Hồng Kông bất ổn chính trị, gạo Thái Lan khủng hoảng nghiêm trọng
Thống kê mới đây của Bloomberg cho thấy, kim nghạch xuất khẩu gạo năm nay của Thái Lan đã sụt giảm khoảng 28%. Cụ thể, theo thông báo của Hiệp hội Xuất khẩu Gạo Thái Lan (TREA), nước này đã cắt giảm mục tiêu xuất khẩu năm 2019 từ 9-9,5 triệu tấn xuống còn dưới 8,5 triệu tấn.
Theo đánh giá của giới chuyên gia, nguyên nhân của tình trạng trên một phần do bối cảnh đồng nội tệ tăng gần 10% so với đồng USD kể từ đầu năm. Ngoài ra, sự cạnh tranh gay gắt từ các nhà sản xuất lớn như Ấn Độ, Việt Nam và Trung Quốc cũng ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động xuất khẩu gạo của Thái Lan.
Đặc biệt, Theo các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan nhận định, các cuộc biểu tình ở Hồng Kông, nơi có khoảng 1/2 số gạo trên thị trường thuộc phân khúc cao cấp nhập khẩu từ Thái Lan.
Cụ thể, trước tác động của các cuộc biểu tình, số lượng khách du lịch đến đặc khu này giảm mạnh trong những tháng gần đây, từ 5,1 triệu người trong tháng 7 xuống còn 3,1 triệu người vào tháng 9.
Trước đây, Thái Lan từng xuất khẩu 143.000 tấn gạo sang Hồng Kông trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 9 năm ngoái. Tuy nhiên, trong cùng kỳ năm nay, nước này chỉ xuất khẩu khoảng 127.000 tấn, giảm 11%.
Năm 2016, gạo Thái Lan chiếm đến 64% thị phần gạo Hong Kong, nhưng hiện đã giảm xuống còn 52%.
Ông Charoen Laothamatas, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan (TREA), cho biết: "Gạo trắng cao cấp của Thái Lan phục vụ chủ yếu cho ngành du lịch Hồng Kông. Nhưng chúng tôi chứng kiến ít chuyến hàng đến Hồng Kông trong những tháng gần đây vì nhu cầu từ các nhà hàng và khách sạn giảm".
Ngoài ra, việc gạo Thái Lan đối mặt với sự cạnh tranh dữ dội của Ấn Độ, Trung Quốc và Việt Nam cũng ảnh hưởng không nhỏ đến kim ngạch xuất khẩu. Cụ thể Ấn Độ lai giống gạo và Việt Nam phát triển loại gạo trắng, mềm đã khiến gạo hoa nhài Thái Lan mất đi sức hấp dẫn trên thị trường quốc tế.
Bên cạnh đó, theo Bloomberg nhận định, giá gạo trắng của Trung Quốc chỉ vào khoảng 300 USD/tấn, rẻ hơn nhiều so với gạo Thái Lan, do đó, trong năm nay, xuất khẩu gạo của Trung Quốc tăng tới 56%.
"20 năm trước, chúng tôi không có đối thủ. Nhưng bây giờ, sự cạnh tranh xuất hiện ở khắp mọi nơi, từ Ấn Độ, Pakistan, Myanmar và cả Campuchia", ông Laothamasta thừa nhận.
Ngoài những nguyên nhân kể trên, nhiều ý kiến cho rằng, ngày từ năm 2012, Thái Lan bị Ấn Độ soán ngôi vị trí nhà xuất khẩu gạo đứng đầu thế giới. Nguyên do là vì chương trình trợ giá lúa gạo gây tranh cãi của chính quyền cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra.
Cụ thể, khi đó, chính phủ Thái Lan đã mua gạo từ nông dân với giá cao, khiến giá sản phẩm tăng lên trên thị trường thế giới, từ đó dẫn đến nhu cầu giảm.
Theo đánh giá của ông Nipon Puapongsakorn, một nhà nghiên cứu tại Tổ chức Nghiên cứu phát triển Thái Lan, chương trình trợ giá lúa gạo của chính phủ là nỗ lực thiển cận nhằm duy trì năng suất và khả năng cạnh tranh của ngành nông nghiệp Thái Lan.
Chia sẻ với tờ South China Morning Post (Hồng Kông), Ông Puapongsakorn cho biết: "Ngân sách dành cho các chương trình trợ giá cao hơn nhiều so với chương trình nghiên cứu về lúa gạo có thể giúp Thái Lan duy trì khả năng cạnh tranh trong dài hạn".
Cũng theo nhà nghiên cứu này thông tin thêm, việc Ấn Độ phát triển gạo thơm và Việt Nam nghiên cứu gạo trắng mềm để xuất khẩu khiến gạo Jasmine thơm của Thái Lan mất đi sức hấp dẫn đối với thị trường quốc tế.
Nhiều doanh nghiệp gạo tại Thái Lan cũng đánh giá, nhu cầu thị trường thấp hơn không hoàn toàn do tình trạng bất ổn tại Hồng Kông mà do gạo Jasmine Thái Lan trở nên quá đắt đỏ. Hạn hán ở nhiều vùng của Thái Lan trong năm nay cũng khiến sản lượng gạo Jasmine giảm.
Được biết, ngành công nghiệp sản xuất gạo được xem là rất quan trọng đối với Thái Lan, ảnh hưởng khoảng 30% dân số trong tổng số 69 triệu dân. Lĩnh vực này cũng là tâm điểm chính trị ở Thái Lan khi cử tri nông dân có ảnh hưởng chính trị đáng kể.