Hơn 40.000 ca nhiễm virus Corona, nhiều công ty Trung Quốc chưa thể mở cửa trở lại
Đến sáng 10/2, theo số liệu từ Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, đã có 40.554 ca nhiễm virus Corona và 910 ca tử vong được xác nhận trên toàn cầu. Trong đó tại Trung Quốc đại lục, số ca nhiễm virus Corona lên đến 40.171 và số ca tử vong được báo cáo là 908.
Trước tình hình số ca nhiễm bệnh tăng lên nhanh chóng, nhiều nhà máy sản xuất trên khắp Trung Quốc, bao gồm cả đối tác lớn bậc nhất của Apple - Foxconn đã xác nhận chưa mở cửa trở lại hôm 10/2 như dự kiến trước đó. Đối với những doanh nghiệp hoạt động trở lại, người lao động vẫn phải đáp ứng các yêu cầu kiểm dịch trong khoảng 14 ngày.
Sự trì trệ trong sản xuất tại Trung Quốc đã khiến các nhà phân tích đưa ra lời cảnh báo về nguy cơ giảm tốc với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới nói riêng và kinh tế toàn cầu nói chung.
Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán tiếp tục kéo dài
Hồi tuần trước, 21/31 tỉnh thành của Trung Quốc đã cảnh báo các doanh nghiệp không nên bắt đầu hoạt động sản xuất kinh doanh trước ngày 10/2 trong nỗ lực kiểm soát dịch virus Corona đang diễn biến phức tạp. Theo ước tính của CNBC, 21 tỉnh thành này đóng góp hơn 80% trong tổng GDP quốc gia và 90% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn Trung Quốc.
Tình hình “tê liệt” sản xuất tưởng chỉ kéo dài đến 10/2 trước khi các doanh nghiệp, nhà máy hoạt động trở lại. Nhưng đến hôm nay, nhiều địa phương tại Trung Quốc tiếp tục kéo dài kỳ nghỉ Tết Nguyên đán đến ít nhất 1/3, tờ CNBC cho hay.
Một báo cáo từ Morgan Stanley thì cho biết: “Mặc dù có vẻ một phần hoạt động sản xuất kinh doanh tại một số tỉnh thành sẽ mở cửa trở lại vào thứ Hai (10/2), nhưng công nhân trở về từ các địa phương khác vẫn đang trong quá trình kiểm dịch. Một số lĩnh vực như xây dựng, các công việc vẫn đang bị trì hoãn”.
“Không chắc liệu các nhà máy có thể mở cửa sản xuất trở lại trong tuần này hay không khi mà các địa phương vẫn nỗ lực thực hiện công tác hạn chế giao thông và kiểm dịch. Thật vậy, nhiều cơ quan chức năng và doanh nghiệp các tỉnh đang dự kiến trì hoãn kỳ nghỉ Tết Nguyên đán đến 17/2 hoặc muộn hơn… Vẫn còn những ngờ vực xoay quanh việc liệu dịch virus Corona sẽ được kiểm soát trong bao lâu, các dịch vụ sản xuất hàng hóa và vận chuyển sẽ khôi phục hoạt động khi nào”.
Alicia Garcia Herrero, nhà kinh tế trưởng của Châu Á Thái Bình Dương tại Natixis nhận định: “Đây là một đòn giáng lớn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, không riêng với Trung Quốc. Về cơ bản, hãy tưởng tượng các nhà máy ngừng hoạt động trong khoảng một tháng rưỡi và những hệ lụy kèm theo”.
Các doanh nghiệp liên tiếp dời ngày mở cửa trên thị trường Trung Quốc
Foxconn, một trong những đối tác lớn nhất của Apple tại Trung Quốc xác nhận đã có sự chấp thuận của chính quyền để mở cửa sản xuất một nhà máy đặt tại Trịnh Châu, nhưng các nhà máy ở những địa phương khác có vẻ vẫn đang tiếp tục kỳ nghỉ Tết Nguyên đán dài nhất từ trước đến nay, theo tờ Reuters. “Sự chậm trễ sản xuất của Foxconn có khả năng ảnh hưởng đến Apple” - Wedbush Securities nhận định. “Nếu tình trạng này kéo dài, nó có thể là một cú sốc phá vỡ chuỗi cung ứng của Apple và làm chậm thời gian ra mắt các dòng iPhone hay AirPods”.
Hồi tuần trước, Apple cũng tuyên bố tiếp tục đóng cửa các cửa hàng trên toàn Trung Quốc cho đến khi có thông báo tiếp theo nhằm đảm bảo an toàn cho nhân viên và người lao động.
Trong lĩnh vực sản xuất ô tô, Toyota và BMW cho hay sẽ trì hoãn việc mở cửa các nhà máy cho đến ít nhất hết tuần tới, tức hết 16/2 hoặc đến khi có thông báo tiếp theo.
Trong lĩnh vực công nghệ, gã khổng lồ Tencent cũng cho phép nhân viên làm việc tại nhà thêm một tuần nữa, kéo dài thời gian mở cửa doanh nghiệp từ 14/2 sang 21/2.