Giá xăng dầu biến động mạnh trong quý III/2024: Doanh nghiệp xăng dầu niêm yết "kẻ khóc, người cười"

11/11/2024 08:06 GMT+7
Thống kê kết quả kinh doanh của 9 doanh nghiệp xăng dầu niêm yết trong quý III/2024 cho thấy, tổng lợi nhuận trước thuế của cac doanh nghiệp này đạt 1.913 tỷ đồng, giảm 72% so với cùng kỳ năm ngoái.

Dữ liệu cho thấy, trong quý III/2024 ghi nhận giá xăng dầu biến động mạnh. Cụ thể, giá dầu đầu tháng 7 là 84 USD/thùng đã giảm mạnh về vùng 71 USD/thùng vào đầu tháng 8. Sau khi hồi phục lên 80 USD/thùng vào giữa tháng 8 lại giảm mạnh xuống còn 65 USD/thùng (giảm 19%) vào tháng 9.

Diễn biến giá dầu thô trong quý III/2024. Nguồn: Tradingeconomics.

Doanh nghiệp xăng dầu "kẻ khóc, người cười"

Với diễn biến không mấy tích cực, các doanh nghiệp xăng dầu "kẻ khóc, người cười" trong quý III/2024. Theo đó, dữ liệu thống kê 9 doanh nghiệp xăng dầu của Etime cho thấy, chỉ có 3 doanh nghiệp tăng trưởng về lợi nhuận (GAS, PVS và PVD); 4 doanh nghiệp giảm lãi (PLX, OIL, COM và PVC) và 2 doanh nghiệp báo lỗ (PSH và BSR).

Cụ thể, Tổng Công ty Khí Việt Nam - CTCP (PV GAS, HoSE: GAS) là doanh nghiệp đứng đầu về lợi nhuận khi báo lãi 2.758 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ. GAS cho biết, dù giá dầu bình quân trong quý 3/2024 giảm 7% so với cùng kỳ (86,75 USD/thùng), nhưng nhờ sản lượng LPG tiêu thụ tăng 22%. Nhờ vậy, doanh thu tăng tốt, dẫn đến lợi nhuận tăng tương ứng bất chấp giá dầu biến động.

Trong khi đó, Tổng Công ty cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (HNX: PVS) báo lãi 193 tỷ đồng trong quý III/2024, tương ứng tăng 34% so với cùng kỳ. Doanh nghiệp lý giải lợi nhuận tăng đột biến nhờ giảm chi phí thuế TNDN hoãn lại của khoản chênh lệch tỷ giá chưa thực hiện và dự phòng phải trả theo quy định

Theo nhận định của nhiều công ty chứng khoán, động lực tăng trưởng của PVS đến từ lĩnh vực dầu khí thượng nguồn khi tiến độ các dự án lớn trong nước như dự án Lô B - Ô Môn và Lạc Đà Vàn đang được đẩy nhanh. Bên cạnh đó, việc PVS tiếp tục triển khai thuận lợi dự án điện gió ngoài khơi để xuất khẩu điện sang Singapore cũng sẽ là động lực giúp PVS có thể tăng trưởng lợi nhuận trong thời gian tới.

Doanh nghiệp tăng trưởng lợi nhuận cuối cùng trong nhóm doanh nghiệp thống kê là Tổng công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (PV Drilling, HoSE: PVD) với lợi nhuận sau thuế 180 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ nhờ đơn giá cho thuê giàn khoan tự nâng tăng, hiệu suất sử dụng giàn khoan tăng và tăng doanh thu giàn khoan thuê.

PVD hiện sở hữu 4 giàn khoan tự nâng (PV Drilling I, PV Drilling II, PV Drilling III, PV Drilling VI), 1 giàn tiếp trợ khoan (PV Drilling V hoặc TAD) và 1 giàn khoan trên đất liền (PV Drilling 11).

Biểu đồ: Etime t/h.

Trong khi đó, "đại gia" xăng dầu Petrolimex (HoSE: PLX) báo lãi sau thuế quý III/2024 "rơi tự do" 82% về 130,5 tỷ đồng với nguyên nhân chủ yếu do biến động giá dầu thế giới có xu hướng giảm mạnh trong quý III/2024.

Bên cạnh đó, lợi nhuận từ hoạt động của một số lĩnh vực kinh doanh khác của Tập đoàn không thuận lợi, nhu cầu thị trường sụt giảm mạnh dẫn đến lợi nhuận từ các công ty con kinh doanh các ngành hàng nhựa đường, hóa chất… trong kỳ đều giảm hiệu quả so với cùng kỳ. Petrolimex hiện đang là nhà cung cấp các sản phẩm xăng dầu lớn nhất trên thị trường Việt Nam, chiếm 47% thị phần xăng dầu nội địa.

Tương tự, Tổng công ty Dầu Việt Nam – CTCP (PV OIL; UPCoM: OIL) báo lãi sau thuế giảm 84% xuống 37 tỷ đồng mặc dù chiếm tới 22-25% thị phần nội địa.

PV OIL cho biết, quý này giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu "đi xuống" khi cơ quan quản lý Nhà nước đã điều hành giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu quý III với mức giảm từ 2.390 đồng/lít đến 3.180 đồng/lít (tùy từng mặt hàng) so với cuối quý II.

Không ngoại lệ, CTCP Vật tư Xăng Dầu (HoSE: COM) ghi nhận lãi sau thuế giảm 50% xuống 7 tỷ đồng; Tổng Công ty Hóa chất và Dịch vụ Dầu khí - CTCP (HNX: PVC) cũng chỉ lãi hơn 700 triệu đồng.

Đáng nói, CTCP Thương mại Đầu tư Dầu khí Nam Sông Hậu (HoSE: PSH) còn báo lỗ gần 183 tỷ đồng, ghi nhận khoản lỗ lũy kế hơn 282 tỷ đồng tại thời điểm kết thúc quý III/2024 và "gánh" thêm chi phí lãi vay.

Thậm chí, dù ghi nhận doanh thu thuần 31.946 tỷ đồng, song CTCP Lọc Hóa dầu Bình Sơn (UPCoM: BSR) vẫn báo lỗ sau thuế 1.209 tỷ đồng, cùng kỳ lãi 3.235 tỷ đồng. BSR cho biết quý III giá dầu thô và sản phẩm giảm mạnh. Kinh doanh dưới giá vốn khiến BSR ghi nhận khoản lợi nhuận gộp âm 1.470 tỷ đồng.

Nghị định mới có tác động tích cực đến các doanh nghiệp xăng dầu?

Bộ Công Thương đã công bố dự thảo Nghị định lần 4 về kinh doanh xăng dầu, dự kiến sẽ thay thế thay thế Nghị định số 83/2014 và các Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 83/2014. Nghị định mới dự kiến sẽ được thông qua vào cuối năm 2024 và có hiệu lực từ đầu năm 2025.

Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng, dự thảo Nghị định mới có tác động tích cực hơn đối với các thương nhân kinh doanh và phân phối xăng dầu do các quy định về chi phí kinh doanh phản ánh sát sao hơn những thay đổi thực tế về chi phí của doanh nghiệp như giảm thời gian điều hành các chi phí cấu thành trong công thức giá bán tối đa.

Ngoài ra, dự thảo cũng không còn quy định về quỹ bình ổn giá xăng dầu. Bên cạnh đó, việc tự quyết định giá bán (nhưng thấp hơn giá cơ sở) sẽ mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp đầu ngành như Petrolimex, PV OIL do có thể tận dụng các ưu thế của doanh nghiệp về hệ thống phân phối, kho dự trữ xăng dầu để tăng tổng chi phí hoạt động định mức và lợi nhuận định mức thực nhận để cải thiện biên lợi nhuận gộp.

Linh Anh
Cùng chuyên mục