Giá lợn hơi lại xuất hiện đà giảm ở miền Nam

31/12/2022 13:49 GMT+7
Giá heo hơi hôm nay 31/12 đi ngang tại khu vực miền Bắc, miền Trung – Tây Nguyên và xuất hiện đà giảm tại khu vực miền Nam, mức giảm chỉ còn 50.000 đồng/kg. Thị trường lợn hơi ngày cuối năm không mấy lạc quan...

Giá lợn hơi hôm nay 31/12: Giảm 1.000 đồng/kg tại khu vực miền Nam 

Giá lợn hơi hôm nay 31/12/2022, miền Nam giảm giá. Thị trường lợn hơi ngày cuối năm không mấy lạc quan, đã xuất hiệu đà giảm tại 2 tỉnh Sóc Trăng và Hậu Giang, mức giá giảm còn 50.000 đồng/kg. Thị trường gia cầm cũng không biến động nhiều, mức giá đi ngang ổn định.

Ngày 31/12 giá lợn hơi tại Công ty CP chăn nuôi C.P Việt Nam giữ ổn định ở mức thấp sau khi liên tục giảm những ngày qua. Giá lợn hơi CP tại miền Bắc đứng ở mức 59.000 đồng/kg. Tại miền Trung, miền Đông, miền Tây, giá lợn hơi CP đứng ở mức 57.000 đồng/kg.

Với diễn biến này, một số chuyên gia chăn nuôi nhận định thị trường chưa có tín hiệu khởi sắc, người tiêu dùng vẫn đang thắt chặt chi tiêu, ưu tiên dùng các loại thực phẩm giá rẻ trong khi nguồn cung thịt lợn đang dư thừa, đặc biệt là tại các công ty chăn nuôi quy mô lớn.

Tại Trung Quốc giá lợn hơi ngày 31/12 vẫn xu hướng giảm, đứng ở mức 62.600 đồng/kg, không đổi so với hôm qua, giảm so với mức 64.200 đồng/kg ngày 29/12, giảm 4 giá so với mức 64.600 đồng/kg của ngày 28/12, tăng so với mức gần 59.000 đồng/kg của ngày 26/12, tăng so với mức 61.400 đồng/kg của ngày 21/12, và cũng thấp hơn 4 giá so với mức 64.600 đồng/kg của ngày 19/12. Tuy nhiên, mức giá này vân xthấp hơn nhiều so với mức 76.600 đồng/kg của ngày 9/12, mức 79.800 đồng/kg của ngày 8/12. Trước đó, giá lợn Trung Quốc liên tục đứng ở mức hơn 80.000 đồng/kg những tuần vừa qua.

Giá lợn hơi lại xuất hiện đà giảm ở miền Nam - Ảnh 1.

Nguồn: ANOVA FEED

Giá lợn hơi lại xuất hiện đà giảm ở miền Nam - Ảnh 2.

Thị trường lợn hơi ngày cuối năm không mấy lạc quan...

Trước đó, tại khu vực miền Bắc, giá lợn hơi đi ngang và dao động trong khoảng 51.000 - 54.000 đồng/kg. Theo đó, giá thu mua thấp nhất khu vực là 51.000 đồng/kg vẫn được ghi nhận tại hai tỉnh Yên Bái và Lào Cai. Ở chiều ngược lại, hai tỉnh Bắc Giang và Hưng Yên tiếp tục giao dịch cùng mức là 54.000 đồng/kg, cao nhất khu vực. Tại các địa phương khác, lợn hơi được thu mua với giá trong khoảng 52.000 - 53.000 đồng/kg.

Tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên, giá lợn hơi lặng sóng và dao động trong khoảng 51.000 - 52.000 đồng/kg. Theo đó, thương lái tại các tỉnh bao gồm Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Đắk Lắk và Ninh Thuận duy trì mức giao dịch là 51.000 đồng/kg. Tương tự, 52.000 đồng/kg tiếp tục là giá thu mua được chứng kiến tại các địa phương còn lại.

Tại khu vực miền Nam, giá lợn hơi giảm và dao động trong khoảng 50.000 - 53.000 đồng/kg. Cụ thể, sau khi cùng giảm 1.000 đồng/kg, giá lợn hơi tại hai tỉnh Hậu Giang và Sóc Trăng đang được thu mua cùng mức 51.000 đồng/kg - ngang với hai tỉnh Kiên Giang và Trà Vinh. Các địa phương khác không ghi nhận sự biến động mới về giá, trong đó, tỉnh Bến Tre là địa phương có giá thu mua lợn hơi thấp nhất khu vực với 50.000 đồng/kg. Thương lái tại các tỉnh, thành khác đang thu mua heo hơi với giá vào khoảng 52.000 - 53.000 đồng/kg.

Trong năm 2022, ngành chăn nuôi lợn thế giới chịu nhiều áp lực từ chi phí nguyên liệu thức ăn chăn nuôi cao, trong khi dịch tả lợn châu Phi vẫn lây lan tại nhiều nơi và nhu cầu của Trung Quốc chậm lại. Giá lợn nạc tại Hoa Kỳ có xu hướng giảm kể từ tháng 7/2022 đến nay. 

Trong tháng 12/2022, xu hướng giảm giá tiếp tục diễn ra trong 15 ngày đầu tháng, sau đó giá tăng nhẹ trở lại. Ngày 26/12/2022, giá lợn nạc tại Chicago, Hoa Kỳ giao kỳ hạn gần ở mức 87,92 UScent/ lb, tăng 5,8% so với cuối tháng 11/2022 và tăng 5,6% so với cùng kỳ năm 2021.

Theo dự báo mới nhất của Ủy ban châu Âu, sản lượng thịt lợn của EU sẽ giảm 1%/năm trong 10 năm từ 2022 – 2032, tương đương giảm 2,2 triệu tấn trong cả giai đoạn này. Dự báo mức tiêu thụ thịt lợn của EU sẽ giảm 0,4%/năm, từ 32,4 kg/người năm 2022 xuống 31,1 kg/người năm 2032, giảm 4% trong cả giai đoạn này. Xuất khẩu thịt lợn dự kiến sẽ giảm khi chăn nuôi của Trung Quốc phục hồi, với năng suất sẽ phục hồi sớm hơn dự kiến ban đầu, do đó làm giảm đáng kể sự phụ thuộc vào nhập khẩu, mặc dù dịch tả lợn châu Phi (ASF) vẫn tiếp tục bùng phát. 

Giá thịt lợn dự kiến sẽ vẫn ở mức thấp sau khi tăng đột biến trong năm 2022. Tuy nhiên, nhu cầu nhập khẩu của các nước tăng, dịch tả ASF tiếp tục bùng phát ở châu Á và sản xuất tại thị trường EU điều chỉnh có thể làm chậm quá trình giảm giá cho đến năm 2025. Giá thịt lợn tại thị trường EU dự kiến sẽ duy trì ở mức khoảng 1,50 Euro/kg từ năm 2025 đến năm 2032. Sản xuất thịt bò dự kiến sẽ giảm, tổng sản lượng thịt bò của EU được dự đoán sẽ tiếp tục giảm xuống 0,6 triệu tấn (giảm 9%) vào năm 2032 do đàn bò giảm 2,8 triệu con (giảm 9,1%). 

Tại Trung Quốc, năm 2022 giá thịt lợn tại Trung Quốc biến động mạnh, giá lợn có xu hướng giảm kể từ tháng 10/2022 đến nay trong bối cảnh nước này nỗ lực tăng nguồn cung và ổn định giá thịt lợn. Theo Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia, để duy trì nguồn cung và ổn định giá cả, chính quyền Trung Quốc đã xuất 7 lô thịt lợn từ kho dự trữ quốc gia ra thị trường và kêu gọi chính quyền địa phương tăng cường giải phóng thịt lợn. 

Theo số liệu của Cơ quan Hải quan Trung Quốc, trong 11 tháng năm 2022, Trung Quốc nhập khẩu 6,7 triệu tấn thịt (bao gồm cả nội tạng), với trị giá 28,89 tỷ USD, giảm 23,2% về lượng và giảm 2,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021, chủ yếu nhập khẩu từ Brazil, Hoa Kỳ, Newzeland, Argentina và Úc. Các chủng loại thịt nhập khẩu của Trung Quốc chủ yếu là thịt trâu, bò, thịt lợn và thịt gia cầm. 

Trong 11 tháng năm 2022, Trung Quốc nhập khẩu 2,45 triệu tấn thịt trâu, bò (HS 0201, 0202), với trị giá 16,32 tỷ USD, tăng 15% về lượng và tăng 16,4% so với cùng kỳ năm 2021, chủ yếu nhập khẩu từ Brazil, Argentina, Urugoay, Hoa Kỳ, Úc... Kim ngạch nhập khẩu thịt trâu, bò của Trung Quốc từ các thị trường này đều tăng khá so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, Brazil là thị trường lớn nhất cung cấp thịt trâu, bò cho Trung Quốc trong 11 tháng năm 2022, chiếm 41,8% trong tổng trị giá nhập khẩu thịt trâu, bò của Trung Quốc với 6,82 tỷ USD, tăng 60,7% so với cùng kỳ năm 2021. 

Trong khi đó, nhập khẩu thịt lợn của Trung Quốc trong 11 tháng năm 2022 có xu hướng giảm so với cùng kỳ năm 2021. 11 tháng năm 2022, Trung Quốc nhập khẩu 1,56 triệu tấn thịt lợn (HS 0203), trị giá 3,39 tỷ USD, giảm 55,9% về lượng và giảm 65,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021, chủ yếu nhập khẩu từ Tây Ban Nha, Brazil, Đan Mạch, Hà Lan, Hoa Kỳ, Chi lê... Kim ngạch nhập khẩu thịt lợn của Trung Quốc từ các thị trường này đều giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, Tây Ban Nha là thị trường lớn nhất cung cấp thịt lợn cho Trung Quốc trong 10 tháng năm 2022, chiếm 27,4% trong tổng trị giá nhập khẩu thịt lợn của Trung Quốc, với 930,87 triệu USD, giảm 69,2% so với cùng kỳ năm 2021. 

Trung Quốc cũng giảm nhập khẩu thịt gia cầm trong 11 tháng năm 2022. Trong 11 tháng năm 2022, Trung Quốc nhập khẩu 536 nghìn tấn thịt gia cầm, trị giá 1,28 tỷ USD, giảm 60,2% về lượng và giảm 59,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021, chủ yếu nhập khẩu từ Brazil, Hoa Kỳ, Thái Lan, Nga và Belarus. 

Năm 2023, dự đoán nhập khẩu thịt lợn của Trung Quốc sẽ tăng trở lại khi các biện pháp kiểm soát Covid được nới lỏng và nhu cầu tăng lên, mặc dù khối lượng dự kiến sẽ không bằng với năm 2021. Các báo cáo ước tính rằng tổng nhập khẩu thịt lợn của Trung Quốc (bao gồm cả nội tạng) sẽ ổn định trong vài năm tới khoảng 2 triệu tấn/năm. Điều này có nghĩa là Trung Quốc sẽ tự túc khoảng 95%, đáp ứng mục tiêu an ninh lương thực của họ. Mặc dù vậy, Trung Quốc vẫn sẽ là nhà nhập khẩu thịt lợn lớn nhất thế giới. Nhập khẩu thịt lợn của Trung Quốc năm 2023 dự báo sẽ cao hơn so với năm 2022.

Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục