Giá vàng hôm nay 8/5: Vàng trụ vững ở mức đỉnh kỷ lục
Giá vàng hôm nay trên thế giới 8/5: Giảm nhẹ trước tâm lý bi quan của thị trường
Giá vàng hôm nay trên thế giới giảm khi các nhà đầu tư tiếp tục tranh luận về động thái chính sách tiền tệ tiếp theo của Fed.
Cục Dự trữ Liên bang công bố hôm thứ Ba rằng tín dụng tiêu dùng đã tăng 6,27 tỷ USD trong tháng 3, so với mức tăng 14,12 tỷ USD trong tháng 2. Con số này thấp hơn nhiều so với dự báo là 15 tỷ USD. Báo cáo nợ tiêu dùng thấp hơn dự kiến là tin rất tốt cho thị trường.
Vàng giao ngay tiếp tục giao dịch gần mức đáy trong ngày, giao dịch lần cuối ở mức 2.314 USD/ounce, giảm 0,45% trong phiên.
Giá vàng giao ngay đã tăng lên và bắt đầu tuần mới với một dấu hiệu tích cực, nhưng có vẻ như những bình luận gần đây từ các quan chức Fed vẫn đang đè nặng lên tâm lý nhà đầu tư, trong khi chỉ số đồng đô la tiếp tục tăng cao hơn trong tuần này. Tại thời điểm khảo sát lúc 7h30 sáng 8/5, chỉ số dollar index đo được là 105,40. Mặc dù chỉ số này đã giảm so với 2 tuần trước nhưng vẫn tăng mạnh so với đầu năm.
Trong báo cáo kim loại quý mới nhất của các nhà phân tích tại Heraeus, các nhà phân tích cho rằng giá vàng sẽ tiếp tục phải đối mặt với những trở ngại do lãi suất trái phiếu tăng cao. Cục Dự trữ Liên bang đã bác bỏ khả năng tăng lãi suất vào tháng 6 trong cuộc họp FOMC hôm thứ Tư. Tuy nhiên, ngay sau cuộc họp, khả năng cắt giảm lãi suất trước cuối năm nay ngày càng cao hơn.
Các nhà phân tích này cũng ghi nhận khối lượng mua vàng chưa từng có của ngân hàng trung ương trong Q1 với 289,7 tấn vàng. Tuy nhiên đáng chú ý trên thị trường vàng là các nhà đầu tư ETF phương Tây, đặc biệt là các quỹ châu Âu, đã bán ra ~30 tấn vàng sau khi nắm giữ ETF trong tháng 4. Các nhà phân tích chỉ ra rằng lợi suất trái phiếu cao khiến vàng trở nên kém hấp dẫn hơn. Tuy nhiên, khi triển vọng cắt giảm lãi suất của các ngân hàng trung ương Châu Âu tăng lên, xu hướng này có thể đảo ngược.
Giá vàng hôm nay trong nước 8/5: Duy trì mức giá kỷ lục
Trước giờ mở phiên sáng nay, giá vàng trong nước vẫn duy trì mức giá kỷ lục. Cụ thể, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá vàng miếng SJC 85,3 - 87,5 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra, tăng 1 triệu đồng/lượng so với đầu phiên giao dịch sáng qua. Chênh lệch mua - bán 2,2 triệu đồng/lượng.
Còn tại Bảo Tín Minh Châu và Bảo Tín Mạnh Hải, vàng SJC niêm yết ở mức 85,5 triệu đồng/ lượng mua vào và 87,4 triệu đồng/ lượng bán ra. Tăng mạnh 1.150.000 đồng/lượng chiều mua và tăng 900.000 đồng/lượng chiều bán so với mở phiên sáng qua. Chênh lệch 2 chiều mua bán là 1,9 triệu đồng/lượng.
Trong khi đó, tại Doji, giá vàng SJC mua - bán quanh mức 85,3 – 86,8 triệu đồng/lượng, tăng 1 triệu đồng/lượng chiều mua và chiều bán so với mở phiên. Chênh lệch mua – bán thu hẹp xuống 1,5 triệu đồng/lượng.
Giá vàng nhẫn hôm qua cũng tăng so với phiên trước. Cụ thể, nhẫn tròn trơn vàng rồng Thăng long tại Công ty Bảo Tín Minh Châu, đứng ở mức 73,97 triệu đồng/ lượng mua vào và 75,47 triệu đồng/ lượng bán ra, tăng 140.000 đồng/lượng chiều mua và tăng 40.000 đồng/lượng chiều bán so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 1,5 triệu đồng/lượng.
Vàng nhẫn Doji Hưng Thịnh Vượng 9999 của Tập đoàn Doji tại thị trường Hà Nội đứng ở mức 73,95 – 75,5 triệu đồng/lượng, đơn vị này lại giảm 100.000 đồng/lượng chiều mua và giảm 50.000 đồng/lượng chiều bán so với chốt phiên trước Chênh lệch mua – bán ở mức 1,65 triệu đồng/lượng.
Sáng nay 8/5, Ngân hàng Nhà nước sẽ tổ chức đấu thầu 16.800 lượng vàng miếng, mức giá tham chiếu để tính giá trị đặt cọc là 85,3 triệu đồng/lượng. Với mức giá này và số lượng vàng đặt mua, đơn vị tham gia đấu thầu phải đặt cọc 10%.
Mặc dù giá tham chiếu để tính giá đặt cọc cao, tương đương giá vàng miếng mua vào đang được Công ty VBQĐQ Sài Gòn niêm yết, tuy nhiên sau nhiều phiên đấu thầu "bất thành" bởi số lượng người tham gia "hiếm hoi", phiên đấu thầu này khối lượng đặt thầu tối thiểu chỉ còn 7 lô, tương đương 700 lượng.
Hiện tại, với mức độ "ế ẩm" của các phiên đầu thầu vàng được tổ chức từ tháng 4/2024 đến nay, mục tiêu giảm chênh lệch giá vàng của Ngân hàng Nhà nước được giới phân tích đánh giá là "khó đạt được".
Theo các chuyên gia, giải pháp căn cơ nhất vẫn là cho phép nhập khẩu vàng, chấm dứt độc quyền vàng miếng.