Giá nông sản hôm nay 20/8: Giá tiêu tăng nhưng DN không có hàng để mua; cà phê giảm nhẹ

20/08/2021 07:28 GMT+7
Giá nông sản hôm nay 20/8 ghi nhận, giá cà phê giao dịch trong khoảng 37.000 - 37.900 đồng/kg; giá tiêu tiếp tục tăng nhẹ.

Giá cà phê hôm nay: Giảm 300 đồng/kg

Giá cà phê hôm nay 20/8 trong khoảng 37.000 - 37.900 đồng/kg. Tại huyện Di Linh, Lâm Hà, Bảo Lộc (Lâm Đồng) giá cà phê hôm nay được thu mua với mức 37.000 đồng/kg.

Tại huyện Cư M'gar (Đắk Lắk) giá cà phê hôm nay ở mức 37.900 đồng/kg. Tại huyện Ea H'leo (Đắk Lắk), Buôn Hồ (Đắk Lắk) giá cà phê hôm nay được thu mua cùng mức 37.800 đồng/kg.

Tương tự tại tỉnh Đắk Nông, giá cà phê hôm nay thu mua ở mức 37.800 đồng/kg tại Gia Nghĩa và 37.700 đồng/kg ở Đắk R'lấp.

Tại tỉnh Gia Lai, giá cà phê hôm nay ở mức 37.700 đồng/kg (Chư Prông), ở Pleiku và La Grai cùng giá 37.700 đồng/kg. Còn giá cà phê hôm nay tại tỉnh Kon Tum được thu mua với mức 37.700 đồng/kg. Sáng nay, giá cà phê tại các vùng trồng trọng điểm giảm trung bình 300 đồng/kg so với cùng thời điểm hôm qua.

Giá nông sản hôm nay 20/8: Giá tiêu nhưng DN không có hàng để mua; cà phê giảm nhẹ - Ảnh 1.

Giá cà phê hôm nay 20/8 trong khoảng 37.000 - 37.900 đồng/kg

Trên thị trường thế giới, giá cà phê quay đầu giảm. Theo đó, giá cà phê trực tuyến robusta tại London giao tháng 9/2021 được ghi nhận tại mức 1.843 USD/tấn sau khi giảm 0,97% (tương đương 18 USD).

Giá cà phê arabica giao tháng 9/2021 tại New York đạt mức 178,2 US cent/pound, giảm 0,83% (tương đương 1,50 US cent) tại thời điểm khảo sát vào lúc 7h (giờ Việt Nam).

Theo Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO), giá của cả 4 nhóm cà phê đã tăng đáng kể kể từ tháng 10/2020, trang Straight đưa tin.

Trong Báo cáo Thị trường Cà phê được phát hành gần đây, tổ chức này chỉ ra rằng, mức trung bình hàng tháng của chỉ số tổng hợp ICO đã tăng 43,8% kể từ tháng 10 năm ngoái.

ICO cho biết: “Xu hướng tăng giá này trong 10 tháng đầu của niên vụ cà phê 2020 - 2021 dường như xác nhận sự phục hồi ròng từ mức giá thấp đã thống trị thị trường thế giới kể từ niên vụ cà phê 2017 - 2018”.

Theo đó, chỉ số của nhóm Columbian Mild đã đạt 2,186 USD/pound vào tháng 7/2021, tăng từ 1,0366 USD được ghi nhận một năm trước đó. Chỉ số của nhóm Brazilian Natural được đạt 1,6062 USD/pound, tăng từ mức 0,9796 USD vào tháng 7/2020.

Tương tự, giá của nhóm cà phê robusta cũng đã được điều chỉnh tăng 39,6% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 0,9839 USD/pound.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng này. Trong đó, một yếu tố tác động đáng kể đến giá cà phê là đợt băng giá kinh hoàng nhất lịch sử của Brazil diễn ra trong thời gian gần đây.

Giá tiêu hôm nay: Tăng nhẹ

Giá tiêu hôm nay tại thị trường trong nước tăng nhẹ, giao dịch ở mức từ 76.000 - 79.500 đồng/kg tại các địa phương.

Cụ thể, giá tiêu hôm nay tại Đồng Nai, Gia Lai thấp nhất thị trường khi ở mức 76.000 đồng/kg.

Giá tiêu hôm nay tại các tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk (77.500 đồng/kg); Bình Phước (78.500 đồng/kg) và Bà Rịa - Vũng Tàu ở ngưỡng cao nhất là 79.500 đồng/kg.

Theo Báo Gia Lai, hiện tỉnh này có khoảng 13.673 ha trồng tiêu, trong đó có khoảng 12.582 ha đang trong thời kỳ kinh doanh.

Qua khảo sát thực tế cho thấy, do ảnh hưởng từ yếu tố thời tiết, dịch bệnh và suất đầu tư chăm sóc cho vườn cây giảm mạnh nên sản lượng niên vụ 2020 - 2021 thấp hơn so với trước.

Ông Trần Ngọc Chương - Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Ngọc Chương Gia Lai (TP Pleiku) cho biết: ''Mặt hàng hồ tiêu chủ yếu được xuất sang thị trường Trung Quốc, hàng thông quan mạnh là yếu tố tác động giá hồ tiêu phục hồi từ cuối tháng 5/2021.

Hiện nay, giá hồ tiêu tăng nhưng chúng tôi không có hàng trong vùng nguyên liệu để thu mua. Khoảng 80% sản lượng hồ tiêu năm nay đã được nông dân bán từ đầu vụ, hiện nay chủ yếu thu mua kiểu nhỏ lẻ''.

Cùng chung nhận định, bà Hà Thị Gái - Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Gái Thành (thị trấn Đak Đoa) thông tin: “Các năm trước, Công ty thu mua hơn 1 tấn/ngày thì năm nay chỉ còn vài tạ/ngày. Tuy giá có chiều hướng tăng lên gần đây nhưng thời điểm này hầu hết người dân không còn hồ tiêu để bán”.

Như vậy có thể thấy, dù giá tiêu có tăng lên đến 80.000 đồng/kg thì nông dân cũng không có nhiều người được hưởng lợi. Bởi đơn giản là không có tiêu mà bán.

Trước đó, các chuyên gia cũng nhận định, với tình hình hiện nay thì thị trường trong nước sẽ dần phải giải phóng 40.000 tấn tiêu dự trữ, và hiện không còn đâu nguồn tiêu giá rẻ nữa.

Về thị trường xuất khẩu, theo số liệu sơ bộ của Tổng cục Hải quan, lũy kế khối lượng xuất khẩu hạt tiêu 7 tháng đầu năm 2021 đạt tổng cộng 180.210 tấn tiêu các loại, giảm 4.307 tấn, tức giảm 2,33 % so với khối lượng xuất khẩu 7 tháng đầu năm 2020.

Về giá trị kim ngạch xuất khẩu 7 tháng đầu năm 2021 đạt tổng cộng 591,47 triệu USD, tăng 191,19 triệu USD, tức tăng 47,76 % so với cùng kỳ.


PV
Cùng chuyên mục