Giao dịch bitcoin ở Trung Quốc vẫn nóng bất chấp 4 năm "đàn áp" của Bắc Kinh

26/05/2021 13:56 GMT+7
Bất chấp cuộc “đàn áp” tiền điện tử kéo dài suốt 4 năm của Bắc Kinh, các nhà giao dịch bitcoin tại Trung Quốc tiếp tục phát triển mạnh.

Hôm 21/5, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc tuyên bố cần “trấn áp hành vi khai thác và giao dịch bitcoin” nhằm ngăn ngừa rủi ro lan sang các lĩnh vực xã hội. Từ lâu, các nhà chức trách Trung Quốc đã lo ngại về bản chất đầu cơ của tiền điện tử và rủi ro của chúng đối với sự ổn định của hệ thống tài chính. Những bình luận mới nhất của Phó thủ tướng Lưu Hạc đã làm dấy lên lo ngại về động thái siết chặt quản lý với lĩnh vực tiền điện tử tại Trung Quốc. Đồng bitcoin đã trượt giá mạnh sau phát ngôn của ông Lưu Hạc, kéo theo hàng loạt các đồng tiền điện tử khác chìm trong sắc đỏ trong một tuần lễ đầy biến động.

Nhưng không phải cho đến bây giờ Trung Quốc mới để mắt đến thị trường tiền ảo. Vào năm 2017, các nhà chức trách Trung Quốc đã đóng cửa hàng loạt sàn giao dịch tiền điện tử địa phương, đồng thời cấm hoạt động ICO (phát hành coin lần đầu) - tức một hình thức huy động tiền cho các công ty tiền điện tử bằng cách phát hành mã thông báo kỹ thuật số.

Giao dịch bitcoin ở Trung Quốc vẫn nóng bất chấp 4 năm "đàn áp" của Bắc Kinh - Ảnh 1.

Giao dịch bitcoin ở Trung Quốc nở rộ bất chấp 4 năm "đàn áp" của Bắc Kinh

Vào thời điểm tháng 11/2015, khoảng 92% giao dịch bitcoin được thực hiện bằng đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc, theo dữ liệu từ CryptoCompare, một công ty dữ liệu tiền điện tử. Tròn 2 năm sau đó, tháng 11/2017, đồng Nhân dân tệ chỉ chiếm 0,07% tổng giao dịch trên thị trường bitcoin. Nguyên nhân một phần lớn đến từ hoạt động siết chặt quản lý của các cơ quan chức năng Trung Quốc.

Tuy nhiên, theo ông Matthew Graham, Giám đốc điều hành của Sino Global Capital, một công ty đầu tư mạo hiểm có trụ sở tại Bắc Kinh chuyên về công nghệ blockchain, con số đó che khuất thực tế rằng các thương nhân Trung Quốc vẫn là một lực lượng đáng kể trong giao dịch bitcoin toàn cầu. “Ảnh hưởng suy yếu của các nhà giao dịch bitcoin Trung Quốc (trên thị trường bitcoin toàn cầu) là câu chuyện bị phóng đại. Thực chất, họ vẫn chiếm tầm ảnh hưởng to lớn”.

Khi Trung Quốc tăng cường giám sát lĩnh vực tiền điện tử, một loại thị trường xám đã được tạo ra. Các sàn giao dịch của Trung Quốc như Huobi và OKEx đã chuyển ra nước ngoài vì họ không thể được cấp phép hoạt động tại đại lục.

Một số nền tảng cung cấp giao dịch tiền điện tử sang tiền điện tử, chẳng hạn như mua bitcoin bằng đồng stablecoin được liên kết với USD được gọi là tether (USDT). Một số nền tảng cung cấp dịch vụ chuyển đổi từ đồng Nhân dân tệ sang USDT cho phép người dùng Trung Quốc nhận được tiền điện tử cần thiết để mua bitcoin.

Constantine Tsavliris, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu tại CryptoCompare cho hay: “Một khi nhà giao dịch mua bitcoin, họ có thể gửi nó trên các sàn giao dịch ở nước ngoài cho phép giao dịch tiền điện tử sang tiền điện tử”.

Bobby Lee, cựu Giám đốc điều hành của một trong những sàn giao dịch tiền điện tử sớm nhất Trung Quốc BTCC thì nhận định: “Tôi nghĩ thị trường tiền ảo giờ đây có nhiều thương nhân Trung Quốc hơn. Ngày nay, ngày càng có nhiều người sử dụng các loại tiền ổn định (stablecoin) như USDT. Điều đó có nghĩa là họ không còn phải đối phó với việc chuyển tiền bằng Nhân dân tệ (vốn bị cấm). Họ đang chuyển sang hình thức thanh toán, giao dịch bitcoin bằng USDT.

Trung Quốc từ lâu đã có những giới hạn về giao dịch tiền điện tử trong biên giới quốc gia. Các quan chức đã cảnh báo vào năm 2013 rằng bitcoin không phải là tiền tệ thực, đồng thời cấm các tổ chức tài chính và thanh toán sử dụng nó. Các cá nhân có thể nắm giữ hoặc giao dịch tiền điện tử, nhưng các sàn giao dịch lớn ở Trung Quốc đại lục đã bị đóng cửa.

Các tuyên bố gần đây có thể xem là tín hiệu rõ ràng từ Bắc Kinh, rằng Trung Quốc sẽ không sớm nới lỏng hạn chế trên thị trường tiền điện tử. Các nhà chức trách cũng đang thúc đẩy sự ra mắt đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số dưới sự kiểm soát của Ngân hàng trung ương PBoC để giữ hệ thống tài chính ổn định.

Không riêng Trung Quốc, chính phủ nhiều quốc gia trên thế giới đã cảnh giác với các đồng tiền ảo từ lâu. Hôm 20/5, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Fed Jerome Powell đã cảnh báo về những rủi ro tiềm ẩn mà tiền điện tử gây ra cho hệ thống tài chính. Ông Powell cũng tiết lộ Fed sắp xuất bản một ấn phẩm về tác động tiềm năng nếu chính phủ Mỹ phát triển một đồng tiền kỹ thuật số riêng, tương tự như đồng tệ số của Trung Quốc.


NTTD
Cùng chuyên mục