Minh Phú "bơm" 200 tỷ đồng cho công ty con sản xuất giống tại Ninh Thuận

19/08/2021 09:15 GMT+7
CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (MPC - UPCoM) vừa thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ công ty con.

Hội đồng quản trị CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (MPC) vừa thông qua việc tăng vốn điều lệ tại Công ty TNHH Sản xuất giống thủy sản Minh Phú từ 138 tỷ đồng lên 200 tỷ đồng. Trong đó, toàn bộ số vốn góp tăng thêm là 62 tỷ đồng đều do tập đoàn đầu tư.

Trong khi đó, tỷ lệ vốn góp của "vua tôm" Lê Văn Quang, Tổng Giám đốc Tập đoàn Minh Phú kiêm Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Sản xuất giống thủy sản Minh Phú, giảm từ 0,326% xuống 0,225%, tương ứng giá trị vốn góp 450 triệu đồng.

Công ty TNHH Sản xuất giống thủy sản Minh Phú thành lập vào tháng 2/2006 tại Ninh Thuận, hiện là công ty con của Tập đoàn Minh Phú, hoạt động chính trong lĩnh vực sản xuất, cung cấp và kinh doanh giống thủy sản. 

Minh Phú "bơm" 200 tỷ đồng cho công ty con sản xuất giống tại Ninh Thuận - Ảnh 1.

Minh Phú "bơm" 200 tỷ đồng cho công ty con sản xuất giống tại Ninh Thuận. Ảnh minh họa

Ngoài ra công ty còn hoạt động chế biến, bảo quản các sản phẩm thủy sản; kinh doanh thực phẩm và nguyên liệu phục vụ ngành chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi trồng thủy sản.

Kể từ đầu năm tới nay, Tập đoàn Minh Phú nhiều lần rót vốn vào các công ty con. Gần đây nhất vào tháng 6, tập đoàn tăng vốn điều lệ vào công ty nông nghiệp công nghệ cao từ 60 tỷ đồng lên 669 tỷ đồng. Hay vào tháng 3, tập đoàn rót 1.425 tỷ đồng vào một công ty nuôi tôm tại Kiên Giang.

Hồi tháng 4, Tập đoàn Minh Phú đã công bố việc mở rộng nhà xưởng tẩm bột của nhà máy Minh Phú Hậu Giang dự kiến hoàn thành vào tháng 12 và đến tháng 2/2022 nhà máy chính thức đi vào hoạt động.

Năm 2021 là năm MPC bước đầu phác thảo kế hoạch về một chuỗi giá trị tôm thông minh, từ đó làm chủ được nguồn nguyên liệu sạch. Đồng thời, MPC sẽ đẩy mạnh năng suất chế biến và giảm giá vốn hàng bán.

Chuỗi giá trị tôm này sẽ được triển khai xây dựng dưới 5 mô hình chính. Trong đó, con giống quyết định trên 60% thành công của nuôi tôm. Để có con giống tốt, MPC sẽ xây dựng khu sản xuất tôm sú và tôm thẻ chân trắng bố mẹ thích nghi, kháng bệnh lớn nhanh cùng khu sản xuất tôm giống chất lượng cao ở tỉnh Ninh Thuận kết hợp khu sản xuất con dời và tảo làm thức ăn cho tôm.

Được biết, Minh Phú đã xây dựng kế hoạch về một chuỗi giá trị tôm thông minh xanh sạch, hữu cơ tuần hoà và cân bằng carbon, sẽ được triển khai xây dựng với các hình mô hình chính:

Khu phức hợp nuôi Tôm công nghiệp công nghệ cao, tuần hoàn được quản lý bằng ứng dụng di động thông minh (Mobile app) - Khu phức họp nuôi tôm sú quảng canh tuần hoàn vừa sức tải của môi trường - Khu phức hợp nuôi tôm sú rừng đước hữu cơ, tuần hoàn vừa sức tải của môi trường - Khu phức họp nuôi tôm sú-lúa hữu cơ (2 vụ tôm sú + 1 vụ lúa chung với tôm càng) tuần hoàn vừa sức tải của môi trường.

Đặc biệt, Minh Phú đã kết hợp công nghệ AI và nền tảng Blockchain để xây dựng một ứng dụng di động thông minh (Mobile app) quản lý nuôi tôm, được thiết kế riêng cho từng đối tượng người dùng. Ứng dụng cho phép người nông dân, kỹ sư, nhà quản lý, người thu mua, nhà máy sản xuất, các đơn vị tài chính như ngân hàng, bảo hiểm,... truy cập vào cơ sở dữ liệu và nhận được thông tin về tình hình nuôi trồng theo thời gian thực; giúp nâng cao hiệu quả kinh tế và giảm thiểu chi phí sản xuất cho cả chuỗi giá trị.

Theo kế hoạch đến năm 2022, MPC sẽ cung cấp được khoảng 30% cho nhu cầu con giống. Sang năm 2025, Công ty đặt kỳ vọng chủ động được 70% con giống và đến năm 2030, MPC sẽ chủ động được 100% con giống.

Tại nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021, Minh Phú điều chỉnh mục tiêu lợi nhuận sau thuế 1.090 tỷ đồng, thấp hơn 22% so với kế hoạch đưa ra trước đó là 1.400 tỷ đồng, cao gấp đôi so với thực hiện năm 2020.

Trong quý II/2021, công ty mẹ Minh Phú ghi nhận doanh thu đạt 2.881 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 76,5 tỷ đồng, lần lượt tăng 45,4% và giảm 27,9% so với cùng kỳ. Trong đó, biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 9,1% lên 11,1%.

Trong kỳ, lợi nhuận gộp tăng 78,3% so với cùng kỳ, tương ứng tăng thêm 140,8 tỷ đồng lên 320,6 tỷ đồng; doanh thu tài chính giảm 74,5%, tương ứng giảm 57,3 tỷ đồng về 19,6 tỷ đồng; chi phí tài chính tăng 76,9% so với cùng kỳ, tương ứng tăng 45,86 tỷ đồng lên 105,5 tỷ đồng; chi phí bán hàng tăng 104,7% so với cùng kỳ, tương ứng tăng 64,31 tỷ đồng lên 125,8 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.

Như vậy, trong kỳ lợi nhuận giảm chủ yếu do hụt doanh thu tài chính và chi phí tài chính, chi phí bán hàng tăng đột biến trong kỳ.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2021, MPC ghi nhận doanh thu đạt 4.515,2 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 178,8 tỷ đồng, lần lượt tăng 17,7% và giảm 26,3% so với cùng kỳ năm trước.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 18/8, cổ phiếu MPC tăng 1.000 đồng lên 40.000 đồng/cổ phiếu.


An Vũ
Cùng chuyên mục