Giá lợn hơi đi ngang trên diện rộng, người nuôi hết hy vọng lên giá

21/12/2022 14:39 GMT+7
Giá lợn hơi hôm nay 21/12 tiếp tục đi ngang trên diện rộng và dao động trong khoảng 51.000 – 54.000 đồng/kg.

Giá lợn hơi đi ngang trên diện rộng

Giá lợn hơi hôm nay 21/12/2022, không ghi nhận biến động mới. Thị trường vẫn tiếp tục đứng yên, mức giá lợn hơi chỉ dao động trong khoảng 51.000-54.000 đồng/kg. Thị trường gà vịt cũng không biến động nhiều-mức giá giữ vững hơn 1 tuần nay.

Ngày 21/12 giá lợn hơi tại Công ty CP chăn nuôi C.P Việt Nam giữ ổn định ở mức thấp sau khi liên tục giảm những ngày qua. Giá lợn hơi CP tại miền Bắc đứng ở mức 59.000 đồng/kg. Tại miền Trung, miền Đông, miền Tây, giá lợn hơi CP đứng ở mức 57.000 đồng/kg.

Tại Trung Quốc giá lợn hơi ngày 21/12 tiếp tục giảm mạnh, chỉ còn đứng ở mức 61.400 đồng/kg, so với mức 64.600 đồng/kg của ngày 19/12. Mức này thấp hơn nhiều so với mức 76.600 đồng/kg của ngày 9/12, giảm mạnh so với mức 79.800 đồng/kg của ngày 8/12. Trước đó, giá lợn Trung Quốc liên tục đứng ở mức hơn 80.000 đồng/kg những tuần vừa qua.

Theo Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia, để duy trì nguồn cung và ổn định giá cả, chính quyền Trung Quốc đã xuất 7 lô thịt lợn từ kho dự trữ quốc gia ra thị trường và kêu gọi chính quyền địa phương tăng cường giải phóng thịt lợn.

Dữ liệu cho thấy giá thịt lợn trung bình hàng tuần do chính phủ theo dõi đã giảm hàng tuần kể từ cuối tháng 10/2022.

Giá lợn hơi đi ngang trên diện rộng, người nuôi hết hy vọng lên giá - Ảnh 1.

Giá lợn hơi hôm nay 21/12: Tiếp tục đi ngang trên diện rộng.

Giá lợn hơi đi ngang trên diện rộng, người nuôi hết hy vọng lên giá - Ảnh 2.

Nguồn: ANOVA FEED

Trước đó, tại khu vực miền Bắc, giá lợn hơi không ghi nhận biến động về giá và tiếp tục dao động trong khoảng 51.000 - 54.000 đồng/kg. Cụ thể, tại hai tỉnh Bắc Giang và Hưng Yên ghi nhận mức giá lợn hơi 54.000 đồng/kg, cao nhất khu vực. Trong khi đó, thương lái tại hai tỉnh Yên Bái và Lào Cai tiếp tục thu mua lợn hơi với giá 51.000 đồng/kg - thấp nhất khu vực. Tại các tỉnh, thành khác, lợn hơi tiếp tục được thu mua với giá trong khoảng 52.000 - 53.000 đồng/kg.

Tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên, giá lợn hơi hôm nay lặng sóng trên diện rộng và duy trì trong khoảng 51.000 - 52.000 đồng/kg. Theo đó, thương lái tại các địa phương bao gồm Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Đắk Lắk và Ninh Thuận tiếp tục giao dịch ở mức 51.000 đồng/kg - thấp nhất khu vực. Cao hơn 1.000 đồng/kg, ở mức 52.000 đồng/kg là giá thu mua được ghi nhận tại các địa phương gồm Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa, Lâm Đồng và Bình Thuận.

Tại khu vực miền Nam, giá lợn hơi tiếp tục ổn định trên diện rộng và duy trì trong khoảng 51.000 - 53.000 đồng/kg. Theo đó, thương lái tại các tỉnh bao gồm Kiên Giang, Hậu Giang, Trà Vinh và Bến Tre tiếp tục giao dịch ở mức 51.000 đồng/kg. Mức giá cao nhất khu vực 53.000 đồng/kg được ghi nhận tại Đồng Tháp, Vĩnh Long, Cà Mau, Bạc Liêu. Các địa phương khác trong khu vực, giá lợn hơi ở mức 52.000 đồng/kg.

Theo số liệu của USDA vừa được Liên đoàn Xuất khẩu Thịt Mỹ (USMEF) công bố, xuất khẩu thịt lợn của Mỹ trong tháng 10/2022 đạt mức cao nhất trong 16 tháng.

Xuất khẩu thịt lợn của Mỹ trong tháng 10/2022 đạt 238.198 tấn, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước và đây là mức cao nhất kể từ tháng 6/2021. Kim ngạch xuất khẩu thịt lợn tăng 13% lên 697,3 triệu USD, cao nhất kể từ tháng 5/2021. Tính chung 10 tháng năm 2022, khối lượng thịt lợn xuất khẩu của Mỹ đạt 2,18 triệu tấn, giảm 12% so với cùng kỳ năm ngoái, trị giá 6,26 tỷ USD (giảm 8%).

Xuất khẩu nội tạng lợn tăng mạnh trong tháng 10/2022, đạt mức 55.271 tấn, tăng 33% so với tháng 10/2021, kim ngạch xuất khẩu cao kỷ lục 126,2 triệu USD, tăng 29%. Tăng trưởng chủ yếu do xuất khẩu kỷ lục sang Trung Quốc/Hồng Kông (37.499 tấn, tăng 51% so với tháng 10/2021), xuất khẩu cũng tăng đáng kể sang Mexico (11.941 tấn, lớn nhất kể từ đầu năm 2020) và sang Nhật Bản (1.225 tấn, lớn nhất kể từ năm 2018). Tính chung 10 tháng năm 2022, tổng xuất khẩu nội tạng lợn của Mỹ đạt 426.232 tấn, giảm 5% so với cùng kỳ năm trước, trị giá 1,03 tỷ USD (giảm 1%).

Xuất khẩu thịt lợn và nội tạng lợn trong tháng 10/2022 sang thị trường hàng đầu Mexico chỉ tăng nhẹ 1% về lượng so với tháng 10/2021, đạt 84.915 tấn, nhưng kim ngạch xuất khẩu sang Mexico đạt mức kỷ lục 203,1 triệu USD, tăng 41%.

Xuất khẩu thịt lợn tháng 10/2022 sang Trung Quốc/Hồng Kông tăng 37% so với tháng 10/2021, đạt 57.345 tấn, trị giá 141,3 triệu USD (tăng 39%). Mặc dù, xuất khẩu tăng phần lớn đối với nội tạng lợn, nhưng xuất khẩu thịt lợn cắt khúc sang thị trường này cũng tăng 16% lên 19.846 tấn, trị giá 54,1 triệu USD (tăng 37%).

Xuất khẩu thịt lợn tháng 10 sang Hàn Quốc tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái lên 12.535 tấn, giá trị tăng 26% lên 43,7 triệu USD.

Xuất khẩu thịt lợn tháng 10 sang Cộng hòa Dominica đạt 7.218 tấn, tăng 45% so với tháng 10/2021, giá trị xuất khẩu tăng 59% lên 21,8 triệu USD.

Xuất khẩu thịt lợn sang Colombia trong tháng 10 giảm 32% so với tháng 10/2021 cả về khối lượng (8.009 tấn) và giá trị (21,4 triệu USD).

Cũng theo số liệu chính thức, nhập khẩu thịt lợn của Trung Quốc đã giảm hơn một nửa trong năm nay, nhưng dự báo sẽ tăng trong năm tới.

Trong 9 tháng đầu năm 2022, Trung Quốc đã nhập khẩu 1,2 triệu tấn thịt lợn, giảm 1,8 triệu tấn so với cùng kỳ năm 2021, giảm 60% do Trung Quốc tái đàn lợn, và do các hạn chế của Covid.

Vương quốc Anh đã xuất khẩu 56.600 tấn sang Trung Quốc, EU vẫn giữ thị phần lớn nhất trong nhập khẩu thịt lợn của Trung Quốc, với 643.000 tấn. Nhập khẩu từ tất cả các quốc gia chủ yếu đã giảm đáng kể trong năm 2022 so với những năm qua.

Trong quý III/2022, nhập khẩu của Trung Quốc (không bao gồm nội tạng) đạt tổng cộng 412.100 tấn, tăng 25.300 tấn (tăng 6,5%) so với quý II/2022 và giảm 375.600 tấn (giảm 47,7%) so với quý III/ 2021.

Nhà phân tích Charlotte Forkes-Rees của AHDB cho biết, giá thịt lợn tại Trung Quốc đã tăng kể từ tháng 4/2022. Kể từ đầu tháng 9/2022, Trung Quốc đã xuất kho dự trữ 127.100 tấn thịt lợn đông lạnh để bán đấu giá nhằm kiềm chế giá tăng cao. Mặc dù vậy, giá trong nước vẫn tiếp tục tăng khi Trung Quốc bước vào giai đoạn nhu cầu cao điểm đối với thịt lợn theo mùa và do đó, có khả năng nhập khẩu sẽ tăng vào cuối năm 2022.

Tuy nhiên, dự đoán năm 2023 nhập khẩu thịt lợn của Trung Quốc sẽ tăng khi các hạn chế về covid được nới lỏng và nhu cầu tăng lên, mặc dù khối lượng dự kiến sẽ không bằng với năm 2021. Các báo cáo ước tính rằng tổng nhập khẩu thịt lợn (bao gồm cả nội tạng) sẽ ổn định trong vài năm tới khoảng 2 triệu tấn/năm. Điều này có nghĩa là Trung Quốc sẽ tự túc khoảng 95%, đáp ứng mục tiêu an ninh lương thực của họ. Mặc dù vậy, Trung Quốc vẫn sẽ là nhà nhập khẩu thịt lợn lớn nhất thế giới.

Trong nước, chỉ còn khoảng 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, nhu cầu thực phẩm cho ngày Tết cũng sẽ tăng lên, trong đó có nhu cầu sử dụng thịt gia súc, gia cầm. Tuy nhiên, mức tăng sẽ không như kỳ vọng bởi nguồn cung trong nước ở mức cao. Hiện tổng đàn lợn cả nước khoảng 28,6 triệu con, sản lượng ước đạt 3,23 triệu tấn thịt lợn. Với đà tăng trưởng như hiện nay, nếu không gặp bất lợi về dịch bệnh thì nguồn cung thịt lợn từ nay đến cuối năm và dịp Tết Nguyên đán sẽ được đảm bảo.

Năm 2023, toàn ngành chăn nuôi phấn đấu tổng sản lượng thịt hơi các loại đạt khoảng 7-7,5 triệu tấn (tăng 5-5,5% so với năm 2022); Sản lượng thịt lợn hơi đạt trên 4,5 triệu tấn (tăng 4%); Sản lượng thịt gia cầm đạt khoảng 2,1 triệu tấn (tăng 4,8% so với năm 2022).

Trong năm 2023, giá lợn được kỳ vọng tăng 5% do nhu cầu ăn uống bên ngoài phục hồi và thiếu hụt nguồn cung khi các hộ chăn nuôi vẫn ngần ngại trong việc tái đàn do giá lợn giảm trong thời gian gần đây, trong khi giá thức ăn chăn nuôi vẫn ở mức cao. Hiện nay, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn chiếm khoảng 60% tổng nguồn cung thịt lợn tại Việt Nam. Đối với chi phí đầu vào, giá hàng hóa có khả năng giảm trong năm 2023 do lo ngại ban đầu về tình trạng thiếu lương thực do xung đột giữa Nga và Ukraine đã lắng xuống khi các nước xuất khẩu khác tăng nguồn cung. Ngoài ra, ngũ cốc của Ukraine đã được vận chuyển trở lại sau thỏa thuận chấm dứt việc phong tỏa các cảng của nước này. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ thịt sẽ không giảm nhờ lượng khách du lịch quốc tế dự kiến sẽ phục hồi kể từ quý II/2023, kéo theo nhu cầu ăn uống tăng.


Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục