HSBC "gợi ý" chiến lược giúp doanh nghiệp kỹ thuật số "hái quả ngọt"
Thị trường số đang nở rộ tại ASEAN…
Theo báo cáo, mặc dù đang trong giai đoạn được xem là "mùa đông gọi vốn", Đông Nam Á vẫn là nơi có nền kinh tế số phát triển nhanh nhất thế giới: nền kinh tế số của khu vực đã gia tăng 12% vào năm ngoái và dự kiến sẽ ghi nhận tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm là 16%, đạt giá trị gần 1 nghìn tỷ USD cho đến năm 2030. Tiềm năng này được thúc đẩy một phần nhờ dân số 700 triệu người của ASEAN, phần đông là dân số trẻ, có giáo dục và am hiểu công nghệ, và tập người tiêu dùng thuộc tầng lớp trung lưu đang tăng trưởng.
Thông qua các cuộc thảo luận với khách hàng, gần đây nhất là tại Hội nghị Đầu tư Toàn cầu do HSBC tổ chức trong tháng 4, nhóm chuyên gia cũng nhận thấy thị trường ASEAN trở nên ngày càng hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư. Nhận định này cũng được phản ánh qua kết quả khảo sát gần đây HSBC thực hiện với các doanh nghiệp hoạt động tại ASEAN, 74% trong số họ có ý định tăng cường đầu tư vào khu vực này trong năm 2024.
Quá trình tăng tốc số hóa trong khu vực đã được thúc đẩy và hỗ trợ nhờ các chương trình của Chính phủ, từ Singapore đến Indonesia, Việt Nam, Thái Lan, Philippines và Malaysia. Một quỹ tài trợ mới của chính phủ trị giá 1,3 tỷ USD đã được công bố trong Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN - Australia tại Melbourne vào đầu tháng 3. Quỹ này sẽ cung cấp các khoản vay, bảo đảm tài chính, vốn và bảo hiểm cho các dự án thúc đẩy hành lang thương mại ASEAN-Australia.
Tất cả các yếu tố trên tạo nên những cơ hội tuyệt vời cho các doanh nghiệp kinh tế số. Đó là những triển vọng đặc biệt xán lạn dành cho thương mại điện tử, dịch vụ tài chính số, công nghệ y tế, công nghệ xanh, hệ sinh thái xe sử dụng năng lượng sạch và trí tuệ nhân tạo.
…và Việt Nam
Nhìn cận cảnh vào Việt Nam, đây là nền kinh tế số tăng trưởng nhanh nhất ASEAN vào năm 2022, 2023 và dự kiến sẽ duy trì vị trí này cho đến năm 2025. Việt Nam cũng được dự báo sẽ sở hữu 67,3 triệu người dùng điện thoại thông minh vào năm 2026, chiếm 96,9% người dùng internet. Việt Nam đã trở thành thị trường đi đầu trong ngành công nghiệp số đối với các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Sự phát triển của nền kinh tế số của Việt Nam tiếp tục gây ấn tượng, vào năm ngoái, lĩnh vực này đã đóng góp 16,5% vào GDP, với hơn 1.500 doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam ghi nhận doanh thu từ thị trường nước ngoài, tăng hơn 7% so với năm 2022.
Trong khảo sát gần đây của HSBC, 60% doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam cho biết họ dự định đầu tư vào công nghệ và số hóa cho hoạt động kinh doanh hiện tại, với trọng tâm là thanh toán số, thương mại điện tử và trí tuệ nhân tạo. Những công ty này tin rằng việc ứng dụng và nâng cao dịch vụ số sẽ giúp họ đáp ứng được kỳ vọng của khách hàng về sự tiện lợi và cải thiện hiệu quả hoạt động.
Trong bối cảnh này, nguồn vốn đã trở thành huyết mạch đối với các công ty đổi mới. Do đó, HSBC đã tăng cường các dịch vụ của mình dành cho các công ty kinh tế số thông qua việc ra mắt Quỹ Tăng trưởng ASEAN trị giá 1 tỷ USD. Quỹ có mục đích hỗ trợ tài chính cho các công ty kinh tế số có khả năng sinh dòng tiền bền vững, kể cả khi không đạt được các chỉ số tài chính truyền thống.
Nhóm chuyên gia HSBC cho biết, họ hiểu rằng lợi nhuận không phải lúc nào cũng phản ánh tiềm năng của một doanh nghiệp ở giai đoạn đầu, do vậy, họ chọn cách tiếp cận dài hạn khi đánh giá tiềm năng tăng trưởng của các công ty thông qua các chỉ số hoạt động chính, kế hoạch tăng trưởng và chiến lược thu hút khách hàng.
Chiến lược thông minh
Để duy trì sự tăng trưởng, các công ty kinh tế số sẽ cần tập trung vào việc kiểm soát chi phí và tăng doanh thu. Họ cũng phải xem xét lại cách tiếp cận của mình với việc gọi vốn để quản lý chi phí vốn và đảm bảo doanh nghiệp sẽ trụ vững lâu dài.
Tăng cường hợp tác với những đối tác ở các thị trường khác cũng cho phép doanh nghiệp mở rộng phạm vi hoạt động xuyên biên giới hoặc phát triển năng lực của họ mà không cần phải tự mình đầu tư một khoản lớn. Lựa chọn đối tác phù hợp cũng có thể tăng cường uy tín cho doanh nghiệp, gia tăng sức hấp dẫn đối với khách hàng và - đặc biệt liên quan trong bối cảnh hiện tại – khiến doanh nghiệp trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư tiềm năng.
Các sáng kiến trong khu vực cũng phù hợp với các mục tiêu đề ra trong Kế hoạch Tổng thể kỹ thuật số ASEAN 2025 do Hội nghị Bộ trưởng Kỹ thuật số ASEAN thông qua vào đầu năm nay.
Khi nền kinh tế số của ASEAN mở rộng, thương mại điện tử xuyên biên giới cũng sẽ tạo ra cơ hội tăng trưởng cho cả các doanh nghiệp kinh tế mới lẫn truyền thống. Việc giúp khách hàng dễ dàng thanh toán thông qua các nền tảng số của doanh nghiệp có thể là một yếu tố quan trọng tạo ra doanh thu trong những năm tới.
Mùa xuân thịnh vượng phía trước
Hai năm vừa qua đã chứng kiến nhiều thử thách trong hoạt động tìm kiếm nguồn vốn cho các doanh nghiệp kinh tế số, nhưng chúng ta có nhiều lý do để lạc quan hơn vào năm 2024.
Sự phục hồi kinh tế đang thúc đẩy tiêu dùng trong nhóm 670 triệu dân đang ngày càng thịnh vượng hơn, khi trung bình cứ hai giây lại có một người tham gia vào tầng lớp trung lưu. Khu vực ASEAN sở hữu một trong những tỷ lệ ứng dụng kỹ thuật số cao nhất thế giới, trong khi thương mại điện tử đã vượt qua cột mốc doanh thu 100 tỷ USD vào năm ngoái.
Các phương pháp tiếp cận tài chính tiên tiến và những điều kiện cơ bản mạnh mẽ của khu vực sẽ giúp thúc đẩy tham vọng phát triển của các doanh nghiệp tại ASEAN. Và Việt Nam, với vai trò là một trong những thành viên của khối, chắc chắn sẽ được hưởng lợi.