Hậu sai phạm của cựu Chủ tịch, PGBank "triệu tập" ĐHCĐ bất thường
Ngày hôm nay (15/10), Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PGBank) sẽ họp đại hội đồng cổ đông bất thường. Trong các nội dung họp, ngoài việc thông qua sửa đổi điều lệ ngân hàng còn có bầu thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2019-2020.
Trước đó, ông Bùi Ngọc Bảo đã thôi chức Chủ tịch HĐQT ngân hàng kể từ ngày 23/9/2019 do không còn là Người đại diện phần vốn góp của Tổ chức là Cổ đông của Ngân hàng kể từ ngày 20/9/2019 theo quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 35 của Luật các Tổ chức tín dụng 2010 và Điểm d Khoản 1 Điều 49 của Điều lệ ngày 25/04/2019 của PG Bank.
Sau khi ông Bảo thôi nhiệm, PGBank giao Ông Lê Minh Quốc, Thành viên HĐQT PGBank làm Thành viên phụ trách HĐQT kể từ ngày 23/09/2019 cho đến khi PGBank hoàn tất việc kiện toàn Hội đồng Quản trị nhiệm kỳ mới.
Liên quan đến ông Bùi Ngọc Bảo, tại kỳ họp thứ 39 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương diễn ra trong 3 ngày từ 25 đến 27/9, cơ quan này đã tiến hành kiểm tra dấu hiệu vi phạm đối với Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex).
Ủy ban Kiểm tra Trung ương xác định Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để Tập đoàn có nhiều vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong công tác cán bộ.
Cùng với đó là những sai phạm trong quản lý, sử dụng, bảo toàn và phát triển vốn, tài sản; hoạt động kinh doanh xăng dầu; cổ phần hóa, tái cơ cấu, thoái vốn nhà nước và thực hiện một số dự án đầu tư xây dựng.
Những sai phạm này đã gây hậu quả nghiêm trọng, thiệt hại lớn tiền và tài sản của Nhà nước.
Trong đó, xét về trách nhiệm cá nhân, Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhận định nguyên Chủ tịch HĐQT, nguyên Tổng giám đốc Petrolimex Bùi Ngọc Bảo phải chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn.
Một trong những sai phạm nổi lên là việc Petrolimex tăng vốn đầu tư vào Ngân hàng Xăng dầu Việt Nam (PGBank) 400 tỷ đồng, chiếm 40% vốn điều lệ của đơn vị nhận góp vốn mà không có sự chấp thuận của Bộ Công Thương và Thủ tướng Chính phủ là một trong những sai phạm nằm trong kết luận của Thanh tra Chính phủ, từ 2010 đến tháng 6/2013. Theo báo cáo tài chính bán niên năm 2019 của PGBank, Petrolimex vẫn là cổ đông lớn nhất của PGBank, đóng góp 1.200 tỷ đồng trong tổng vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng của ngân hàng này.
Điều đáng nói, cả ông Bùi Ngọc Bảo, vợ và em trai ông Bảo đều là cổ đông tại ngân hàng này.
Ngoài việc kiện toàn nhân sự, tại đại hội cổ đông ngày 15/10, PGBank cũng trình lên cổ đông thay đổi điều lệ ngân hàng. Theo đó, Chủ tịch Hội đồng quản trị sẽ thay Tổng giám đốc làm người đại diện theo pháp luật của PGBank nhằm phù hợp thực tế vận hành cũng như định hướng, mục tiêu kinh doanh của ngân hàng.
PGBank là ngân hàng đang trong giai đoạn tái cơ cấu. Tại đại hội cổ đông thường niên PGBank hồi tháng 4/015 đã thông qua giao dịch sáp nhập ngân hàng này vào Ngân hàng Thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam (VietinBank).
Tuy nhiên, giao dịch sáp nhập với VietinBank sau gần 3 năm triển khai không mang lại kết quả do 2 ngân hàng không tìm được tiếng nói chung.
Sau cuộc "hôn nhân hụt" với Vietinbank, tháng 4/2018, đại hội cổ đông bất thường của PGBank đã thông qua giao dịch ngân hàng này với Ngân hàng Thương mại cổ phần Phát triển nhà TP HCM (HDBank). Dự kiến cuối năm 2019 hoàn thành việc sáp nhập của hai ngân hàng này.
Quá trình "nín thở" chờ sáp nhập đã khiến nhiều nhân sự của ngân hàng này nghỉ việc, chuyển sang các nhà băng khác. Việc thiếu hụt nhân sự đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh bình thường của PG Bank. Hoạt động của PGBank dưới sự điều hành của ông Bùi Ngọc Bảo diễn ra "cầm chừng".
Về hoạt động kinh doanh, 6 tháng đầu năm 2019, lãi sau thuế của PGBank giảm gần 37% so với cùng kỳ năm ngoài, đạt hơn 50 tỷ, do chi phí dự phòng rủi ro tăng mạnh. Tính đến hết tháng 6, tổng tài sản cũng giảm gần 6% so với đầu năm, ở mức 28.174 tỷ đồng. Tiền gửi của khách hàng giảm 8%, dư nợ tín dụng tăng nhẹ 1%, tỷ lệ nợ xấu tăng từ 3,06% đầu năm lên mức 3,5%. Chưa kể, 950 tỷ đồng nợ xấu nằm tại VAMC.