Hạn hán, xâm nhập mặn ở ĐBSCL có nguy cơ đến sớm, gay gắt hơn
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa có Chỉ thị số 36 về việc chủ động triển khai các biện pháp ứng phó nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trong mùa khô 2020 - 2021 ở ĐBSCL.
"Năm 2020 được dự báo tiếp tục là năm ít nước, dòng chảy lũ về ĐBSCL nhỏ, nguy cơ tiếp tục xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn vào các tháng mùa khô 2020-2021, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và dân sinh ở mức cao đến nghiêm trọng" - chỉ thị của Thủ tướng nêu rõ.
Thủ tướng yêu cầu chủ tịch UBND các địa phương theo dõi sát diễn biến dự báo khí tượng thủy văn, xâm nhập mặn để chủ động triển khai kế hoạch phòng, chống hạn, mặn trong mùa khô 2020-2021.
Bộ NN&PTNT theo dõi diễn biến và dự báo chuyên ngành về nguồn nước, chất lượng nước và xâm nhập mặn, kịp thời cảnh báo cho các địa phương, cơ quan có liên quan và người dân vùng ảnh hưởng để phục vụ công tác chỉ đạo, triển khai các biện pháp ứng phó.
Đồng thời, hướng dẫn các địa phương đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhất là các khu vực không chủ động về nguồn nước, thường xuyên bị hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn sang phát triển nông nghiệp đa dạng, đáp ứng nhu cầu của thị trường, chuyển từ phát triển theo số lượng sang chất lượng.
Theo nhận định của tổng cục Thủy lợi tại Hội nghị sơ kết sản xuất lúa vụ Thu đông, vụ Mùa năm 2020 và triển khai kế hoạch sản xuất vụ Đông Xuân 2020 - 2021 ở các tỉnh Đông Nam Bộ và ĐBSCL, lũ năm 2020 ở khu vực ĐBSCL đang ở mức thấp so với cùng kỳ các năm. Đỉnh lũ chính vụ khả năng ở mức thấp hơn báo động 1.
Hạn hán, xâm nhập mặn có nguy cơ đến sớm ngay trong các tháng cuối năm 2020. Mức độ dự báo sẽ cao hơn, gay gắt hơn nhiều so với trung bình nhiều năm nhưng ít khả năng nghiêm trọng hơn mùa khô 2019 – 2020.
Do đó, các địa phương cần lưu ý về việc cấp nước cho sản xuất vụ lúa Thu Đông và cây ăn trái.
Đối với vụ lúa Mùa trên nền đất tôm lúa, tuy lượng mưa tháng 11, 12 có cao nhưng lũ được dự báo thấp hơn trung bình hàng năm nên mặn có thể xâm nhập sớm. Các địa phương cần có các giải pháp trữ nước để sản xuất.
Đối với vụ Đông Xuân năm tới, lũ thấp sẽ ảnh hưởng đến lượng nước về của mùa khô năm 2020 – 2021. Cụ thể, mặn có khả năng xâm nhập sớm và cao hơn. Vì vậy, các địa phương cần đề phòng và có giải pháp ứng phó kịp thời.
Nam Bộ thắng lớn 2 vụ lúa
Theo thống kê, diện tích sản xuất lúa năm 2020 ở vùng Đông Nam Bộ và ĐBSCL là trên 4,3 triệu hecta. Tuy giảm 31.500 ha nhưng lúa được mùa, năng suất ước đạt trên 60 tạ/ha, tăng 0,75 tạ/hecta.
Tổng sản lượng toàn khu vực ước đạt trên 25,8 triệu tấn, tăng 134.000 tấn so với cùng kỳ năm 2019, xác lập kỳ tích mới cao nhất từ trước đến nay.
Trong đó, vùng ĐBSCL có diện tích gieo sạ trên 4 triệu ha, giảm 27.600 ha, năng suất ước đạt 60,5 tạ/ha, tăng 0,76 tạ/ha. Sản lượng đạt trên 24,4 triệu tấn, tăng 140.000 tấn.
Trong tình hình ảnh hưởng dịch Covid-19 trên phạm vi toàn cầu, ngành nông nghiệp nhận định thị trường tiêu thụ lúa gạo sẽ tốt hơn, mở ra cơ hội cho nông dân vùng ĐBSCL gia tăng sản xuất lúa.
Trong khi đó, vụ Thu Đông, vụ Mùa năm 2020 được đánh giá là thắng lợi cả về năng suất và chất lượng, giá lúa bán cao.
Dự kiến trong tháng 10, các tỉnh vùng ven biển ĐBSCL sẽ lần lượt xuống giống khoảng 400.000 ha.