Giải ngân vốn ODA rất chậm, có trường hợp phải chịu thêm phí cam kết

25/10/2023 15:50 GMT+7
Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cho biết, thời gian qua các dự án vay ODA và vay ưu đãi nước ngoài triển khai chậm, nhiều dự án phải gia hạn thực hiện.

Giải ngân ODA chậm

Trong báo cáo thẩm tra về đánh giá giữa kỳ tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, theo đó, đối với các dự án sử dụng vốn ODA và vay ưu đãi nước ngoài, Ủy ban Tài chính Ngân sách (TCNS) cho rằng, tình trạng thực hiện, giải ngân nguồn vốn vay ODA và vay ưu đãi nước ngoài rất chậm, nhiều dự án phải gia hạn thực hiện, không hoàn thành và đưa vào khai thác đúng thời hạn dự kiến. Thậm chí, một số trường hợp phát sinh thêm phí cam kết làm tăng chi phí, kéo dài thời gian thực hiện, gây lãng phí nguồn lực, giảm hiệu quả sử dụng vốn vay.

Giải ngân vốn ODA rất chậm, một số phải chịu thêm phí cam kết - Ảnh 1.

Ủy ban TCNS cho rằng, tình trạng thực hiện, giải ngân nguồn vốn vay ODA và vay ưu đãi nước ngoài của rất chậm

Do đó, Ủy ban Tài chính Ngân sách, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ cần xem xét kỹ lưỡng, đánh giá toàn diện về tính hợp lý của việc huy động, phân bổ, sử dụng vốn ODA, tránh lãng phí, tạo gánh nặng về nợ công trong khi không bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn.

Theo Báo cáo của Chính phủ, đến nay, còn tình trạng nợ đọng XDCB chưa bố trí vốn để hoàn trả, có tình trạng phát sinh nợ đọng XDCB sau ngày 31/12/2014; vốn ứng trước chưa bố trí đủ trong KHĐTCTH giai đoạn 2021-2025. Ủy ban TCNS đề nghị Chính phủ rà soát kỹ, có phương án xử lý các tồn đọng này theo quy định của pháp luật và các Nghị quyết của Quốc hội.

Ủy ban TCNS đề nghị Chính phủ báo cáo rõ tình hình thực hiện các dự án chuyển tiếp từ giai đoạn 2016-2020 sang; công tác quyết toán các dự án hoàn thành; tình hình chuyển nguồn đầu tư công trong giai đoạn 2021-2023; đánh giá tổng thể về nguồn lực, tình hình giải ngân, hiệu quả sử dụng vốn.

Trên cơ sở đó, làm căn cứ xem xét, bố trí nguồn lực đầu tư công hằng năm, kế hoạch vay, trả nợ cũng như định hướng xây dựng Kế hoạch đầu tư công giai đoạn tiếp theo.

Qua quyết toán NSNN hằng năm, Ủy ban Tài chính cho biết, số chi chuyển nguồn khá lớn và ngày càng tăng, vì vậy, cơ quan này đề nghị Chính phủ báo cáo giải trình rõ và so sánh với số vay bù đắp bội chi NSNN và vay trả nợ hàng năm, để có giải pháp tránh lãng phí trong huy động, sử dụng nguồn lực.

Ủy ban Tài chính yêu cầu siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong quản lý đầu tư công, gắn trách nhiệm của người đứng đầu với kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công, bảo đảm đúng mục đích, hiệu quả, tiết kiệm, chống lãng phí và tuân thủ đúng quy định của pháp luật.

Về giải pháp, Ủy ban Tài chính Ngân sách đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tăng cường các giải pháp khắc phục những tồn tại hạn chế trong quá trình thực hiện kế hoạch đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm chất lượng công trình, dự án, sử dụng vốn đầu tư công tiết kiệm, hiệu quả, không thất thoát, lãng phí nguồn NSNN.

Bên cạnh đó, đề nghị đẩy nhanh tiến độ quyết toán các công trình, dự án hoàn thành, báo cáo cụ thể danh mục, số lượng dự án sử dụng vốn ĐTC giai đoạn 2021-2025 đã hoàn thành đến hết năm 2022 và dự kiến hết năm 2023.

Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đề nghị Chính phủ rà soát kỹ tình hình phân bổ vốn, giải ngân vốn đã phân bổ (2,4 triệu tỷ đồng trên 2,7 triệu tỷ đồng), trên cơ sở đó điều chỉnh vốn cho các dự án có khả năng giải ngân để đẩy nhanh tiến độ, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công.

Đối với nguồn vốn NSTW, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị Chính phủ chỉ đạo các đơn vị liên quan rà soát, đánh giá kỹ tình hình phân bổ vốn, giải ngân vốn 3 năm qua, tập trung phân bổ vốn cho các dự án có khả năng giải ngân để đẩy nhanh tiến độ, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công.

An Linh
Cùng chuyên mục