HAGL Agrico lên tiếng khi lỗ lũy kế hơn 2.400 tỷ và tồn tại yếu tố nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục

08/09/2021 07:40 GMT+7
Giải trình về khoản lỗ lũy kế hơn 2.400 tỷ, HAGL Agrico cho biết do ảnh hưởng của dịch COVID-19 làm cho giá mua vật tư nông nghiệp, bao bì đóng gói, đặc biệt là chi phí vận chuyển bằng đường biển tăng...

CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico - Mã: HNG) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất soát xét bán niên 2021 với doanh thu 512 tỷ đồng, giảm 56% so với cùng kỳ, khoản lỗ ròng gần 123 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước công ty báo lãi hơn 11 tỷ đồng.

Nói về nguyên nhân dẫn đến lỗ, HAGL Agrico cho biết do ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến giá mua vật tư nông nghiệp, bao bì đóng gói, đặc biệt là chi phí vận chuyển bằng đường biển tăng. Đồng thời trong kỳ 6 tháng đầu năm, công ty thực hiện trích lập dự phòng một số khoản phải thu.

Trong khi đó, lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2020 chủ yếu đến từ việc hoàn nhập chi phí thuế đã trích vào các năm trước 156 tỷ đồng.

HAGL Agrico lên tiếng khi lỗ lũy kế hơn 2.400 tỷ và tồn tại yếu tố nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục - Ảnh 1.

CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico - Mã: HNG) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất soát xét bán niên 2021. Ảnh Báo Đấu thầu

Tại thời điểm 30/6/2021, tổng tài sản HNG vào mức 22.827 tỷ đồng, giảm so với đầu kỳ. Trong đó tài sản ngắn hạn đạt 5.809 tỷ đồng, chủ yếu là khoản phải thu ngắn hạn và hàng tồn. Tài sản dài hạn hơn 17.018 tỷ đồng, phải thu dài hạn chiếm hơn 4.601 tỷ đồng.

Về nợ, HNG đang ghi nhận dư nợ 14.658 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn đã vượt tài sản ngắn hạn với gần 10.276 tỷ đồng. Hiện, dư nợ vay (ngắn + dài hạn) của HNG vào mức 12.020,5 tỷ đồng. Vốn chủ ở mức 8.169,5 tỷ, lỗ lũy kế hơn 2.428 tỷ đồng, nợ ngắn hạn đã vượt quá tài sản ngắn hạn với số tiền hơn 4.466 tỷ đồng. Ngoài ra, công ty đã vi phạm một số điều khoản của các khoản vay trong kỳ.

Trên cơ sở này, ban tổng giám đốc nhóm công ty vẫn lập báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ trên cơ sở hoạt động liên tục với giả định HAGL Agrico có thể sử dụng được tài sản và thanh toán các khoản nợ trong quá trình hoạt động kinh doanh bình thường trong tương lai gần.

Tại ngày lập báo cáo, doanh nghiệp cho biết đang trong quá trình triển khai các dự án để đảm bảo dòng tiền kinh doanh, kết hợp tái cơ cấu một số khoản nợ và làm việc với các bên cho vay để điều chỉnh các khoản bị vi phạm trong hợp đồng liên quan.

Được thành lập từ năm 2010, HAGL Agrico đã tập trung trồng các loại cây cao su, cây cọ dầu với tổng diện tích 85.000ha ở Gia Lai, Đắk Lắk, Lào và Campuchia.

Tuy nhiên, do giá cao su giảm mạnh, công ty rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng, đối diện với nhiều khó khăn, bị mất thanh khoản, mất khả năng trả nợ gốc và lãi vay đến hạn, tổng nợ đến ngày 3/8/2018 là: 18.414 tỷ đồng.

Trong bối cảnh đó, HAGL Agrico đã mời gọi Thaco là nhà đầu tư chiến lược để thực hiện tái cấu trúc tài chính nhằm trả được nợ tới hạn đồng thời thực hiện việc chuyển đổi một phần lớn diện tích cây cọ dầu, cây cao su sang cây ăn trái.

Trong hơn 2 năm qua, kể từ khi ký kết hợp tác chiến lược vào ngày 8/8/2018 đến nay, ông Trần Bá Dương đã cùng ông Đoàn Nguyên Đức  giải quyết những khó khăn về tài chính để HAGL Agrico trả được nợ ngân hàng tới hạn và thực hiện việc chuyển đổi, phát triển vườn cây ăn trái.

Ngoài ra vào tháng 6/2019, HAGL Agrico tiếp tục ký hợp đồng bao tiêu nông sản với CTCP Nông nghiệp Trường Hải (Thagrico), qua đó, Thagrico hỗ trợ mua và phân phối nông sản của công ty.

Tại ngày lập báo cáo, HAGL Agrico và Thagrico đang trong quá trình làm việc để thống nhất phương án xử lý các khoản phải thu từ việc thanh lý đầu tư và các khoản phải trả giữa hai bên nhằm đảm bảo xử lý nợ phải trả đến hạn cho Thagrico vừa không ảnh hưởng đến dòng tiền của HAGL Agrico.

Tổng mức đầu tư dự kiến của HAGL Agrico năm 2021 ước khoảng 1.900 tỷ đồng. Sản lượng trái cây năm 2021 dự kiến đạt 154.000 tấn và hơn 11.000 tấn mủ cao su. Doanh thu dự kiến năm 2021 là 2.109 tỷ đồng (trong đó doanh thu trái cây 1.766 tỷ đồng; mủ cao su 343 tỷ đồng).

Về trồng trọt cây ăn trái: Tổng diện tích cây ăn trái đến 31-12-2020 là 13.200ha (trong đó chuối: 5.400ha, xoài 4.000ha, cây ăn trái khác 3.800ha). Kế hoạch trồng mới các cây ăn trái chủ lực đến năm 2023 là 9.700ha (trong đó chuối: 5.200ha, xoài 2.500ha, dứa: 2.000ha). Tổng diện tích vườn cây ăn trái đến hết năm 2023 là 21.800ha và 8.434ha cây cao su.

Về chăn nuôi bò: Tổ chức chăn nuôi bò sinh sản, bò nuôi thịt theo mô hình bán chăn thả và bò vỗ béo tập trung với tổng đàn đến năm 2023 là 110.000 con (trong đó bò sinh sản là 75.000 con, bò nuôi thịt và vỗ béo là 35.000 con).

Tại nước ngoài, HAGL Agrico sẽ trồng mới 1.000ha chuối tại Attapeu - Lào, 1.000ha xoài keo tại Rattarakiri - Campuchia với mức đầu tư ước khoảng 500 tỷ đồng.


An Vũ
Cùng chuyên mục