Hạn mặn chưa từng thấy, 5 tỉnh miền Tây công bố tình huống khẩn cấp
Hạn, mặn chưa từng thấy
Tại Bến Tre, hơn 5.000ha lúa vụ 3 sẽ bị mất trắng. Khoảng 20.000ha cây ăn trái được đặt trong tình huống "báo động đỏ" khi nguồn nước tưới thiếu hụt. Nước khan hiếm đến nỗi tuy sống cạnh ngay Chi nhánh cấp nước Chợ Lách, bà Nguyễn Thị Thu Hương vẫn phải mua từng bồn nước về tưới cho hơn 30 nghìn cây giống của mình bởi nguồn nước sông tại nhà máy bị nhiễm mặn.
Anh Nguyễn Hoàng Hiếu - một nhà vườn tại huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre - nhớ lại: "Đầu tháng 12-2019, chúng tôi cùng nhiều nhà vườn đang tập trung tưới nước, xử lý cho cây chuẩn bị ra bông, phục vụ thị trường tết thì thấy gió chướng thổi rất mạnh.
Mấy ngày sau hoảng hồn khi nước trong các mương vườn độ mặn đã lên đến 4-5‰, không thể tưới tiêu gì được. Đây là hiện tượng rất lạ, ngay cả những bậc cao niên cũng cho biết chưa năm nào nước mặn lại lên sớm và nhanh khủng khiếp đến vậy".
Toàn huyện có hơn 8.000 ha đất trồng cây ăn trái đặc sản như chôm chôm, sầu riêng, măng cụt, bòn bon... với sản lượng hơn 100.000 tấn mỗi năm, cùng hơn 1.000 ha sản xuất cây giống, hoa kiểng đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Cây trái cằn cỗi, khô héo, chết dần vì sốc nước mặn thời gian dài. Nhiều nơi, người dân phải mua nước sông từ các ghe, sà lan chở từ vùng chưa bị mặn về với giá 100.000-200.000 đồng mỗi m3.
Hàng chục năm gắn bó với ngành nông nghiệp tỉnh, tiến sĩ Nguyễn Thanh Liêm (59 tuổi) - Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Chợ Lách nói, "năm nay mặn gay gắt chưa từng thấy". Dự báo tình trạng hạn mặn còn kéo dài hơn một tháng. Ngành nông nghiệp sẽ hướng dẫn bà con dùng mọi biện pháp duy trì sự sống cho cây qua đợt thiên tai này. "Diện đất bị nhiễm mặn phải mất 2-6 năm, thậm chí 10 năm mới rửa hết, tùy theo mức độ, biện pháp phục hồi", ông Liêm cho biết.
Còn tại Cà Mau, chỉ tính từ đầu năm đến ngày 19/2/2020 trên địa bàn toàn tỉnh đã có hơn 18.000 ha các trà lúa bị thiệt hại. Trong đó phân theo tỷ lệ thiệt hại từ 30 đến 70% có hơn 5.500 ha; thiệt hại trên 70% hơn 12.500 ha; phân theo trà lúa, lúa- tôm thiệt hại hơn 15.900 ha; trà lúa Đông- Xuân hơn 2.100 ha; lúa mùa hơn 100 ha; rau màu bị thiệt hại là 3,6 ha.
Diện tích rừng bị khô hạn đến nay hơn 42.800 ha, trong đó khô hạn báo cháy cấp II là 8.160,4 ha; cấp III là 11.450,6 ha; cấp IV là 11.156,3 ha; cấp V là 12.101,5 ha. Trên địa bàn toàn tỉnh hiện có 20.542 hộ gia đình bị thiếu nước sinh hoạt.
Các tuyến đường do cấp tỉnh quản lý đã sụp lún 5 điểm trên tuyến Tắc Thủ - Vàm Đá Bạc, nhiều vết rạn nứt trên tuyến Co Xáng - Cơi Năm - Đá Bạc (huyện Trần Văn Thời); đối với lộ giao thông nông thôn đã có 907 vị trí sụp lún với tổng chiều dài hơn 21.600 m.
Trong 2 ngày 18 và 23/2, tại tuyến đê biển Tây, đoạn từ Đá Bạc về Kênh Mới liên tiếp xảy ra sụp lún mặt đường với chiều dài trên 190 m. Mặt đê bị lún sâu từ 1.8 - 2 m.
Tình trạng ở Tiền Giang cũng nghiêm trọng không kém, hàng chục ngàn hecta cây ăn quả đang "khát nước" trầm trọng. Để cứu cây, nhà vườn phải thuê sà lan chở nước ngọi về tưới. Dân huyện Cai Lậy bơm nước 24/24 từ kênh Ba Muồng vào các con rạch nhỏ để cứu vườn cây. Hàng trăm người liên tục dùng xe tải, xe ba bánh chở từng bồn nước vào các vườn ở xa. Với các vườn cây nằm sâu cạnh các con đường nhỏ, nhà vườn phải chở từng can nước loại 30 lít chỉ để mong cây đừng chết, cầm cự được qua mùa mặn.
"Trước giờ, đây là lần đầu nhiễm mặn nặng như vậy. Dân ở đây khá giả là nhờ trồng sầu riêng. Trồng 4 - 5 năm mới bắt đầu có thu hoạch. Mỗi năm, 1 cây mang về hơn 10 triệu đồng. Giờ mà để cây chết thì thiệt hại nặng lắm, rồi còn phải tốn thời gian dài trồng lại nữa", ông Nguyễn Văn Huynh, 78 tuổi, ngụ huyện Cai Lậy, nói.
Trong khi đó, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Phạm Vũ Hồng cho biết từ giữa tháng 2 vừa qua, địa phương này đã công bố tình huống hạn hán, xâm nhập mặn trên diện rộng thuộc địa bàn tỉnh cấp độ 1 rủi ro thiên tai.
Tại tỉnh Long An cũng đang cấp bách thực hiện các giải bảo vệ an toàn sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho người dân, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại...
Nan giải nước sinh hoạt
Nan giải nhất hiện nay đối với các tỉnh ĐBSCL nằm ở hạ nguồn là nước sinh hoạt. Tại Bến Tre, tình trạng khan hiếm nước sinh hoạt diễn ra từ sau tết nhưng đến nay đã quá sức chịu đựng của người dân.
Trong khi nước máy đã bị nhiễm mặn 4-5‰, không thể tắm giặt thì người dân bắt buộc phải đi mua nước ngọt từ nơi khác chở về với giá cắt cổ, có nơi lên đến 300.000 đồng/m3, dù giá nước máy chỉ khoảng 8.000 đồng/m3.
Có những hộ dân chăn nuôi bò, heo sử dụng cả mét khối nước mỗi ngày như nhà anh Nguyễn Văn Hậu (ở Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre) thì cho rằng không thể cầm cự được nữa bởi số tiền mua nước ngọt đã vượt quá sức chịu đựng. "Chắc đến hết mùa khô, tiền mua nước ngọt lên đến cả chục triệu đồng, đi đứt cả con bò" - anh Hậu nói.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, đến nay miền Tây có khoảng 20.000 ha lúa bị mất trắng do hạn mặn, bằng khoảng 7% so với năm 2016. Đợt hạn mặn lịch sử bốn năm trước (100 năm mới lặp lại) khiến 600.000 người miền Tây thiếu nước sinh hoạt và 160.000 ha đất bị nhiễm mặn, gây thiệt hại hơn 5.500 tỷ đồng. 10 trong số 13 tỉnh, thành phải công bố thiên tai.