Giá lợn hơi trái chiều, khủng hoảng vẫn đeo bám thị trường

02/02/2023 14:55 GMT+7
Giá lợn hơi hôm nay 2/2 tiếp tục điều chỉnh tăng/giảm trong phạm vi hẹp tại một số địa phương trên cả nước. Giá lợn hơi thấp gây ảnh hưởng nặng nề tới hoạt động sản xuất của người chăn nuôi.

Giá lợn hơi tăng giảm không đồng nhất 1.000 đồng/kg 

Giá lợn hơi hôm nay 2/2/2023, thị trường biến động trái chiều, tăng giảm không đồng nhất 1.000 đồng/kg. Ghi nhận thêm giá lợn ở vài tỉnh tăng 1.000 đồng/kg: Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Bến Tre. Trong khi tại Lâm Đồng giảm nhẹ 1.000 đồng/kg về mức 53.000 đồng/kg. Thị trường giá vịt cũng rớt sâu, người dân chưa mạnh tái đàn sau Tết, chờ đợi cơn bão giá mới.

Ngày 2/2 giá lợn hơi tại Công ty CP chăn nuôi C.P Việt Nam vẫn giữ ổn định ở mức thấp sau khi liên tục giảm từ cuối năm ngoái. Giá lợn hơi CP tại miền Bắc đứng ở mức 59.000 đồng/kg. Tại miền Trung, miền Đông, miền Tây, giá lợn hơi CP đứng ở mức 57.000 đồng/kg.

Tại Trung Quốc giá lợn hơi ngày 2/2 tiếp tục giảm thấp, đứng ở mức 50.200 đồng, giảm tiếp 1 giá so với ngày cuối tháng 1, khi đứng ở mức 50.300 đồng/kg, giảm so với mức 53.100 đồng/kg trước Tết Nguyên đán. Mức giá này thấp hơn nhiều so với mức 76.600 đồng/kg của tháng 12 năm ngoái. Trước đó, giá lợn Trung Quốc liên tục đứng ở mức hơn 80.000 đồng/kg thời gian cuối năm vừa qua.

Theo thông tin mới nhất, mức tiêu thụ thịt lợn của Trung Quốc vẫn giảm và quá trình trở lại trạng thái bình thường có thể mất tới 6 tháng.

Nhu cầu thịt lợn của Trung Quốc giảm mặc dù các chính sách Covid của nước này đã được nới lỏng, nhưng nhiều người dẫn vẫn không muốn đi ăn tại các nhà hàng.

Nhập khẩu thịt lợn của Trung Quốc - loại thịt phổ biến nhất - đã giảm một nửa trong 18 tháng qua do sản xuất trong nước tăng, giá thấp và nhu cầu yếu.

Sản lượng thịt lợn tại Trung Quốc, thị trường lớn nhất thế giới, năm ngoái đã tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2014, do giá tăng trong mùa hè đã khuyến khích nông dân vỗ béo lợn nhiều hơn bình thường. Tuy nhiên, trong tháng 1/2023, Bộ Nông nghiệp Trung Quốc kêu gọi nông dân giảm sản lượng thịt lợn dư thừa.

Nhu cầu của Trung Quốc chậm lại đã tác động dây chuyền đến thị trường châu Âu. Dịch tả lợn châu Phi bùng phát ở một số nước châu Âu, trong đó có Đức, đã thúc đẩy các nhà chăn nuôi ở Tây Ban Nha đẩy mạnh sản lượng nhằm xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Tất cả số thịt đó hiện đang tràn ngập thị trường châu Âu, nơi người tiêu dùng hiện đang đối phó với lạm phát và lo lắng về tương lai.

Giá lợn hơi trái chiều, khủng hoảng vẫn đeo bám thị trường - Ảnh 1.

Giá lợn hơi trái chiều, khủng hoảng vẫn đeo bám thị trường.

Trước đó, tại khu vực miền Bắc, giá lợn hơi ghi nhận tăng rải rác vài nơi và dao động trong khoảng 51.000 - 53.000 đồng/kg. Sau khi cùng tăng 1.000 đồng/kg, thương lái tại Hà Nội và Tuyên Quang thu mua lợn hơi với giá 53.000 đồng/kg. Mức giá này cũng được ghi nhận tại Bắc Giang, Hưng Yên, Thái Nguyên và Thái Bình. Các tỉnh thành còn lại không ghi nhận biến đổi mới. Trong đó, mức giá lợn hơi thấp nhất khu vực 51.000 đồng/kg được ghi nhận tại Yên Bái, Lào Cai. Các địa phương khác trong khu vực, giá lợn hơi đứng ở mức 52.000 đồng/kg.

Ở chiều ngược lại, tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên, giá lợn hơi giảm nhẹ và dao động trong khoảng 52.000 - 53.000 đồng/kg. Cụ thể, sau khi giảm 1.000 đồng/kg, giá lợn hơi tại tỉnh Lâm Đồng điều chỉnh giao dịch xuống còn 53.000 đồng/kg. Mức giá này cũng được ghi nhận tại Bình Thuận, Quảng Nam và Nghệ An. Đây cũng là mức giá cao nhất khu vực. Các địa phương khác không ghi nhận sự biến động về giá và đứng ở mức 52.000 đồng/kg.

Tại khu vực miền Nam, giá lợn hơi biến động trái chiều và dao động trong khoảng 51.000 - 54.000 đồng/kg. Trong đó, sau khi giảm nhẹ 1.000 đồng/kg, giá lợn hơi tại Cà Mau điều chỉnh xuống mức 53.000 đồng/kg. Trong khi đó, lợn hơi tại tỉnh Bến Tre đang được giao dịch ở ngưỡng 54.000 đồng/kg sau khi tăng nhẹ 1.000 đồng/kg. Đây cũng là mức giá cao nhất khu vực.

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, trong tháng 1, tình hình phát triển tốt. Các cơ sở chăn nuôi giữ ổn định quy mô, nguồn cung thịt các loại và trứng gia cầm đáp ứng đầy đủ cho thị trường trong dịp Tết Nguyên đán. Ước tính tổng số lợn của cả nước tính đến thời điểm cuối tháng 1 năm 2023 tăng khoảng 10,4% so với cùng thời điểm năm 2022; tổng số gia cầm tăng khoảng 3,4%. Giá trị xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi trong tháng 1/2023 ước đạt 30 triệu USD, tăng 14,5%.

Giá thịt lợn hơi trong tháng 1 vẫn chưa khởi sắc. Nguồn cung thịt lợn đã hồi phục tốt trong thời gian vừa qua khiến giá lợn giảm, tuy nhiên giá thức ăn chăn nuôi tăng cao liên tục khiến chi phí sản xuất tăng. Vấn đề này tạo áp lực lớn đối với người chăn nuôi lợn. Ước tính tổng số lợn của cả nước tính đến thời điểm cuối tháng 1 năm 2023 tăng khoảng 10,4% so với cùng thời điểm năm 2022.

Trên thị trường thế giới, giá lợn nạc giao tháng 2/2023 ở Chicago, Mỹ biến động giảm trong tháng qua với mức giảm 13,475 UScent/lb xuống mức 77,325 UScent/lb. Giá thịt lợn Mỹ giảm do nhu cầu trong nước giảm và xuất khẩu sang Trung Quốc suy yếu.

Tại thị trường trong nước, trong tháng 1/2023, giá lợn hơi biến động tùy theo vùng, miền khác nhau. Cụ thể, tại khu vực miền Bắc, giá lợn hơi ổn định, dao động trong khoảng 51.000 – 53.000 đ/kg. Trong khi đó, giá lợn hơi tại miền Trung, Tây Nguyên tăng khoảng 2.000 đ/kg lên 51.000 – 54.000 đ/kg. Giá lợn hơi tại miền Nam tăng 1.000 đ/kg lên 51.000 – 54.000 đ/kg.

Giá trị xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi năm 2022 đạt 409 triệu USD, giảm 5,2% so với năm 2021. Trong đó, xuất khẩu sữa và sản phẩm sữa đạt 106,4 triệu USD, giảm 3,5%; thịt và phụ phẩm dạng thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của động vật đạt 115,2 triệu USD, giảm 0,5%. Ước giá trị xuất khẩu chăn nuôi tháng 1 năm 2023 đạt 30 triệu USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2022.

Giá trị nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi năm 2022 đạt 3,29 tỷ USD, giảm 0,7% so với năm 2021. Trong đó, giá trị nhập khẩu sữa và các sản phẩm sữa đạt 1,25 tỷ USD, tăng 6,4%; giá trị nhập khẩu của thịt, phụ phẩm dạng thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của động vật đạt 1,52 tỷ USD, tăng 9,1%.

Ước giá trị nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi tháng 1 năm 2023 đạt 285 triệu USD, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm 2022.

Các công ty chứng khoán nhận định các công ty chăn nuôi sẽ bắt đầu phục hồi vào năm 2023 khi chi phí chăn nuôi sẽ giảm, trong khi giá lợnhơi dự kiến sẽ tăng chậm, khủng hoảng vẫn đeo bám thị trường ít nhất là đến giữa năm nay.



Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục