Hết thời tăng trưởng âm, quy mô kinh tế Đà Nẵng dẫn đầu miền Trung

07/07/2021 16:13 GMT+7
Theo Cục Thống kê Đà Nẵng, quy mô kinh tế trong vùng trọng điểm miền Trung, Đà Nẵng đang dẫn đầu nhưng khá mong manh nếu thành phố không nhanh chóng đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng GRDP lên hơn nữa...

Theo Cục Thống kê TP. Đà Nẵng, 6 tháng đầu năm 2021, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) Đà Nẵng ước đạt 52.857 tỷ đồng, tăng 4,99% so với cùng kỳ năm 2020, tăng 1,05% so với 6 tháng đầu năm 2019, kinh tế thành phố đang dần khôi phục và thoát khỏi mức tăng trưởng âm của năm 2020. Đà Nẵng tiếp tục là đơn vị đứng đầu về quy mô kinh tế trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (so với Quảng Nam 51.973 tỷ đồng, Bình Định 44.730 tỷ đồng, Quảng Ngãi tương đương 42.289 tỷ đồng, Thừa Thiên Huế khoảng 27.000 tỷ đồng), đứng thứ 16/63 tỉnh thành trong cả nước

Trong mức tăng của toàn nền kinh tế trên địa bàn thành phố, khu vực dịch vụ ước tăng 5,34%; khu vực công nghiệp và xây dựng dần lấy lại đà tăng trưởng với mức tăng 2,85%. Riêng khu vực nông lâm thủy sản giảm 0,08% so với cùng kỳ.

Phân tích những số liệu, ông Trần Nam Trung, Phó Cục trưởng Cục Thống kê Đà Nẵng nhận định, khu vực dịch vụ sẽ là điểm sáng, bệ đỡ cho tăng trưởng của cả nền kinh tế TP.Đà Nẵng. Trong đó hoạt động thương mại tăng 8,62%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 7,45%; hoạt động thông tin và truyền thông tăng 3,81%... Đáng chú ý, hoạt động kinh doanh bất động sản tăng 8,69%.

Hết thời tăng trưởng âm, quy mô kinh tế Đà Nẵng dẫn đầu miền Trung - Ảnh 1.

Quy mô kinh tế Đà Nẵng dẫn đầu miền Trung với tổng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 52.857 tỷ đồng. Ảnh: Cục Thống kê Đà Nẵng

Dù vậy, dịch Covid- 19 lần thứ 4 xuất hiện tiếp tục tác động tiêu cực đến kinh tế Đà Nẵng 6 tháng đầu năm 2021 thông qua những con số rõ ràng như chỉ số sử dụng lao động công nghiệp tiếp đà giảm 2,8%; tỷ lệ thất nghiệp 7,27%; có hơn 1.800 doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động, một con số kỷ lục trong nhiều năm qua, hơn 400 doanh nghiệp giải thể, rút lui khỏi thị trường; thu ngân sách không đạt kế hoạch, trong khi vẫn xảy ra tình trạng bội chi.

Phó Cục trưởng Cục Thống kê Đà Nẵng nhận định, kinh tế Đà Nẵng tăng trưởng 4.99% là nhờ nỗ lực điều hành của chính quyền thành phố với sự nỗ lực không ngừng của doanh nghiệp. Trong đó, chính quyền đã đưa ra nhiều chính sách phù hợp để hạn chế thấp nhất việc tạm dừng các hoạt động sản xuất- thương mại- dịch vụ, các hoạt động sản xuất, giao thương cũng như xuất nhập khẩu duy trì được mạch hoạt động liên tục, hầu như không gián đoạn.

Tuy nhiên, Cục Thống kê Đà Nẵng khuyến cáo, quy mô kinh tế trong vùng trọng điểm miền Trung, Đà Nẵng đang dẫn đầu nhưng khá mong manh nếu thành phố không nhanh chóng đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng GRDP lên hơn nữa.

"Mặc dù tăng trưởng kinh tế đã được phục hồi nhưng với tốc độ tăng GRDP 4,99% trong 6 tháng đầu năm 2021, tăng trưởng kinh tế của Đà Nẵng vẫn còn khá chậm so với các thành phố lớn trong cả nước. Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn Đà Nẵng 6 tháng đầu năm 2021 không đạt như kỳ vọng, sơ bộ tính đến ngày 20/6 đạt 10.707 tỷ đồng, giảm 3,5% so với cùng kỳ năm 2020...Tình trạng bội chi ngân sách vẫn chưa thể chấm dứt, tính đến ngày 20/6 là 15.177 tỷ đồng...", ông Trần Nam Trung cho biết.

Hết thời tăng trưởng âm, quy mô kinh tế Đà Nẵng dẫn đầu miền Trung - Ảnh 2.

Thu hút đầu tư trong và ngoài nước của Đà Nẵng tăng trong 6 tháng đầu năm 2021. Ảnh: Cục Thống kê Đà Nẵng

Lý giải việc tổng thu ngân sách Đà Nẵng vẫn giảm, đại diện Cục Thuế Đà Nẵng cho rằng, nguyên do là việc nhiều khoản thu khác ngoài thuế giảm rất sâu, đặc biệt thu tiền sử dụng đất 6 tháng đầu 2021 mới đạt chưa tới 20% so cùng kỳ năm ngoái. Đồng thời, trong 6 tháng đầu năm 2021, thành phố không đưa ra đấu giá dự án, khu đất nào có giá trị lớn.

Đại diện Cục Thuế Đà Nẵng hy vọng trong 6 tháng cuối năm 2021, thành phố sẽ đưa ra đấu giá các khu đất lớn đã có chủ trương, thu tiền sử dụng đất sẽ bù lại cho 6 tháng cuối năm.

Một điều đáng lưu tâm là hiện nay các doanh nghiệp TP. Đà Nẵng đã chủ động thích ứng được với việc vừa sản xuất kinh doanh vừa chống dịch Covid -19 thông qua việc vừa sản xuất vừa chống dịch. Trong đó, các doanh nghiệp tận dụng, tìm kiếm đơn hàng mới thông qua thương mại điện tử, đẩy mạnh tiêu thụ tại thị trường truyền thống; song song duy trì quy trình chống dịch chặt chẽ trong sản xuất để ngăn chặn ngay từ đầu nguy cơ dịch bệnh lây lan trong sản xuất công nghiệp...


Lam Hàn - Đông Phong
Cùng chuyên mục