Hàng không vẫn đang lao đao có nên cấp phép cho Vietravel Airlines cất cánh?
Đánh giá hồ sơ năng lực của Công ty TNHH MTV Hàng không Lữ hành Việt Nam (Vietravel Airlines), Cục Hàng không Việt Nam cho rằng, hồ sơ của Vietravel Airlines đáp ứng các điều kiện để cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không (bao gồm cả điều kiện về vốn, phương án đảm bảo có tàu bay khai thác, tổ chức bộ máy, phương án kinh doanh và chiến lược phát triển) đồng thời kiến nghị Bộ GTVT thực hiện các thủ tục tiếp theo để cấp Giấy phép cho hãng này.
Theo kế hoạch Vietravel Airlines dự kiến sẽ khai thác tàu bay A320/A321 hoặc B737 với số lượng chỉ 3 chiếc trong năm đầu tiên (bắt đầu từ năm 2021). Số tàu bay của hãng này sẽ tăng dần lên 8 chiếc trong 5 năm tiếp theo. Quy mô đội tàu bay trong 3 năm đầu là 3 - 6 tàu bay và đạt 8 tàu bay vào năm thứ 5, đội tàu bay của Vietravel Airlines chỉ chiếm từ 1,5% - 3% về số lượng trong giai đoạn 2011 - 2023 nên về tổng thể tác động không đáng kể, đảm bảo tính ổn định của thị trường.
Vietravel Airlines cũng đưa ra 4 phương án khai thác, tương đồng với các kịch bản khai thác thị trường hàng không Việt Nam trong giai đoạn 2020 - 2023 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 được Bộ GTVT báo cáo Chính phủ.
Về mô hình kinh doanh, Vietravel Airlines định hướng phát triển là hãng hàng không có hoạt động bay phục vụ khách du lịch là chủ yếu với mạng đường bay gắn với tuyến du lịch trong nước và quốc tế, kết nối nội vùng với các cảng hàng không còn dư nhiều công suất như: Chu Lai, Đà Nẵng, Quảng Nam, Vân Đồn, Hải Phòng...
Sản phẩm của Vietravel Airlines là một bộ phận quan trọng trong sản phẩm của công ty mẹ Vietravel. Theo đó, Vietravel sẽ cung cấp giá tour du lịch bao gồm cả giá vé máy bay với đường bay thẳng, thời gian bay ngắn…
Thông tin về kế hoạch chuẩn bị cho các bước cất cánh, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Vietravel Airlines cho biết, người suy nghĩ tiêu cực sẽ nhìn thấy toàn khó khăn trong cơ hội, những người tích cực sẽ tìm thấy cơ hội trong khó khăn. Cơ hội mà Vietravel Airlines tìm thấy trong thời điểm này chính là việc thuê, mua máy bay giá rẻ hơn nhiều. Trước đây, giá thuê máy bay rất đắt, lịch giao máy bay rất xa.
Tuy nhiên, hậu Covid-19, nhiều hãng hàng không xin hủy, giãn đơn hàng, máy bay nằm sân rất nhiều. Trong bối cảnh đó, chúng tôi có cơ hội lựa chọn dòng máy bay, chủng loại động cơ tân tiến mới và hiện đại hơn so với trước đây với mức giá rất hợp lý, đồng thời có thể nhận máy bay bất kỳ khi nào cần mà không phải chờ đợi.
Theo IATA dự báo, tính đến tháng 5/2019, dịch Covid-19 đã "đốt" gần 50% (xấp xỉ 190 tỷ USD) giá trị vốn hóa của 116 hãng hàng không trên thế giới. Doanh thu hàng không trên thế giới giảm 419 tỷ USD, các hãng hàng không lỗ 84 tỷ USD trong 2020, riêng châu Á - Thái Bình Dương lỗ 29 tỷ đồng. Riêng với Việt Nam, IATA dự kiến các hãng Việt Nam mất đi doanh thủ khoảng 4 tỷ USD trong đó Vietnam Airlines mất hơn 50.000 tỷ đồng.
Dịch Covid-19 khiến hàng không thế giới "tê liệt" khi tháng 4/2020 tổng sản lượng giảm 94%, giảm 91,3% so với năm 2019. Tháng 5 làn sóng covid-19 được kiểm tốt ở Trung Quốc nhưng chưa có diễn biến.
Ngành Hàng không toàn cầu cần 3 năm nữa để trở lại mức của năm 2019. GDP sụt 5-10% quốc gia, mối quan hệ đi lại với GDP trung bình là 2-2,5% tuy nhiên do hiệu ứng sợ hãi Covid-19 và các mệnh lệnh hành chính đã khiến sụt giảm nhu cầu đi lại của hành khách.
Như vậy, với diễn biến dịch Covid-19 vẫn còn đang phức tạp, các hãng hàng không hiện hữu cũng đang phải lao đao thay đổi cách thức hoạt động kinh doanh để cố gắng gượng thoát khỏi thua lỗ, thì việc cấp phép cho Vietravel Airlines vào thời điểm này có hợp lý hay không vẫn đang là một dấu hỏi?