Giá sữa nguyên liệu tăng 13% trong năm 2021, dự báo năm 2022 tăng đến 50%
Năm 2021, giá sữa nguyên liệu đã biến động khá mạnh. Giá sữa đã tăng một mạch từ tháng 3 đến tháng 5, sau đó dần hạ nhiệt, có lúc về sát mức 16 USD/tạ trong tháng 9. Tuy nhiên, giá sữa nguyên liệu đã nhanh chóng phục hồi mạnh mẽ từ mức 16,25 USD/tạ lên đến 18,4 USD/tạ, tăng trưởng gần 13%. Giá sữa đã chạm đỉnh vào tháng 5/2021 ở mức 20 USD/thùng.
Ghi nhận ở thời điểm hiện tại - ngày 09/01, tức là chỉ sau một tuần đầu tiên của năm 2022, giá sữa nguyên liệu thế giới đang vọt tăng 10,15%, lên ở mức 20,29 USD/tạ.
Biến động giá sữa 2021 đến nay. Nguồn: Trading Economics
Giải thích nguyên nhân sữa bật tăng trở lại sau cú lao dốc vào cuối 2020, các chuyên gia đánh giá là do đứt gãy chuỗi cung ứng vì đại dịch và cầu sữa của thế giới tăng nhẹ.
Giá sữa nguyên liệu tăng vì đứt gãy chuỗi cung ứng trong đại dịch
Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) trong tháng 11/2021, báo giá bơ và bột sữa quốc tế đã tăng mạnh tháng thứ ba liên tiếp do xuất khẩu toàn cầu bị thắt chặt và nguồn dự trữ cạn kiệt. Đồng thời lượng giao hàng giảm ở một số quốc gia sản xuất sữa lớn ở Tây Âu và châu Úc đã tác động lên giá sữa nguyên liệu. Cùng thời gian này, việc xuất khẩu của Hoa Kỳ bị đình trệ do ùn ứ ở cảng, tắc nghẽn hải quan. Vì tình hình xuất khẩu sữa chậm chạp của Mỹ, các khu vực xuất khẩu lớn khác là New Zealand và Liên minh Châu Âu nhanh chân đưa thêm vào thị trường nhưng vẫn không đủ đáp ứng.
FAO cho biết, lượng sữa giao thương toàn cầu vào năm 2021 là 89,6 triệu tấn, nghĩa là chỉ tăng trưởng 4,2% so với năm 2021, trong khi đó, lượng sữa giao thương toàn cầu năm 2020 là 86 triệu tấn – đạt tăng trưởng khoảng 12%.
Cuối cùng, từ phía cung, giá sữa nguyên liệu năm 2021 tăng vọt cũng do chi phí sản xuất tăng trong tình hình dịch bệnh bất ổn. Năm qua, thị trường thức ăn chăn nuôi, năng lượng (khí đốt và điện, propan được sử dụng trong các nông trại) và lao động đều tăng giá. Điều này trực tiếp ảnh hưởng đến giá đầu ra của sữa. Giá nhiều mặt hàng thực phẩm đang chạm mức cao nhất trong nhiều năm do khó khăn trong việc vận chuyển và hậu cần khi đại dịch xảy ra. Thậm chí, những nhà sản xuất sữa ở Hoa Kỳ cho biết, dù giá sữa vẫn tăng, nhưng lợi nhuận chẳng bao nhiêu vì chi phí đầu vào quá cao.
Nhu cầu về sữa tăng
Trải qua đại dịch, dường như có niềm tin chung rằng sữa sẽ là nguồn năng lượng dồi dào để bảo vệ sức khoẻ tốt hơn. Năm 2021 cho thấy nhu cầu sử dụng sữa trung bình toàn cầu đã tăng từ 28kg/người lên 31,2kg/người. Đồng thời, doanh thu ngành sữa tăng 9%, đạt 298.282 triệu USD vào năm qua.
Trong đó, quốc gia tiêu dùng sữa lớn nhất của năm 2021 là Trung Quốc với tổng doanh thu sữa 55.844 triệu USD. Theo sau đó là Hoa Kỳ với tổng doanh thu ngành sữa là 12.831 triệu USD với ước tính doanh thu trên mỗi người là 39,55 USD/người trong năm 2021.
Sản phẩm sữa nhập khẩu tại Trung Quốc. Ảnh: Marketing to China
Tại những khu vực khác như châu Á và Mỹ La tinh, khối lượng nhập khẩu được FAQ dự báo sẽ tăng lên ở Mexico, Indonesia, Việt Nam và Bangladesh. Nhu cầu của người tiêu dùng và công nghiệp chế biến ước tính sẽ vượt quá mức sản lượng dự kiến trong nước.
Các chuyên gia của FAO và Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ đánh giá tuy nhu cầu sữa tăng trưởng với tốc độ chậm nhưng xu hướng sẽ không chỉ là nhất thời. Ước tính tiêu dùng của toàn cầu trong năm tới sẽ tăng ít nhất 6% (thống kê của Statista). Vì vậy, kể cả khi cung khai thông trong năm 2022, tiềm năng ở thị trường sữa vẫn là rất lớn.
Dự báo giá sữa nguyên liệu năm 2022 có thể tăng 50%
Dựa vào nhu cầu sữa vẫn đà tăng trong khi dự trữ của các nước thấp, giá cả đầu vào đắt đỏ, các chuyên gia dự kiến giá sữa 2022 có thể tăng trưởng hơn 50% để chạm mức giá 30 USD/tạ. Quy mô thị trường sữa sẽ tiếp tục tăng trưởng 6,12% trong năm nay.
Dự đoán giá sữa 2022. Nguồn: Trading Economics
Đồng thời, cũng cần tính đến khả năng sản lượng sữa năm sau sẽ tăng ở các khu vực như Đông Á, Châu Âu và Trung đông. Tuy nhiên FAO cho rằng, kể cả sản lượng cao hơn giúp giá ổn định trong một thời gian, các thị trường sữa rộng lớn tiềm năng như Hoa Kỳ, New Zealand, Úc, và Argentina, cùng với các nước khác vẫn có khả năng tiêu thụ nhanh chóng khiến kịch bản dư cung khó có thể xảy ra.