Vì sao giá lợn hơi giảm "khác thường"?

17/12/2022 08:07 GMT+7
Giá lợn hơi tiếp tục lình xình ở mức thấp và thị trường vẫn chưa có các tín hiệu tích cực dù đang vào thời điểm cuối năm, Tết Nguyên đán cận kề...

Giá lợn hơi tiếp tục lình xình ở đáy

Giá lợn hơi hôm nay 17/12/2022, lặng sóng ngày cuối tuần. Lượng lợn tiêu thụ toàn quốc khá chậm ở thời điểm cuối năm. Thị trường không có biến động, mức giá vẫn dao động trong khoảng 51.000-54.000 đồng/kg.

Ngày 17/12 giá lợn hơi tại Công ty CP chăn nuôi C.P Việt Nam giữ ổn định ở mức thấp sau khi liên tục giảm những ngày qua. Giá lợn hơi CP tại miền Bắc đứng ở mức 59.000 đồng/kg. Tại miền Trung, miền Đông, miền Tây, giá lợn hơi CP đứng ở mức 57.000 đồng/kg.

Tại Trung Quốc giá lợn hơi ngày 17/12 vẫn ổn định quanh mốc 69.200 đồng/kg. Mức này vẫn thấp hơn so với mức 76.600 đồng/kg của ngày 9/12, giảm so với mức 79.800 đồng/kg của ngày 8/12. Trước đó, giá lợn Trung Quốc liên tục đứng ở mức hơn 80.000 đồng/kg những tuần vừa qua.

Theo Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia, để duy trì nguồn cung và ổn định giá cả, chính quyền Trung Quốc đã xuất 7 lô thịt lợn từ kho dự trữ quốc gia ra thị trường và kêu gọi chính quyền địa phương tăng cường giải phóng thịt lợn.

Dữ liệu cho thấy giá thịt lợn trung bình hàng tuần do chính phủ theo dõi đã giảm hàng tuần kể từ cuối tháng 10/2022.

Vì sao giá lợn hơi giảm "khác thường"? - Ảnh 1.

Nguồn: ANOVA FEED

Vì sao giá lợn hơi giảm "khác thường"? - Ảnh 2.

Giá lợn hơi tiếp tục lình xình ở mức thấp và thị trường vẫn chưa có các tín hiệu tích cực dù đang vào thời điểm cuối năm, Tết Nguyên đán cận kề...

Trước đó, tại khu vực miền Bắc, giá lợn hơi không ghi nhận sự thay đổi và lình xình trong khoảng 51.000 - 54.000 đồng/kg. Theo đó, mức giá thấp nhất tiếp tục được ghi nhận tại hai tỉnh Yên Bái và Lào Cai là 51.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá lợn hơi tại Bắc Giang và Hưng Yên vẫn neo tại mốc cao nhất là 54.000 đồng/kg. Các tỉnh thành còn lại duy trì giao dịch ổn định trong khoảng 52.000 - 53.000 đồng/kg.

Tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên, giá lợn hơi đi ngang tại tất cả các tỉnh thành và dao động trong khoảng 51.000 - 52.000 đồng/kg. Trong đó, mức giá thấp nhất khu vực là 51.000 đồng/kg được ghi nhận tại Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Đắk Lắk, Ninh Thuận và Bình Thuận. Thương lái tại các tỉnh còn lại duy trì mức giao dịch ổn định là 52.000 đồng/kg.

Tại khu vực miền Nam, giá lợn hơi vẫn có xu hướng giảm nhẹ tại một vài địa phương và dao động trong khoảng 51.000 - 53.000 đồng/kg. Theo đó, giá lợn hơi tại Cà Mau ghi nhận giảm 2.000 đồng/kg xuống còn 53.000 đồng/kg, ngang bằng với Đồng Tháp, Vĩnh Long, Cần Thơ và Bạc Liêu. Đây cũng là mức giá cao nhất khu vực. Mức giá thấp nhất khu vực 51.000 đồng/kg được ghi nhận tại Kiên Giang, Hậu Giang, Trà Vinh và Bến Tre. Các tỉnh thành còn lại giữ nguyên giá thu mua là 52.000 đồng/kg.

Hiệp hội chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, nhận định năm nay thị trường thịt lợn hoàn toàn “khác thường” so với những năm trước khi thông thường trước Tết khoảng hai tháng nhu cầu trong sản xuất thực phẩm chế biến chuẩn bị Tết cao sẽ đẩy giá lợn hơi tăng.

Tuy nhiên, vào đầu tháng 12 năm nay giá lợn hơi bình quân chỉ 49.000-52.000 đồng/kg, xuống thấp nhất trong năm 2022.

Ngoài ảnh hưởng do dịch Covid-19, người chăn nuôi còn bị kiệt quệ bởi dịch tả lợn châu Phi không dám tái đàn. Cạnh đó, sang năm 2022 ảnh hưởng xung đột Nga-Ukraine khiến giá thức chăn nuôi tăng trên 40%, cộng các dịch vụ khác tăng 10%, đã đẩy giá thành sản xuất lên cao trong khi giá xuất chuồng thấp. Vì vậy, người chăn nuôi càng ít tái đàn hơn.

Tuy nhiên, từ các doanh nghiệp lớn trong nước đến doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài dù bị ảnh hưởng dịch bệnh nhưng họ có cả chuỗi sản xuất nên tăng đàn khá mạnh.

Một doanh nghiệp lớn tăng đàn bằng cả 100 hộ chăn nuôi tăng đàn nên nguồn cung thị trường dồi dào, dư thừa khiến giá lợn tụt dốc. Thời điểm này thương lái mua lợn tại trại Đồng Nai giá 49.000-52.000 đồng/kg trong khi giá tại thị Trung Quốc đang cao gấp đôi. Tương tự giá lợn hơi tại Thái Lan thời điểm này cũng trên 70.000 đồng/kg. Có thể thấy giá lợn hơi Việt Nam hiện đang thấp nhất so với một số nước trong khu vực.

Giá lợn hơi trên cả nước có xu hướng giảm trong nửa cuối tháng 11/2022 do sức mua trên thị trường yếu, trong khi nguồn cung thịt lợn dồi dào, mặc dù chi phí thức ăn chăn nuôi vẫn đứng ở mức cao. Tại khu vực miền Bắc, giá lợn hơi ở hầu hết các tỉnh, thành phố dao động trong khoảng 52.000-56.000 đồng/kg, giảm 2.000-3.000 đồng/kg so với cuối tháng 10/2022. Tại khu vực miền Trung-Tây Nguyên, hiện giá lợn hơi dao động trong khoảng 52.000-56.000 đồng/kg, giảm 2.000-3.000 đồng/kg so với cuối tháng 10/2022. Tại khu vực miền Nam, giá lợn hơi dao động trong khoảng 51.000-55.000 đồng/kg, giảm 1.000-2.000 đồng/kg so với cuối tháng 10/2022.

Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, nhu cầu thực phẩm cho ngày Tết cũng sẽ tăng lên, trong đó có nhu cầu sử dụng thịt gia súc, gia cầm. Tuy nhiên, mức tăng sẽ không như kỳ vọng bởi nguồn cung trong nước ở mức cao. Hiện tổng đàn lợn cả nước khoảng 28,6 triệu con, sản lượng ước đạt 3,23 triệu tấn thịt lợn. Với đà tăng trưởng như hiện nay, nếu không gặp bất lợi về dịch bệnh thì nguồn cung thịt lợn từ nay đến cuối năm và dịp Tết Nguyên đán sẽ được đảm bảo.

Được biết, theo tính toán từ số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, 10 tháng năm 2022, Việt Nam xuất khẩu được 15,05 nghìn tấn thịt và các sản phẩm thịt, trị giá 64,87 triệu USD, giảm 1,6% về lượng, nhưng tăng 7,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. 

Tháng 10/2022, thịt và các sản phẩm thịt của Việt Nam chủ yếu được xuất khẩu sang các thị trường Hồng Kông, Pháp, Bỉ, Lào, Hoa Kỳ... Trong đó, xuất khẩu sang thị trường Hồng Kông chiếm 33,17% tổng lượng thịt xuất khẩu của cả nước với 821 tấn, trị giá 5,16 triệu USD, tăng 59,7% về lượng và tăng 42,9% về trị giá so với tháng 10/2021. Lũy kế 10 tháng năm 2022, Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Hồng Kông được 6,09 nghìn tấn thịt và các sản phẩm thịt, trị giá 32,54 triệu USD, giảm 26% về lượng và giảm 17,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. 

Thịt và các sản phẩm thịt của Việt Nam được xuất khẩu sang thị trường Hồng Kông chủ yếu là thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh... Trong tháng 10/2022, xuất khẩu thịt và các sản phẩm thịt tăng nhờ xuất khẩu sang một số thị trường tiếp tục tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2021, trong đó đáng chú ý như: Malaysia, Lào, Pháp, Nhật Bản, Hồng Kông, Bỉ… Trong khi đó, xuất khẩu sang một số thị trường lại giảm mạnh như: Hà Lan, Canada…

Tháng 10/2022, thịt và các sản phẩm từ thịt của Việt Nam xuất khẩu chủ yếu là các chủng loại như: Thịt và phụ phẩm dạng thịt ăn được sau giết mổ của động vật khác, tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh (chủ yếu là đùi ếch đông lạnh); Thịt lợn tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh (chủ yếu là thịt lợn tươi, thịt lợn sữa đông lạnh nguyên con; thịt lợn nguyên con đông lạnh); Chân gà đông lạnh… 

Trong đó, thịt và phụ phẩm dạng thịt ăn được sau giết mổ của động vật khác, tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh (chủ yếu là đùi ếch đông lạnh) được xuất khẩu nhiều nhất với 1,22 nghìn tấn, trị giá 2,77 triệu USD, tăng 289,2% về lượng và tăng 53,8% về trị giá so với tháng 10/2021; Giá xuất khẩu bình quân đạt 2.269 USD/tấn, giảm 60,5% so với tháng 10/2021. 

Thịt và phụ phẩm dạng thịt ăn được sau giết mổ của động vật khác, tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh được xuất khẩu sang 13 thị trường, trong đó xuất khẩu sang thị trường Pháp chiếm 40,43% tổng lượng thịt và phụ phẩm dạng thịt ăn được sau giết mổ của động vật khác trong tháng 10/2022. Đứng thứ hai là thịt lợn tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh. 

Tháng 10/2022, xuất khẩu thịt lợn tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh đạt trên 1 nghìn tấn, trị giá 5,77 triệu USD, tăng 113,3% về lượng và tăng 68,6% về trị giá so với tháng 10/2021, giá xuất khẩu bình quân đạt 5.730 USD/tấn, giảm 21% so với tháng 10/2021. Thịt lợn tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh được xuất khẩu sang thị trường Hồng Kông và Lào. Trong đó xuất khẩu sang thị trường Hồng Kông chiếm 81,43% tổng lượng thịt lợn tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh xuất khẩu của cả nước trong tháng 10/2022.

Về nhập khẩu: Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, 10 tháng năm 2022, Việt Nam nhập khẩu 544,97 nghìn tấn thịt và các sản phẩm từ thịt, trị giá 1,21 tỷ USD, giảm 11,9% về lượng, nhưng tăng 2,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. 

Trong tháng 10/2022, Việt Nam nhập khẩu thịt và các sản phẩm từ thịt từ 33 thị trường trên thế giới. Trong đó, Ấn Độ là thị trường cung cấp thịt và các sản phẩm từ thịt lớn nhất cho Việt Nam, với 13,07 nghìn tấn, trị giá 41,81 triệu USD, tăng 114,1% về lượng và tăng 208,9% về trị giá so với tháng 10/2021, chiếm 20,4% tổng lượng thịt và các sản phẩm từ thịt nhập khẩu của Việt Nam trong tháng. 

Giá nhập khẩu bình quân thịt và các sản phẩm từ thịt từ Ấn Độ về Việt Nam ở mức 3.199 USD/tấn, tăng 44,3% so với tháng 10/2021. Tính chung 10 tháng năm 2022, Việt Nam nhập khẩu từ Ấn Độ 130,12 nghìn tấn thịt và các sản phẩm từ thịt , với trị giá 418,63 triệu USD, tăng 51,1% về lượng và tăng 51,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. 

Thời gian tới, nhu cầu tiêu thụ thịt và các sản phẩm từ thịt dự kiến sẽ tăng do nhu cầu thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán tăng cao. Tuy nhiên, do nguồn cung thịt của Việt Nam khá dồi dào, cơ bản đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ trong nước, nên dự báo nhập khẩu thịt và các sản phẩm thịt sẽ không tăng đột biến trong thời gian tới. 

Nhập khẩu thịt lợn của Việt Nam tiếp tục giảm trong tháng 10/2022. Theo thống kê từ số liệu của Tổng cục Hải quan, trong tháng 10/2022, Việt Nam nhập khẩu 11,87 nghìn tấn thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh, với trị giá 26,02 triệu USD, giảm 5,6% về lượng và giảm 22,4% về trị giá so với tháng 10/2021; giá nhập khẩu trung bình đạt 2.192 USD/tấn, giảm 17,8% so với tháng 10/2021. Lũy kế 10 tháng năm 2022, nhập khẩu thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh đạt 88,82 nghìn tấn, trị giá 189,02 triệu USD, giảm 34,4% về lượng và giảm 39,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. 

Trong 10 tháng năm 2022, Việt Nam nhập khẩu thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh từ 30 thị trường, trong đó chủ yếu được nhập khẩu từ: Brazil chiếm 37,3%; Nga chiếm 24,9%; Đức chiếm 12,8%; Canada chiếm 8%; Hà Lan chiếm 4,7% trong tổng lượng thịt lợn nhập khẩu của cả nước. Trừ Brazil, lượng thịt lợn nhập khẩu từ các thị trường này đều giảm so với cùng kỳ năm 2021.


Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục