Thừa lượng lợn hơi, tình hình giá cả không mấy khả quan

15/11/2022 06:30 GMT+7
Thị trường hiện đang thừa lượng lợn hơi, thương lái ép giá nhiều khiến tình hình giá cả không mấy khả quan.

Giá lợn hơi ghi nhận mức cao nhất 58.000 đồng/kg 

Giá lợn hơi đi ngang dưới mốc 60.000 đồng/kg. Thời điểm cuối năm đang cận kề mà giá vẫn thấp càng làm tăng nỗi bất an cho người chăn nuôi.

Thị trường lợn hơi đang rất khó đoán trước. Giá lợn một số tỉnh đang giảm từ 1.000-3.000 đồng/kg như: Bắc Giang, Đắk Lắk, Quảng Ngãi, Đồng Nai, Vũng Tàu, Tây Ninh. Giá lợn hơi toàn quốc hiện dao động trong khoảng 51.000-58.000 đồng/kg. Thị trường hiện đang thừa lượng lợn hơi, thương lái ép giá nhiều khiến tình hình giá cả không mấy khả quan.

Tại khu vực miền Bắc, giá lợn hơi ngày 14/11 đi ngang trên diện rộng và dao động trong khoảng 55.000 - 58.000 đồng/kg. Theo đó, mức giá cao nhất khu vực 58.000 đồng/kg được ghi nhận tại Thái Bình, thấp hơn một giá, thương lái tại Hà Nội đang thu mua lợn hơi ở mức 57.000 đồng/kg. Trong khi đó, các địa phương như Hưng Yên, Thái Nguyên, Phú Thọ, Vĩnh Phúc và Tuyên Quang cùng giao dịch lợn hơi tại mức 56.000 đồng/kg. Mức giá thấp nhất khu vực 55.000 đồng/kg được ghi nhận tại các tỉnh còn lại.

Tương tự, tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên, giá lợn hơi hôm 14/11 không ghi nhận biến động mới về giá và dao động trong khoảng 53.000 - 58.000 đồng/kg. Cụ thể, giá lợn hơi tại tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục neo ở ngưỡng 58.000 đồng/kg, cao nhất khu vực. Hai tỉnh Quảng Bình và Khánh Hòa vẫn duy trì thu mua lợn hơi ở mức 56.000 đồng/kg. Ngoại trừ tỉnh Lâm Đồng đang giao dịch với giá thấp nhất là 53.000 đồng/kg, các tỉnh còn lại có giá đi ngang trong khoảng 54.000 - 55.000 đồng/kg.

Tại khu vực miền Nam, giá lợn hơi hôm 14/11 cũng đồng loạt lặng sóng theo xu hướng chung của thị trường và dao động trong khoảng 51.000 - 57.000 đồng/kg. Trong đó, mức giá thấp nhất khu vực là 51.000 đồng/kg, tiếp tục được chứng kiến tại tỉnh Kiên Giang. Các tỉnh Cần Thơ, Trà Vinh, Sóc Trăng, Hậu Giang và Bến Tre đang giữ ổn định trong khoảng 52.000 - 53.000 đồng/kg. Lợn hơi tại các tỉnh thành còn lại được giao dịch từ 54.000 - 57.000 đồng/kg.

Thừa lượng lợn hơi, tình hình giá cả không mấy khả quan - Ảnh 1.

Giá lợn hơi ngày14/11 đi ngang trên diện rộng và ghi nhận mức cao nhất 58.000 đồng/kg.

Thừa lượng lợn hơi, tình hình giá cả không mấy khả quan - Ảnh 2.

Nguồn: ANOVA FEED

Theo các công ty chăn nuôi, hiện nay sản lượng lợn của nhiều doanh nghiệp, tập đoàn tăng mạnh, có công ty tăng 100% sản lượng so với năm trước, trong khi đó sức mua trên thị trường giảm sút nghiêm trọng. Do đó, biện pháp kích cầu hiện nay là buộc phải giảm giá.

Ngày 14/11 giá lợn hơi tại Công ty CP chăn nuôi C.P Việt Nam giữ ổn định sau khi giảm liên tiếp nhiều ngày qua. Giá lợn hơi CP tại miền Bắc đứng ở mức 60.000 đồng/kg so với mức giá 57.00 đồng/kg ngày 8/11 và so với mức giá 56.000 đồng/kg cuối tuần qua và mức giá 59.000 đồng/kg của ngày 28/10 và so với mức 60.000 đồng/kg ngày 26/10. Tại miền Trung, miền Đông, miền Tây, giá lợn hơi CP vẫn đứng ở mức 58.000 đồng/kg, đi ngang so với 3 ngày qua và trở về mức giá của ngày 28/10 khi đứng ở mức là 58.000 đồng/kg. Trước đó, giá lợn CP của khu vực miền Trung, miền Đông, miền Tây chỉ đứng ở mức 56.000 đồng/kg.

Giá lợn tại Trung Quốc ngày 14/11 lại nhích lên, đứng ở mức 88.300 đồng/kg, tăng so với mức 87.100 đồng/kg ngày hôm qua, tăng so với mức 86.700 đồng/kg của ngày 10/11; giảm so với mức 89.400 đồng/kg ngày 9/11...

Ngành chăn nuôi vẫn chịu áp lực từ chi phí nguyên liệu thức ăn cao

Trong quý III/2022, giá lợn hơi tại Việt Nam có xu hướng tăng so với quý trước, giá tăng cao nhất quý vào 20 ngày đầu tháng 7/2022, sau đó giảm trở lại. Trong khi đó, giá thức ăn chăn nuôi vẫn đứng ở mức cao dù một số nguyên liệu thức ăn chăn nuôi có dấu hiệu giảm giá trong thời gian gần đây. 

Trong tháng 10/2022, giá lợn hơi trên cả nước tiếp tục xu hướng giảm và dự kiến sẽ duy trì mức giảm trong ngắn hạn. Hiện giá lợn hơi trên cả nước dao động trong khoảng 51.000-58.000 đồng/kg, giảm 2.000-5.000 đồng/kg so với cuối tháng 9/2022. Dự báo trong thời gian tới, giá lợn hơi vẫn sẽ dao động quanh ngưỡng 50.000-60.000 đồng/kg. Tuy nhiên giá lợn hơi sẽ tăng trở lại vào thời điểm cuối năm do nhu cầu tiêu thụ thịt lợn tăng cao. 

Thời gian qua, giá lợn hơi biến động giảm, nhưng giá thức ăn chăn nuôi và giá vật tư đầu vào của ngành chăn nuôi vẫn không giảm. Thêm vào đó, đồng USD tăng giá cũng góp phần tác động vào giá thức ăn chăn nuôi khó có thể giảm. Chỉ còn gần 3 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, nhu cầu thực phẩm cho ngày Tết cũng sẽ tăng lên, trong đó có nhu cầu sử dụng thịt gia súc, gia cầm. Vì vậy, hiện nay người chăn nuôi cũng chuẩn bị nguồn thịt cung ứng cho người tiêu dùng đón Tết. Tuy nhiên, với những biến động kinh tế, thị trường hiện nay, người chăn nuôi muốn tái đàn, mở rộng đàn gia súc, gia cầm để tăng lượng thịt cung ứng cũng phải tính toán kỹ lưỡng.

Thị trường lợn hơi sẽ còn giảm thêm vài giá? - Ảnh 3.

USDA dự báo sản xuất thịt lợn ở Việt Nam cũng sẽ tiếp tục phục hồi do việc khống chế dịch tả lợn châu Phi ASF đã bảo vệ ngành chăn nuôi khỏi các đợt bùng phát quy mô lớn.

Thị trường lợn hơi sẽ còn giảm thêm vài giá? - Ảnh 4.

Nguồn: Tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam

Thị trường lợn hơi sẽ còn giảm thêm vài giá? - Ảnh 5.

Nguồn: Tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam

Trên thị trường thế giới, trong quý III/2022, giá lợn nạc tại Chicago - Hoa Kỳ có xu hướng giảm mạnh so với quý trước do nhu cầu của Trung Quốc giảm. Ngành chăn nuôi lợn thế giới vẫn chịu nhiều áp lực từ chi phí nguyên liệu thức ăn chăn nuôi cao khi chiến sự giữa Nga và Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc, trong khi lạm phát leo thang ở nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới và dịch tả lợn châu Phi vẫn lây lan tại nhiều nơi. 

Xu hướng giảm giá tiếp tục diễn ra trong 15 ngày đầu tháng 10/2022. Giá lợn nạc tại Chicago - Hoa Kỳ giảm xuống mức thấp nhất tháng vào ngày 16/10/2022 (ở mức 82,4 UScent/lb), tăng trở lại từ ngày 17-23/10/2022, nhưng sau đó giảm trở lại. Ngày 28/10/2022, giá lợn nạc tại Chicago, Hoa Kỳ giao kỳ hạn gần ở mức 85,1 UScent/lb, giảm 4% so với cuối tháng 9/2022, nhưng tăng 18,1% so với cùng kỳ năm 2021. Thị trường thịt lợn của Hoa Kỳ dự kiến sẽ phục hồi trong thời gian tới, nhờ nhu cầu tiêu thụ tăng trong các dịp lễ lớn cuối năm.

Tại Trung Quốc, giá thịt lợn tăng vọt kể từ cuối tháng 8/2022 đến nay, khiến chính quyền Trung Quốc phải mở kho dự trữ quốc gia để đưa thịt đông lạnh ra thị trường để đảm bảo nguồn cung cho những ngày lễ. Tuy nhiên, nhiều nhà kinh doanh thịt lợn tại Trung Quốc cảnh báo rằng việc xả kho lạnh cũng không giúp nhiều cho việc hạ nhiệt đà tăng giá thịt lợn. Theo Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc (NDRC), giá thịt lợn tại 36 trung tâm buôn bán lớn hiện tăng 30% so với cùng kỳ năm trước và do đó nằm ở mức cảnh báo thứ hai trong ba mức cảnh báo. Chính phủ đang phản ứng với việc này bằng cách thuê nguồn dự trữ thịt lợn từ bên ngoài nguồn dự trữ của nhà nước. Một số tỉnh cũng hỗ trợ tài chính cho các hộ chăn nuôi lợn tư nhân để tăng nguồn cung. Tuy nhiên, cho đến nay, tất cả những việc này vẫn chưa thực sự có thể ngăn đà tăng giá. 

Theo số liệu của Cơ quan Hải quan Trung Quốc, tháng 9/2022, Trung Quốc nhập khẩu 650 nghìn tấn thịt (bao gồm cả nội tạng), trị giá 2,98 tỷ USD, giảm 1,3% về lượng và giảm 4,8% về trị giá so với tháng 8/2022; So với tháng 9/2021 giảm 6,2% về lượng, nhưng tăng 14,2% về trị giá. Lũy kế 9 tháng năm 2022, Trung Quốc nhập khẩu 5,41 triệu tấn thịt, trị giá 23,15 tỷ USD, giảm 26,8% về lượng và giảm 6,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021, chủ yếu nhập khẩu từ Brazil, Hoa Kỳ, Newzeland, Argentina và Australia. 

Theo dự báo mới nhất của Bộ Nông Nghiệp Hoa Kỳ (USDA), sản lượng thịt lợn thế giới năm 2023 được dự báo đạt 111 triệu tấn, tăng 1% so với năm 2022 do sản lượng ở Trung Quốc tăng. Sản lượng thịt lợn của Trung Quốc dự kiến sẽ tăng 2% do ngành chăn nuôi tiếp tục phục hồi sau ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi (ASF). Giá thức ăn chăn nuôi ở Trung Quốc tăng sẽ hạn chế việc nuôi lợn quá trọng lượng.

USDA dự báo Mỹ, Brazil và Mehico sẽ tăng cường chăn nuôi để bù đắp cho sự sụt giảm ở các nước lớn khác như EU và Anh. Giá thức ăn chăn nuôi, giá năng lượng tăng và các hạn chế về môi trường sẽ làm giảm sản lượng lợn của EU. Các nhà chăn nuôi ở Anh phải đối mặt với chi phí thức ăn chăn nuôi cao và nhu cầu đối với thịt lợn nội địa giảm. Brazil và Mehico tiếp tục mở rộng lĩnh vực sản xuất thịt lợn để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng trong nước, một phần do người tiêu dùng tìm kiếm các thức ăn thay thế cho thịt bò giá cao hơn và nhu cầu xuất khẩu tăng ở một số quốc gia chủ chốt. 

USDA dự báo sản xuất thịt lợn ở Việt Nam cũng sẽ tiếp tục phục hồi do việc khống chế dịch tả lợn châu Phi ASF đã bảo vệ ngành chăn nuôi khỏi các đợt bùng phát quy mô lớn. 

Xuất khẩu thịt lợn toàn cầu năm 2023 được dự báo sẽ giảm 2%, xuống còn 10,5 triệu tấn do nhập khẩu của Trung Quốc giảm năm thứ hai liên tiếp. Bất chấp dịch tả ASF kéo dài, nhập khẩu thịt lợn của Philippines cũng được dự báo sẽ giảm do chính sách ưu đãi nhập khẩu kết thúc vào năm 2022 (khối lượng hạn ngạch nhập khẩu thịt lợn của Philippines tăng tạm thời kết thúc vào tháng 5/2022 và thuế quan giảm được gia hạn đến cuối năm 2022). Nhập khẩu thịt lợn của Anh tăng do xu hướng tiêu dùng dự kiến sẽ quay trở lại như trước khi đại dịch diễn ra. Sản lượng thịt lợn của Hoa Kỳ năm 2023 được dự báo sẽ tăng 1% so với năm 2022, lên 12,4 triệu tấn khi tăng dần các giống lợn và trọng lượng lợn tăng. Tuy nhiên, xuất khẩu thịt lợn của Hoa Kỳ năm 2023 được dự báo sẽ giảm do nhu cầu của các nhà nhập khẩu chính như Mehico và Trung Quốc giảm.

 

Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục