Giá vàng và USD giảm, tiền có chọn chứng khoán?
Vàng đảo chiều
Sau khi nền kinh tế toàn cầu chạm đáy khủng hoảng tài chính năm 2008 và bắt đầu một chu kỳ mở rộng mới của nền kinh tế hậu khủng hoảng, giá vàng đạt đỉnh vào năm 2011 ở mức 1.900 USD/ounce trước khi điều chỉnh.
Năm 2020, đặc biệt là những phiên đầu tháng 8, vàng có sự bứt phá mạnh mẽ về giá, liên tục lập kỷ lục mới với thông tin các tổ chức và nhà đầu tư lớn chuyển dịch tài sản sang vàng để phòng thủ rủi ro trước tình hình kinh tế toàn cầu ảm đạm. Giá vàng có thời điểm đã phá đỉnh mọi thời đại và vượt 2.050 USD/ounce.
Tuy nhiên, đến phiên 11/8, thị trường tài chính có dấu hiệu đảo chiều khi những tài sản mang tính phòng thủ và an toàn như vàng bị bán mạnh, trái phiếu bị rút tiền.
Trong phiên này, giá vàng giao ngay giảm 5,7% còn 1.911,89 USD/ounce, mức giảm mạnh nhất trong 1 ngày kể từ tháng 4/2013. Giá vàng hợp đồng tương lai tháng 12 giảm 4,6%, xuống 1.946,3 USD/ounce, mức giảm lớn nhất kể từ giữa tháng 3/2020.
Trong khi đó, lợi tức trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ có dấu hiệu bật tăng trở lại từ 0,511% lên 0,650%, một mức tăng khá tốt so với giai đoạn giảm dài hạn từ mức lợi tức 1,85% đầu năm 2020. Lợi tức trái phiếu các kỳ hạn ngắn hồi phục ít, hoặc đi ngang ở mức thấp.
Nhìn rộng ra kể từ đầu năm tới nay, xu hướng của lợi tức trái phiếu là giảm mạnh. Lợi tức trái phiếu có xu hướng ngược chiều với dòng tiền, khi nhà đầu tư đẩy mạnh mua vào trái phiếu sẽ khiến giá tăng, kéo lợi tức giảm và ngược lại.
Bối cảnh các tài sản trú ẩn có dấu hiệu bị chốt lời khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết về khả năng cắt giảm thuế để hỗ trợ doanh nghiệp, cũng như các số liệu kinh tế hồi phục của Trung Quốc, số lượng người nhập viện do dịch Covid-19 tại Mỹ không nhiều như trước, đặc biệt là Nga thông báo chế tạo thành công vắc-xin phòng dịch. Với những thông tin như vậy, thị trường kỳ vọng làn sóng hồi phục kinh tế toàn cầu.
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, đợt điều chỉnh của vàng là cần thiết sau giai đoạn tăng nóng, nhưng kỳ vọng giá vàng sẽ tiếp tục xu hướng tăng.
“Việc sụt giảm khá đột ngột và tàn bạo, nhưng đợt tăng giá trước đây thậm chí còn đột ngột và tàn bạo hơn. Yếu tố kích hoạt có thể là do lợi suất trái phiếu tăng mạnh, dẫn đến hoạt động chốt lời vàng nhanh chóng hơn”, Carsten Fritsch, nhà phân tích hàng hóa tại Commerzbank AG cho biết.
“Yếu tố cơ bản tích cực đối với giá vàng vẫn chưa kết thúc. Khi động lực tăng giá bị tụt lại, có thể sẽ cần một thời gian để tích lũy trở lại, nhưng chúng tôi vẫn cho rằng, vàng có thể đạt mức 2.400 USD/ounce vào cuối năm nay”, Tom Fitzpatrick, chiến lược gia kỹ thuật của Citigroup chia sẻ.
Trong khi đó, áp chế tài chính vẫn chưa mất đi. Các ngân hàng trung ương đang hỗ trợ các chính phủ và điều này có thể giúp giá vàng sớm lập kỷ lục mới.
Áp chế tài chính là một thuật ngữ mô tả các biện pháp mà chính phủ sử dụng để nâng cao ngân quỹ hoặc giảm nợ.
Ðây là một cách gián tiếp để các chính phủ sử dụng tiền từ khu vực tư nhân trả cho các khoản nợ công bằng công cụ tinh tế như lãi suất bằng không và chính sách lạm phát để làm giảm các khoản nợ của chính phủ. Thông thường, đối tượng hướng tới là trái phiếu chính phủ, việc mua trái phiếu giúp giữ lãi suất ở mức thấp và có khả năng làm tăng lạm phát chung, dẫn đến nợ công giảm nhanh hơn.
Quay trở lại lịch sử những năm 2008 - 2011, giá vàng tăng vọt khi khủng hoảng nợ dưới chuẩn từ Mỹ lan ra toàn cầu, vàng liên tục hút dòng tiền và thiết lập các đỉnh cao mới.
Giá kim loại quý này chỉ chấm dứt đà tăng phi mã vào năm 2011, với các dấu hiệu nền kinh tế toàn cầu bắt đầu bước vào một chu kỳ mở rộng mới, dòng tiền chuyển dịch từ tài sản trú ẩn sang các hoạt động kinh doanh.
Mặc dù vậy, trong giai đoạn giá vàng tăng vẫn có những đợt điều chỉnh, tạo nên chuỗi ngày tích luỹ dài hàng tuần, thậm chí hàng tháng, trước khi tiếp tục bứt phá.
Giai đoạn vừa qua, giá vàng vượt đỉnh mọi thời đại, dòng tiền đầu cơ được kích hoạt khi những nhà đầu tư cá nhân, nhà đầu tư mua theo phong trào tạo nên đợt tăng giá nước rút trong ngắn hạn. Diễn biến nhịp điều chỉnh hiện nay được nhận định là cần thiết để thị trường thay máu lớp nhà đầu cơ lướt sóng ngắn hạn và tạo nền trước khi bước vào nhịp tăng mới.
Nếu lịch sử lặp lại, tức kinh tế toàn cầu chưa thể hồi phục và bước vào chu kỳ mở rộng mới ngay, thì xu hướng dài hạn của dòng tiền vẫn là chảy vào các tài sản an toàn.
USD giảm giá
Trên thị trường tiền tệ, ngoại trừ USD có dấu hiệu mất giá, các đồng tiền mạnh khác đều thu hút dòng tiền và lên giá như JPY, Euro, CHF… Ðồng tiền của các nước cận biên, mới nổi chưa có dấu hiệu thu hút dòng tiền như giai đoạn hậu khủng hoảng năm 2008 - những năm 2010 - 2012.
USD mất giá do giới đầu tư lo ngại về một số chính sách khó dự đoán của Tổng thống Mỹ trong thời gian tới nhằm mục đích tăng sự ủng hộ và lấy lòng cử tri. Trong khi đó, Mỹ và Trung Quốc tiếp tục căng thẳng trên nhiều lĩnh vực.
Ngoài ra, Mỹ vẫn là quốc gia có số ca nhiễm Covid-19 lớn nhất và chưa cho thấy dấu hiệu sớm kiểm soát được dịch bệnh, tăng trưởng kinh tế sẽ tiếp tục là thách thức trong những tháng còn lại của năm 2020.
Chứng khoán hưởng lợi tâm lý nhiều hơn là do có thêm dòng tiền
Hiện tại, chưa có cơ sở để nhận định chắc chắn rằng, dòng tiền sẽ chuyển dịch sang thị trường chứng khoán từ những tài sản phòng thủ. Thị trường chứng khoán được kỳ vọng hưởng lợi về xu hướng tâm lý nhiều hơn là dòng tiền.
Thực tế, kể từ giai đoạn bán tháo tháng 3/2020 tới nay, thị trường chứng khoán đặt kỳ vọng vào việc mở cửa trở lại nền kinh tế, cũng như nhà đầu tư dần thích nghi với dịch bệnh Covid-19 và tìm cách thích nghi với điều kiện bình thường hoá mới.
Nhờ vào dòng tiền kích cầu từ các ngân hàng trung ương và mặt bằng lãi suất thấp, các tài sản tài chính được định giá lại với mặt bằng giá cao hơn nhiều giai đoạn tháng 3/2020. Tuy nhiên, thị trường khó có thể có diễn biến bán tháo nếu như thế giới không đón nhận một cú sốc nào quá lớn.
Tại Việt Nam, sau hai phiên bán mạnh trước làn sóng lây nhiễm Covid-19 trở lại bắt đầu từ Ðà Nẵng, giới đầu tư chứng khoán dần thích nghi với điều kiện thị trường mới và chấp nhận làn sóng lây nhiễm này giống nhiều quốc gia trên thế giới, giá chứng khoán bắt đầu xu hướng hồi phục và tích luỹ.
TTCK đang bước vào vũng trũng thông tin, nhà đầu tư trông chờ vào những cổ phiếu có thông tin riêng biệt.
Thị trường bước vào đợt hồi phục với tâm lý trái chiều giữa hai nhóm nhà đầu tư. Nhóm nhà đầu tư nhiều kinh nghiệm có sự thận trọng nhất định đối với thị trường, trong khi nhà đầu tư mới cũng như những người lỡ nhịp bắt đáy hồi tháng 3/2020 có tâm lý hối tiếc và hy vọng thị trường sẽ bứt phá như giai đoạn tháng 4.
Tuy nhiên, điều kiện thị trường đã thay đổi, thị trường đang bước vào vùng trũng thông tin, khi mùa báo cáo tài chính bán niên đã qua đi, mùa đại hội đồng cổ đông với thông tin mới cũng đã qua đi. Nhà đầu tư chủ yếu trông chờ vào những cổ phiếu có thông tin riêng biệt, cũng như câu chuyện riêng hỗ trợ đà tăng.
VGC, GEX: Kỳ vọng hợp nhất
Cổ phiếu VCG của Tổng công ty Viglacera - CTCP thu hút dòng tiền sau khi Tổng công ty cổ phần Thiết bị điện Việt Nam (GEX) thông báo chào mua công khai 95 triệu cổ phiếu để nâng tỷ lệ sở hữu từ 24,96% lên 46,15%, cũng như cổ phiếu VGC nằm trong danh sách thoái vốn nhà nước của Bộ Xây dựng.
Ðịnh hướng của GEX là đẩy mạnh đầu tư vào khu công nghiệp và doanh nghiệp lên kế hoạch kinh doanh năm 2020 dựa trên kịch bản hợp nhất kết quả hoạt động quý IV/2020 của VGC.
Ở kịch bản 1, với việc hợp nhất VGC, doanh thu là 19.600 tỷ đồng, lợi nhuận là 975 tỷ đồng. Kịch bản 2, chưa hợp nhất VGC, doanh thu là 17.500 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế là 735 tỷ đồng.
Hiện tại, VGC đang phối hợp với GEX triển khai mở rộng dự án khu công nghiệp tại Tây Ninh từ 100 ha lên 600 ha, đã mua Khu công nghiệp Long sơn 800 ha tại Bà Rịa - Vũng Tàu và sở hữu 12 khu công nghiệp tại miền Bắc với diện tích 5.000 ha.
Theo đó, kịch bản GEX sẽ chấp nhận chào mua công khai với mức giá tăng thêm để gián tiếp sở hữu 12 khu công nghiệp tại miền Bắc của VGC, qua đó giúp hai doanh nghiệp định giá lại khối tài sản đang được không ít nhà đầu tư kỳ vọng.
GTN và VLC định giá lại tài sản khi Mộc Châu Milk lên sàn
Công ty cổ phần GTNFoods (GTN) đang sở hữu 74,49% vốn tại Tổng công ty Chăn nuôi Việt Nam - CTCP (VLC), trong khi VLC sở hữu 51% vốn tại Công ty cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu (Mộc Châu Milk).
Mộc Châu Milk đã thông qua kế hoạch niêm yết và phát hành cổ phiếu cho cổ đông chiến lược là GTN và Vinamilk, dự kiến thực hiện trong thời gian tới.
Cụ thể, Mộc Châu Milk dự kiến phát hành 3.340.000 cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 20.000 đồng/cổ phiếu, tỷ lệ phát hành 100:5 và phát hành 39.192.000 cổ phiếu cho cổ đông chiến lược là GTN và Vinamilk (Vinamilk sở hữu 75% vốn tại GTN) với giá 30.000 đồng/cổ phiếu.
Như vậy, nếu nhóm cổ đông Vinamilk thực hiện toàn bộ quyền mua, cũng như mua cổ phiếu phát hành cho cổ đông chiến lược, tổng số cổ phiếu sẽ tăng từ 34,1 triệu đơn vị lên gần 75 triệu đơn vị, tương ứng tỷ lệ sở hữu tăng từ 51% lên 68,1% vốn điều lệ tại Mộc Châu Milk.
Ðược biết, Mộc Châu Milk thành lập năm 1958, tính tới 31/12/2019, doanh nghiệp sở hữu đàn bò sữa hơn 25.580 con, trong đó 90% thông qua việc liên kết với hơn 600 hộ nông dân, đồng thời có 3 trung tâm giống bò sữa lớn. Doanh nghiệp dự kiến, đến cuối năm 2020 sẽ tăng số đàn bò sữa lên 28.680 con, tăng 12,1% so với năm 2019.
BCM: Chuyển sang niêm yết trên HOSE
Ngày 19/8 tới, cổ phiếu BCM của Tổng công ty Ðầu tư và Phát triển công nghiệp - CTCP (Becamex) sẽ giao dịch phiên cuối cùng trên UPCoM, dự kiến niêm yết trên HOSE vào ngày 31/8/2020.
BCM hoạt động chủ yếu trong hai lĩnh vực là khu công nghiệp và xây dựng khu đô thị, khu dân cư. Theo bản cáo bạch niêm yết năm 2020, doanh nghiệp sở hữu 14 khu công nghiệp với tổng diện tích 10.456 ha, chiếm 11,4% tổng diện tích đất khu công nghiệp tại Việt Nam.
Trong khi đó, những doanh nghiệp sở hữu quỹ đất lớn khác như Tập đoàn Cao su Việt Nam có 8 khu công nghiệp, sở hữu diện tích 5.928 ha, chiếm 6,5%; Tổng công ty Phát triển khu công nghiệp Sonadezi sở hữu 10 khu công nghiệp, diện tích 5.325 ha, chiếm 5,8% tổng diện tích đất khu công nghiệp tại Việt Nam.
BCM trực tiếp quản lý 6 khu công nghiệp với tổng diện tích 2.923 ha, bao gồm Khu công nghiệp Mỹ Phước 1, 2, 3; Khu công nghiệp Thới Hòa; Khu công nghiệp Bàu Bàng; Khu công nghiệp Bàu Bàng mở rộng. Ngoài ra, doanh nghiệp phát triển 6 dự án bất động sản dân cư, thương mại
Việc niêm yết trên HOSE tới đây, cũng như kế hoạch tăng vốn điều lệ bằng phát hành cho cổ đông hiện hữu và cổ đông riêng lẻ với số lượng lớn nếu thành công, được giới đầu tư kỳ vọng sẽ giúp BCM hoạt động hiệu quả hơn, minh bạch hơn. Bên cạnh đó, việc tăng vốn sẽ giúp BCM sớm lọt vào rổ chỉ số VN30 - 30 cổ phiếu có vốn hóa và thanh khoản hàng đầu HOSE.
PLC: Kỳ vọng hưởng lợi từ đầu tư công
Sáu tháng đầu năm 2020, Tổng công ty Hóa dầu Petrolimex - CTCP (PLC) ghi nhận doanh thu 2.569,6 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 81 tỷ đồng, lần lượt giảm 18,8% và 7,1% so với cùng kỳ, nhưng hoàn thành 74% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Dòng tiền hoạt động kinh doanh chính trong 6 tháng đầu năm là dương 425,7 tỷ đồng, so với cùng kỳ chỉ dương 22,9 tỷ đồng.
Năm 2020, PLC đặt kế hoạch doanh thu 5.016,3 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 109,5 tỷ đồng, lần lượt bằng 81,43% và 75,43% thực hiện năm 2019; chia cổ tức tối thiểu 80% lợi nhuận sau thuế.
Là nhà sản xuất nhựa đường hàng đầu Việt Nam với thị phần 25 - 30%, PLC sẽ được hưởng lợi từ chủ trương đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án công của Chính phủ như cao tốc Bắc Nam; cải tạo, nâng cấp đường băng tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất; cao tốc La Sơn - Túy Loan, Trung Lương - Mỹ Thuận…