Goldman Sachs: giai đoạn tệ nhất của cuộc khủng hoảng chip toàn cầu sắp qua
Andrew Tilton, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á của Goldman Sachs cho hay giai đoạn tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng chip toàn cầu có thể sẽ cải thiện trong nửa cuối năm 2021. “Các nhà phân tích của Goldman Sachs tin rằng chúng ta có thể đang trong giai đoạn tồi tệ nhất của khủng hoảng. Đó là khi ta chứng kiến sự gián đoạn lớn nhất ở bên trong các ngành công nghiệp như ô tô hiện tại. Và tình hình sẽ được cải thiện trong nửa cuối năm.
Thế giới hiện đang chứng kiến cuộc khủng hoảng nguồn cung chip tệ chưa từng có, ảnh hưởng đến nhiều ngành công nghiệp từ sản xuất ô tô cho đến đồ điện tử gia dụng thông thường như lò nướng bánh mì hay máy giặt.
Các nhà sản xuất ô tô đã cắt giảm lượng đơn đặt hàng chip máy tính vào đầu năm ngoái khi đại dịch buộc nhiều nhà máy phải tạm ngừng hoạt động và doanh số bán xe sụt giảm mạnh. Các nhà sản xuất điện tử, vốn có doanh số cao trong thời kỳ đại dịch, đã vui vẻ chớp lấy nguồn cung dư thừa. Khi doanh số bán xe phục hồi mạnh mẽ hơn dự kiến, ngành sản xuất ô tô đã phải vật lộn với tình trạng thiếu chip.
Chip bán dẫn là thành phần cực kỳ quan trọng trong xe ô tô, từ trợ lực và phanh cho đến màn hình điều khiển…. Tùy từng loại xe và thiết kế, mỗi chiếc xe có thể sử dụng tới hàng trăm chip bán dẫn hoặc nhiều hơn. Số chip cần dùng sẽ tăng lên khi ngành công nghiệp ô tô hướng tới phát triển các dòng xe điện, xe chạy bằng năng lượng sạch, thậm chí xa hơn là xe tự lái.
Tình trạng thiếu hụt chip toàn cầu không chỉ gây khó khăn cho các nhà sản xuất ô tô. Nhưng các nhà sản xuất ô tô chịu ảnh hưởng nặng nề hơn cả. Bởi khi các lệnh phong tỏa được dỡ bỏ, người dân vẫn không muốn sử dụng phương tiện giao thông công cộng.
Công ty nghiên cứu tư vấn Alix Partners dự báo cuộc khủng hoảng sẽ gây thiệt hại 110 tỷ USD cho doanh thu ngành công nghiệp ô tô toàn cầu trong năm nay. Dan Hearsch, giám đốc điều hành mảng ô tô và công nghiệp của AlixPartners cho biết quý II sẽ là quý thiệt hại lớn nhất với sản lượng ô tô của các nhà sản xuất, trước khi tình hình tiến triển tốt lên vào nửa cuối năm nay và đầu năm 2022.
Ông Mark Wakefield, một nhà lãnh đạo cấp cao khác tại AlixPartners cho hay có một số yếu tố góp phần làm gia tăng dự báo thiệt hại như vụ hỏa hoạn tại một nhà máy sản xuất chip cho Renesas gần Tokyo cũng như một số yếu tố thời tiết. “Cuộc khủng hoảng chip do đại dịch gây ra đã trở nên trầm trọng hơn bởi những sự kiện thường không gây ảnh hưởng nhiều đến ngành công nghiệp ô tô, chẳng hạn như vụ cháy nhà máy sản xuất chip quan trọng, thời tiết khắc nghiệt ở Texas và hạn hán ở Đài Loan… Nhưng tất cả những điều này đã hội tụ với cuộc khủng hoảng chip trầm trọng, đe dọa khả năng phục hồi chuỗi cung ứng trong dài hạn”.
Nhìn chung, đa số các dự báo cho thấy tình trạng thiếu chip toàn cầu có khả năng được cải thiện vào cuối năm nay. Tuy nhiên, ông Andrew Tilton cảnh báo vẫn còn những nguy cơ khác đe dọa sự gián đoạn chuỗi cung ứng chip. Chẳng hạn tình trạng hạn hán ở Đài Loan hay nguy cơ làn sóng bùng phát đại dịch Covid-19 tiếp theo.
Đài Loan là nơi đặt trụ sở nhà máy sản xuất chip hợp đồng hàng đầu thế giới TSMC. Các nhà máy này sử dụng lượng nước khổng lồ hàng ngày, trong khi Đài Loạn hiện đang đối mặt với tình trạng thiếu nước tồi tệ nhất trong vòng 56 năm. Khu vực này hiện cũng phải đối phó với đợt bùng phát đại dịch Covid-19 mới hồi tháng 5 qua, dù rằng các ổ dịch hiện chưa đủ sức gây ra sự gián đoạn lớn với chuỗi cung ứng chip.