HSBC: Vốn FDI vẫn ào ạt vào Việt Nam trong năm tới
Nhà phân tích Joseph Incalcaterra của HSBC Global Research nhận định Việt Nam và Singapore là “hai quốc gia nổi bật nhất theo chiều hướng tích cực khi nói về các quốc gia kiểm soát Covid-19 và triển khai phân phối vaccine một cách trật tự”.
Ông Joseph Incalcaterra cho hay Singapore đã “kiểm soát thành công các đợt bùng phát dịch bệnh trước đó. Vào thời điểm mà hầu hết các quốc gia trên thế giới đang tái thắt chặt những hạn chế kiểm dịch thì Singapore là quốc gia hiếm hoi đi ngược dòng”. Đảo quốc sư tử biển hiện đang bước vào giai đoạn 3 của quá trình mở cửa trở lại nền kinh tế. Chính phủ Singapore đã cho phép các cuộc tụ tập lên tới 8 người thay vì mức 5 người như trước đây. Các điểm du lịch cũng được phép tăng công suất hoạt động từ 50% lên 65%.
Nhà kinh tế trưởng phụ trách các vấn đề ASEAN cũng khen ngợi chiến lược phân bổ vaccine hiệu quả của Singapore. “Nhờ lượng dân số tương đối thấp, Singapore đang đứng trước triển vọng cực kỳ tươi sáng (trong việc tiêm vaccine Covid-19 cho toàn bộ dân số) trong năm 2021”.
Thủ tướng Lý Hiển Long từng tuyên bố sẽ cung cấp đủ vaccine Covid-19 cho mọi người dân Singapore vào quý III/2020. Singapore cũng là quốc gia đầu tiên ở châu Á nhận được lô hàng vaccine do Pfizer phối hợp cùng BioNTech phát triển vào ngày 21/12 vừa qua.
Nói về Việt Nam, chuyên gia từ HSBC Global Research ca ngợi năng lực xử lý đại dịch của nước ta ngay từ thời điểm đầu dịch bệnh bùng phát. Ông Joseph Incalcaterra nhấn mạnh thành công đó chính là tiền đề vững chắc để Việt Nam duy trì sức hấp dẫn với các luồng vốn FDI nước ngoài.
“Cho đến nay, Việt Nam vẫn được coi là một trung tâm sản xuất thay thế của các công ty đa quốc gia, những người muốn chuyển dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc… Chúng tôi nhận thấy thực tế rằng dòng vốn FDI vào Việt Nam vẫn rất mạnh mẽ trong năm tới”.
Tuy nhiên, nhìn chung trên cả khu vực Đông Nam Á, triển vọng phân phối vaccine Covid-19 sớm là khá tiêu cực do các thách thức trong vấn đề hậu cần. “Rất khó có khả năng một lượng lớn dân số Đông Nam Á được tiêm chủng trong năm 2021”. Về mặt kinh tế, Đông Nam Á cũng là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề từ cuộc khủng hoảng đại dịch trong năm nay, theo ông Joseph Incalcaterra. “Động cơ tiêu dùng truyền thống của các nền kinh tế đã bị tổn hại… Dựa trreen mức độ thiệt hại nặng nề đó, chúng tôi không thấy khả năng phục hồi rõ ràng trong ngắn hạn”.
Chuyên gia kinh tế từ HSBC cho biết triển vọng xuất khẩu điện tử là tương đối sáng sủa, nhưng chưa bù đắp được tiêu dùng và đầu tư trì trệ trong khu vực. Thêm vào đó, với các quốc gia đang theo đuổi những dự án phát triển cơ sở hạ tầng tham vọng, sự đình trệ dự án gây ra bởi đại dịch Covid-19 có thể kéo theo nhiều thách thức lớn.
“Cho đến chừng nào đại dịch Covid-19 được kiểm soát thành công, chúng tôi không nhận thấy động cơ đầu tư phục hồi ở khu vực này. Tôi nghĩ đó là thách thức lớn nhất với tăng trưởng kinh tế Đông Nam Á trong ngắn hạn”.