"Giờ G" đã điểm, Mobile Money có kịp triển khai?

03/06/2021 14:43 GMT+7
Nhiều người tiêu dùng đang “ngóng” Mobile Money đi vào thực tiễn, trong khi như tiết lộ trước đó của Bộ Thông tin và Truyền thông, chậm nhất đến tháng 6/2020 sẽ triển khai dịch vụ Mobile Money.

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, trong quý đầu năm, giao dịch qua kênh điện thoại di động đạt 395,05 triệu món với giá trị hơn 4,6 triệu tỷ đồng (tăng tương ứng 78% về số lượng và 103% về giá trị). Mặc dù con số tăng trưởng rất cao, song các chuyên gia đánh giá hình thức thanh toán bằng tiền mặt vẫn còn chiếm phổ biến, đặc biệt giao dịch tại các chợ dân sinh, hay các cửa hàng tạp hóa nhỏ lẻ.

Người tiêu dùng "ngóng" Mobile Money

Tại Hà Nội, những ngày này, số lượng người chuyển sang mua bán online tăng cao, song chợ truyền thống vẫn là lựa chọn của rất nhiều gia đình.

Chị Hồng Thúy (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: "Gần như ngày nào tôi cũng ra chợ mua thực phẩm cho các bữa ăn gia đình. Tình hình dịch bệnh khiến mọi người dân đều áp dụng 5K rất nghiêm túc, thế nhưng tờ tiền giấy thì ai cũng phải đưa, cầm, đếm và chuyển qua tay không biết bao nhiêu người.

Tôi rất mong dịch vụ tiền di động Mobile Money sớm triển khai và phổ cập nhanh chóng cho người dân để chúng tôi thêm yên tâm khi đi chợ", chị Thúy chia sẻ.

Theo chị Thuý, nếu như dịch vụ thanh toán số Mobile Money (dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các dịch vụ khác có giá trị nhỏ) được áp dụng rộng rãi trong dịch Covid-19, chị và những người thân trong gia đình sẽ tiên phong sử dụng. Tuy nhiên, đến thời điểm này, chị Thúy vẫn đang "ngóng" vì chưa thấy dịch vụ này được triển khai tới tay người tiêu dùng.

Hay như mới đây, câu chuyện chuyện một người bán hàng tại tỉnh H.D phải liều vào khu đang bị phong tỏa có người nhiễm Covid-19 để thu nợ tiền hàng gây xôn xao trong dư luận. Người phụ nữ này đã bất chấp nguy hiểm khi có thể bị lây nhiễm, có thể truyền bệnh cho người thân trong gia đình cùng nhiều người khác, chỉ để thu tiền nợ một khoản tiền hàng nhỏ khoảng 200.000 đồng. Có thể với nhiều người, 200.000 đồng chỉ là số tiền nhỏ, không đáng phải chấp nhận rủi ro như vậy, nhưng với người nghèo thì chưa hẳn và việc thu nợ tiền hàng là cần thiết.

Tuy nhiên, nếu dịch vụ Mobile Money đã đi vào hoạt động, thì việc thu nợ tiền rượu của người phụ nữ bán hàng rất đơn giản. Sẽ không có chuyện phải bất chấp quy định, lẻn vào khu phong tỏa. Bởi khi đó, chỉ cần ở nhà và nhận tiền trả nợ trên điện thoại di động.

Thực tế, Mobile Money ra đời có thể tiếp cận đến 70% dân số cả nước, bởi ai cũng có điện thoại di động và mạng viễn thông đã phủ sóng toàn quốc. Từ cốc trà đá, vé gửi xe, bánh xà phòng, gói mì tôm đến hóa đơn điện, nước, giáo dục, y tế,... người dân sẽ rút điện thoại ra để thanh toán, thuận tiện vô cùng. Ngay tại các nước phát triển như Nhật Bản, bình quân mỗi người dân có tới 7,5 thẻ ngân hàng, thì vẫn có 40% thuê bao di động sử dụng Mobile Money để chi tiêu cho các món siêu nhỏ.

Ông Nguyễn Minh Đức, chuyên gia kinh tế, cán bộ ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhận định, dịch vụ Mobile Money đang được thí điểm sẽ bổ sung hình thức thanh toán mới cho người dân và doanh nghiệp, nhất là giao dịch giá trị nhỏ và tại vùng sâu, vùng xa. Đây là hình thức dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ.

"Mobile Money có lợi thế là ngay khi đi vào triển khai đã có số lượng khách hàng lên đến hàng chục triệu tài khoản, số lượng điểm dịch vụ lớn, trải khắp cả nước. Đây là lợi thế mà các dịch vụ khác không dễ gì có được", ông Đức nói.

"Giờ G" đã điểm, Mobile Money có kịp triển khai?

Trong phát biểu gần đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đã nhấn mạnh, một điểm rất quan trọng là phải thúc đẩy nhanh thanh toán điện tử, phải mở thật nhanh để cho người dân có thể thanh toán trên di động.

Việc triển khai Mobile Money không chỉ giúp người dân vùng khó khăn tiếp cận với các tiện ích tài chính cơ bản như có tài khoản gửi và nhận tiền, thanh toán... mà còn giúp nhiều người bắt bắt đầu công việc kinh doanh của họ, nhất là trong hoàn cảnh đại dịch Covid bùng phát.

Mobile Money là một giải pháp mới để hỗ trợ chuyển đổi số và là một trong những phần quan trọng của Cách mạng công nghiệp 4.0. Tất cả các quốc gia cho phép Mobile Money hoạt động đều tạo ra tăng trưởng kinh tế. Vì vậy, các doanh nghiệp cần nhanh chóng đưa Mobile Money đi vào hoạt động. Cùng với đó, nên rút ngắn thời gian thí điểm, để nhanh chóng triển khai hoạt động này.

Thực tế, sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thí điểm Mobile Money, đến cuối tháng 4/2021, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công an và Bộ Thông tin - Truyền thông chính thức ký quy chế phối hợp trong công tác quản lý nhà nước đối với việc thực hiện thí điểm dịch vụ Mobile Money.

Về phía nhà cung cấp dịch vụ, đại diện 3 nhà mạng được cấp phép thí điểm triển khai Mobile Money là VNPT, Viettel, MobiFone cho biết đã hoàn thiện toàn bộ giải pháp công nghệ và kỹ thuật với hệ sinh thái dịch vụ. Các nhà mạng đều đã lên phương án và dự tính sẽ cung cấp dịch vụ Mobile Money vào tháng 5 hoặc tháng 6 tới.

Tuy nhiên, đến nay khi đã bước vào những ngày đầu tiên của tháng 6, trong khi người dân đang "ngóng chờ" từng ngày thì những thông tin về việc triển khai dịch vụ này tới tay người tiêu dùng trên thị trường vẫn "án binh bất động" so với thời điểm cách đây 1 tháng.

Giờ G đã điểm, liệu Mobile Money có kịp đến tay người dùng trong tháng 6?. Chuyên viên công nghệ tại một nhà mạng cho biết, doanh nghiệp xin phép triển khai thí điểm, nhưng rất khó có thể triển khai vào thực tiễn trong tháng này.

H.Anh
Cùng chuyên mục