Lộc Trời bao tiêu nông sản cho nông dân trong đại dịch Covid-19
Từ đầu tháng 8 đến nay, Công ty Dịch vụ Nông nghiệp Lộc Trời vùng Đông Nam Bộ - Tây Nguyên đã bắt đầu tiến hành thu hoạch bắp sinh khối được trồng tại xã Ia Puch, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai.
Đây là một trong những diện tích bắp sinh khối được Lộc Trời tổ chức liên kết sản xuất trên toàn địa bàn tỉnh Gia Lai (tương đương 2000ha) theo phương thức "bao lợi nhuận" cho bà con nông dân/HTX/THT, phục vụ cho thỏa thuận cung cấp bắp sinh khối chất lượng cao giữa Lộc Trời và Tập đoàn NutiFood ký kết vào cuối tháng 4/2021.
Sau thời gian thu hoạch thử nghiệm, Lộc Trời sẽ tiến hành thu hoạch chính thức với sản lượng dự kiến từ 200 – 300 tấn/ngày, liên tục từ nay cho đến tháng 8/2022 để cung cấp cho đối tác. Trong suốt thời gian đó, bắp sinh khối sẽ được tái gieo trồng theo hình thức cuốn chiếu với quá trình sinh trưởng dao động từ 75 – 85 ngày. Độ giãn cách tối đa giữa mỗi vụ là 10 ngày, đủ cho đất nghỉ ngơi.
Ông Phùng Vinh An – Giám đốc vùng cây công nghiệp và cây lúa Đông Nam Bộ - Tây Nguyên – Tập đoàn Lộc Trời cho biết: "Với năng lực điều tiết sản xuất không phụ thuộc vào mùa vụ, Lộc Trời có thể trồng các loại cây trồng với diện tích và thời gian khác nhau, xuyên suốt quanh năm theo đơn đặt hàng của đối tác. Nếu các đối tác có nhu cầu nhận hàng theo tuần hay thậm chí theo ngày, Lộc Trời cũng có thể đáp ứng được với diện tích hàng chục ngàn ha".
Cũng trong giai đoạn này, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Lộc Trời đã bao tiêu dưa lưới cho nông dân tham gia liên kết.
Cụ thể, Tập đoàn Lộc Trời đã hỗ trợ thu mua dưa lưới của nông dân 5 tỉnh An Giang, Tiền Giang, Hậu Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp và cung cấp ra thị trường với giá bình ổn. Hoạt động này nằm trong dự án "Xây dựng mô hình sản xuất dưa lưới thương phẩm trong nhà màng tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long" giai đoạn 2021 – 2025 của Lộc Trời.
Mô hình sản xuất dưa lưới thương phẩm trong nhà màng tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (quy mô 1.000 m2/nhà màng), được Lộc Trời triển khai với hình thức hợp đồng hợp tác cùng nông dân.
Trong đó, Tập đoàn Lộc Trời đầu tư 100% chi phí xây dựng nhà màng, hệ thống tưới nhỏ giọt, chi phí sản xuất, cử cán bộ kỹ thuật hướng dẫn xuyên suốt dự án (5 năm). Nông dân tham gia mô hình được đảm bảo mục tiêu kép về năng suất - chất lượng và bao tiêu sản phẩm theo tiêu chuẩn của Lộc Trời. Bà con chỉ phải đối ứng công lao động, chi phí điện, nước và diện tích đất canh tác.
Ngoài cây trồng chính là dưa lưới, Dự án của Lộc Trời cũng đưa những loại rau màu có giá trị gia tăng cao vào sản xuất trong nhà màng như: cà chua chịu nhiệt, măng tây xanh, sung Mỹ,... Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, dưa lưới là loại cây trồng được chọn thực hiện trong giai đoạn đầu của mô hình.
Kết quả thực hiện mô hình sản xuất dưa lưới kết hợp nông dân vụ đầu tiên tại các nhà màng thuộc tỉnh Hậu Giang, An Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp và Tiền Giang đều đạt năng suất, chất lượng như đã cam kết, được Trung tâm giám định và chứng nhận hợp chuẩn hợp quy – VIETCERT cấp chứng chỉ VietGAP cho sản phẩm rau màu nói chung và dưa lưới nói riêng.