Hapro bán "con" cho ai?
Như đã đưa tin, bà Nguyễn Thị Nga đã không còn là Thành viên HĐQT và Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Thương mại Hà Nội – CTCP (Hapro – mã HTM) từ ngày 11/2/2020.
Cùng với sự rút lui của chủ tướng Tập đoàn BRG, Hapro trước đó trong năm 2019 đã liên tục thoái vốn tại nhiều công ty con sở hữu quỹ đất lớn.
Theo thống kê Nhadautu.vn, Hapro đã thoái vốn tại 5 công ty con, 2 công ty liên doanh liên kết, và 1 doanh nghiệp góp vốn là CTCP Đầu tư phát triển hệ thống phân phối Việt Nam.
Theo thuyết minh BCTC hợp nhất quý IV/2019, nhiều khả năng khoản tiền thoái vốn các doanh nghiệp kể trên được ghi nhận vào doanh thu hoạt động tài chính khác 108,3 tỷ đồng.
Dù tích cực thoái vốn, Hapro tính đến ngày 31/12/2019 vẫn sở hữu nhiều công ty con, công ty liên kết. Cụ thể, doanh nghiệp vẫn đang nắm 4 công ty con là CTCP Rượu Hapro (54,38%), CTCP XNK Thủ công mỹ nghệ và Du lịch thương nhân Hapro (52,5%), CTCP Phát triển siêu thị Hà Nội (88,43%), CTCP Sự kiện và ẩm thực Hapro (51%).
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng đang có 19 công ty liên kết, trong đó gồm nhiều thương hiệu nổi danh như CTCP Vang Thăng Long (40%), CTCP Khách sạn Tràng Thi (30%), CTCP Phát triển thương mại và Du lịch Hà Nội (40%), CTCP Liên hiệp Xuất nhập khẩu và đầu tư Hà Nội (20,15%), CTCP Thủy Tạ (20%),…
BCTC tính toán cho thấy, các khoản đầu tư vào công ty liên kết, liên doanh và nhiều đơn vị khác có tổng giá trị 304,7 tỷ đồng.
Lũy kế hết năm 2019, doanh thu hợp nhất thuần Hapro đạt gần 1.747 tỷ đồng, hoàn thành 47,53% chỉ tiêu kinh doanh. Lãi trước thuế hơn 141 tỷ đồng, vượt 137,6% kế hoạch đề ra.
Ngoài ra, Hapro đến cuối năm 2019 đang sở hữu 3.397 tỷ đồng tài sản. Trong đó, chiếm chủ yếu là các khoản phải thu ngắn hạn (1.077 tỷ đồng), tài sản cố định (576 tỷ đồng), tài sản dở dang dài hạn (673 tỷ đồng).
Bên kia bảng cân đối kế toán, Hapro đang nợ 1.059 tỷ đồng, giảm 39,7% so với số đầu kỳ.
Hapro bán "con" cho ai?
Tìm hiểu của pv, bên nhận chuyển nhượng cổ phần (ít nhất) tại 3 đơn vị là các doanh nghiệp có ít nhiều liên quan tới Tập đoàn BRG.
Đơn cử, với thương hiệu nổi danh CTCP Gốm Chu Đậu Hapro, Hapro ngày 11/3/2019 đã công bố thoái 21% vốn tại Gốm Chu Đậu cho Tập đoàn BRG, giá chuyển nhượng là 13.500 đồng/cổ phần.
Hay với thương vụ thoái vốn tại Hafasco, 2 đối tác nhận chuyển nhượng hơn 3,4 triệu cổ phiếu từ Hapro là Công ty TNHH Xây dựng và Dịch vụ thương mại An Khang; Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Phương Đông. Đây vốn là các pháp nhân có ít nhiều liên quan tới Tập đoàn BRG.
Mối liên hệ tương tự cũng có thể nhận ra trong thương vụ Hapro thoái 99,99% vốn tại CTCP Đầu tư thương mại Hapro Đà Nẵng. Được biết, bên nhận chuyển nhượng là Công ty TNHH Thương mại đầu tư Hòa Lợi và Công ty TNHH Phát triển dịch vụ thương mại Toàn Thắng.
Với vị thế cổ đông chi phối gián tiếp tại Hapro, không quá lạ khi Tập đoàn BRG tích cực tham gia nhận chuyển nhượng cổ phần trong các giao dịch kể trên. Bởi lẽ, chỉ có BRG có thể hiểu rõ nhất hướng đi đứng đắn của Hapro, cũng như tiềm năng của các doanh nghiệp thoái vốn. Do đó, giới đầu tư đánh giá cao các thương vụ này, dĩ nhiên miễn là BRG và Hapro tuân thủ quy định pháp luật, cũng như đảm bảo lợi ích doanh nghiệp.
Ngược lại, việc Hapro bán vốn tại nhiều đơn vị thành viên được kỳ vọng giúp công ty “tái cơ cấu toàn diện hoạt động sản xuất kinh doanh”, ngoài ra Hapro cũng nhờ đó có thêm nguồn tiền dồi dào, đảm bảo nguồn lực tập trung vào mảng kinh doanh cốt lõi.