Giải mã 4 "ông lớn" quốc doanh không cho vay nhà ở xã hội

15/01/2023 08:53 GMT+7
Vì sao các ngân hàng thương mại lớn như nhóm 4 "ông lớn" quốc doanh không được cho vay nhà ở xã hội? Theo ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng là do, các ngân hàng không có vốn để và không được phép cho vay.

4 "ông lớn" quốc doanh không được cho vay nhà ở xã hội

Ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng thông tin thêm, mặc dù các ngân hàng thương mại lớn như Agribank, Vietcombank, BIDV hay VietinBank không được cho vay nhà ở xã hội, song điều đó không có nghĩa là những người có nhu cầu mua nhà ở xã hội bị "bỏ rơi".

"Ai có như cầu đến Ngân hàng Chính sách xã hội để tiếp cận", ông Hùng nhấn mạnh.

Giải mã 4 "ông lớn" quốc doanh không được cho vay nhà ở xã hội - Ảnh 1.

Hiện có 2 nguồn lực cho nhà ở xã hội.

Trước đó, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12/2022, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cũng thông tin, hiện có 2 nguồn lực cho nhà ở xã hội.

Nguồn đầu tiên từ ngân sách nhà nước thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội. Đến nay, ngân sách đã cấp cho Ngân hàng Chính sách xã hội gần 3.163 tỷ đồng.

Nguồn thứ hai được xác định theo chương trình phục hồi kinh tế-xã hội theo Nghị quyết 43 và Nghị quyết 11 của Chính phủ, giao cho Ngân hàng Chính sách xã hội huy động bằng nguồn trái phiếu Chính phủ, có bảo lãnh của Chính phủ với con số 15 nghìn tỷ đồng.

Từ 2 nguồn này, đến nay, Ngân hàng Chính sách xã hội đã cho vay đến 9.994 tỷ đồng, tức gần 10.000 tỷ đồng; cho 27.894 khách hàng vay để mua nhà ở xã hội. Trong 9.994 tỷ này có 3.717 tỷ thuộc chương trình phục hồi theo Nghị quyết 11 vừa qua, với số lượng khách hàng 9.527 khách hàng.

Về việc sử dụng nguồn của các ngân hàng thương mại cho vay nhưng có cơ chế ưu đãi của nhà nước, Phó Thống đốc cho hay: "Phần này thì các Bộ ngành chức năng đang xem xét việc cấp bù phần ưu đãi cho các ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, một là chưa có tiền, thứ hai là chưa hoàn thiện cơ chế nhưng các ngân hàng thương mại đang rất sẵn sàng".

Tại các ngân hàng thương mại, hiện đang cho vay những lĩnh vực nhà ở xã hội, nhà ở phục vụ người dân mang tính chất thương mại nhưng giá rẻ, trực tiếp phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt của người dân.

Ngân hàng muốn cho vay bất động sản, song dự án phải đầy đủ pháp lý

Quay trở lại với câu chuyện nguồn vốn dành cho bất động sản, theo Tổng Thư ký hiệp hội Ngân hàng, hiện nay vốn đối với doanh nghiệp bất động sản, không có văn bản nào quy định là ngân hàng trong nước cấm cho vay bất động sản.

Tuy nhiên, ông Hùng lưu ý cho vay bất động sản là lĩnh vực rủi ro nên phải thận trọng, tức là phải rà soát, xem xét những dự án thực sự hiệu quả, dự án nào đáp ứng được thị trường, dự án đầy đủ tính pháp lý mới cho vay.

Được biết, sau Tết Nguyên đán, Chính phủ sẽ có cuộc họp với các doanh nghiệp bất động sản bàn về giải pháp tháo gỡ. Thống đốc cũng đã triệu tập các ngân hàng họp bàn bạc và nghiên cứu, đánh giá thực chất thị trường và đề ra giải pháp.

Thực tế, các ngân hàng đã cho vay bất động sản đều rất muốn tiếp tục cho vay, muốn thị trường bất động sản khơi thông để dòng vốn luân chuyển và thu hồi được nợ. Tuy vậy, các ngân hàng vẫn phải dè chừng mọi rủi ro.

Việc thị trường bất động sản thiếu vốn vừa qua, theo ông Hùng, là do thị trường trái phiếu doanh nghiệp gặp khó khăn. Điều này cho thấy, khi thị trường vốn cân bằng với thị trường tiền tệ, các doanh nghiệp sẽ hoạt động bình thường. Tuy nhiên, khi thị trường vốn có vấn đề, huy động khó khăn hơn sẽ dồn tất cả vào thị trường tiền tệ. Thực trạng này không bình thường, vì bản chất thị trường tiền tệ là cho vay bổ sung vốn, cả vốn trung dài hạn và vốn ngắn hạn.

"Thời gian qua, những dự án bất động sản đầy đủ pháp lý, các dự án phục vụ nhu cầu ở thật của người dân đều được ngân hàng cho vay, kể cả vay tín chấp bằng tiền lương. Các dự án không thể tiếp cận vốn đều do tính pháp lý hoặc năng lực chủ đầu tư không bảo đảm", ông Hùng khẳng định.

Giải mã 4 "ông lớn" quốc doanh không được cho vay nhà ở xã hội - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng.

Hiệp hội ngân hàng cũng cho rằng, trước khi đề nghị ngân hàng tháo gỡ, doanh nghiệp bất động sản cũng cần nhìn lại mình xem đã làm gì để tháo gỡ khó khăn, có tìm ra điểm hòa vốn và chấp nhận giảm giá bán để cung – cầu gặp nhau hay không.

"Doanh nghiệp có chấp nhận giảm lợi nhuận từ mức 10 phần trước kia còn 3 phần, 7 phần hay không? Nếu doanh nghiệp chấp nhận, chắc chắn dòng vốn sẽ luân chuyển", lãnh đạo Hiệp hội ngân hàng đề nghị.

H.Anh
Cùng chuyên mục