Giá lợn hơi giữ ổn định trên toàn quốc

08/09/2022 17:21 GMT+7
Giá lợn hơi hôm nay trên cả nước ổn định. Chỉ có 2 địa phương theo ghi nhận có giá lợn hơi nhích nhẹ 1 giá, còn lại đi ngang trên diện rộng, dao động từ 59.000 - 69.000 đồng/kg.

Giá lợn hơi hôm nay 08/09/2022, không thấy đà tăng

Cả nước giữ mức giá lợn hơi hôm nay (8/9) ổn định so với ngày trước đó, dao động từ 59.000-69.000 đồng/kg.

Ngày 8/9, tại khu vực miền Bắc, giá lợn hơi đi ngang so với ngày trước đó, dao động trong khoảng 65.000 - 69.000 đồng/kg. Tại Hưng Yên và Thái Bình tiếp tục neo mức giá cao nhất là 69.000 đồng/kg, thấp nhất vùng ghi nhận tại Yên Bái và Hà Nam với giá thu mua 65.000 đồng/kg.

Tương tự, tại khu vực miền Trung và Tây nguyên, giá lợn hơi hôm nay cũng đi ngang, dao động trong khoảng 59.000 - 66.000 đồng/kg. Thấp nhất khu vực 59.000 đồng/kg được ghi nhận tại Bình Thuận - đây cũng là mức giá lợn hơi xuất chuồng thấp nhất nước. Cao nhất khu vực là giá lợn hơi tại Thanh Hóa với 66.000 đồng/kg.

Trong khi đó, tại khu vực miền Nam, giá lợn hơi hôm nay điều chỉnh tăng nhẹ tại một vài địa phương và dao động trong khoảng 60.000 - 66.000 đồng/kg. Cụ thể, cùng tăng 1.000 đồng, giá lợn hơi tại Kiên Giang ở mức 61.000 đồng/kg, còn tại Cà Mau ở mức 63.000 đồng/kg. Các địa phương khác không ghi nhận sự biến động về giá. Hiện lợn hơi tại các tỉnh Sóc Trăng, Hậu Giang, TP.HCM đang ở mức thấp nhất khu vực, giá 60.000 đồng/kg; cao nhất khu vực giá 66.000 đồng/kg được ghi nhận tại Đồng Tháp, An Giang.

Hôm nay giá lợn hơi tại Công ty CP chăn nuôi C.P Việt Nam tiếp tục giảm 1.000 đồng/kg, dự kiến tuần tới sẽ còn giảm thêm 1-2 giá. Giá lợn hơi CP cao nhất tại miền Bắc, đứng ở mức 67.000 đồng/kg; tại miền Trung, miền Đông, miền Tây, giá lợn hơi CP đứng ở mức 63.000 đồng/kg. 

Giá lợn hơi Trung Quốc hôm nay giảm, đứng ở mức 77.100 đồng/kg.

Toàn quốc giữ giá lợn hơi - Ảnh 1.

Nguồn: ANOVA FEED

Toàn quốc giữ giá lợn hơi - Ảnh 2.

Giá lợn hơi hôm nay trên cả nước ổn định. Chỉ có 2 địa phương theo ghi nhận có giá lợn hơi nhích nhẹ 1 giá, còn lại đi ngang trên diện rộng, dao động từ 59.000 - 69.000 đồng/kg.

Theo Tổng cục Thống kê, nửa đầu năm nay, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng cả nước vào khoảng 2,1163 triệu tấn, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong năm 2021, sản lượng này cũng đã tăng 8,1% bất chấp tình trạng dịch bệnh tai xanh diễn ra trên cả nước.

Về giá lợn hơi, từ cuối tháng 8 đến nay ghi nhận giá lợn hơi khu vực miền Bắc dao động trong khoảng 65.000-69.000 đồng/kg; tại miền Trung, Tây Nguyên đạt khoảng 60.000-67.000 đồng/kg và tại miền Nam là 60.000-67.000 đồng/kg.

Dù vẫn thấp hơn so với quý I/2021, nhưng giá lợn hơi trong nước hiện đã cao hơn 45-48% so với đầu năm. Bên cạnh đó, trong những tháng gần đây, giá lợn hơi đã ghi nhận xu hướng tăng liên tục rồi giảm và chững lại như hiện nay.

Theo Công ty Chứng khoán VNDirect, giá heo hơi bắt đầu tăng nhanh từ giữa tháng 6. Bên cạnh các yếu tố trong nước như nguồn cung bị ảnh hưởng do dịch tả lợn châu Phi, giá thức ăn chăn nuôi cao, chi phí logistics tăng… giá thịt lợn Trung Quốc tăng trở lại cũng đã ảnh hưởng đến giá lợn hơi khu vực miền Bắc (do Trung Quốc là thị trường xuất khẩu thịt lợn chính của Việt Nam qua đường tiểu ngạch).

Cụ thể, trong quý II, giá lợn hơi trung bình tại Trung Quốc đạt khoảng 14,9 nhân dân tệ/kg, tăng 6% so với quý trước. Dù vẫn thấp hơn 26% so với mức nền giá cao trong quý I/2021, giá lợn hơi tại thị trường này đã phục hồi 5,3% trong tháng 6 và tiếp tục tăng vọt lên hơn 22 nhân dân tệ/kg vào tháng 7.

Chủ động nguồn cung thịt lợn cho cuối năm

Để đảm bảo đảm nguồn cung thịt lợn trong thời gian tới, nhất là dịp cuối năm, các Bộ ngành không tính đến phương án nhập khẩu thịt lợn sống từ các nước trong khu vực, thay vào đó sẽ đẩy mạnh tái đàn trong nước. Từ nay đến cuối năm cố gắng duy trì mức tăng trưởng sản lượng thịt lợn khoảng 6% để đảm bảo cung cầu thị trường.

Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, xuất khẩu các mặt hàng thịt lợn của Việt Nam ghi nhận mức tăng đột biến trong tháng 7/2022 khi tăng tới 343,7% về lượng và tăng hơn 104% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.

Số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, tháng 7/2022, thịt và các sản phẩm từ thịt của Việt Nam xuất khẩu chủ yếu là các chủng loại như: thịt lợn tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh (gồm thịt lợn sữa nguyên con đông lạnh và thịt lợn nguyên con đông lạnh); đùi ếch đông lạnh…

Đáng chú ý, khối lượng các mặt hàng thịt lợn xuất khẩu lên tới 1.050 tấn, đem về 4,47 triệu USD, tăng 343,7% về lượng và tăng 104,3% về trị giá so với tháng 7/2021.

Song, giá xuất khẩu bình quân các mặt hàng thịt lợn chỉ đạt 4.235 USD/tấn, giảm 54% so với tháng 7/2021. Thị trường xuất khẩu chính là Hong Kong, Thái Lan và Lào. Trong đó, Hong Kong chiếm 57,48% tổng lượng thịt lợn xuất khẩu của cả nước.

Tính đến hết tháng 7 năm nay, Việt Nam xuất khẩu 10,49 nghìn tấn thịt và các sản phẩm thịt, trị giá 41,85 triệu USD, giảm 4,5% về lượng nhưng tăng 3,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Ở chiều ngược lại, 7 tháng năm 2022, nước ta nhập khẩu 350,86 nghìn tấn thịt và các sản phẩm từ thịt, trị giá hơn 789 triệu USD, giảm 21,1% về lượng và giảm 9,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Trong đó, nhập khẩu thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh đạt 55,21 nghìn tấn, trị giá 117,5 triệu USD, giảm 42,1% về lượng và giảm 46,9% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.

Việc nhập khẩu các sản phẩm thịt lợn giảm liên tục từ đầu năm 2022 đến nay là do tiêu thụ thịt lợn trong nước vẫn chậm, trong khi sản lượng lợn tiếp tục phục hồi.

Theo chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045, định hướng phát triển chăn nuôi của nước ta đến năm 2030 với tổng đàn lợn có mặt thường xuyên quy mô từ 29 - 30 triệu con, trong đó đàn lợn được nuôi trang trại, công nghiệp chiếm trên 70%.

Ngành chăn nuôi lợn cần tổ chức sản xuất chăn nuôi, tăng tỷ lệ trang trại quy mô lớn, áp dụng chăn nuôi khép kín, an toàn dịch bệnh, chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Mặt khác, tái đàn dựa theo tín hiệu thị trường. Chú trọng củng cố và phát triển mô hình chăn nuôi theo chuỗi liên kết.

VNDirect dự báo giá lợn hơi trong nước có thể tiếp tục hạ nhiệt vào quý IV. Tính trong nửa cuối năm, giá lợn hơi bình quân sẽ đạt 65.000 đồng/kg, cao hơn gần 32% so với cùng kỳ và đạt 60.000 đồng/kg trong cả năm 2022.

Nguồn cung sẽ ảnh hưởng tới giá cả. Tháng cuối năm, đặc biệt là Tết Nguyên đán, nhu cầu về lương thực, thực phẩm thường tăng từ 10 -15% so với những tháng trước đó. Cụ thể, số lượng thịt lợn tiêu thụ trung bình mỗi năm là khoảng 4 triệu tấn; tháng Tết, nhu cầu tăng lên, ở mức khoảng 420.000 tấn.

Toàn quốc giữ giá lợn hơi - Ảnh 3.

Tháng cuối năm, đặc biệt là Tết Nguyên đán, nhu cầu về lương thực, thực phẩm thường tăng từ 10 -15% so với những tháng trước đó. Cụ thể, số lượng thịt lợn tiêu thụ trung bình mỗi năm là khoảng 4 triệu tấn; tháng Tết, nhu cầu tăng lên, ở mức khoảng 420.000 tấn.

Được biết, mức nền cao của giá lợn hơi trong quý II/2021 cùng với đà tăng nóng của chi phí đầu vào đã khiến cho nhiều doanh nghiệp chăn nuôi gặp khó trong khâu sản xuất và tiêu thụ, từ đó ghi nhận kết quả kinh doanh kém khả quan so với cùng kỳ năm trước.

Đơn cử như lợi nhuận của Dabaco trượt dốc quý thứ hai liên tiếp. CTCP Tập đoàn Dabaco Việt Nam (Mã: DBC) đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II ghi nhận 2.966 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá vốn hàng bán tăng tới 26% kéo biên lợi nhuận gộp của Dabaco giảm từ 18% xuống còn 9% kỳ này.

Hay với Vissan lợi nhuận cũng đi lùi bất chấp giá lợn hơi tăng. Theo báo cáo tài chính quý II của CTCP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan - Mã: VSN), doanh thu thuần quý II của doanh nghiệp này đạt 911 tỷ đồng, giảm 3,5% so với quý trước và giảm 25,5% so với cùng kỳ năm 2021. Tương tự, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp cũng chỉ đạt hơn 30 tỷ đồng, giảm 16% so với quý I và giảm 22% so với cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của Vissan đạt 1.856 tỷ đồng, giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận trước thuế đạt gần 83 tỷ đồng, giảm 11%; lợi nhuận sau thuế đạt 66,5 tỷ đồng, giảm 13%. Với kết quả này, Vissan mới thực hiện được 37% kế hoạch doanh thu năm 2022 và 48% chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế.

Vissan cho biết, để kết quả kinh doanh về đích như mục tiêu đề ra, đơn vị này phải đánh cược vào thị trường nửa cuối năm. Vissan nhận định, giá lợn đến cuối năm sẽ ổn định trong mức 65.000 – 70.000 đồng/kg. So với giá thành sản xuất 55.000 đồng/kg trong 6 tháng đầu năm, đây là mức giá để doanh nghiệp có lãi. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn lo lắng về những yếu tố biến động như căng thẳng Nga – Ukraine, lạm phát toàn cầu sẽ khiến thị trường ngũ cốc đảo lộn, giá thức ăn tiếp tục leo thang.

Một lo lắng khác nữa là dịch bệnh trên động vật. Thực tế, Việt Nam đã sản xuất được vaccine dịch ASF song lượng gia súc được phòng ngừa chưa nhiều, nguy cơ bùng phát dịch vẫn tiềm ẩn. Nếu doanh nghiệp quản lý được hai rủi ro trên và nắm bắt được thị trường nửa cuối năm, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán thì doanh nghiệp mới có cơ hội về đích đúng như kế hoạch.

CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL - Mã: HAG) cũng đưa ra nhận định từ nay đến cuối năm, khi giá bán chuối đi vào chu kỳ cao nhất trong năm khoảng từ tháng 9 trở đi và giá bán lợn tiếp tục ở mức cao như hiện nay (tăng 20% so với mức giá lập kế hoạch) và sản lượng lợn xuất bán dự kiến tăng gấp đôi so với sản lượng đã tiêu thụ trong 6 tháng đầu năm thì doanh nghiệp mới đạt được kế hoạch đề ra cho cả năm và có thể vượt 20% - 30% kế hoạch.

Cục Chăn nuôi dự báo trong thời gian tới giá một số nguyên liệu thức ăn chăn nuôi chính có thể giảm. Tuy nhiên, mức giảm được cho là không nhiều do gần đây một số nước đang thực hiện chính sách an ninh lương thực trong nước cấm xuất khẩu, ảnh hưởng đến giá ngô, khô đậu tương, lúa mỳ làm thức ăn chăn nuôi.

Vì vậy, năm 2022, ngành chăn nuôi đặt mục tiêu tăng trưởng giá trị sản xuất chăn nuôi bình quân năm 2022 đạt khoảng 5,0- 5,5% so với năm 2021. Sản lượng thịt các loại đạt khoảng 6,95 triệu tấn, tăng 4% so với năm 2021 (trong đó sản lượng thịt lợn hơi đạt trên 4,2 triệu tấn và sản lượng thịt gia cầm đạt trên 1,9 triệu tấn), theo Tổng cục Thống kê.



Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục