quý III/2022, Brazil, Nga, Đức, Canada và Ba Lan là 5 thị trường cung cấp thịt lợn lớn nhất cho Việt Nam. Brazil là thị trường cung cấp thịt lợn lớn nhất cho Việt Nam.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa ký văn bản gửi Bộ Tài chính kiến nghị điều chỉnh thuế nhập khẩu đối với thức ăn chăn nuôi. Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ giảm thuế nhập khẩu khô đậu tương từ 2% xuống 0% trong bối cảnh ngành chăn nuôi trong nước đang gặp khó khăn.

Tính từ cuối năm 2020 đến nay, giá các mặt hàng thức ăn chăn nuôi trong nước đã tăng tới 17 lần và chưa giảm lần nào, khiến người chăn nuôi gặp nhiều khó khăn. Mọi chi phí sản xuất tăng lên, trong khi giá bán sản phẩm không tăng, thậm chí có thời điểm giảm dưới giá thành sản xuất. Hậu quả là không ít hộ chăn nuôi bị thua lỗ, thậm chí phải bỏ trống chuồng.

Những ngày cận kề Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, nhu cầu thực phẩm cho ngày Tết cũng sẽ tăng lên, trong đó có nhu cầu sử dụng thịt gia súc, gia cầm. Vì vậy, hiện nay người chăn nuôi cũng chuẩn bị nguồn thịt cung ứng cho người tiêu dùng đón Tết.

Trong báo cáo về kịch bản giá cả hàng hóa những tháng cuối năm vừa công bố, Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản cho biết giá thịt lợn được Bộ Tài Chính dự báo tăng lên vào cuối năm. Trong đó có hai kịch bản gồm giá thịt lợn tăng thêm 10% hoặc 15%. Với các kịch bản này, giá lợn hơi dự báo những tháng cuối năm tăng lên hơn 60.000-65.000 đồng/kg, mức giá này tăng không quá đột biến so với những năm trước.


 

Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục